Ngôi
trường đầu tiên tôi giảng dạy ở một huyện miền núi, nơi xưa kia từng là
chiến trường vào những ngày đất nước chưa được thống nhất. Sau năm 1975, lực
lương giáo viên được đào tạo chính quy rất cần thiết cho những nơi này. Ngày về
đơn vị công tác, chúng tôi được đón tiếp vô cùng nồng hậu, suốt đời không
quên. Bạn đồng nghiệp đón tận cổng trường, được đãi bằng bữa cơm trắng hiếm
hoi với măng rừng kho muối, canh mướp dân tộc và ít khô cá lòng tong rang mặn.
Vừa ăn vừa nghe chị Hiệu phó cho biết hôm nay ngày đầu tiên chúng tôi mới
đến nên anh Hiệu trưởng đã nhắn về trường là phải nấu cơm trắng không độn
khoai, coi như cả nhà tập thể cùng liên hoan với nhau một bữa. Thức ăn thì măng
do giáo viên của trường vào rừng xắn về, mướp thì của học trò mang biếu.
Giống mướp này trái không dài như loại mướp hương dưới mình hay trồng, nó ngắn
hơn, gần như tròn vậy, có vị hơi đắng, do người thiểu số trồng nên gọi là mướp
dân tộc.
Sở
dĩ tôi gọi sếp của mình là anh chị vì do tuổi tác của chúng tôi chênh
lệch với nhau không bao nhiêu. Chị Hiệu phó gốc người Thuận An, Bình Dương, lớn
tuổi nhất trường nên được mọi người kính nể, coi như chị cả. Anh Hiệu trưởng
còn nhỏ tuổi hơn chúng tôi, đó là căn cứ trên giấy tờ, còn thật sự thế nào cũng
chẳng mấy ai quan tâm tìm hiểu. Chỉ có một điều là chúng tôi sống rất chan hòa,
yêu thương và nhường nhịn nhau như người một nhà. Gốc người địa phương, mỗi
tuần anh Hiệu trưởng về thăm gia đình vào ngày chủ nhật, thỉnh thoảng chiều quay về trường
mang theo vài cân gạo, mớ tép muối mặn, gói xôi đậu phộng để tiếp tế cho nhà
tập thể. Ngày ấy, món xôi đậu phọng với chúng tôi sao mà ngọt bùi và thấm đẫm
tình người đến như vậy…
Chúng
tôi đều là người đến từ Sài Gòn, sống xa gia đình là một nỗi khổ. Để chúng tôi đỡ
nhớ nhà, anh Hiệu trưởng thường bày lắm trò cho mọi người cùng tham gia. Từ việc
tổ chức đội bóng đá của trường - chỉ có bốn thầy, còn lại đều là học sinh - thi
đấu với đội bóng của thanh niên và du kích địa phương. Không biết có phải
do có sự cổ động của các cô giáo trẻ và học sinh hay không mà trường chúng tôi
thi đấu lần nào cũng thắng lớn. Sau đó, thầy trò lại tự khao nhau bằng những củ
khoai mì nướng, lâu lâu mới có được bữa khoai lang nấu đường.
Cả anh Hiệu trưởng và chị Hiệu phó đều hát rất hay. Vào những đêm trăng sáng, chúng tôi
thường kéo nhau ra giữa sân trường đàn hát. Tiếng hát vui tươi, tràn đầy sức
sống bay vào không trung, vang vọng xuống thung lũng và bay vào tận cánh rừng
già ở phía xa xa. Những đêm như vậy, tôi thường say sưa nghe các anh chị
hát hò, tạm quên đi nỗi nhớ nhà; nếu có, nó cũng chỉ xuất hiện vào đêm khuya thanh
vắng khi chỉ còn lại một mình, bên ngọn đèn dầu và trang giáo án.
Tôi
là giáo viên giảng dạy môn Văn học, nhưng do trường không có giáo viên Toán nên
kiêm luôn Toán lớp Tám, cũng là lớp tôi chủ nhiệm. Nhận thấy học sinh còn hổng
nhiều kiến thức ở các lớp dưới, tiếp thu bài vở chậm nên tôi tổ chức phụ đạo
môn Toán cho học sinh lớp mình giảng dạy. Ngày đó, việc dạy phụ đạo là tự
nguyện của giáo viên, không tổ chức bài bản như bây giờ. Một buổi tối, tôi đang
dạy phụ đạo trên lớp, tự nhiên nghe có tiếng kẻng báo hết giờ, tôi ngạc nhiên
vì dạy ngoài giờ xưa nay tôi đều chủ động giờ giấc? Tôi tỉnh bơ cho học sinh
tiếp tục làm bài tập vì nghĩ trong bụng chắc các thầy lại ghẹo mình đây. Một
lúc sau thì anh Hiệu trưởng xuất hiện trước cửa lớp bảo tôi cho học sinh về sớm
một hôm, nhà tập thể có buổi họp khẩn. Tôi vội giảng sơ đề bài rồi cho học sinh
về nhà làm bài tập, hẹn hôm khác dạy bù lại thời gian về sớm hôm nay. Khi về
tới nhà tập thể giáo viên thì nhìn thấy cả nhà đang quây quần dưới bếp, chờ tôi
về để ăn cháo vịt. Chẳng biết ở đâu ra con vịt quý hiếm này? Tôi hỏi thì mấy
thầy ghẹo nói: “ Tụi tôi bắt trộm dưới nhà dân, cô cứ ăn đi, tội lỗi tụi tôi
lãnh hết.” Chỉ anh Hiệu trưởng là cười hiền lành bảo: “ Cô ăn cho khỏe, lấy sức
mà dạy thêm tụi nhỏ, tối mai cô lại sang phân hiệu Bình Tín dạy hả? Đừng đi tối
quá nguy hiểm vì cô chưa quen địa bàn này “.
Tôi
vốn là cô gái nhút nhát, ngây thơ nên chỉ biết chúi đầu vào việc soạn giảng và
đám học trò ngờ nghệch của mình. Tôi không để ý đến chuyện của người khác, thi
thoảng cũng có nghe các chị cùng phòng tập thể kháo nhau dường như anh Hiệu
trưởng có tình cảm với một cô giáo nào đó nhưng ngại bày tỏ. Về sau, anh cưới vợ là một giáo viên mẫu
giáo ở gần nhà anh. Ngày cưới của anh Hiệu trưởng chỉ có vài giáo viên của
trường đại diện đến dự vì đường sá xa xôi, phương tiện đi lại không có, mà cũng
không thể đóng cửa trường để đi ăn cưới Hiệu trưởng cho được. Chiều đến, anh
gởi về cho nhà tập thể nguyên một mâm cổ đầy ắp với lời nhắn mọi người cùng
chung vui với anh.
Năm
thứ hai tôi đi dạy, chị Hiệu phó chuyển công tác về quê nhà và tôi được đề bạt
lên thay. Chưa hết hạn tập sự, mới ra trường có một năm, tôi thật sự muốn khóc
khi nghe báo tin này. Anh Hiệu trưởng không nhận là đã đề bạt tôi vào chức vụ
đó, nhưng tôi biết chính là anh vì đã một lần ở năm đầu tiên tôi đi dạy, anh đã
hỏi ý kiến khi đề cử tôi đi tập huấn khóa Tổng phụ trách Đội và tôi đã cương
quyết từ chối nên lần này anh đặt tôi vào chuyện đã rồi. Sau đó, anh đã tận
tình chỉ bảo cho tôi mọi việc, nhất là vai trò và tình cảm đối với cấp dưới.
Sang
năm thứ ba tôi đi dạy, anh Hiệu trưởng chuyển công tác sang Ủy ban và về
làm việc tại xã nhà. Tiệc tiễn anh đông mà lại không vui như tiệc đón chúng tôi
năm nào. Chia tay anh, người Thủ trưởng đã để lại trong lòng chúng tôi những
tình cảm và kỷ niệm khó quên.
Hiệu
trưởng mới là một người đứng tuổi, đã có gia đình, vợ con hiện ở dưới quê khi
anh lên đây công tác. Anh cũng hiền nhưng ít gắn bó với chúng tôi bằng anh Hiệu
trưởng cũ, có lẽ một phần do tuổi tác, cũng có thể anh có nhiều mối bận tâm
hơn, vợ anh tiểu thư yếu đuối, hai con anh còn quá nhỏ.
Trưởng
trạm Y tế xã có các con đang theo học tại trường chúng tôi, cảm thương hoàn
cảnh của anh Hiệu trưởng, xin phép Ủy ban xã cấp cho anh một phòng trống là
nhà kho của trạm xá để anh ở tạm . Anh mừng rỡ, tức tốc về quê đón vợ con lên.
Vào thời bao cấp, vợ con anh đâu có tiêu chuẩn lương thực. Để nuôi vợ con, anh
che tạm túp lều nhỏ để bán cà phê cho đội khai thác gỗ có lán trại bên hông
trạm xá. Vì vậy anh ít có mặt ở trường vào buổi sáng, ngoại trừ những buổi họp hội đồng sư phạm thường kỳ. Cũng may ý thức tự quản của
trường tôi cao, trong lúc anh bận rộn với việc pha chế cà phê và tán gẫu với
khách, chúng tôi đều đặn lên lớp, mọi việc cứ tiếp diễn bình thường sáng sáng
chiều chiều như thế.
Giáo
viên ở tập thể đều là người từ Sài Gòn lên miền núi công tác nên cũng cởi mở và
dễ dàng thông cảm với anh Hiệu trưởng. Nhưng cánh giáo viên địa phương thì bắt
đầu xầm xì, khó chịu về Thủ trưởng. Sau phiên họp Hội đồng giáo viên hàng
tháng, lúc anh đã quay về cái quán nhỏ của mình thì cánh giáo viên địa phương
lại trách móc anh qua chị Hiệu phó cấp một. Chịu không được, chị than thở cùng
tôi và cả hai cùng góp ý anh về việc quản lý trường trong một lần họp Ban Giám
Hiệu. Anh lẳng lặng nghe góp ý, không phân bua hay giải thích gì cả. Vài ngày
sau đó, anh xách can rượu xuống nhà tôi ngồi uống một mình cho đến lúc ngà ngà
say, anh mới bảo với tôi tuy anh chưa toàn tâm toán ý cho công việc ở trường nhưng
anh không phải là người thiếu trách nhiệm và cũng không có làm gì đáng phải hổ thẹn với lương tâm. Tôi là người anh tin cẩn và quý nhất trong trường nên anh
mới tâm sự cho tôi hiểu anh hơn. Sau đó, anh ra về để lại cho tôi một nỗi
băn khoăn, một chút hối hận, một sự thương cảm bùi ngùi… Rõ ràng anh có
sai nhưng chưa phải là trọng tội và anh phải làm sao đây cho tròn trách nhiệm
của người chồng, người cha trong gia đình và làm hết nhiệm vụ của một Thủ
trưởng cơ quan trong một hoàn cảnh khốn khó như vậy?
Hết
hạn bốn năm công tác miền núi, tôi có quyết định thuyên chuyển về Sài Gòn. Anh
đã ra lệnh cho Công đoàn tổ chức tiệc chia tay tôi thật ân cần, chu đáo. Với tư
cách là Hiệu trưởng, anh đã nhận xét về tôi thật tốt, hoàn toàn đúng với năng
lực của tôi, không có tư thù cá nhân vì trước đây tôi từng góp ý anh một cách
thẳng thắn. Ngày tôi về, anh bảo tôi chờ đến phiên họp Hiệu trưởng định kỳ để
sẵn tiện đường anh đèo tôi ra Phòng Giáo dục làm thủ tục thuyên chuyển rồi về
nhà luôn vì cả trường chỉ có mình anh có chiếc xe đạp hiệu Chiến Thắng - tiêu
chuẩn ưu tiên phân phối cho Hiệu trưởng các trường vùng sâu vùng xa để tiện cho
việc thường xuyên đi công tác.
Suốt
cả ngày, anh bận họp còn tôi lo các thủ tục cắt chuyển lương thực, hộ khẩu,
sinh hoạt đoàn thể v.v… Tan họp chiều, anh chở tôi ra thị trấn cách phòng Giáo
dục hai cây số, bắt ép tôi vào tiệm ăn với anh bữa cơm chia tay, sau đó chở tôi
về gởi vào nhà tập thể trường bạn tại thị trấn Phước Bình để sáng hôm sau tôi
về thành phố.
Trước
lúc quay về nhà, anh ngần ngừ giây lát rồi nói với tôi trong những đồng nghiệp
từ trước đến giờ, anh quý tôi nhất, luôn xem tôi như một đứa em gái. Nhìn ba lô
hành lý của tôi, anh biết rõ chỉ có quần áo, sách vở và vật dụng cá nhân. Anh
mở cặp táp lấy ra hai tờ giấy năm mươi đồng mới tinh đưa cho tôi bảo hãy nhận
lấy mang về mua quà cho mẹ vì anh biết ngày tôi quay về với gia đình cũng giống
hệt ngày tôi ra đi, vẫn chỉ hai bàn tay trắng với một bầu nhiệt huyết. Số tiền
đó rất lớn, bằng hai tháng lương của tôi lúc bấy giờ nên tôi không dám nhận.
Anh cười buồn bảo cứ nhận vì đây là những đồng tiền lương thiện anh kiếm được
bằng chính sức lực của mình. Sợ từ chối thẳng thừng ngay lúc này sẽ làm anh bị
tổn thương vì nghĩ tôi coi thường anh, cho anh là kẻ vô trách nhiệm, bỏ việc
công lo việc tư, tôi buộc lòng phải cầm lấy cho anh vui lòng. Mắt anh rạng ngời
niềm vui, chúc tôi gặp nhiều thuận lợi ở nơi công tác mới và anh quày quả đạp
xe vượt đoạn đường dài mấy chục cây số với biết bao đèo dốc trong đêm tối vắng
lặng để về ngôi nhà nơi có vợ con anh đang chờ đợi. Tôi đứng nhìn theo dáng anh
gầy gò khuất dần cuối con dốc, khóc lặng lẽ…
Về
đến nhà, tôi không mua quà gì cho mẹ cả. Sau đó, qua một người bạn thân, tôi
gởi lại anh số tiền với một bức thư giải thích là tôi không thể nhận số tiền đó
vì mẹ tôi cũng tạm đầy đủ vì còn có anh chị tôi phụng dưỡng; riêng anh còn nặng
gánh gia đình vì lúc này anh đã có thêm cháu thứ ba mà vợ anh chỉ ở nhà trông
con. Cho đến tận bây giờ, mỗi lần nhớ lại chuyện cũ, tôi cứ tự hỏi lòng lúc
đó mình làm như vậy là đúng hay sai và liệu tôi có gây cho anh vết thương lòng
hay không? Cũng từ đó, tôi không còn gặp lại anh nữa. Về sau nghe nói anh đã
chuyển sang trường khác, sau đó chuyển qua dạy lớp và thường xuyên uống rượu,
một dạo ngã bệnh cũng vì rượu. Nghĩ về anh, tôi không khỏi bùi ngùi, xót xa.
Anh có lỗi gì đâu khi hoàn cảnh đẩy anh vào tình thế phải như vậy? Anh cũng chỉ
là một người bình thường, nhỏ bé giữa xã hội đầy chông gai, cám dỗ và nghiệt
ngã. Xét cho cùng, anh còn không đáng trách như nhiều người khác. Để làm tròn trách nhiệm của người chồng, người cha trong gia đình, tuy anh chưa dành hết thời gian, tâm huyết cho công việc nhưng anh cũng đã quản lý nhà trường hoàn thành nhiệm vụ năm học, không có tình trạng giáo viên vi phạm chuyên môn hay bê trễ trong việc giảng dạy. Và quan trọng nhất vẫn là anh hoàn toàn không có vi phạm về tài chính, tư túi những gì thuộc về của công.
Một
Thủ trưởng cấp quản lý là Trưởng phòng giáo dục cũng là một người tốt và hiểu
biết. Chú nêu gương tự cải thiện đời sống bằng cách trồng rau màu cho toàn cơ
quan làm theo. Họp chuyên môn ở Phòng giáo dục mà gặp chú, bao giờ chú cũng hỏi
thăm ân cần và bảo ra vườn rau của chú hái lấy mà nấu ăn. Vì lúc đó đi họp là
mất cả ngày, không thể về trường vì quá xa, phải ở lại Phòng giáo dục, đăng ký
suất ăn ở bếp ăn tập thể của Phòng.
Mỗi
lần có đợt về trường kiểm tra chuyên môn, chú đều nhắc nhở toàn đoàn tránh mọi
nỗi lo toan cho cấp dưới. Do huyện miền núi, trường ở xa Phòng giáo dục vài
chục cây số là thường. Mỗi đợt kiểm tra là phải ăn nghỉ tại trường mất ít nhất
là hai ngày. Cứ mỗi đợt kiểm tra trường, chú bảo bộ phận tài vụ Phòng cắt khẩu
phần lương thực, nhu yếu phẩm của cả đoàn chuyển về cho trường suốt thời gian
đoàn làm việc tại trường. Trường nào được Hợp tác xã nông nghiệp hỗ trợ gạo
tiếp khách, chú bảo giữ lại để bồi dưỡng cho giáo viên ở tập thể, nấu vài ngày
cơm trắng cho thầy cô ăn cho có sức khỏe còn làm việc lâu dài.
Vấn
đề nan giải của trường là nước sinh hoạt. Khi báo lịch kiểm tra trường, chú đều
nhấn mạnh khâu nước sinh hoạt, không cho trường mua nước bồn dự trữ để sinh
hoạt trong các ngày đoàn về vì sợ tốn tiền của trường. Sáng ra, chính chú đánh
kẻng báo thức mọi người dậy tập thể dục rồi chú dẫn cả đoàn chạy bộ xuống suối
để vệ sinh cá nhân, sẵn tiện mang theo can nhựa xách nước về cho bếp ăn tập
thể. Chú vẫn thường bảo : " Anh em sống thế nào, bọn mình sống thế ấy
". Bây giờ tìm đâu ra một Thủ trưởng đầu ngành như chú nữa?
Trong
thời gian dạy học tại đây, có hai sự việc đau lòng xảy ra mà tôi còn nhớ mãi.
Vì chỗ chúng tôi ở quá xa xôi, hẻo lánh nên phương tiện giao thông cũng rất
thiếu thốn. Hai năm đầu tiên, mỗi lần muốn ra Thị trấn Phước Bình hay lên Phòng
Giáo dục, chúng tôi đều đi bộ cả vì cả xã chỉ có một chiếc xe lam mỗi ngày chạy một chuyến duy nhất vào lúc 4 giờ sáng để chở bạn hàng ra chợ
Phước Bình và quay về vào lúc 11 giờ trưa. Về sau có thêm chuyến xe chạy từ
huyện lỵ Phước Long về Chơn Thành nhưng một tuần chỉ có hai chuyến mà
thôi và xe này nhận thêm nhiệm vụ chuyển thư cho các xã trên đường nó đi qua.
Chính thế mà thư từ trên tôi đi rất chậm. Một lần, một thầy giáo trường tôi có
điện tín báo bố mất cách đó ba ngày mà mãi đến hôm nay mới nhận được. Vừa mới
trên lớp về, thầy pha ly sữa bột (lúc đó thương nghiệp huyện phân phối cho
giáo viên mỗi người đến mấy kí lô sữa bột do nước nào đó viện trợ tôi không còn
nhớ) mới uống có một ngụm đã nhận được tin dữ. Thảng thốt và đau đớn, thầy giáo
đó vội vã ra về, vệt sữa dính trên mép vẫn chưa kịp chùi còn ly sữa bỏ dở trên
kệ nước đến mãi hôm sau chị nuôi mới dọn dẹp. Thật đáng buồn khi thầy giáo
về đến nhà thì bố đã được chôn cất và ngày mở cửa mả cũng qua luôn rồi. Tương
tự, một cô giáo khác tự nhiên nửa đêm đau bụng dữ dội, chị lăn lộn như có ai vò
xé ruột gan và trưa hôm sau thì nhận được điện tín mẹ mất nhưng cũng may là về
kịp ngày đưa mẹ đi an táng.
Một
cô giáo khác của trường mượn xe đạp của nhà đứa học trò đi ra huyện lỵ Phước
Long thăm em gái đang giảng dạy tại đó. Vừa đi không được bao lâu thì có tin cô
bị té xe ở bên kia con dốc. Vì là ngày chủ nhật nên cả nhà tập thể đều đi vắng,
các cô giáo thì đi suối tổng vệ sinh còn các thầy thì ra thị trấn thăm bạn bè,
chỉ có mình tôi ở nhà. Tôi chạy vội qua trạm xá xã thì người dân địa phương đã
đưa giúp cô về đó để băng bó vết thương. Tay
chân bị xây xát chảy máu nhưng so ra vẫn còn nhẹ hơn gương mặt. Cô chạy xe khi
đổ dốc quá cao chưa có kinh nghiệm, cán phải viên đá to thế là té, mặt đập sấp
xuống đường đầy đá sỏi nên bị tét mấy đường thật sâu, gãy mất một cái răng
cửa. Anh Chuông đang cấp cứu cho cô thì tôi đến. Thấy tôi, anh Chuông nhờ phụ
anh rút chỉ khi anh luồn kim khâu hai vết thương sâu nhất cho cô giáo.
Không đau đớn nào hơn khi phải bị khâu mười mấy mũi kim mà không hề được chích
thuốc tê, trạm xá xã thời đó làm gì có đầy đủ phương tiện. Bạn nắm chặt tay tôi
gồng mình chịu đựng, còn tôi cố giữ bình tĩnh để rút các sợi chỉ vừa ló ra vừa
luôn miệng bảo: " Không sao đâu, sắp xong rồi, chị cố lên, không đau
lắm phải không ?" Người bạn gật đầu mà mắt đỏ hoe. Sau đó một tháng, khi
cô bé lớp trưởng của tôi đi xin hom giống khoai mì về trồng cho cả lớp thì cũng
bị té phía bên kia con dốc đó y như vậy nhưng có phần nhẹ hơn. Tôi lại thêm một
lần nữa phụ anh Chuông rút chỉ khâu sống vết thương và đứng tên mình để xin cấp
thuốc miễn phí cho học trò. Vết thương khâu xong, tôi đưa học trò về nhà xin
lỗi phụ huynh vì không ngờ là khi đồng ý cho em xung phong đi tìm hom mì cho cả
lớp lại xảy ra sự việc đáng tiếc đến như vậy. Bà nội em cười hiền hậu, trấn an
tôi : " Không sao đâu cô giáo, ở đây tụi tui quen té như vậy rồi, ở miền núi
chỉ cần sơ ý là tai nạn xảy ra thôi. Cô yên tâm đi, tụi nhỏ mau liền da lắm,
vài ngày là bình thường trở lại thôi mà."
Cũng
từ đó, tôi làm như có duyên với nghề phục dược hay sao mà dạy ở trường nào, học
trò bị bệnh hay gặp tai nạn cũng đều chạy lên văn phòng tìm tôi nhờ cạo gió hay
băng bó vết thương. Có ba lần tôi thấy máu mà chóng cả mặt. Một lần thì
trong giờ trống tiết, một nhóm học sinh nam lớp chín chơi bóng chuyền mà không
có banh để ném, chúng lấy đá xanh thay thế. Lúc đó, tôi đang có tiết dạy trên
lớp nên không hay biết, vừa hết tiết về tới văn phòng chưa kịp rửa tay đầy bụi
phấn thì một nhóm học sinh đưa bạn vào văn phòng tìm tôi với cái đầu đầy máu.
Tôi vội lau chùi máu me và băng bó vết thương cho học sinh, sau đó nhờ anh bảo
vệ chở em ra trạm y tế xã để khâu vết thương vì thấy hơi sâu nhưng ngoài đó bảo
không sao, vết thương đã được cầm máu và băng bó như vậy là tốt rồi, họ chỉ cho
mấy liều thuốc uống để giảm đau và tránh nhiễm trùng. Trưa đó, tôi không sao ăn
cơm được vì cứ bị ám ảnh mùi tanh của máu dù đã rửa tay nhiều lần bằng oxy già.
Một lần khác là giữa trưa, chưa tới giờ vào học, một nam sinh cấp một chạy giỡn
với bạn trên lớp thế nào mà va mạnh cằm vào cạnh bàn học, thế là răng cắn lủng
cả môi dưới, khi lên văn phòng thì miệng đầy cả máu. Tôi cho em súc miệng bằng
nước nóng rồi sau đó lau chùi vết thương. Trong lúc tôi sơ cứu, em cứ hỏi tôi :
" Cô ơi ! Em có làm sao không ? Có gãy mất răng nào không vậy cô ? "
Bực mình vì cái tội đã ngăn cấm không cho chạy nhảy quá đà mà còn để xảy ra tai
nạn, tôi nói : " Gãy hai cái răng cửa rồi, đang dính vào môi em đó."
Thằng bé mở to mắt ra nhìn tôi đầy vẻ sợ hãi ; biết mình quá đáng, tôi vội trấn
an : " Nói thế chứ không có đâu. Sau này, em đừng đùa giỡn thô bạo mà xảy
ra tai nạn đáng tiếc cho bản thân nghe chưa ! Bây giờ cô cho em ngậm chút nước
muối cho răng chắc lại, tuy có hơi xót nhưng ráng chịu một chút sẽ mau lành vết
thương ". Rồi tôi lấy cái gương soi bé xíu trong giỏ xách của mình cho em
coi để an tâm là chưa rụng mất cái răng nào. Nhìn em cười hồn nhiên sau khi soi
gương mà tôi thấy vừa tội vừa tự trách mình đã làm cho thằng bé một phen hú
vía. Còn lần cuối vào chiều thứ hai khi toàn trường đang sinh hoạt dưới cờ,
bên ngoài hàng rào dâm bụt là học sinh phổ cập và thiếu niên địa phương đeo bám
để xem. Trong số đó có một em ở trong xóm nghèo sau trường
mà tôi cũng không biết tên gì, con nhà ai. Em ngồi trên yên xe ngó qua
hàng rào nghe sinh hoạt thì bị trợt chân, bàn đạp của xe bị sút hai miếng
đệm nhựa, cái lõi sắt ở giữa xé toạc bắp chân em một đường dài cả tấc và
sâu hoắm, máu tuôn xối xả. Nghe bên ngoài có tiếng la đầy sợ hãi, tôi vội mở
cổng trường chạy ra, nhìn thấy như vậy liền bảo mọi người đưa em
vào văn phòng và đã băng bó cho em ; sau đó tôi lấy từ tủ thuốc cấp cứu
của trường cho em mấy viên thuốc giảm đau và dặn em sáng hôm sau phải ra trạm y
tế xã xin chích ngừa phong đòn gánh vì vết thương quá sâu.
Cuộc
sống giờ đã khá hơn trước nhưng những ai đã từng trải qua thời khốn khó đó đều
khó quên được một thời như vậy. Phải chăng chính từ đó đã hun đúc cho ta sức
chịu đựng dẻo dai, một nghị lực bền bỉ và cả một kinh nghiệm sống quý
báu?
Tôi
kể lại câu chuyện về quãng đời đi dạy của mình với lòng mong ước bạn bè của tôi
hãy vui lên, tự tin hơn vì người thầy dù trong hoàn cảnh nào vẫn đơn thuần là
một người thầy. Chúng ta không có lỗi. Chúng ta đã luôn cố gắng hết mức trong
khả năng của mình để dạy dỗ học sinh cho dù đôi khi gặp những tình huống cười
ra nước mắt …
Ngày 11/10/2009
Ngày 11/10/2009
Trích dẫn (0)
mONGterLis 15:13
04-01-2010
Kỉ niệm không quên một
thời!
haovanphong 13:58 24-10-2009
Có lẽ chị tốt số, gặp toàn
người tốt. Tôi là giáo viên trước 75, tiiếp xúc với đủ loại giáo viên, Bắc
,72 (gv khói lửa 72 đào tạo), còn gv được đào tạo chính quy trong Nam thì rất
ít. Cái nhìn tổng thể, dù sao giáo viên hồi ấy nghèo mà tình cảm, giáo viên có
tâm với trò hơn. Bây giờ đại học cả mà quá bà lơn, về nhân cách cũng như trình
độ.
Dã Quỳ Vàng21:31
24-10-2009
Chào anh lần đầu tiên ghé thăm Blog DQV. Người tốt xấu gì DQV cũng đã gặp
qua nhưng chỉ ghi lại những kỷ niệm đẹp một thời đáng để nhớ mà thôi. Chúc vui
và mong anh còn ghé thăm.
ngpvinhba@yahoo.com
12:11 12-10-2009
Nhớ dai dữ rứa? Nghe như
chuyện cổ tích. Bây giờ sao con người lại thay đổi ghê gớm đến độ thắp đuốc tìm
cũng hổng thấy. Mình từng dạy Phước Long 02 năm, 1971,1972. Hôm nào anh em mình
về thăm trường cũ hè!
Dã Quỳ Vàng12:33
12-10-2009
Dạ !
TRỊNH XUÂN ẤN
10:50 12-10-2009
Sẽ không "lớn"
được nếu chẳng có những ngày tháng sống đẹp, hồn nhiên, vô tư. Làm sao có những
Chơn Thành, Phước bình như hôm nay, nếu ngày ấy không có người mở đường. Chẳng
có ai cất công xem Quang Trung ăn như thế nào khi vào thành Thăng Long,
nhưng hình ảnh áo bào còn vương mùi thuốc súng thì đời
sau nhớ mãi như nhớ công lao của Người khai mở phố thị nơi họ đang sinh sống.
Dã Quỳ Vàng11:48
12-10-2009
Cảm ơn anh Ấn đã ghé nhà thăm DQ. Anh khỏe không ?
Tất cả đều là kỉ niệm, dù đẹp hay không thì nó vẫn quý, vì nó đã qua và không bao giờ trở lại, phải không chị?
Trả lờiXóaBây giờ ngồi nhớ lại kỷ niệm ngày xưa vẫn nghe xao xuyến như mới hôm nào, Cỏ Tranh ạ! Thời gian qua mau thật! Có lẽ chị là người sống với kỷ niệm nên mới như thế chăng?
Xóa