Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

MẸ TÔI CHỈ CÓ MỘT TRÊN ĐỜI



Ảnh tải trên mạng


        Ảnh của bà mẹ trong tấm hình ở trên là tôi tải từ mạng về. Viết về mẹ của mình thì lẽ ra phải là hình của mẹ. Nhưng vốn biết tính mẹ sống khép mình nên tôi chọn ảnh minh họa từ mạng. Thứ nhất là mẹ tôi có nét lam lũ, chân quê như bà mẹ trong tấm ảnh này. Thứ hai là tôi muốn giữ lấy hình ảnh của mẹ cho riêng mình. Úi chà! Tôi ích kỷ quá phải không ?

        Thật ra, tôi đã viết về mẹ mình từ cách đây hai năm. Vừa rồi do lưu bài vào đĩa USB nhầm lẫn trong thao tác, quên là có hai bài viết cùng tên, nên tôi đã xóa mất bài viết mà tôi vô cùng yêu thích và trân trọng. Tôi buồn thiu và ngay lúc đó đã đặt quyết tâm sẽ viết về mẹ một lần nữa. Còn có bài viết nào hay hơn là bài viết về mẹ của mình, cho dù đó có thể là bài viết chưa đạt về ngôn từ, lập luận, cú pháp... Nhưng chắc chắn đó sẽ là bài viết đã gói trọn một niềm kính yêu và biết ơn mà  bất cứ đứa con nào cũng sẽ làm như vậy. Tôi chỉ mong sao mọi người hãy thông cảm cho tôi, đừng cảm thấy nhàm chán khi phải đọc lại bài viết này vì nó có thể củ rích với bạn nhưng với tôi nó luôn mới mẻ và mang đến cho tôi biết bao tự hào về mẹ của mình.


        Mẹ tôi cũng bình thường như bao bà mẹ khác. Một phụ nữ chân quê, suốt cả đời chỉ biết yêu thương gia đình và hy sinh tất cả cho chồng con. Là con nhà lao động, thuở nhỏ không được cha mẹ cho đi học vì phải ở nhà trông cháu. Mẹ tôi ham học lắm và thường hay bế cháu đứng nhìn các nữ sinh trường áo tím  đi học mà thèm thuồng và ước mơ mình cũng được như vậy. Có lẽ vì thế mà sau này khi có con, mẹ tôi đã đặt quyết tâm bằng bất cứ giá nào cũng phải lo cho các con ăn học tới nơi tới chốn. Để thực hiện ước mơ của mẹ, tôi là người nhận sứ mệnh thi vào trường áo tím đó. Gia Long vào những năm 1967, 1968 là một Trường Nữ Trung học danh tiếng của Sài Gòn. Tôi con nhà quê, từ một tỉnh lân cận là Bình Dương về thi nên tôi đã không thực hiện được điều mẹ hằng ấp ủ. Tôi bị đánh hỏng vì bài luận văn quá mới lạ mà tôi không có một chút hiểu biết nào cả. Đề thi là hãy kể lại một chương trình trên ti vi phát sóng trong tuần mà em yêu thích nhất. Nơi tôi ở còn xài đèn dầu, radio là phương tiện giải trí duy nhất. Ti vi hình thù ra sao tôi còn chưa biết thì làm sao mà biết nó có những chương trình nào? Tôi đã bật khóc ngay trong phòng thi vì biết mình không thể nào làm tròn ước mơ của mẹ...


        Mẹ tôi là con út nên được các anh chị phân cho nhiệm vụ chăm sóc bà ngoại lúc tuổi già. Ngoại già rồi nên sinh tật, hay hờn mát và khó tính nhưng mẹ tôi luôn chiều chuộng bà hết mực. Hàng ngày, mẹ nấu những món ăn bà ngoại ưa thích và nấu theo kiểu người già ăn nên bao giờ cũng động viên chúng tôi cố gắng ăn theo. Những món ăn ngon nhất bao giờ mẹ cũng ưu tiên dành phần cho bà và bao giờ cũng nói với chúng tôi câu :" Ngoại già rồi, chúng ta nhường cho bà. Các con còn nhỏ còn thiếu gì ngày ăn ! ".

        Mẹ tôi rất có hiếu với bà ngoại và bảo vệ bà một cách không khoan nhượng với cả thế giới vô hình. Lúc đó, ở tuổi ngoài tám mươi, bà ngoại bắt đầu lú lẩn và thường làm những việc khó hiểu. Bà hay nhìn thấy ma quỷ và có những hành động mà một người bình thường không ai làm cả. Một lần đang nằm võng ngoài hiên nhà, bà ngoại bỗng chắp tay van xin ai đó đừng bắt bà đi. Mẹ tôi nhìn thấy, tức tốc từ nhà sau chạy lên, cầm theo con dao phay và nói với giọng cương quyết : " Các người có đi ngay cho không ? Tôi sẽ không để yên nếu các người còn làm mẹ tôi phải sợ hãi!". Rồi mẹ ôm lấy bà ngoại mà vỗ về như với một đứa trẻ. Sau đó, bà ngoại liên miên leo lên đầu tủ áo, chui vào tủ rồi không biết đường ra, nửa đêm mở cửa nhà ra mương ngồi khóc dưới cơn mưa vì đi lạc mà không biết đường về nhà ... Mẹ tôi có vẻ bồn chồn, lo lắng rồi sau đó lập một hương án giữa trời cầu cho ngoại tôi sống thêm một kỷ , chờ ngày anh chị tôi ra trường đi làm để mẹ có điều kiện báo hiếu cho bà và bù lại, mẹ tôi bằng lòng bớt mười năm tuổi thọ của mình cho ngoại. Có lẽ do lòng hiếu thảo của mẹ động đến thiên đình nên ngoại tôi không còn bị quấy phá và sống thọ thêm năm năm nữa. Cuối cùng bà ngoại mắc chứng bệnh mạch lươn ăn luồng bên trong gò má, chắc là một dạng của ung thư. Thời gian ngoại bệnh, mẹ chạy đôn chạy đáo, đưa bà đi bệnh viện để chữa trị, tây y đông y không bỏ một phương thuốc nào. Cuối cùng bệnh ngoại ngày càng nặng, vết thương ăn thủng ra tới nên ngoài, bác sĩ lắc đầu và mẹ tôi không còn cách nào là đầu hàng số phận.


        Ngày ngoại mất, một ngày mưa dầm ảm đạm vào cuối tháng năm âm lịch. Mẹ không khóc lấy một tiếng mà một mình cáng đáng hết việc lo đám cho bà. Chỉ đến khi cổ quan tài của ngoại hạ huyệt, mẹ mới bật ra tiếng khóc nghẹn ngào... Mẹ tôi hốc hác và tiều tụy một thời gian dài sau đó. Mẹ không cho người ta mang đi thiêu hủy hết vật dụng của bà mà giữ lại một phần lớn để làm kỷ vật. Vào những chiều mưa tầm tã, mẹ nhớ bà và thường ngồi một mình lặng lẽ. Có lúc, mẹ lại mang chiếc túi vải đựng những chiếc răng đã rụng lúc già của ngoại ra săm soi thật lâu trong im lặng, đôi mắt buồn thăm thẳm hướng về một cõi nào đó dường như xa xăm lắm... 


        Mẹ cúng thất cho bà thật là chu đáo, đủ cả bảy thất cho giáp bốn chín ngày mới thôi. Nhà nghèo, ngoài ba thất chính là có mâm cơm đạm bạc, còn những thất khác chỉ có bình bông sen hái ngoài ao nhà và đĩa trái cây nho nhỏ. Lòng hiếu thảo của mẹ cũng động lòng vị sư thầy chuyên cúng đám. Có những hôm sư thầy đã đến nhà mà mẹ chuẩn bị mâm cơm chưa xong vì chỉ có một mình, thầy phụ mẹ chưng bông, trái cây, sắp dọn đồ cúng và không bao giờ chịu mang oản về, bảo để lại cho các cháu và còn bớt thù lao tụng đám cho ngoại nữa.


        Mười năm sau ngày ngoại mất, cậu tôi hốt cốt ông bà ngoại và mang gửi vào chùa. Đêm trước ngày hốt cốt, mẹ ngồi gần như trắng đêm để ngắm nhìn những chiếc răng của bà ngoại. Ngày hôm sau, mẹ quyết định bỏ những chiếc răng đó vào hủ cốt và nói rằng : " Thôi, ta gửi chúng theo ngoại để bà ra đi cho trọn vẹn ".


        Ngày các con còn nhỏ, lúc đó chỉ mới có anh và chị tôi thôi, mẹ tôi đã phải bươn chải nuôi con vào những lúc chồng thất nghiệp hay làm ăn thua lỗ. Mẹ có ít vốn liếng và sức yếu nên chọn việc buôn bán nhỏ cho hợp với hoàn cảnh của mình. Thúng bánh mì bán trước cổng trường cũng đủ đắp đổi qua ngày cho một gia đình nhỏ. Những ngày ế hàng, mẹ bán rẻ để thu lại đồng vốn nên không mua thức ăn như mọi khi. Tới bữa ăn, mẹ chan nước cá hộp bán còn dư vào tô cơm cho các con còn mẹ ăn cơm với muối ớt. Anh tôi nhìn thấy mẹ ăn nhiều lần như vậy nên thắc mắc thì mẹ cười và nói vì mẹ thích ăn như vậy. Còn quá nhỏ để hiểu biết, anh tôi tưởng thật nên ôm lấy cổ mẹ và nói : " Sau này lớn lên, đi làm có tiền con sẽ mua cho mẹ một thúng ớt để mẹ ăn cho đã luôn ". Có lẽ do suy nghĩ, lo toan nhiều cộng thêm ăn uống kham khổ như vậy mà mẹ tôi mang căn bệnh bao tử mãn tính.


        Mẹ tôi rất chịu thương chịu khó và khéo tay vô cùng. Bất cứ vật gì trong nhà hư hỏng, mẹ tôi cũng có thể sửa chữa được và nhìn còn có duyên hơn lúc ban đầu. Con dao bào hư mà không còn có thể sửa được nữa thì mẹ sẽ biến nó thành hai con dao nhỏ khác. Cái bay làm hồ sử dụng lâu ngày mòn dẹt, mẹ sẽ tra lại cán dài ra để làm một cái sủi cỏ rất đặc biệt và tiện lợi vô cùng. Ngay lúc chúng tôi đã đi dạy cả rồi, một lần các bạn đồng nghiệp đến nhà chơi đã phải phì cười và thán phục sáng kiến của mẹ tôi khi bà xâu những chai dầu ăn một lít thành một ống dẫn nước từ máng xối trên cao xuống đất để nước mưa không làm xói mòn nền sân. Mẹ tiết kiệm từng đồng và luôn dạy chúng tôi không được hoang phí. Thương mẹ quanh năm lúc thúc trong nhà, không được ăn món ngon vật lạ, vào những ngày lãnh lương hay có thêm tiền phụ trội, tôi mua món gì về cho mẹ đều phải nói giảm bớt giá tiền cho mẹ đỡ xót mà vẫn bị cằn nhằn và dặn là lần sau không được mua nữa. Còn vật dụng cá nhân mà mua cho mẹ phải chọn loại nền nã, bình dân nhất mà phải nhớ là nói bằng một nửa giá thì mẹ mới chịu nhận chứ bằng không mẹ bắt mang đi trả thì thiệt là chẳng biết phải làm sao? Mẹ xài đồ cẩn thận nên rất lâu hư hỏng, lại thêm tính ngăn nắp nên đồ dùng của mẹ từ quần áo, chăn gối, khăn khiếu... cái nào cũng sạch sẽ và thơm tho _  một mùi thơm mà chỉ riêng mẹ mới có được. Ngày chúng tôi còn nhỏ, dù nhà nghèo đến đâu, mẹ cũng cố gắng may cho các con một bộ đồ mới để mặc vào ngày mùng Một Tết cho hên. Quần áo cả nhà được mẹ ngâm và giặt giũ cẩn thận, khi phơi phóng được giũ cho thật thẳng, lúc gấp lại có bàn tay của mẹ vuốt cho phẳng phiu nên nhìn chúng tôi lúc nào cũng thật gọn gàng, tinh tươm trong sự chăm sóc của mẹ. Mẹ rất thương người nghèo, có món gì ngon cũng hay chia xẻ cho chòm xóm. Mỗi năm, mẹ soạn những quần áo cũ mà chúng tôi mặc không vừa nữa để giặt sạch sẽ, ủi láng rồi mang cho những đứa trẻ trong xóm mà cha mẹ chúng phải ăn nhờ ở đậu hoặc chạy ăn từng bữa.


        Mẹ tôi đặc biệt rất thương các con vật nuôi trong nhà và dường như hiểu được chúng muốn gì qua tiếng kêu hay cử chỉ. Vào những năm khó khăn nhất, nhà tôi có nuôi một con chó cỏ tên là Misa. Lúc Misa sắp sinh con cứ loanh quanh tìm chỗ làm ổ, mẹ tôi nhìn thấy và hiểu Misa cần gì nên đã dọn chỗ chất củi trong gầm bếp cho gọn lại và chỉ cho Misa bảo vào trong đó mà đẻ con. Misa làm đúng như vậy và sinh ra năm chú chó con rất xinh xắn. Bầy chó con ngày càng lớn, nhà không đủ cơm để nuôi nên cuối cùng mẹ phải mang mấy mẹ con Misa đổi lấy hai kilô cao lương đủ cho cả nhà một ngày no lòng. Sau này, mẹ cứ nhắc mãi về mẹ con Misa, coi như mình đã có lỗi khi đã lừa bắt chúng cho vào bao bố, chờ người đổi chó đi ngang nhà để đổi lấy bữa cơm vào một ngày nhà không còn lấy một hạt lương thực nào cả. Nỗi ám ảnh về Misa làm lòng mẹ đau đớn và mẹ âm thầm chịu đựng nên rất lâu về sau nhà tôi mới nuôi lại chó và mỗi khi chúng bị bệnh, mẹ chăm sóc rất chu đáo, lỡ chúng có chết đi, chính tay mẹ mang chôn một cách cẩn thận và không quên bó theo cho chúng ít vàng mã giống như là đối với một con người vậy.

        Mẹ tôi là một phụ nữ giỏi chịu đựng và rất vị tha. Mẹ hy sinh cho chồng con mà chưa một lời ta thán. Bố tôi vốn là người bướng bỉnh, thất thời lỡ vận nên hay bỏ nhà đi làm ăn xa có khi vài ba tháng mới về thăm nhà một lần. Mặc cho họ hàng xì xào, bàn tán, mẹ tôi vẫn đặt một lòng tin tuyệt đối vào bố. Lúc nào mẹ cũng dạy bảo chúng tôi phải luôn kính trọng và thương yêu bố dù bố hay vắng nhà, ít khi gần gũi với con cái. Nhà dì đất rộng mênh mông, cứ lâu lâu lựa ngày nắng ráo, mấy mẹ con lại ra vườn quơ củi để dành chụm dần. Chỗ chúng tôi nhặt củi cách xa mặt đường hàng mấy trăm mét mà còn khuất mất tầm nhìn vì cây cối rậm rạp. Vậy mà nhiều lần mẹ bảo là bố về và nói chúng tôi chạy ra đón bố thì in như đúng phóc là như vậy. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể lý giải được về chuyện này ? Bố tôi đi về thất thường và không bao giờ hẹn trước vậy làm sao mẹ có thể đoán được chính xác là bố đã về, nhất là đúng đến từng thời khắc? Có lẽ là do tình yêu sâu đậm của mẹ dành cho bố đã khiến mẹ có được linh tính nhạy bén đến như vậy!

        Mẹ tôi là người đức độ. Nhiều người nói như vậy khi được tiếp xúc với bà dù chỉ là lần đầu. Ngay cả một người chưa gặp mẹ tôi lần nào, chỉ cần chúng tôi cung cấp tuổi tác, địa chỉ nhà, họ cũng đều nói mẹ tôi là người nhân đức. Tôi không hiểu vì sao họ đoán như vậy nhưng tôi chỉ biết là mẹ mình hiền lành và tốt bụng. Những năm khó khăn, mẹ tận dụng mảnh đất trước nhà để trồng trọt, gieo mướp và cho dây bò lên hàng rào. Đến lúc ra quả, nhìn những trái xanh non thật là thích mắt. Mẹ tiếc không dám ăn và cũng muốn chờ cho chúng lớn hơn chút nữa. Vậy mà mới sáng ra đã có người hái trộm ngay trước mặt. Nhìn họ bức vội vàng những quả mướp non, cuống còn đung đưa với một phần thân bị gãy để lại, tôi tức quá hỏi : " Sao mẹ không la khi thấy họ bẻ của mình vậy ? ". Mẹ tôi nhìn theo bóng họ đi xa rồi nói : " Thôi con, nhìn họ lam lũ, rách rưới thế kia thì chắc là còn khổ hơn cả mình. Thôi cho họ đi! Họ ăn cũng như mình ăn vậy con à !".

        Mẹ tôi nói chuyện rất có duyên. Được nhìn mẹ cười múm mím, mắt mẹ long lanh và những điều mẹ nói thì tôi luôn bị cuốn hút vào đó. Mẹ nói năng từ tốn, mẹ phân tích vấn đề rất chí tình chí lý nên ngay kẻ hung dữ, muốn ra oai hiếp đáp mẹ cũng phải làm thinh im tiếng và bỏ cuộc. Tôi ước ao mình được giống mẹ ở nét duyên đó và cả sự khéo léo nữa mà xem chừng chúng tôi không làm sao có thể giỏi giang như mẹ được cả.

        Mẹ tôi là người không hề bị tiền bạc, vật chất cám dỗ. Cái thuở anh chị tôi mới lớn, cả xóm, cả họ cho con đi làm sở Mỹ vì kiếm tiền ở đó rất dễ. Mẹ tôi thì nhất định không, cứ khư khư sống trong nghèo khó với quyết tâm cho con ăn học nên người và có một nghề nghiệp chân chính để nuôi thân. Dì tôi có mấy cô con gái làm sở Mỹ tuy được nhiều tiền, thường xuyên mang quà bánh về nhà nhưng cũng nhiều cái không hay. Dì trách mẹ tôi nghèo mà bày đặt giữ danh giá, mẹ tôi chỉ làm thinh nhưng vẫn không thay đổi cách sống. Mẹ thường bảo với chúng tôi : " Nghèo cho sạch, rách cho thơm, con ạ! ". Con cái trưởng thành và thành lập gia thất đều theo ý nguyện, mẹ không bao giờ vì sự ham hố giàu sang, vật chất mà ép uổng hôn nhân con cái. Mẹ thường dạy chúng tôi cái giá phải trả cho vật chất, tiền tài và danh vọng là cả một đời người. Mẹ mong các con luôn ghi nhớ câu : " Giá trị của một con người không có bất kỳ một thứ vật chất, tiền bạc nào trên đời có thể đánh đổi ".

        Bây giờ mẹ tôi đã già lắm rồi. Một cụ bà ở tuổi tám mươi bảy mà vẫn còn rất minh mẩn. Nhưng thương thay lưng mẹ quá còng vì cả đời vất vả, cực khổ và thiếu thốn trăm bề! Mắt mẹ không còn tinh anh nữa mà đã biến sang màu cà phê sữa đục. Tiếng nói của mẹ cũng bớt trong và làn hơi thì ngắn đi, có vẻ mệt nhọc nếu phải nói hơi nhiều vì mừng rỡ vào những lúc có con cháu về thăm. Vậy mà ước mơ cuối đời của mẹ vẫn chưa thực hiện được. Lỗi là do các con của mẹ quá bất tài vô dụng nên khiến tuổi già của mẹ chưa được toại nguyện. Mẹ ơi! Mong mẹ hãy cố gắng đợi thêm một thời gian nữa nha mẹ! Chúng con hứa sẽ làm tròn tâm nguyện cuối đời của mẹ, để đến lúc ra đi, mẹ sẽ có thể nở một nụ cười mãn nguyện.

        Mẹ tôi, người mẹ chỉ có một trên đời!
        Ngày 19/10/2011

2 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Em còn nhớ bài viết này không? Nó nằm trong loạt bài chị viết về gia đình mình. Sau bài này là bài " Chị tôi", " Em gái"... Lúc đó, em vào blog đọc bài, cảm động hay sao mà đề nghị kết nghĩa chị em với chị. Căn cứ theo tuổi, Cỏ Tranh là con gái thứ ba của Mẹ đó. Bởi vì theo thứ tự là chị Hai, chị, Cỏ Tranh rồi cô Út. Em vẫn còn nhớ phải không?
      Thương Mẹ lắm em à! Sau này, chị lần lượt tải lại những bài viết về Mẹ cho em đọc vì có một giai đoạn em ngưng blog nên chưa có dịp đọc những bài viết đó.

      Xóa