Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

TRỞ LẠI VƯỜN XƯA

   
                         
Xin tặng bạn một nhành " bông hoa bình yên"



                      Rồi có một ngày, anh trở lại vườn xưa
                      Cây khế cuối vườn nở từng chùm hoa tím
                      Thấp thoáng kẽ lá, đôi mắt ai chan chứa
                      Một thuở qua rồi, chợt đau nhói trong tim...

                      Ở một góc vườn, cây trứng cá im lìm
                      Bóng ngả xuống từng che đôi mình một thuở.
                      Cung đàn cũ, anh không làm sao nắn phím
                      Một khoảnh khắc xao lòng, quay ngược giấc mơ!

                      Ngôi nhà kỷ niệm rêu phong từng nỗi nhớ
                      Bên hiên nhà, khóm hồng tỷ muội lặng câm
                      Hương ngọc lan lạc lõng đâu kẻ mong chờ
                      Ướp trong tay áo trao ai tình thấm đẫm...

                      Ao sen xơ xác không còn ai ra ngắm
                      Bèo phủ xanh, anh nhớ dáng ngọc năm nào...
                      Nghiêng cành hoa sen, thanh tú đẹp vô ngần
                      Hoa và người ấy_ một thời ai chao đảo...

                      Thoáng chạnh lòng, chỉ một mình anh đi dạo
                      Càng ngậm ngùi, không tìm được dáng thu xưa...
                      Trở lại vườn xưa, người năm xưa hư ảo!
                      Lối nhỏ muộn phiền, sỏi cuội cũng không thưa.

                     Trời quang tạnh, sao lòng anh đổ cơn mưa?
                      Nghe mắt bỏng rát, bờ môi khô khốc lạ!
                      Người chờ người, mùa mưa cũ sắp về chưa?
                      Điều không thể giữa một chiều đông tàn tạ...

                      Bên cánh cổng khép hờ, giờ chỉ mình ta...
                      Còn đâu nữa một thời qua đi mãi mãi!
                      Nỗi lòng ai gởi lại vườn xưa, hoa lá
                      Bước chân tần ngần theo mùa cũ tàn phai...
                                                                  Ngày 06/12/2013
                            
                         

                         
                   

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

TỰ TRÁCH



       Lần qua thăm cách đây hai ngày, nhìn thấy Mẹ co ro vì lạnh sao mà thương quá! Hơn một năm trước, trời cũng lạnh nhiều và Mẹ đã ngã bệnh. Nghe Mẹ than mệt vì lạnh quá, tôi nói để con thoa rượu gừng cho ấm thì Mẹ hỏi rượu gừng ở đâu? Chai rượu để ngay chỗ ngồi mà Mẹ không nhớ ra. Mẹ quên nhiều thứ quá rồi! Lòng tôi xót xa vô hạn... Lúc Mẹ bị cảm lạnh, tôi làm mấy chai rượu gừng mang qua cho chị xoa bóp cho Mẹ, giờ Mẹ không còn nhớ gì hết. Sau ngày nhập viện, chuyền dịch và bị sốc thuốc suýt chết đến nay Mẹ rất sợ uống thuốc. Con cái đưa thuốc Mẹ cứ hỏi thuốc gì, uống có sao không, có lúc kiên quyết không chịu uống. Tôi hối hận vì mình không rành chăm người bệnh, ngày đó y tá điều dưỡng đưa thuốc gì là cho Mẹ uống ngay thuốc đó. Một ngày tới mấy cử thuốc, uống thuốc còn nhiều hơn ăn. Có con như tôi cũng bằng không, bất tài vô dụng đến thế là cùng...
        Nhớ lúc đó thấy Mẹ yếu quá, mấy chị em quyết định xin bác sĩ cho Mẹ về nhà. Bác sĩ Trưởng khoa bảo muốn về thì cho về, còn cô y tá điều dưỡng qua tận phòng bệnh hỏi tôi về nhà luôn có chuyển viện khác đâu mà xin giấy xuất viện? Không hiểu cô nghĩ gì mà nói thế?! Cũng may Mẹ tôi qua khỏi cơn nguy kịch như một kỳ tích. Các con của Mẹ đã tự cứu Mẹ mình bằng tình yêu thương và những lời cầu khẩn động đến Trời cao... Giá lúc đó đừng đưa Mẹ đi bệnh viện thì chắc Mẹ không bị như ngày hôm nay. Biết thì đã muộn. Một nỗi ân hận xót xa, cay đắng biết là nhường nào...
                                                                         Ngày 03/12/2013
                                                                                                      
       

GIÓ ĐÔNG





                              Ai mang ngọn gió đông về?
                        Cho trời rét mướt, người tê tái lòng!
                              Cho người héo hắt chờ mong
                        Cho đêm vô tận mơ mòng khát khao
                              Cho trăng ghé cửa không vào
                        Cho người cô phụ ruột bào năm canh
                              Cho rên rỉ tiếng vạc sành
                        Nỉ non, ai oán đêm thanh héo mòn
                              Gió đông qua mất hay còn
                         Ngày vơi tháng lụn trăng non lại già?
                              Hay là riêng chỉ mình ta
                         Đêm đông trăn trở chuyện xa xưa rồi...
                                                            Ngày 03/12/2013
                             
                              

HAI SỐ PHẬN




        Cách đây không lâu, trong một lần đi chợ, tôi gặp một người phụ nữ có dáng dấp quê mùa, lam lũ đang cuốc đất trong khoảnh sân trước của một ngôi nhà to lớn. Chủ nhân ngôi nhà này là dì Hai, đồng thời cũng là chủ vườn cao su liền đó. Dì có mấy người con có sạp buôn bán lớn trên chợ và đều có nhà riêng, còn dì thì sống với vợ chồng người con trai út trong ngôi nhà bề thế nằm giữa lô cao su rộng mênh mông. Khi tôi gật đầu chào, người phụ nữ tươi cười đáp lại và cho biết mình là em ruột của dì Hai, bấy lâu sống một mình ở xa, nay dì Hai kêu về ở chung cho vui. Dì mời tôi có rảnh chiều tối ghé nhà chơi, dì cho cây thuốc nam trị ho rất hay mang về trồng gây giống.
        Mỗi lần đi ngang nhà, tôi thường thấy dì làm việc ngoài vườn, không đốt rác thì cũng làm cỏ, gom củi cao su ... Dì Ba hiền lành và vui tính cũng giống như người chị nhưng dì gầy và đen chứ không trắng trẻo, đầy đặn như dì Hai nên trông có vẻ khắc khổ và già hơn chị của mình. Bẵng một dạo tôi bị ốm, không ra khỏi nhà, hôm nay có việc đi ngang thì thấy dì Ba đang nẹp lại mấy bức vách của một căn chòi nhỏ nằm phía sau ngôi nhà lớn. Tôi chào và hỏi dì Ba làm gì vậy thì dì trả lời là đêm qua gió lớn làm tốc mấy tấm bạt, dì che lại cho khỏi lạnh. Bây giờ tôi mới chực nhớ là căn chòi nhỏ này chỉ mới được dựng gần đây thôi. Khi trông thấy nó, tôi cứ tưởng gia đình dùng để chứa các dụng cụ lao động của nhà nông vì nó chỉ khoảng bảy tám mét vuông, làm bằng cây tràm và tre, mái lợp mấy tấm tôn đã cũ còn vách là những tấm bạt sợi chỉ loại thường, mỏng dính.
        Tôi cảm thấy có chút ngậm ngùi, hình ảnh tương phản của ngôi nhà to đẹp và căn chòi tạm bợ cứ đeo bám mãi trong tâm trí tôi. Nếu đêm nay lại có mưa dông như những đêm trước, hẳn là dì Ba sẽ lạnh và cô đơn, trơ trọi biết là bao nhiêu ...
                                                                       Ngày 08/07/2011

                                 

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

KHÁT VỌNG SỐNG



         Khát vọng là một ước ao mãnh liệt về một điều gì đó con người chưa có được. Họ còn đang gắng sức, nỗ lực để có điều mình mong muốn. Cũng có khi họ biến khát vọng đó thành một giả định không có thật để thỏa mãn ước mơ, để tìm sự ấm áp trong cảnh ngộ hiện tại.

        Truyện ngắn dự thi " HÀNG XÓM " đăng trên Báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam, số 40/ 2011, tác giả Chu Thùy Anh, điển hình cho một khát vọng sống, bất cứ ai đọc qua cũng không cầm lòng cho được. Có thể là do tôi quá đa cảm. Nhưng rõ ràng người viết kể một câu chuyện quá cảm động, nhân vật cô đơn và tội nghiệp đến như vậy, làm sao tôi không chạnh lòng thương cảm cho được ?

        Tác giả kể về những người hàng xóm của một chung cư cao tầng. Họ gồm có chín nhà sống ở tầng 13, cùng quay quần quanh thang máy và nhà nọ chếch cửa nhà kia. Ông lão sống ở một trong chín căn hộ đó luôn thắc mắc về nhà hàng xóm đối diện. Cùng một thiết kế như nhau, cửa sắt bên ngoài, cửa gỗ bên trong và khoảng cách giữa hai lần cửa đó vẻn vẹn chỉ năm mươi phân." Không hiểu người ta thiết kế như thế để làm gì, năm mươi phân thì để vừa được gì, ai cần để cái gì giữa cửa sắt và cửa gỗ "? Đó là câu hỏi mà ông lão luôn thắc mắc. Rồi chính ngay nhà hàng xóm chếch cửa nhà ông đã giải thích cho ông câu hỏi đó. Ngay giữa hai lần cửa đó có sáu đôi dép được xếp thắng hàng_ bốn đôi người lớn và hai đôi trẻ con. Chỉ có hai đôi trong giờ hành chính từ thứ hai đến thứ sáu. Lại đủ bốn đôi người lớn và hai đôi trẻ con sau sáu giờ chiều. Rồi thì bốn đôi người lớn và hai đôi trẻ con trong các ngày nghỉ.

        Ông lão chưa bao giờ được nhìn thấy những người hàng xóm đối diện nhà của mình một lần nào cả. Nhìn vào số dép để ở cửa, ông đoán nhà họ có sáu người. Những nhà hàng xóm khác thi thoảng ông còn gặp họ, cười cười chào nhau. Riêng nhà có sáu đôi dép thì chưa bao giờ thấy mở cửa, chỉ có những đôi dép lần lượt đảo chỗ cho nhau. Thật tình, ông lão chẳng cố tình nhìn vào nhà hàng xóm làm gì. Nhưng do một lần tình cờ ông nhìn thấy đôi dép xỏ ngón màu hồng có nơ be bé ở nhà đối diện khiến ông nghĩ đến cháu của mình, đoán là nhà đó cũng có cô cháu gái bảy tám tuổi, trạc tuổi cô cháu gái nhà ông. Từ đó, ông bỗng chú ý đến nhà hàng xóm có sáu đôi dép hơn. Ông từng chờ xem nhà hàng xóm của mình là ai nhưng ông lại có cảm giác dường như họ chỉ chờ ông đi vắng hay bận việc trong nhà mới đi ra ngoài. Bẵng đi một cái, ông lại thấy dép xếp lại rồi và lần nào ông cũng tiếc rẻ vì những việc linh tinh mà không gặp hàng xóm của mình được. 

        Cho đến một ngày, khi ông đã thôi ý định ngồi ngóng ra cửa để chờ gặp hàng xóm, thì bỗng dưng lại gặp bà. Một bà lão bé nhỏ, trạc tuổi ông. Ông gặp bà trong thang máy, lên cùng một tầng. Đôi mắt bà đỏ hoe, im lặng không nhìn ai, chờ mọi người đi hết rồi mới bước ra khỏi thang, đi về cửa căn hộ ấy. Bà bước vào nhà, bên cạnh một đôi dép đàn ông đã xếp sẵn ở cửa, giờ thêm đôi dép phụ nữ.

        Ông quá đỗi bất ngờ về hàng xóm của mình. Ông từng ngóng được nhìn thấy cả nhà họ líu ríu dắt nhau vào thang máy, đâu ngờ một ngày được gặp hàng xóm, lại là một người đàn bà bé nhỏ vừa rấm rứt khóc xong. Từ đó, ông băn khoăn mãi về người hàng xóm của mình. Theo ông, ở từng tuổi đó, người ta mà khóc thì phải vì lý do ghê gớm lắm. Dỗi chồng dỗi con hay bị bạc đãi? Ông không biết làm sao để giúp đỡ người hàng xóm của mình vì không tìm ra lý do chính đáng để báo tổ dân phố hay là nhờ những người xung quanh giúp đỡ. 
        Từ việc thắc mắc về sáu đôi dép cứ lần lượt đổi chỗ, ông lão chuyển sang thắc mắc về đôi mắt đỏ hoe ướt nhẹp của bà hàng xóm. Sự thắc mắc lớn dần và ông quyết định sang ấn chuông nhà đối diện để xin phích nước nóng với lý do  bếp hư mà ông thì đang thèm trà. Thật bất ngờ, bà lão đã mời ông vào nhà dùng trà.
        Qua câu chuyện, ông mới biết bà lão sống có một mình với con chó mà bà đã nuôi từ lúc nó còn nhỏ, xem nó như con và nó cũng xem bà như mẹ. Biết chung cư cấm nuôi chó nên khi dọn về đây ở, bà phải nuôi lén và không may nó bị bệnh vừa mới mất cách đây mấy ngày. Bà đành mang chôn đứa con của mình, chỉ có mình bà khóc cho nó và bà cũng chỉ có mình nó để khóc. Bà thú thật bà không có con cháu để cuối tuần về thăm như ông. Sáu đôi dép là do bà tự mua tự xếp để tự thấy mình ấm áp...
        Ông lão không biết phải làm gì với bà lão mắt lại đỏ hoe, vết đỏ lan ra tận đầu mũi. Xoay cốc nước đủ hai mươi chín vòng thì ông nói : " Xin phép bác, chủ nhật cho ông cháu tôi sang đây xin phích nước nóng " rồi dứt khoát đứng lên đi về trước khi vệt đỏ ấy lan sang mắt và tràn xuống đầu mũi của ông.
        Tôi đọc câu chuyện đến mấy lượt, nước mắt không tứa ra như những lần trước đây khi xem phim hay đọc truyện có nội dung cảm động, mà lại cảm thấy cõi lòng nghẹn đắng... Khát vọng của bà lão thật chính đáng. Điều đó là bình thường với những người khác nhưng lại quá khó khăn với bà ! Phải chăng con người có số phận và ai cũng phải tìm cách nào đó để vượt qua mà sống, cho dù đôi khi phải sống dối mình, lạ lùng và khó hiểu trong mắt người khác ?!...
                                                                               Ngày 01/12/2011

                                                                                            

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

HÌNH BÓNG NGƯỜI THƯƠNG




                Nửa vầng trăng hững hờ che khuất
                Hình bóng người thương giờ ở nơi nao?
                Nhớ thương ai, lưu luyến thuở nào
                Tình chôn chặt hay tình đã mất ?
                Vằng vặc trăng ơi thề xưa còn đó
                Mà tình xưa vời vợi bóng thời gian
                Từng chiều qua lối cũ thấy hoa vàng
                Lòng chua xót ngậm ngùi thương với nhớ...
                Dã quỳ ơi, mùa đông đã đến!
                Bên sườn đồi, có bao giờ hoa thấy cô đơn?
                Vàng cho ai mà hoa nhận lấy tủi hờn
                Thương biết mấy một thời xa xôi quá!
                Hình bóng người thương, từng đêm sống lại
                Máu tim cạn dần mà lệ mãi đầy dâng
                Cũng bởi sông Tương mà tình ta bi hận
                Héo hắt một đời ôm mãi bóng hình ai...
                Biết bao mùa hoa, vàng cả nỗi đợi chờ
                Nhìn hoa ... lặng lẽ gởi vào hoa nỗi nhớ
                Hoa còn đây, hình bóng người thương sao không thấy?
                Biết gởi về đâu trọn vẹn nỗi lòng ta!
                Hoa nhớ chăng hoa, tình ai trao buổi ấy
                Để giờ đây trăng chếch, hoa phai?
                Khép kín riêng tư, chân lạc lối quay về
                Và từng mùa hoa nở, tìm nhau trong vô vọng...
                                                                                  Năm 2009