Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

TRỞ LẠI VƯỜN XƯA

   
                         
Xin tặng bạn một nhành " bông hoa bình yên"



                      Rồi có một ngày, anh trở lại vườn xưa
                      Cây khế cuối vườn nở từng chùm hoa tím
                      Thấp thoáng kẽ lá, đôi mắt ai chan chứa
                      Một thuở qua rồi, chợt đau nhói trong tim...

                      Ở một góc vườn, cây trứng cá im lìm
                      Bóng ngả xuống từng che đôi mình một thuở.
                      Cung đàn cũ, anh không làm sao nắn phím
                      Một khoảnh khắc xao lòng, quay ngược giấc mơ!

                      Ngôi nhà kỷ niệm rêu phong từng nỗi nhớ
                      Bên hiên nhà, khóm hồng tỷ muội lặng câm
                      Hương ngọc lan lạc lõng đâu kẻ mong chờ
                      Ướp trong tay áo trao ai tình thấm đẫm...

                      Ao sen xơ xác không còn ai ra ngắm
                      Bèo phủ xanh, anh nhớ dáng ngọc năm nào...
                      Nghiêng cành hoa sen, thanh tú đẹp vô ngần
                      Hoa và người ấy_ một thời ai chao đảo...

                      Thoáng chạnh lòng, chỉ một mình anh đi dạo
                      Càng ngậm ngùi, không tìm được dáng thu xưa...
                      Trở lại vườn xưa, người năm xưa hư ảo!
                      Lối nhỏ muộn phiền, sỏi cuội cũng không thưa.

                     Trời quang tạnh, sao lòng anh đổ cơn mưa?
                      Nghe mắt bỏng rát, bờ môi khô khốc lạ!
                      Người chờ người, mùa mưa cũ sắp về chưa?
                      Điều không thể giữa một chiều đông tàn tạ...

                      Bên cánh cổng khép hờ, giờ chỉ mình ta...
                      Còn đâu nữa một thời qua đi mãi mãi!
                      Nỗi lòng ai gởi lại vườn xưa, hoa lá
                      Bước chân tần ngần theo mùa cũ tàn phai...
                                                                  Ngày 06/12/2013
                            
                         

                         
                   

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

TỰ TRÁCH



       Lần qua thăm cách đây hai ngày, nhìn thấy Mẹ co ro vì lạnh sao mà thương quá! Hơn một năm trước, trời cũng lạnh nhiều và Mẹ đã ngã bệnh. Nghe Mẹ than mệt vì lạnh quá, tôi nói để con thoa rượu gừng cho ấm thì Mẹ hỏi rượu gừng ở đâu? Chai rượu để ngay chỗ ngồi mà Mẹ không nhớ ra. Mẹ quên nhiều thứ quá rồi! Lòng tôi xót xa vô hạn... Lúc Mẹ bị cảm lạnh, tôi làm mấy chai rượu gừng mang qua cho chị xoa bóp cho Mẹ, giờ Mẹ không còn nhớ gì hết. Sau ngày nhập viện, chuyền dịch và bị sốc thuốc suýt chết đến nay Mẹ rất sợ uống thuốc. Con cái đưa thuốc Mẹ cứ hỏi thuốc gì, uống có sao không, có lúc kiên quyết không chịu uống. Tôi hối hận vì mình không rành chăm người bệnh, ngày đó y tá điều dưỡng đưa thuốc gì là cho Mẹ uống ngay thuốc đó. Một ngày tới mấy cử thuốc, uống thuốc còn nhiều hơn ăn. Có con như tôi cũng bằng không, bất tài vô dụng đến thế là cùng...
        Nhớ lúc đó thấy Mẹ yếu quá, mấy chị em quyết định xin bác sĩ cho Mẹ về nhà. Bác sĩ Trưởng khoa bảo muốn về thì cho về, còn cô y tá điều dưỡng qua tận phòng bệnh hỏi tôi về nhà luôn có chuyển viện khác đâu mà xin giấy xuất viện? Không hiểu cô nghĩ gì mà nói thế?! Cũng may Mẹ tôi qua khỏi cơn nguy kịch như một kỳ tích. Các con của Mẹ đã tự cứu Mẹ mình bằng tình yêu thương và những lời cầu khẩn động đến Trời cao... Giá lúc đó đừng đưa Mẹ đi bệnh viện thì chắc Mẹ không bị như ngày hôm nay. Biết thì đã muộn. Một nỗi ân hận xót xa, cay đắng biết là nhường nào...
                                                                         Ngày 03/12/2013
                                                                                                      
       

GIÓ ĐÔNG





                              Ai mang ngọn gió đông về?
                        Cho trời rét mướt, người tê tái lòng!
                              Cho người héo hắt chờ mong
                        Cho đêm vô tận mơ mòng khát khao
                              Cho trăng ghé cửa không vào
                        Cho người cô phụ ruột bào năm canh
                              Cho rên rỉ tiếng vạc sành
                        Nỉ non, ai oán đêm thanh héo mòn
                              Gió đông qua mất hay còn
                         Ngày vơi tháng lụn trăng non lại già?
                              Hay là riêng chỉ mình ta
                         Đêm đông trăn trở chuyện xa xưa rồi...
                                                            Ngày 03/12/2013
                             
                              

HAI SỐ PHẬN




        Cách đây không lâu, trong một lần đi chợ, tôi gặp một người phụ nữ có dáng dấp quê mùa, lam lũ đang cuốc đất trong khoảnh sân trước của một ngôi nhà to lớn. Chủ nhân ngôi nhà này là dì Hai, đồng thời cũng là chủ vườn cao su liền đó. Dì có mấy người con có sạp buôn bán lớn trên chợ và đều có nhà riêng, còn dì thì sống với vợ chồng người con trai út trong ngôi nhà bề thế nằm giữa lô cao su rộng mênh mông. Khi tôi gật đầu chào, người phụ nữ tươi cười đáp lại và cho biết mình là em ruột của dì Hai, bấy lâu sống một mình ở xa, nay dì Hai kêu về ở chung cho vui. Dì mời tôi có rảnh chiều tối ghé nhà chơi, dì cho cây thuốc nam trị ho rất hay mang về trồng gây giống.
        Mỗi lần đi ngang nhà, tôi thường thấy dì làm việc ngoài vườn, không đốt rác thì cũng làm cỏ, gom củi cao su ... Dì Ba hiền lành và vui tính cũng giống như người chị nhưng dì gầy và đen chứ không trắng trẻo, đầy đặn như dì Hai nên trông có vẻ khắc khổ và già hơn chị của mình. Bẵng một dạo tôi bị ốm, không ra khỏi nhà, hôm nay có việc đi ngang thì thấy dì Ba đang nẹp lại mấy bức vách của một căn chòi nhỏ nằm phía sau ngôi nhà lớn. Tôi chào và hỏi dì Ba làm gì vậy thì dì trả lời là đêm qua gió lớn làm tốc mấy tấm bạt, dì che lại cho khỏi lạnh. Bây giờ tôi mới chực nhớ là căn chòi nhỏ này chỉ mới được dựng gần đây thôi. Khi trông thấy nó, tôi cứ tưởng gia đình dùng để chứa các dụng cụ lao động của nhà nông vì nó chỉ khoảng bảy tám mét vuông, làm bằng cây tràm và tre, mái lợp mấy tấm tôn đã cũ còn vách là những tấm bạt sợi chỉ loại thường, mỏng dính.
        Tôi cảm thấy có chút ngậm ngùi, hình ảnh tương phản của ngôi nhà to đẹp và căn chòi tạm bợ cứ đeo bám mãi trong tâm trí tôi. Nếu đêm nay lại có mưa dông như những đêm trước, hẳn là dì Ba sẽ lạnh và cô đơn, trơ trọi biết là bao nhiêu ...
                                                                       Ngày 08/07/2011

                                 

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

KHÁT VỌNG SỐNG



         Khát vọng là một ước ao mãnh liệt về một điều gì đó con người chưa có được. Họ còn đang gắng sức, nỗ lực để có điều mình mong muốn. Cũng có khi họ biến khát vọng đó thành một giả định không có thật để thỏa mãn ước mơ, để tìm sự ấm áp trong cảnh ngộ hiện tại.

        Truyện ngắn dự thi " HÀNG XÓM " đăng trên Báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam, số 40/ 2011, tác giả Chu Thùy Anh, điển hình cho một khát vọng sống, bất cứ ai đọc qua cũng không cầm lòng cho được. Có thể là do tôi quá đa cảm. Nhưng rõ ràng người viết kể một câu chuyện quá cảm động, nhân vật cô đơn và tội nghiệp đến như vậy, làm sao tôi không chạnh lòng thương cảm cho được ?

        Tác giả kể về những người hàng xóm của một chung cư cao tầng. Họ gồm có chín nhà sống ở tầng 13, cùng quay quần quanh thang máy và nhà nọ chếch cửa nhà kia. Ông lão sống ở một trong chín căn hộ đó luôn thắc mắc về nhà hàng xóm đối diện. Cùng một thiết kế như nhau, cửa sắt bên ngoài, cửa gỗ bên trong và khoảng cách giữa hai lần cửa đó vẻn vẹn chỉ năm mươi phân." Không hiểu người ta thiết kế như thế để làm gì, năm mươi phân thì để vừa được gì, ai cần để cái gì giữa cửa sắt và cửa gỗ "? Đó là câu hỏi mà ông lão luôn thắc mắc. Rồi chính ngay nhà hàng xóm chếch cửa nhà ông đã giải thích cho ông câu hỏi đó. Ngay giữa hai lần cửa đó có sáu đôi dép được xếp thắng hàng_ bốn đôi người lớn và hai đôi trẻ con. Chỉ có hai đôi trong giờ hành chính từ thứ hai đến thứ sáu. Lại đủ bốn đôi người lớn và hai đôi trẻ con sau sáu giờ chiều. Rồi thì bốn đôi người lớn và hai đôi trẻ con trong các ngày nghỉ.

        Ông lão chưa bao giờ được nhìn thấy những người hàng xóm đối diện nhà của mình một lần nào cả. Nhìn vào số dép để ở cửa, ông đoán nhà họ có sáu người. Những nhà hàng xóm khác thi thoảng ông còn gặp họ, cười cười chào nhau. Riêng nhà có sáu đôi dép thì chưa bao giờ thấy mở cửa, chỉ có những đôi dép lần lượt đảo chỗ cho nhau. Thật tình, ông lão chẳng cố tình nhìn vào nhà hàng xóm làm gì. Nhưng do một lần tình cờ ông nhìn thấy đôi dép xỏ ngón màu hồng có nơ be bé ở nhà đối diện khiến ông nghĩ đến cháu của mình, đoán là nhà đó cũng có cô cháu gái bảy tám tuổi, trạc tuổi cô cháu gái nhà ông. Từ đó, ông bỗng chú ý đến nhà hàng xóm có sáu đôi dép hơn. Ông từng chờ xem nhà hàng xóm của mình là ai nhưng ông lại có cảm giác dường như họ chỉ chờ ông đi vắng hay bận việc trong nhà mới đi ra ngoài. Bẵng đi một cái, ông lại thấy dép xếp lại rồi và lần nào ông cũng tiếc rẻ vì những việc linh tinh mà không gặp hàng xóm của mình được. 

        Cho đến một ngày, khi ông đã thôi ý định ngồi ngóng ra cửa để chờ gặp hàng xóm, thì bỗng dưng lại gặp bà. Một bà lão bé nhỏ, trạc tuổi ông. Ông gặp bà trong thang máy, lên cùng một tầng. Đôi mắt bà đỏ hoe, im lặng không nhìn ai, chờ mọi người đi hết rồi mới bước ra khỏi thang, đi về cửa căn hộ ấy. Bà bước vào nhà, bên cạnh một đôi dép đàn ông đã xếp sẵn ở cửa, giờ thêm đôi dép phụ nữ.

        Ông quá đỗi bất ngờ về hàng xóm của mình. Ông từng ngóng được nhìn thấy cả nhà họ líu ríu dắt nhau vào thang máy, đâu ngờ một ngày được gặp hàng xóm, lại là một người đàn bà bé nhỏ vừa rấm rứt khóc xong. Từ đó, ông băn khoăn mãi về người hàng xóm của mình. Theo ông, ở từng tuổi đó, người ta mà khóc thì phải vì lý do ghê gớm lắm. Dỗi chồng dỗi con hay bị bạc đãi? Ông không biết làm sao để giúp đỡ người hàng xóm của mình vì không tìm ra lý do chính đáng để báo tổ dân phố hay là nhờ những người xung quanh giúp đỡ. 
        Từ việc thắc mắc về sáu đôi dép cứ lần lượt đổi chỗ, ông lão chuyển sang thắc mắc về đôi mắt đỏ hoe ướt nhẹp của bà hàng xóm. Sự thắc mắc lớn dần và ông quyết định sang ấn chuông nhà đối diện để xin phích nước nóng với lý do  bếp hư mà ông thì đang thèm trà. Thật bất ngờ, bà lão đã mời ông vào nhà dùng trà.
        Qua câu chuyện, ông mới biết bà lão sống có một mình với con chó mà bà đã nuôi từ lúc nó còn nhỏ, xem nó như con và nó cũng xem bà như mẹ. Biết chung cư cấm nuôi chó nên khi dọn về đây ở, bà phải nuôi lén và không may nó bị bệnh vừa mới mất cách đây mấy ngày. Bà đành mang chôn đứa con của mình, chỉ có mình bà khóc cho nó và bà cũng chỉ có mình nó để khóc. Bà thú thật bà không có con cháu để cuối tuần về thăm như ông. Sáu đôi dép là do bà tự mua tự xếp để tự thấy mình ấm áp...
        Ông lão không biết phải làm gì với bà lão mắt lại đỏ hoe, vết đỏ lan ra tận đầu mũi. Xoay cốc nước đủ hai mươi chín vòng thì ông nói : " Xin phép bác, chủ nhật cho ông cháu tôi sang đây xin phích nước nóng " rồi dứt khoát đứng lên đi về trước khi vệt đỏ ấy lan sang mắt và tràn xuống đầu mũi của ông.
        Tôi đọc câu chuyện đến mấy lượt, nước mắt không tứa ra như những lần trước đây khi xem phim hay đọc truyện có nội dung cảm động, mà lại cảm thấy cõi lòng nghẹn đắng... Khát vọng của bà lão thật chính đáng. Điều đó là bình thường với những người khác nhưng lại quá khó khăn với bà ! Phải chăng con người có số phận và ai cũng phải tìm cách nào đó để vượt qua mà sống, cho dù đôi khi phải sống dối mình, lạ lùng và khó hiểu trong mắt người khác ?!...
                                                                               Ngày 01/12/2011

                                                                                            

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

HÌNH BÓNG NGƯỜI THƯƠNG




                Nửa vầng trăng hững hờ che khuất
                Hình bóng người thương giờ ở nơi nao?
                Nhớ thương ai, lưu luyến thuở nào
                Tình chôn chặt hay tình đã mất ?
                Vằng vặc trăng ơi thề xưa còn đó
                Mà tình xưa vời vợi bóng thời gian
                Từng chiều qua lối cũ thấy hoa vàng
                Lòng chua xót ngậm ngùi thương với nhớ...
                Dã quỳ ơi, mùa đông đã đến!
                Bên sườn đồi, có bao giờ hoa thấy cô đơn?
                Vàng cho ai mà hoa nhận lấy tủi hờn
                Thương biết mấy một thời xa xôi quá!
                Hình bóng người thương, từng đêm sống lại
                Máu tim cạn dần mà lệ mãi đầy dâng
                Cũng bởi sông Tương mà tình ta bi hận
                Héo hắt một đời ôm mãi bóng hình ai...
                Biết bao mùa hoa, vàng cả nỗi đợi chờ
                Nhìn hoa ... lặng lẽ gởi vào hoa nỗi nhớ
                Hoa còn đây, hình bóng người thương sao không thấy?
                Biết gởi về đâu trọn vẹn nỗi lòng ta!
                Hoa nhớ chăng hoa, tình ai trao buổi ấy
                Để giờ đây trăng chếch, hoa phai?
                Khép kín riêng tư, chân lạc lối quay về
                Và từng mùa hoa nở, tìm nhau trong vô vọng...
                                                                                  Năm 2009


Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

MẸ TÔI CHỈ CÓ MỘT TRÊN ĐỜI



Ảnh tải trên mạng


        Ảnh của bà mẹ trong tấm hình ở trên là tôi tải từ mạng về. Viết về mẹ của mình thì lẽ ra phải là hình của mẹ. Nhưng vốn biết tính mẹ sống khép mình nên tôi chọn ảnh minh họa từ mạng. Thứ nhất là mẹ tôi có nét lam lũ, chân quê như bà mẹ trong tấm ảnh này. Thứ hai là tôi muốn giữ lấy hình ảnh của mẹ cho riêng mình. Úi chà! Tôi ích kỷ quá phải không ?

        Thật ra, tôi đã viết về mẹ mình từ cách đây hai năm. Vừa rồi do lưu bài vào đĩa USB nhầm lẫn trong thao tác, quên là có hai bài viết cùng tên, nên tôi đã xóa mất bài viết mà tôi vô cùng yêu thích và trân trọng. Tôi buồn thiu và ngay lúc đó đã đặt quyết tâm sẽ viết về mẹ một lần nữa. Còn có bài viết nào hay hơn là bài viết về mẹ của mình, cho dù đó có thể là bài viết chưa đạt về ngôn từ, lập luận, cú pháp... Nhưng chắc chắn đó sẽ là bài viết đã gói trọn một niềm kính yêu và biết ơn mà  bất cứ đứa con nào cũng sẽ làm như vậy. Tôi chỉ mong sao mọi người hãy thông cảm cho tôi, đừng cảm thấy nhàm chán khi phải đọc lại bài viết này vì nó có thể củ rích với bạn nhưng với tôi nó luôn mới mẻ và mang đến cho tôi biết bao tự hào về mẹ của mình.


        Mẹ tôi cũng bình thường như bao bà mẹ khác. Một phụ nữ chân quê, suốt cả đời chỉ biết yêu thương gia đình và hy sinh tất cả cho chồng con. Là con nhà lao động, thuở nhỏ không được cha mẹ cho đi học vì phải ở nhà trông cháu. Mẹ tôi ham học lắm và thường hay bế cháu đứng nhìn các nữ sinh trường áo tím  đi học mà thèm thuồng và ước mơ mình cũng được như vậy. Có lẽ vì thế mà sau này khi có con, mẹ tôi đã đặt quyết tâm bằng bất cứ giá nào cũng phải lo cho các con ăn học tới nơi tới chốn. Để thực hiện ước mơ của mẹ, tôi là người nhận sứ mệnh thi vào trường áo tím đó. Gia Long vào những năm 1967, 1968 là một Trường Nữ Trung học danh tiếng của Sài Gòn. Tôi con nhà quê, từ một tỉnh lân cận là Bình Dương về thi nên tôi đã không thực hiện được điều mẹ hằng ấp ủ. Tôi bị đánh hỏng vì bài luận văn quá mới lạ mà tôi không có một chút hiểu biết nào cả. Đề thi là hãy kể lại một chương trình trên ti vi phát sóng trong tuần mà em yêu thích nhất. Nơi tôi ở còn xài đèn dầu, radio là phương tiện giải trí duy nhất. Ti vi hình thù ra sao tôi còn chưa biết thì làm sao mà biết nó có những chương trình nào? Tôi đã bật khóc ngay trong phòng thi vì biết mình không thể nào làm tròn ước mơ của mẹ...


        Mẹ tôi là con út nên được các anh chị phân cho nhiệm vụ chăm sóc bà ngoại lúc tuổi già. Ngoại già rồi nên sinh tật, hay hờn mát và khó tính nhưng mẹ tôi luôn chiều chuộng bà hết mực. Hàng ngày, mẹ nấu những món ăn bà ngoại ưa thích và nấu theo kiểu người già ăn nên bao giờ cũng động viên chúng tôi cố gắng ăn theo. Những món ăn ngon nhất bao giờ mẹ cũng ưu tiên dành phần cho bà và bao giờ cũng nói với chúng tôi câu :" Ngoại già rồi, chúng ta nhường cho bà. Các con còn nhỏ còn thiếu gì ngày ăn ! ".

        Mẹ tôi rất có hiếu với bà ngoại và bảo vệ bà một cách không khoan nhượng với cả thế giới vô hình. Lúc đó, ở tuổi ngoài tám mươi, bà ngoại bắt đầu lú lẩn và thường làm những việc khó hiểu. Bà hay nhìn thấy ma quỷ và có những hành động mà một người bình thường không ai làm cả. Một lần đang nằm võng ngoài hiên nhà, bà ngoại bỗng chắp tay van xin ai đó đừng bắt bà đi. Mẹ tôi nhìn thấy, tức tốc từ nhà sau chạy lên, cầm theo con dao phay và nói với giọng cương quyết : " Các người có đi ngay cho không ? Tôi sẽ không để yên nếu các người còn làm mẹ tôi phải sợ hãi!". Rồi mẹ ôm lấy bà ngoại mà vỗ về như với một đứa trẻ. Sau đó, bà ngoại liên miên leo lên đầu tủ áo, chui vào tủ rồi không biết đường ra, nửa đêm mở cửa nhà ra mương ngồi khóc dưới cơn mưa vì đi lạc mà không biết đường về nhà ... Mẹ tôi có vẻ bồn chồn, lo lắng rồi sau đó lập một hương án giữa trời cầu cho ngoại tôi sống thêm một kỷ , chờ ngày anh chị tôi ra trường đi làm để mẹ có điều kiện báo hiếu cho bà và bù lại, mẹ tôi bằng lòng bớt mười năm tuổi thọ của mình cho ngoại. Có lẽ do lòng hiếu thảo của mẹ động đến thiên đình nên ngoại tôi không còn bị quấy phá và sống thọ thêm năm năm nữa. Cuối cùng bà ngoại mắc chứng bệnh mạch lươn ăn luồng bên trong gò má, chắc là một dạng của ung thư. Thời gian ngoại bệnh, mẹ chạy đôn chạy đáo, đưa bà đi bệnh viện để chữa trị, tây y đông y không bỏ một phương thuốc nào. Cuối cùng bệnh ngoại ngày càng nặng, vết thương ăn thủng ra tới nên ngoài, bác sĩ lắc đầu và mẹ tôi không còn cách nào là đầu hàng số phận.


        Ngày ngoại mất, một ngày mưa dầm ảm đạm vào cuối tháng năm âm lịch. Mẹ không khóc lấy một tiếng mà một mình cáng đáng hết việc lo đám cho bà. Chỉ đến khi cổ quan tài của ngoại hạ huyệt, mẹ mới bật ra tiếng khóc nghẹn ngào... Mẹ tôi hốc hác và tiều tụy một thời gian dài sau đó. Mẹ không cho người ta mang đi thiêu hủy hết vật dụng của bà mà giữ lại một phần lớn để làm kỷ vật. Vào những chiều mưa tầm tã, mẹ nhớ bà và thường ngồi một mình lặng lẽ. Có lúc, mẹ lại mang chiếc túi vải đựng những chiếc răng đã rụng lúc già của ngoại ra săm soi thật lâu trong im lặng, đôi mắt buồn thăm thẳm hướng về một cõi nào đó dường như xa xăm lắm... 


        Mẹ cúng thất cho bà thật là chu đáo, đủ cả bảy thất cho giáp bốn chín ngày mới thôi. Nhà nghèo, ngoài ba thất chính là có mâm cơm đạm bạc, còn những thất khác chỉ có bình bông sen hái ngoài ao nhà và đĩa trái cây nho nhỏ. Lòng hiếu thảo của mẹ cũng động lòng vị sư thầy chuyên cúng đám. Có những hôm sư thầy đã đến nhà mà mẹ chuẩn bị mâm cơm chưa xong vì chỉ có một mình, thầy phụ mẹ chưng bông, trái cây, sắp dọn đồ cúng và không bao giờ chịu mang oản về, bảo để lại cho các cháu và còn bớt thù lao tụng đám cho ngoại nữa.


        Mười năm sau ngày ngoại mất, cậu tôi hốt cốt ông bà ngoại và mang gửi vào chùa. Đêm trước ngày hốt cốt, mẹ ngồi gần như trắng đêm để ngắm nhìn những chiếc răng của bà ngoại. Ngày hôm sau, mẹ quyết định bỏ những chiếc răng đó vào hủ cốt và nói rằng : " Thôi, ta gửi chúng theo ngoại để bà ra đi cho trọn vẹn ".


        Ngày các con còn nhỏ, lúc đó chỉ mới có anh và chị tôi thôi, mẹ tôi đã phải bươn chải nuôi con vào những lúc chồng thất nghiệp hay làm ăn thua lỗ. Mẹ có ít vốn liếng và sức yếu nên chọn việc buôn bán nhỏ cho hợp với hoàn cảnh của mình. Thúng bánh mì bán trước cổng trường cũng đủ đắp đổi qua ngày cho một gia đình nhỏ. Những ngày ế hàng, mẹ bán rẻ để thu lại đồng vốn nên không mua thức ăn như mọi khi. Tới bữa ăn, mẹ chan nước cá hộp bán còn dư vào tô cơm cho các con còn mẹ ăn cơm với muối ớt. Anh tôi nhìn thấy mẹ ăn nhiều lần như vậy nên thắc mắc thì mẹ cười và nói vì mẹ thích ăn như vậy. Còn quá nhỏ để hiểu biết, anh tôi tưởng thật nên ôm lấy cổ mẹ và nói : " Sau này lớn lên, đi làm có tiền con sẽ mua cho mẹ một thúng ớt để mẹ ăn cho đã luôn ". Có lẽ do suy nghĩ, lo toan nhiều cộng thêm ăn uống kham khổ như vậy mà mẹ tôi mang căn bệnh bao tử mãn tính.


        Mẹ tôi rất chịu thương chịu khó và khéo tay vô cùng. Bất cứ vật gì trong nhà hư hỏng, mẹ tôi cũng có thể sửa chữa được và nhìn còn có duyên hơn lúc ban đầu. Con dao bào hư mà không còn có thể sửa được nữa thì mẹ sẽ biến nó thành hai con dao nhỏ khác. Cái bay làm hồ sử dụng lâu ngày mòn dẹt, mẹ sẽ tra lại cán dài ra để làm một cái sủi cỏ rất đặc biệt và tiện lợi vô cùng. Ngay lúc chúng tôi đã đi dạy cả rồi, một lần các bạn đồng nghiệp đến nhà chơi đã phải phì cười và thán phục sáng kiến của mẹ tôi khi bà xâu những chai dầu ăn một lít thành một ống dẫn nước từ máng xối trên cao xuống đất để nước mưa không làm xói mòn nền sân. Mẹ tiết kiệm từng đồng và luôn dạy chúng tôi không được hoang phí. Thương mẹ quanh năm lúc thúc trong nhà, không được ăn món ngon vật lạ, vào những ngày lãnh lương hay có thêm tiền phụ trội, tôi mua món gì về cho mẹ đều phải nói giảm bớt giá tiền cho mẹ đỡ xót mà vẫn bị cằn nhằn và dặn là lần sau không được mua nữa. Còn vật dụng cá nhân mà mua cho mẹ phải chọn loại nền nã, bình dân nhất mà phải nhớ là nói bằng một nửa giá thì mẹ mới chịu nhận chứ bằng không mẹ bắt mang đi trả thì thiệt là chẳng biết phải làm sao? Mẹ xài đồ cẩn thận nên rất lâu hư hỏng, lại thêm tính ngăn nắp nên đồ dùng của mẹ từ quần áo, chăn gối, khăn khiếu... cái nào cũng sạch sẽ và thơm tho _  một mùi thơm mà chỉ riêng mẹ mới có được. Ngày chúng tôi còn nhỏ, dù nhà nghèo đến đâu, mẹ cũng cố gắng may cho các con một bộ đồ mới để mặc vào ngày mùng Một Tết cho hên. Quần áo cả nhà được mẹ ngâm và giặt giũ cẩn thận, khi phơi phóng được giũ cho thật thẳng, lúc gấp lại có bàn tay của mẹ vuốt cho phẳng phiu nên nhìn chúng tôi lúc nào cũng thật gọn gàng, tinh tươm trong sự chăm sóc của mẹ. Mẹ rất thương người nghèo, có món gì ngon cũng hay chia xẻ cho chòm xóm. Mỗi năm, mẹ soạn những quần áo cũ mà chúng tôi mặc không vừa nữa để giặt sạch sẽ, ủi láng rồi mang cho những đứa trẻ trong xóm mà cha mẹ chúng phải ăn nhờ ở đậu hoặc chạy ăn từng bữa.


        Mẹ tôi đặc biệt rất thương các con vật nuôi trong nhà và dường như hiểu được chúng muốn gì qua tiếng kêu hay cử chỉ. Vào những năm khó khăn nhất, nhà tôi có nuôi một con chó cỏ tên là Misa. Lúc Misa sắp sinh con cứ loanh quanh tìm chỗ làm ổ, mẹ tôi nhìn thấy và hiểu Misa cần gì nên đã dọn chỗ chất củi trong gầm bếp cho gọn lại và chỉ cho Misa bảo vào trong đó mà đẻ con. Misa làm đúng như vậy và sinh ra năm chú chó con rất xinh xắn. Bầy chó con ngày càng lớn, nhà không đủ cơm để nuôi nên cuối cùng mẹ phải mang mấy mẹ con Misa đổi lấy hai kilô cao lương đủ cho cả nhà một ngày no lòng. Sau này, mẹ cứ nhắc mãi về mẹ con Misa, coi như mình đã có lỗi khi đã lừa bắt chúng cho vào bao bố, chờ người đổi chó đi ngang nhà để đổi lấy bữa cơm vào một ngày nhà không còn lấy một hạt lương thực nào cả. Nỗi ám ảnh về Misa làm lòng mẹ đau đớn và mẹ âm thầm chịu đựng nên rất lâu về sau nhà tôi mới nuôi lại chó và mỗi khi chúng bị bệnh, mẹ chăm sóc rất chu đáo, lỡ chúng có chết đi, chính tay mẹ mang chôn một cách cẩn thận và không quên bó theo cho chúng ít vàng mã giống như là đối với một con người vậy.

        Mẹ tôi là một phụ nữ giỏi chịu đựng và rất vị tha. Mẹ hy sinh cho chồng con mà chưa một lời ta thán. Bố tôi vốn là người bướng bỉnh, thất thời lỡ vận nên hay bỏ nhà đi làm ăn xa có khi vài ba tháng mới về thăm nhà một lần. Mặc cho họ hàng xì xào, bàn tán, mẹ tôi vẫn đặt một lòng tin tuyệt đối vào bố. Lúc nào mẹ cũng dạy bảo chúng tôi phải luôn kính trọng và thương yêu bố dù bố hay vắng nhà, ít khi gần gũi với con cái. Nhà dì đất rộng mênh mông, cứ lâu lâu lựa ngày nắng ráo, mấy mẹ con lại ra vườn quơ củi để dành chụm dần. Chỗ chúng tôi nhặt củi cách xa mặt đường hàng mấy trăm mét mà còn khuất mất tầm nhìn vì cây cối rậm rạp. Vậy mà nhiều lần mẹ bảo là bố về và nói chúng tôi chạy ra đón bố thì in như đúng phóc là như vậy. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể lý giải được về chuyện này ? Bố tôi đi về thất thường và không bao giờ hẹn trước vậy làm sao mẹ có thể đoán được chính xác là bố đã về, nhất là đúng đến từng thời khắc? Có lẽ là do tình yêu sâu đậm của mẹ dành cho bố đã khiến mẹ có được linh tính nhạy bén đến như vậy!

        Mẹ tôi là người đức độ. Nhiều người nói như vậy khi được tiếp xúc với bà dù chỉ là lần đầu. Ngay cả một người chưa gặp mẹ tôi lần nào, chỉ cần chúng tôi cung cấp tuổi tác, địa chỉ nhà, họ cũng đều nói mẹ tôi là người nhân đức. Tôi không hiểu vì sao họ đoán như vậy nhưng tôi chỉ biết là mẹ mình hiền lành và tốt bụng. Những năm khó khăn, mẹ tận dụng mảnh đất trước nhà để trồng trọt, gieo mướp và cho dây bò lên hàng rào. Đến lúc ra quả, nhìn những trái xanh non thật là thích mắt. Mẹ tiếc không dám ăn và cũng muốn chờ cho chúng lớn hơn chút nữa. Vậy mà mới sáng ra đã có người hái trộm ngay trước mặt. Nhìn họ bức vội vàng những quả mướp non, cuống còn đung đưa với một phần thân bị gãy để lại, tôi tức quá hỏi : " Sao mẹ không la khi thấy họ bẻ của mình vậy ? ". Mẹ tôi nhìn theo bóng họ đi xa rồi nói : " Thôi con, nhìn họ lam lũ, rách rưới thế kia thì chắc là còn khổ hơn cả mình. Thôi cho họ đi! Họ ăn cũng như mình ăn vậy con à !".

        Mẹ tôi nói chuyện rất có duyên. Được nhìn mẹ cười múm mím, mắt mẹ long lanh và những điều mẹ nói thì tôi luôn bị cuốn hút vào đó. Mẹ nói năng từ tốn, mẹ phân tích vấn đề rất chí tình chí lý nên ngay kẻ hung dữ, muốn ra oai hiếp đáp mẹ cũng phải làm thinh im tiếng và bỏ cuộc. Tôi ước ao mình được giống mẹ ở nét duyên đó và cả sự khéo léo nữa mà xem chừng chúng tôi không làm sao có thể giỏi giang như mẹ được cả.

        Mẹ tôi là người không hề bị tiền bạc, vật chất cám dỗ. Cái thuở anh chị tôi mới lớn, cả xóm, cả họ cho con đi làm sở Mỹ vì kiếm tiền ở đó rất dễ. Mẹ tôi thì nhất định không, cứ khư khư sống trong nghèo khó với quyết tâm cho con ăn học nên người và có một nghề nghiệp chân chính để nuôi thân. Dì tôi có mấy cô con gái làm sở Mỹ tuy được nhiều tiền, thường xuyên mang quà bánh về nhà nhưng cũng nhiều cái không hay. Dì trách mẹ tôi nghèo mà bày đặt giữ danh giá, mẹ tôi chỉ làm thinh nhưng vẫn không thay đổi cách sống. Mẹ thường bảo với chúng tôi : " Nghèo cho sạch, rách cho thơm, con ạ! ". Con cái trưởng thành và thành lập gia thất đều theo ý nguyện, mẹ không bao giờ vì sự ham hố giàu sang, vật chất mà ép uổng hôn nhân con cái. Mẹ thường dạy chúng tôi cái giá phải trả cho vật chất, tiền tài và danh vọng là cả một đời người. Mẹ mong các con luôn ghi nhớ câu : " Giá trị của một con người không có bất kỳ một thứ vật chất, tiền bạc nào trên đời có thể đánh đổi ".

        Bây giờ mẹ tôi đã già lắm rồi. Một cụ bà ở tuổi tám mươi bảy mà vẫn còn rất minh mẩn. Nhưng thương thay lưng mẹ quá còng vì cả đời vất vả, cực khổ và thiếu thốn trăm bề! Mắt mẹ không còn tinh anh nữa mà đã biến sang màu cà phê sữa đục. Tiếng nói của mẹ cũng bớt trong và làn hơi thì ngắn đi, có vẻ mệt nhọc nếu phải nói hơi nhiều vì mừng rỡ vào những lúc có con cháu về thăm. Vậy mà ước mơ cuối đời của mẹ vẫn chưa thực hiện được. Lỗi là do các con của mẹ quá bất tài vô dụng nên khiến tuổi già của mẹ chưa được toại nguyện. Mẹ ơi! Mong mẹ hãy cố gắng đợi thêm một thời gian nữa nha mẹ! Chúng con hứa sẽ làm tròn tâm nguyện cuối đời của mẹ, để đến lúc ra đi, mẹ sẽ có thể nở một nụ cười mãn nguyện.

        Mẹ tôi, người mẹ chỉ có một trên đời!
        Ngày 19/10/2011

LIÊU XIÊU




                                   Liêu xiêu bóng nhỏ hao gầy,
                      Mong người viễn xứ tháng ngày dần trôi.
                            Chiều nao, ta bước sóng đôi
                      Chiều nay, gió cuốn lưng đồi bơ vơ,
                            Đêm thu, trăng cũng hững hờ
                      Chiều đông, giá lạnh vật vờ heo may.
                            Nhớ thương héo cả đêm dài,
                      Lệ rơi ướt sũng lòng ai, hỡi người ?
                                                          Ngày 31/07/2009

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

CHÙM THƠ LỤC BÁT HAI CÂU


Ảnh tải trên mạng



              ĐÔI MẮT
              Khóe thu vời vợi xa xăm,
         Bầu trời xanh thẳm chìm trong đáy sầu!
             
              HƯƠNG TÓC
              Thoảng mùi hương bưởi sau nhà,
         Suối mây tuôn chảy ngọc ngà tóc ai!

              LỜI RU
              Ai ru giọng ảo não buồn,
         Mây trôi, gió thoảng, mưa tuôn khúc sầu…

              DÁNG NGỌC
              Lụa ngà mình ngọc thướt tha,
         Điệu thanh dáng thoát ngỡ là Giáng Tiên!

              CÕI MỘNG
              Ngỡ mình lạc chốn non Bồng,
         Bước chân Từ Thức mênh mông lối về…
                                                      Ngày 27/11/2013

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

CẢ MỘT ĐỜI MẸ NGÓNG TRÔNG CON



Ảnh tải trên mạng



          Cả một đời Mẹ ngóng trông con
          Con không hiểu, đôi lần bực bội
          Mẹ im lặng... Nhìn xem thật tội !
          Ai là người thấu nỗi chon von?

          Biết bao ngày lòng Mẹ héo hon,
          Mẹ thấp thỏm ngồi nhìn ra ngõ
          Con không biết cũng không hề rõ
          Theo thắt tim chờ chỉ Mẹ thôi!

          Tiếng máy nổ, còi xe cuối lối
          Mẹ trông theo, dạ xót ruột bào
          Con của Mẹ giờ ở nơi nào?
          Mau về nhé, Mẹ đà mòn mỏi!

          Có những điều Mẹ không hề nói
          Chỉ âm thầm dõi bước chân con
          Tháng ngày trôi như nước và non
          Con ra biển, Mẹ càng tư lự

          Cuộc đời con bộn bề bao thứ
          Một đôi lần quên mái nhà xưa
          Mẹ lưng còng còm cõi dưới mưa
          Màn sương khói một mình hiu quạnh

           Mẹ ngồi suốt chờ cơn mưa tạnh
           Con chưa về, bong bóng phập phồng
           Có chờ mong mới hiểu ngóng trông
           Dài vô tận thời gian trôi chậm...

           Người đời bảo mẫu tử tình thâm
           Mẹ mong đợi bao lần cho đủ ?
           Phận làm con có bao giờ nhủ
           Tóc sương nhiều, Mẹ sợ cô đơn?

           Mẹ trông con chẳng chút dỗi hờn
           Vì Mẹ biết con trăm nghìn việc
           Mẹ một đời trông con không tiếc
           Mong con mình hai chữ bình an

            Mẹ ngồi đây dù trưa hay sáng
            Bóng hình con Mẹ đáu đau chờ
            Một đôi lần ngủ gục trong mơ
            Mẹ mừng rỡ con về bên Mẹ...

            Xúc động thay bức tranh người Mẹ!
            Cả một đời tựa cửa trông con.
            Ơn Mẹ dày, sâu, nặng tợ non
            Bốn biển lớn làm sao sánh được?
                                                Ngày 26/11/2013


         Ghi chú: Viết tặng cho những ai còn Mẹ để thấu hiểu nỗi chờ đợi của mẹ già chính là tình yêu thương vô bờ bến dành cho con cái của mình. Đừng bao giờ cho rằng sự chờ đợi của Mẹ thật là phiền phức, làm ta mất tự do, cản trở công việc giao tiếp, làm ăn của ta ở bên ngoài. Đến một lúc nào đó ta sẽ cảm nhận được việc ta trở về nhà trở nên vô nghĩa vì ở đó không còn có sự mong đợi của Mẹ nữa... Và khi đó ta sẽ hối hận trong muộn màng.

TÔI NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ





     1/.  Theo lời kể chuyện của chị, ngày còn bé, tôi có nhiều giai thoại rất buồn cười. Do mẹ sinh thưa, tôi cách chị mười năm, cách anh trai kế tám năm nên bé nhất nhà và cũng được cưng chiều nhất nhà. Bởi thế, tôi nhỏng nhẽo lắm... Năm ba tuổi, tôi bệnh một trận sinh tử. Khi vừa hết bệnh, tôi còn yếu quá, đứng không vững, hai chân run lập cập, tôi sợ quá vừa khóc vừa hỏi mẹ là liệu tôi có còn đi được nữa hay không? Mẹ trả lời là đi được chứ sao không và con còn phải đi vững trên đôi chân của mình nữa kìa !
    Khi cả nhà về quê ngoại tá túc, chị có nhiệm vụ chăm tôi vì sợ tôi ham chơi ngã xuống nước thì nguy vì nhà ngoại có nhiều mương lắm. Nhà quê mấy mươi năm trước đâu có nhà vệ sinh trong nhà, muốn đi là phải chạy " giáp ba cánh đồng". Vì vậy mỗi lần tôi "muốn" là chị tôi vác cái cuốc dẫn tôi ra vườn ... Vốn tinh nghịch và thích tự làm, tôi không nhờ chị giúp mà lấy chén (thứ chén úp trên miệng tỉn chứa nước tiểu ngoại dùng để dành tưới cây) đi vào đó và xếp thành hàng ngoài bụi tre. Đến lúc chị tôi nhìn thấy, chị bị ấn tượng đến ba năm sau không dám ăn chè xôi nước (bánh trôi nước) ...
     Tôi bày trò, phá phách gì toàn chị bị bà và mẹ la rầy vì không trông nom tôi cho cẩn thận. Từ thành phố về quê, cái gì với tôi cũng lạ lẫm cả nên tôi thích thú khi khám phá chúng. Nhìn xuống làn nước trong veo, thấy cá tôm ẩn mình dưới đám rong hay dưới mấy lá sen là tôi lấy rổ ra vớt chúng ngay. Có mấy lần vớt được chúng đâu, chưa kể có lần vớt phải con rắn nước, tôi hoảng quá vất cả rổ vào gốc cây rồi bỏ chạy. Đến lúc ngoại tìm rổ vẫn thường sấy cau thì không thấy đâu, chị tôi ra vườn tìm thì thấy một rổ đầy rong rêu, sình đất lăn lóc ngoài đó. Báo hại chị phải chà rửa sạch sẽ cho ngoại có mà dùng.
      Mỗi lần mẹ dẫn tôi đi nhổ răng bị sâu là y như rằng tôi nhẩm đọc bài "Lòng can đảm" trong sách đạo đức lớp Ba. Có một tối, không biết ăn phải thứ gì mà chị tôi muốn đi ngoài. Chị rủ tôi đi cùng, tôi hăm hở nhận lời và tự hào phen này mình là người bảo vệ cho chị đây. Đứng chờ chị, trong không gian tĩnh lặng, nhìn cây cối trong vườn thoắt ẩn thoắt hiện dưới ánh trăng huyền ảo, tôi lại nhẩm đọc bài "Lòng can đảm" cho thêm sức mạnh.
      Lúc trở vào nhà, tôi bảo chị đi trước để tôi đi sau bảo vệ. Chị cũng nhát, lại tưởng chắc tôi dạn lắm nên xách đèn bão ton ton đi trước. Tôi đi sau vừa đi vừa ngoái lại xem có kẻ gian hay không? Bất thình lình từ trong bụi chuối có một người bước ra, vai mang vác vật gì đó... rồi nhiều người bước ra từ những bụi chuối khác ... Thần hồn nát thần tính, dù biết không phải ma mà tôi sợ đến mức bỏ cả chị , quên luôn vai trò người vệ sĩ của mình, vừa chạy vừa kêu thất thanh:" Bớ người ta, có người ta! Bớ người ta, có người ta! "
      Nhà quê mà, đang đêm hôm thanh vắng, tiếng kêu khiếp đảm cứ lồng lộng vang xa, đánh thức cả xóm đang say sưa trong giấc ngủ. Tưởng có phía bên kia về phục kích, nhà nhà đánh phèng la, thùng thiếc ỏm tỏi, ngay nhà tôi còn đánh thùng thiếc chứ nói chi ai, vì đây cũng là quy định của chính quyền mà. Chi khu nghe báo động, bắn hỏa châu sáng rực cả một vùng trời. Đến lúc nhận ra tiếng kêu " tai ác " đó là của tôi thì cả nhà mới hoảng hồn chạy ra xem có việc gì? Thì ra tốp người mà tôi nhìn thấy chỉ là đám lính địa phương quân đi tuần tra ban  đêm mà thôi.
     Mẹ ôm tôi vào lòng, còn tôi mặt xanh ngắt không còn một giọt máu, run lẩy bẩy trong vòng tay của mẹ. Bà ngoại bảo chị pha cho tôi ly nước trà đường uống vào cho  tâm an lại. Từ đó, mọi người trong nhà và những ai biết chuyện cứ chọc tôi là “ Cô bé bớ người ta, có người ta!.."

    2/. Ngày Tết, gia đình tôi có lệ mừng tuổi ông bà, cha mẹ và người lớn sẽ lì xì cho trẻ con những phong bao đỏ thắm mà bên trong có những tờ giấy bạc mới tinh còn thơm mùi giấy. Năm nào cũng vậy, ngày mùng Một Tết là con cháu quy tụ về nhà thờ đầy đủ để thắp hương cho tổ tiên và chúc Tết  bà ngoại tôi. Thương tôi nhất nên lần nào ngoại lì xì cho tôi đầu tiên, một phong bao đỏ lạ nhất trong số những phong bao lì xì con cháu. Tôi nào biết ngoại đã cố tình làm dấu để mừng cho tôi số tiền lớn nhất. Mà tôi ít có xài tiền nên cũng không biết phân biệt giá trị của chúng. Đám anh chị em họ, cháu họ xúm lại mở bao lì xì của mình rồi đòi xem bao của người khác. Tỵ, tên ở nhà của  Rose, cháu gọi tôi bằng dì, lớn hơn tôi ba tuổi mà khôn lõi, lần nào cũng dụ đổi tiền của tôi cả. Nhà Tỵ giàu có, lại ở trên Gài Gòn nên có điều kiện ăn xài còn tôi con nhà nghèo, bố mẹ không cho tiền nên không biết mệnh giá đồng tiền ra sao. Mà một đứa trẻ mới lên năm như tôi, chưa đến lớp học bao giờ thì tôi mù tịt cũng phải thôi. Tỵ dụ tôi đổi mấy tờ giấy bạc một đồng của Tỵ để lấy một tờ giấy bạc mười đồng của tôi còn bảo tôi lời vì đổi chỉ có một tờ mà được thành  ba tờ còn gì !? Tôi chỉ biết có tờ một đồng thôi vì thỉnh thoảng cậu hay các dì về thăm ngoại rồi thấy tôi tội nghiệp cho tôi tiền bảo để dành ăn bánh. Qua hôm sau, ngoại hỏi tôi đã đưa tiền lì xì của ngoại cho mẹ bỏ ống heo để dành đến Tết năm sau may quần áo mới chưa và  khi tôi mang tất cả tiền được lì xì ra đưa cho ngoại đếm giùm mới biết là mình bị lừa. Ngoại mắng yêu : " Sao con khờ quá vậy! Năm sau không được đổi nữa nghe chưa ! "  
     Nhìn thấy bạn bè hay ăn trái ô môi, một loại trái khô, dài, khi ăn bẻ theo khía, cạp phần thịt màu nâu nâu bám bên trong thành vỏ. Nhìn chúng bạn ăn, tôi thèm lắm mà chẳng có tiền để mua. Một lần dì Hai về thăm ngoại mua rất nhiều bánh ít, tôi xin mẹ những ba cái mang ra đổi với bạn trái ô môi về ăn thử. Háo hức chạy về nhà với nửa khúc ô môi, tôi tìm mẹ nhờ chỉ cách ăn. Mẹ tôi bảo : " Có ăn được không đó ? Trái này khó ăn lắm con à ! "  Tôi cương quyết đòi ăn cho bằng được, mẹ chiều tôi lấy dao bổ cho tôi mấy khía, tôi vừa mới cạp có một miếng, nuốt chưa khỏi cổ đã bụm miệng chạy ra sân nhổ không kịp. Trời ạ! Mùi của nó sao khắm thế!.. Chẳng có ngon gì cả mà không hiểu sao bạn bè lối xóm thích ăn quá vậy không biết ? Sau lần đó, tôi sợ trái ô môi đến tận bây giờ.
     Nhà tôi có nhiều gà vịt lắm, mẹ tôi nuôi để dành cúng giỗ hay biếu anh em vào dịp Tết. Lần đó, nhà có mấy bầy gà và vịt con mới nở. Một hôm, tôi trốn mẹ, không ngủ trưa ra ngoài vườn hái dái mít và chùm ruột về làm nộm ăn. Hái được một vạt áo, bỗng tôi nhìn thấy vịt mẹ đang dẫn đàn vịt con bơi tung tăng dưới mương, cạnh đó là gà mẹ và đàn con đang bới đất kiếm mồi. Tôi nghĩ thầm : " Sao lạ vậy ta ? Vì sao gà mẹ không tập cho con bơi kiếm tôm tép dưới đám rong rêu như vịt có phải được ăn no không ? " Nghĩ là làm liền, tôi tóm ngay một chú gà con mới mọc mấy sợi lông ở cánh và ném xuống mương. Gà con không bơi được, đập cánh loạn xạ còn gà mẹ hoảng hốt vừa chạy dọc theo mép mương vừa cục tác ỏm tỏi nhưng không làm sao cứu được con mình . May sao lúc đó mẹ tôi nghe có tiếng gà kêu, tưởng có diều hâu xuống bắt gà bèn chạy ra và vớt kịp chú gà con đang ngáp ngáp lên bờ. Tôi bị mẹ mắng cho một chập mới khôn ra và biết là gà không thể nào xuống nước như vịt được.
  Thiệt tình luôn. Giờ nghĩ lại mới thấy mình ngày đó sao mà ngốc ơi là ngốc!
    

    3/. Cuộc đời thật ngắn ngủi. Làm người thật khó khăn. Bước vào ngưỡng cửa năm mươi mà tôi cứ ngỡ chỉ là một giấc mơ. Tôi nhớ những ngày mình còn bé ngu ngơ, khờ dại và cười thầm... Mấy mươi năm trôi qua một cái vèo. Giờ ngồi nhớ lại cứ tưởng mới hôm nào.
      Nhiều khi tôi nghĩ ngợi miên man về quãng đời đã qua của mình, lòng buồn vui lẫn lộn. Ngày nào còn là cô học sinh Trung học ngây thơ, nhìn đời với một màu hồng tươi sáng. Sáng nào trên chuyến xe đò thứ nhất đi vào thành phố cũng có mặt tôi, vì nếu không tôi sẽ bị trễ giờ học. Một tuần vài ba lần tôi lại gặp hai thanh niên lên xe dọc đường để đi làm, tôi đoán như vậy vì nhìn thấy phong cách lịch sự, trí thức của họ. Trong đó có một người bị tật ở đôi chân phải dùng nạng. Vì họ lên dọc đường nên không còn chỗ ngồi, xe thì chật cứng cả người. Một lần, họ đứng cạnh chỗ tôi và tôi đã nhường ghế cho anh thanh niên đi nạng kia. Anh ta cảm ơn tôi và ngồi vào ghế. Chỉ có vậy mà suốt dọc đường xe chạy và cả khi vào đến lớp, tôi cứ băn khoăn mãi vì không biết mình làm vậy là đúng hay sai, người thanh niên đó có vì hành động nhường ghế của tôi mà mặc cảm bản thân hay không?
      Khi đã là cô giáo và đi dạy rồi, tôi cũng còn ngây thơ, hay bị hố trước những đồng nghiệp ranh mãnh, tinh quái. Tôi vẫn còn nhớ mãi cái lần bị thầy Khánh  ghẹo đến tức đỏ mặt tía tai mà không biết phải làm sao!... Đó là hôm giáo viên của trường thu hoạch khoai mì vụ đầu tiên kể từ lúc tôi ra trường. Thầy cô nhà tập thể hăm hở lắm vì đây là thành quả lao động của mình sau hơn một học kỳ chăm bón.  Nói tiếng chăm bón cho oai chứ từ ngày hom mì được đặt xuống, chúng tôi chỉ có xới đất và nhổ ít cỏ chung quanh gốc khoai cho mầm cây vươn lên tươi tốt, còn sau đó là giao phó cho đất trời chăm sóc hộ. Vì vậy ngày dỡ khoai, ai nấy hồi hộp chờ xem cây có nhiều củ hay không? Dù không được chăm bón kỹ lưỡng nhưng khoai mì là loại cây dễ trồng, hể đặt xuống đất và cây mọc lên thì chắc chắn sẽ có củ. Mỗi bụi khoai thu hoạch trung bình cũng được hơn kí lô, có bụi còn  được nhiều hơn nhưng hổng hiểu sao có một bụi chỉ có duy nhất một củ dù thân cây không nhỏ so với các cây khác. Người nhổ bụi khoai đó là thầy Thuận, một giáo viên chuyên trách về mảng bổ túc văn hóa, là người địa phương. Chắc thầy Thuận ngạc nhiên lắm nên giơ cao bụi khoai lên kêu to : “ Ô! Đại tướng Đại Kỳ Lôi ! “. Tôi đang nhổ khoai cạnh đó, cũng ngạc nhiên không kém vì nào giờ chưa từng nghe có vị Đại tướng nào tên như vậy cả nên buộc miệng hỏi : “ Đại tướng Đại Kỳ Lôi là ai vậy anh Thuận? Sao em không biết về vị tướng này ?” Thầy Thuận trợn mắt nhìn tôi mà không trả lời gì hết. Tôi thắc mắc nên sau đó trong bữa cơm chiều đã mang ra hỏi thầy cô trong nhà tập thể. Không ai trả lời tôi cả, chỉ có thầy Khánh là cười ngất. Tức vì không ai trả lời mình mà còn bị thầy Khánh cười trêu chọc, tôi giận dỗi nói với thầy ấy là “ Hãy thôi đi thầy ! ”. Thầy Khánh không cười nữa và còn đùa dai bằng một câu làm tôi càng tức hơn : “ Chúng ta lấy nhau khi nào mà cô bảo hãy thôi đi ? “ … Thấy tôi cứ bị các thầy trêu ghẹo, thầy Hiệu trưởng đã bảo riêng với tôi là từ nay có gì thắc mắc cứ việc hỏi thầy ấy để được giải thích để không bị trêu nữa vì tôi khờ quá...

      Một lần có hai thầy từ phòng giáo dục về yêu cầu cho kiểm tra chuyên môn phân hiệu. Thầy Hiệu trưởng đã đi phân hiệu từ sáng sớm để chuẩn bị đón đoàn kiểm tra, ai ngờ họ về sớm quá. Cả trường không ai chịu dẫn đường vì phân hiệu cách trường chính hơn hai mươi cây số mà không có phương tiện giao thông. Hai thầy phòng giáo dục bực quá bảo nhà trường làm chưa tốt chỉ đạo chuyên môn nên tránh né đưa đoàn đi kiểm tra. Tôi nghe nói ức quà bèn dẫn hai thầy đi dù phân hiệu đó ở đâu tôi cũng chưa biết vì chưa từng đến đó bao giờ. Đi bộ được một quãng thì may quá có chiếc Ka- mat của nông trường cao su đi ngang và cho quá giang. Xe cho chúng tôi xuống ngay ngã ba vào trường còn họ chạy tiếp về nông trường theo hướng khác.

     Xuống xe, chúng tôi còn phải lội bộ trên năm cây số nữa mới tới phân hiệu; vừa lúc đó thì gặp thầy Hiệu trưởng đang trên đường về, lúc đó chắc khoảng bốn giờ chiều. Khi nghe tôi trình bày việc các thầy phòng giáo dục đòi dẫn đi phân hiệu kiểm tra, thầy Hiệu trưởng liền chỉ đường cho tôi đi tiếp vì thầy có việc phải quay về trường chính. Thầy đưa cho tôi chiếc cặp táp đang xách và bảo khi đoàn kiểm tra hỏi gì cứ mở cặp ra, trong đó thầy chuẩn bị sẵn đủ mọi thứ họ cần.
      Hôm sau, tôi về trường; thầy Hiệu trưởng hỏi tôi đoàn kiểm tra bảo sao? Tôi bảo họ khen trường làm tốt chỉ đạo của phòng giáo dục và nhắn lời chào thầy, họ về luôn không ghé trường chính nữa. Thầy Hiệu trưởng hỏi tiếp thế tôi có mở cặp không? Tôi thản nhiên trả lời không vì chẳng thấy họ đòi xem hồ sơ gì cả mà chỉ dự giờ thôi, còn bảo tôi dự giờ chung dù tôi có biết chuyên môn cấp một là gì đâu khi tôi là giáo viên cấp hai cơ chứ. Lúc bấy giờ, Hiệu trưởng mới cười và bảo thầy thấy tôi đi vội, biết chắc phải ở lại qua đêm nhà tập thể phân hiệu rồi mà chẳng thấy tôi chuẩn bị gì hết nên đưa cho tôi chiếc cặp của thầy trong đó có đồ dùng cá nhân để tôi có mà sử dụng...
    Sau này nghĩ lại, tôi thấy mình quả là khờ thật. Trong khi mọi người tránh né cho khỏe thân và không bị rắc rối, tôi lại lao vào... Cũng may kết quả kiểm tra trường tốt, bằng không liệu tôi có đỡ nổi hay không và thầy Hiệu trưởng chắc gặp phiền hà rồi...
     Khi tôi chuyển về TP.HCM giảng dạy. Một lần đoàn kiểm tra về trường thanh tra chuyên môn định kỳ. Một thanh tra viên nói chuyện với tôi và chỉ miếng đất trồng khoai mì xanh tốt sát cạnh trường và hỏi đất của ai mà trồng cây tốt thế? Tôi thật tình bảo là đất của nhà dòng, vì trường tôi nằm trong xứ đạo. Ai mà có ngờ trước đó thầy Hiệu phó phụ trách lao động bí quá đã báo cáo với đoàn kiểm tra đó là thành quả lao động của học sinh !? Từ đó, phòng giáo dục kháo nhau về thanh tra trường tôi không cần kiểm tra hồ sơ sổ sách làm gì cho mệt, cứ hỏi tôi rồi kết luận thanh tra cũng chính xác...

     Một người như tôi rõ thật là... Sự chân thật của tôi chẳng biết là tốt hay xấu, hay hoặc dở ? Nhưng dù sao tôi cũng đã sống thật với chính mình. Một cuộc sống không có gì phải hối tiếc cho dù tôi đã nhiều lần thất bại vì không chỉ quá thật thà mà còn khờ khạo nữa...                                                                         Ngày 09/02/2009 

    4/. Tôi là một người đã lỗi thời. Tôi không thích nghi được với nhịp sống hiện tại.
    Tôi yêu thích cuộc sống êm ả, thanh bình của một làng quê có sông nước, ruộng đồng, nương rẫy. Ở đó, cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng tình cảm xóm giềng thân thiết, gần gũi. Con người cũng hiền hòa, chân chất và tốt bụng, không có những mánh khóe lọc lừa, gian xảo làm lợi cho mình mà hại đến người khác.
     Tôi thích nghe những ca khúc xưa vì nhạc thì êm dịu, du dương mà lời thì đằm thắm, thiết tha, có sức thuyết phục lòng người. Tôi không thích dòng nhạc trẻ hiện nay. Lại càng dị ứng hơn với trang phục và cách biểu diễn của một số ca sĩ bây giờ vì đôi lúc quá nhố nhăng, quay cuồng, loạn xị.
    Tôi cảm thấy mệt mỏi với các mối quan hệ xã hội. Con người sống ngày càng thực dụng và có đủ thủ đoạn để giành lấy cho mình những gì tốt đẹp nhất. Họ có thể chà đạp lên tình nghĩa, bất chấp đạo lý mà lương tâm không bao giờ cảm thấy ái ngại, chứ nói gì đến ray rức, dằn vặt.
    Những gì tôi mơ, tôi muốn xem chừng là chuyện khó tìm hoặc không thể có được. Đó là một thời đã lùi xa vào quá khứ, mà bây giờ mỗi khi kể lại phải mở đầu bằng hai từ " ngày trước ". Một người đã lỗi thời như tôi biết phải sống làm sao đây?
     Tôi đành sống trong vỏ ốc của mình, mơ những giấc mơ xa vời, đọc nhiều chuyện cổ tích hơn để cố vớt vát lòng tin cuộc sống và nuôi một niềm hy vọng là trên đời vẫn còn có những người tốt.
                                                                                Ngày 26/12/2012