Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

TÔI NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ





     1/.  Theo lời kể chuyện của chị, ngày còn bé, tôi có nhiều giai thoại rất buồn cười. Do mẹ sinh thưa, tôi cách chị mười năm, cách anh trai kế tám năm nên bé nhất nhà và cũng được cưng chiều nhất nhà. Bởi thế, tôi nhỏng nhẽo lắm... Năm ba tuổi, tôi bệnh một trận sinh tử. Khi vừa hết bệnh, tôi còn yếu quá, đứng không vững, hai chân run lập cập, tôi sợ quá vừa khóc vừa hỏi mẹ là liệu tôi có còn đi được nữa hay không? Mẹ trả lời là đi được chứ sao không và con còn phải đi vững trên đôi chân của mình nữa kìa !
    Khi cả nhà về quê ngoại tá túc, chị có nhiệm vụ chăm tôi vì sợ tôi ham chơi ngã xuống nước thì nguy vì nhà ngoại có nhiều mương lắm. Nhà quê mấy mươi năm trước đâu có nhà vệ sinh trong nhà, muốn đi là phải chạy " giáp ba cánh đồng". Vì vậy mỗi lần tôi "muốn" là chị tôi vác cái cuốc dẫn tôi ra vườn ... Vốn tinh nghịch và thích tự làm, tôi không nhờ chị giúp mà lấy chén (thứ chén úp trên miệng tỉn chứa nước tiểu ngoại dùng để dành tưới cây) đi vào đó và xếp thành hàng ngoài bụi tre. Đến lúc chị tôi nhìn thấy, chị bị ấn tượng đến ba năm sau không dám ăn chè xôi nước (bánh trôi nước) ...
     Tôi bày trò, phá phách gì toàn chị bị bà và mẹ la rầy vì không trông nom tôi cho cẩn thận. Từ thành phố về quê, cái gì với tôi cũng lạ lẫm cả nên tôi thích thú khi khám phá chúng. Nhìn xuống làn nước trong veo, thấy cá tôm ẩn mình dưới đám rong hay dưới mấy lá sen là tôi lấy rổ ra vớt chúng ngay. Có mấy lần vớt được chúng đâu, chưa kể có lần vớt phải con rắn nước, tôi hoảng quá vất cả rổ vào gốc cây rồi bỏ chạy. Đến lúc ngoại tìm rổ vẫn thường sấy cau thì không thấy đâu, chị tôi ra vườn tìm thì thấy một rổ đầy rong rêu, sình đất lăn lóc ngoài đó. Báo hại chị phải chà rửa sạch sẽ cho ngoại có mà dùng.
      Mỗi lần mẹ dẫn tôi đi nhổ răng bị sâu là y như rằng tôi nhẩm đọc bài "Lòng can đảm" trong sách đạo đức lớp Ba. Có một tối, không biết ăn phải thứ gì mà chị tôi muốn đi ngoài. Chị rủ tôi đi cùng, tôi hăm hở nhận lời và tự hào phen này mình là người bảo vệ cho chị đây. Đứng chờ chị, trong không gian tĩnh lặng, nhìn cây cối trong vườn thoắt ẩn thoắt hiện dưới ánh trăng huyền ảo, tôi lại nhẩm đọc bài "Lòng can đảm" cho thêm sức mạnh.
      Lúc trở vào nhà, tôi bảo chị đi trước để tôi đi sau bảo vệ. Chị cũng nhát, lại tưởng chắc tôi dạn lắm nên xách đèn bão ton ton đi trước. Tôi đi sau vừa đi vừa ngoái lại xem có kẻ gian hay không? Bất thình lình từ trong bụi chuối có một người bước ra, vai mang vác vật gì đó... rồi nhiều người bước ra từ những bụi chuối khác ... Thần hồn nát thần tính, dù biết không phải ma mà tôi sợ đến mức bỏ cả chị , quên luôn vai trò người vệ sĩ của mình, vừa chạy vừa kêu thất thanh:" Bớ người ta, có người ta! Bớ người ta, có người ta! "
      Nhà quê mà, đang đêm hôm thanh vắng, tiếng kêu khiếp đảm cứ lồng lộng vang xa, đánh thức cả xóm đang say sưa trong giấc ngủ. Tưởng có phía bên kia về phục kích, nhà nhà đánh phèng la, thùng thiếc ỏm tỏi, ngay nhà tôi còn đánh thùng thiếc chứ nói chi ai, vì đây cũng là quy định của chính quyền mà. Chi khu nghe báo động, bắn hỏa châu sáng rực cả một vùng trời. Đến lúc nhận ra tiếng kêu " tai ác " đó là của tôi thì cả nhà mới hoảng hồn chạy ra xem có việc gì? Thì ra tốp người mà tôi nhìn thấy chỉ là đám lính địa phương quân đi tuần tra ban  đêm mà thôi.
     Mẹ ôm tôi vào lòng, còn tôi mặt xanh ngắt không còn một giọt máu, run lẩy bẩy trong vòng tay của mẹ. Bà ngoại bảo chị pha cho tôi ly nước trà đường uống vào cho  tâm an lại. Từ đó, mọi người trong nhà và những ai biết chuyện cứ chọc tôi là “ Cô bé bớ người ta, có người ta!.."

    2/. Ngày Tết, gia đình tôi có lệ mừng tuổi ông bà, cha mẹ và người lớn sẽ lì xì cho trẻ con những phong bao đỏ thắm mà bên trong có những tờ giấy bạc mới tinh còn thơm mùi giấy. Năm nào cũng vậy, ngày mùng Một Tết là con cháu quy tụ về nhà thờ đầy đủ để thắp hương cho tổ tiên và chúc Tết  bà ngoại tôi. Thương tôi nhất nên lần nào ngoại lì xì cho tôi đầu tiên, một phong bao đỏ lạ nhất trong số những phong bao lì xì con cháu. Tôi nào biết ngoại đã cố tình làm dấu để mừng cho tôi số tiền lớn nhất. Mà tôi ít có xài tiền nên cũng không biết phân biệt giá trị của chúng. Đám anh chị em họ, cháu họ xúm lại mở bao lì xì của mình rồi đòi xem bao của người khác. Tỵ, tên ở nhà của  Rose, cháu gọi tôi bằng dì, lớn hơn tôi ba tuổi mà khôn lõi, lần nào cũng dụ đổi tiền của tôi cả. Nhà Tỵ giàu có, lại ở trên Gài Gòn nên có điều kiện ăn xài còn tôi con nhà nghèo, bố mẹ không cho tiền nên không biết mệnh giá đồng tiền ra sao. Mà một đứa trẻ mới lên năm như tôi, chưa đến lớp học bao giờ thì tôi mù tịt cũng phải thôi. Tỵ dụ tôi đổi mấy tờ giấy bạc một đồng của Tỵ để lấy một tờ giấy bạc mười đồng của tôi còn bảo tôi lời vì đổi chỉ có một tờ mà được thành  ba tờ còn gì !? Tôi chỉ biết có tờ một đồng thôi vì thỉnh thoảng cậu hay các dì về thăm ngoại rồi thấy tôi tội nghiệp cho tôi tiền bảo để dành ăn bánh. Qua hôm sau, ngoại hỏi tôi đã đưa tiền lì xì của ngoại cho mẹ bỏ ống heo để dành đến Tết năm sau may quần áo mới chưa và  khi tôi mang tất cả tiền được lì xì ra đưa cho ngoại đếm giùm mới biết là mình bị lừa. Ngoại mắng yêu : " Sao con khờ quá vậy! Năm sau không được đổi nữa nghe chưa ! "  
     Nhìn thấy bạn bè hay ăn trái ô môi, một loại trái khô, dài, khi ăn bẻ theo khía, cạp phần thịt màu nâu nâu bám bên trong thành vỏ. Nhìn chúng bạn ăn, tôi thèm lắm mà chẳng có tiền để mua. Một lần dì Hai về thăm ngoại mua rất nhiều bánh ít, tôi xin mẹ những ba cái mang ra đổi với bạn trái ô môi về ăn thử. Háo hức chạy về nhà với nửa khúc ô môi, tôi tìm mẹ nhờ chỉ cách ăn. Mẹ tôi bảo : " Có ăn được không đó ? Trái này khó ăn lắm con à ! "  Tôi cương quyết đòi ăn cho bằng được, mẹ chiều tôi lấy dao bổ cho tôi mấy khía, tôi vừa mới cạp có một miếng, nuốt chưa khỏi cổ đã bụm miệng chạy ra sân nhổ không kịp. Trời ạ! Mùi của nó sao khắm thế!.. Chẳng có ngon gì cả mà không hiểu sao bạn bè lối xóm thích ăn quá vậy không biết ? Sau lần đó, tôi sợ trái ô môi đến tận bây giờ.
     Nhà tôi có nhiều gà vịt lắm, mẹ tôi nuôi để dành cúng giỗ hay biếu anh em vào dịp Tết. Lần đó, nhà có mấy bầy gà và vịt con mới nở. Một hôm, tôi trốn mẹ, không ngủ trưa ra ngoài vườn hái dái mít và chùm ruột về làm nộm ăn. Hái được một vạt áo, bỗng tôi nhìn thấy vịt mẹ đang dẫn đàn vịt con bơi tung tăng dưới mương, cạnh đó là gà mẹ và đàn con đang bới đất kiếm mồi. Tôi nghĩ thầm : " Sao lạ vậy ta ? Vì sao gà mẹ không tập cho con bơi kiếm tôm tép dưới đám rong rêu như vịt có phải được ăn no không ? " Nghĩ là làm liền, tôi tóm ngay một chú gà con mới mọc mấy sợi lông ở cánh và ném xuống mương. Gà con không bơi được, đập cánh loạn xạ còn gà mẹ hoảng hốt vừa chạy dọc theo mép mương vừa cục tác ỏm tỏi nhưng không làm sao cứu được con mình . May sao lúc đó mẹ tôi nghe có tiếng gà kêu, tưởng có diều hâu xuống bắt gà bèn chạy ra và vớt kịp chú gà con đang ngáp ngáp lên bờ. Tôi bị mẹ mắng cho một chập mới khôn ra và biết là gà không thể nào xuống nước như vịt được.
  Thiệt tình luôn. Giờ nghĩ lại mới thấy mình ngày đó sao mà ngốc ơi là ngốc!
    

    3/. Cuộc đời thật ngắn ngủi. Làm người thật khó khăn. Bước vào ngưỡng cửa năm mươi mà tôi cứ ngỡ chỉ là một giấc mơ. Tôi nhớ những ngày mình còn bé ngu ngơ, khờ dại và cười thầm... Mấy mươi năm trôi qua một cái vèo. Giờ ngồi nhớ lại cứ tưởng mới hôm nào.
      Nhiều khi tôi nghĩ ngợi miên man về quãng đời đã qua của mình, lòng buồn vui lẫn lộn. Ngày nào còn là cô học sinh Trung học ngây thơ, nhìn đời với một màu hồng tươi sáng. Sáng nào trên chuyến xe đò thứ nhất đi vào thành phố cũng có mặt tôi, vì nếu không tôi sẽ bị trễ giờ học. Một tuần vài ba lần tôi lại gặp hai thanh niên lên xe dọc đường để đi làm, tôi đoán như vậy vì nhìn thấy phong cách lịch sự, trí thức của họ. Trong đó có một người bị tật ở đôi chân phải dùng nạng. Vì họ lên dọc đường nên không còn chỗ ngồi, xe thì chật cứng cả người. Một lần, họ đứng cạnh chỗ tôi và tôi đã nhường ghế cho anh thanh niên đi nạng kia. Anh ta cảm ơn tôi và ngồi vào ghế. Chỉ có vậy mà suốt dọc đường xe chạy và cả khi vào đến lớp, tôi cứ băn khoăn mãi vì không biết mình làm vậy là đúng hay sai, người thanh niên đó có vì hành động nhường ghế của tôi mà mặc cảm bản thân hay không?
      Khi đã là cô giáo và đi dạy rồi, tôi cũng còn ngây thơ, hay bị hố trước những đồng nghiệp ranh mãnh, tinh quái. Tôi vẫn còn nhớ mãi cái lần bị thầy Khánh  ghẹo đến tức đỏ mặt tía tai mà không biết phải làm sao!... Đó là hôm giáo viên của trường thu hoạch khoai mì vụ đầu tiên kể từ lúc tôi ra trường. Thầy cô nhà tập thể hăm hở lắm vì đây là thành quả lao động của mình sau hơn một học kỳ chăm bón.  Nói tiếng chăm bón cho oai chứ từ ngày hom mì được đặt xuống, chúng tôi chỉ có xới đất và nhổ ít cỏ chung quanh gốc khoai cho mầm cây vươn lên tươi tốt, còn sau đó là giao phó cho đất trời chăm sóc hộ. Vì vậy ngày dỡ khoai, ai nấy hồi hộp chờ xem cây có nhiều củ hay không? Dù không được chăm bón kỹ lưỡng nhưng khoai mì là loại cây dễ trồng, hể đặt xuống đất và cây mọc lên thì chắc chắn sẽ có củ. Mỗi bụi khoai thu hoạch trung bình cũng được hơn kí lô, có bụi còn  được nhiều hơn nhưng hổng hiểu sao có một bụi chỉ có duy nhất một củ dù thân cây không nhỏ so với các cây khác. Người nhổ bụi khoai đó là thầy Thuận, một giáo viên chuyên trách về mảng bổ túc văn hóa, là người địa phương. Chắc thầy Thuận ngạc nhiên lắm nên giơ cao bụi khoai lên kêu to : “ Ô! Đại tướng Đại Kỳ Lôi ! “. Tôi đang nhổ khoai cạnh đó, cũng ngạc nhiên không kém vì nào giờ chưa từng nghe có vị Đại tướng nào tên như vậy cả nên buộc miệng hỏi : “ Đại tướng Đại Kỳ Lôi là ai vậy anh Thuận? Sao em không biết về vị tướng này ?” Thầy Thuận trợn mắt nhìn tôi mà không trả lời gì hết. Tôi thắc mắc nên sau đó trong bữa cơm chiều đã mang ra hỏi thầy cô trong nhà tập thể. Không ai trả lời tôi cả, chỉ có thầy Khánh là cười ngất. Tức vì không ai trả lời mình mà còn bị thầy Khánh cười trêu chọc, tôi giận dỗi nói với thầy ấy là “ Hãy thôi đi thầy ! ”. Thầy Khánh không cười nữa và còn đùa dai bằng một câu làm tôi càng tức hơn : “ Chúng ta lấy nhau khi nào mà cô bảo hãy thôi đi ? “ … Thấy tôi cứ bị các thầy trêu ghẹo, thầy Hiệu trưởng đã bảo riêng với tôi là từ nay có gì thắc mắc cứ việc hỏi thầy ấy để được giải thích để không bị trêu nữa vì tôi khờ quá...

      Một lần có hai thầy từ phòng giáo dục về yêu cầu cho kiểm tra chuyên môn phân hiệu. Thầy Hiệu trưởng đã đi phân hiệu từ sáng sớm để chuẩn bị đón đoàn kiểm tra, ai ngờ họ về sớm quá. Cả trường không ai chịu dẫn đường vì phân hiệu cách trường chính hơn hai mươi cây số mà không có phương tiện giao thông. Hai thầy phòng giáo dục bực quá bảo nhà trường làm chưa tốt chỉ đạo chuyên môn nên tránh né đưa đoàn đi kiểm tra. Tôi nghe nói ức quà bèn dẫn hai thầy đi dù phân hiệu đó ở đâu tôi cũng chưa biết vì chưa từng đến đó bao giờ. Đi bộ được một quãng thì may quá có chiếc Ka- mat của nông trường cao su đi ngang và cho quá giang. Xe cho chúng tôi xuống ngay ngã ba vào trường còn họ chạy tiếp về nông trường theo hướng khác.

     Xuống xe, chúng tôi còn phải lội bộ trên năm cây số nữa mới tới phân hiệu; vừa lúc đó thì gặp thầy Hiệu trưởng đang trên đường về, lúc đó chắc khoảng bốn giờ chiều. Khi nghe tôi trình bày việc các thầy phòng giáo dục đòi dẫn đi phân hiệu kiểm tra, thầy Hiệu trưởng liền chỉ đường cho tôi đi tiếp vì thầy có việc phải quay về trường chính. Thầy đưa cho tôi chiếc cặp táp đang xách và bảo khi đoàn kiểm tra hỏi gì cứ mở cặp ra, trong đó thầy chuẩn bị sẵn đủ mọi thứ họ cần.
      Hôm sau, tôi về trường; thầy Hiệu trưởng hỏi tôi đoàn kiểm tra bảo sao? Tôi bảo họ khen trường làm tốt chỉ đạo của phòng giáo dục và nhắn lời chào thầy, họ về luôn không ghé trường chính nữa. Thầy Hiệu trưởng hỏi tiếp thế tôi có mở cặp không? Tôi thản nhiên trả lời không vì chẳng thấy họ đòi xem hồ sơ gì cả mà chỉ dự giờ thôi, còn bảo tôi dự giờ chung dù tôi có biết chuyên môn cấp một là gì đâu khi tôi là giáo viên cấp hai cơ chứ. Lúc bấy giờ, Hiệu trưởng mới cười và bảo thầy thấy tôi đi vội, biết chắc phải ở lại qua đêm nhà tập thể phân hiệu rồi mà chẳng thấy tôi chuẩn bị gì hết nên đưa cho tôi chiếc cặp của thầy trong đó có đồ dùng cá nhân để tôi có mà sử dụng...
    Sau này nghĩ lại, tôi thấy mình quả là khờ thật. Trong khi mọi người tránh né cho khỏe thân và không bị rắc rối, tôi lại lao vào... Cũng may kết quả kiểm tra trường tốt, bằng không liệu tôi có đỡ nổi hay không và thầy Hiệu trưởng chắc gặp phiền hà rồi...
     Khi tôi chuyển về TP.HCM giảng dạy. Một lần đoàn kiểm tra về trường thanh tra chuyên môn định kỳ. Một thanh tra viên nói chuyện với tôi và chỉ miếng đất trồng khoai mì xanh tốt sát cạnh trường và hỏi đất của ai mà trồng cây tốt thế? Tôi thật tình bảo là đất của nhà dòng, vì trường tôi nằm trong xứ đạo. Ai mà có ngờ trước đó thầy Hiệu phó phụ trách lao động bí quá đã báo cáo với đoàn kiểm tra đó là thành quả lao động của học sinh !? Từ đó, phòng giáo dục kháo nhau về thanh tra trường tôi không cần kiểm tra hồ sơ sổ sách làm gì cho mệt, cứ hỏi tôi rồi kết luận thanh tra cũng chính xác...

     Một người như tôi rõ thật là... Sự chân thật của tôi chẳng biết là tốt hay xấu, hay hoặc dở ? Nhưng dù sao tôi cũng đã sống thật với chính mình. Một cuộc sống không có gì phải hối tiếc cho dù tôi đã nhiều lần thất bại vì không chỉ quá thật thà mà còn khờ khạo nữa...                                                                         Ngày 09/02/2009 

    4/. Tôi là một người đã lỗi thời. Tôi không thích nghi được với nhịp sống hiện tại.
    Tôi yêu thích cuộc sống êm ả, thanh bình của một làng quê có sông nước, ruộng đồng, nương rẫy. Ở đó, cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng tình cảm xóm giềng thân thiết, gần gũi. Con người cũng hiền hòa, chân chất và tốt bụng, không có những mánh khóe lọc lừa, gian xảo làm lợi cho mình mà hại đến người khác.
     Tôi thích nghe những ca khúc xưa vì nhạc thì êm dịu, du dương mà lời thì đằm thắm, thiết tha, có sức thuyết phục lòng người. Tôi không thích dòng nhạc trẻ hiện nay. Lại càng dị ứng hơn với trang phục và cách biểu diễn của một số ca sĩ bây giờ vì đôi lúc quá nhố nhăng, quay cuồng, loạn xị.
    Tôi cảm thấy mệt mỏi với các mối quan hệ xã hội. Con người sống ngày càng thực dụng và có đủ thủ đoạn để giành lấy cho mình những gì tốt đẹp nhất. Họ có thể chà đạp lên tình nghĩa, bất chấp đạo lý mà lương tâm không bao giờ cảm thấy ái ngại, chứ nói gì đến ray rức, dằn vặt.
    Những gì tôi mơ, tôi muốn xem chừng là chuyện khó tìm hoặc không thể có được. Đó là một thời đã lùi xa vào quá khứ, mà bây giờ mỗi khi kể lại phải mở đầu bằng hai từ " ngày trước ". Một người đã lỗi thời như tôi biết phải sống làm sao đây?
     Tôi đành sống trong vỏ ốc của mình, mơ những giấc mơ xa vời, đọc nhiều chuyện cổ tích hơn để cố vớt vát lòng tin cuộc sống và nuôi một niềm hy vọng là trên đời vẫn còn có những người tốt.
                                                                                Ngày 26/12/2012



                    

2 nhận xét:

  1. Đừng bao giờnghĩ rằng mình lỗi thời chị. Mỗi người có một cách sống. Người tu cũng vậy, có người thì tìm nơi vắng vẻ để tu, có người dấn thân vào chốn hồng trần làm công tác thiện nguyện. Cuộc đời của đức Thích ca Mâu Ni cũng có nhiều giai đoạn, khi thì ngồi thiền, tu khổ hạnh; khi thì nhận cúng dường, bồi bổ sức khỏe để hành đạo, giúp người. Mình sống sao cho hợp thời, thuận cảnh, thấy việc gì phải thì làm, vậy thôi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình sống khác với những người khác không lỗi thời thì là gì hả em? Nhưng lỗi thời đâu có nghĩa là lạc hậu, xấu xa. Cũng giống như em nói, mỗi người có quan điểm sống khác nhau, miễn sao không lố lăng, vi phạm đạo đức con người là được rồi. Chị vẫn sẽ sống theo cách mà mình đã chọn lựa. Không nhất thiết phải chạy theo số đông dù có bị chê cười là không thức thời.

      Xóa