Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

NÚI RỪNG CỦA TÔI ƠI!



Ảnh tải trên mạng



        Núi rừng của tôi ơi! Một nỗi nhớ đến khôn cùng dù đã cách xa gần ba mươi năm.
        Năm học 1978 - 1979, tôi ra trường được phân công về giảng dạy ở một huyện miền núi thuộc tỉnh Sông Bé. Nơi tôi ở có ngọn núi Bà Rá cao khoảng 750 mét, có dáng giống như một cô gái nằm hong tóc - đó là lời nhận xét của một cô giáo gốc Huế xinh nhất trường tôi. Vào mùa mưa, núi thường bị che khuất bởi những đám mây đen mang đầy hơi nước; còn vào mùa đông thì mây mù xuống thấp, nửa ngọn núi biến mất trong làn khói sương màu sữa đục. Có những buổi chiều đông se lạnh, tôi đứng nhìn rặng núi xa xa mà tự hỏi nhà mình ở đâu và giờ này mẹ đang làm gì, có nhớ đến tôi không ?
     Sống ở Phước Long bốn năm học mà tôi chỉ có một lần duy nhất leo thử lên núi Bà Rá mà thôi. Lúc đó, chúng tôi vừa nhận nhiệm sở, phải  ở lại Phòng Giáo dục vài ngày, chờ Hiệu trưởng họp Tổng kết năm học xong sẽ đón chúng tôi về trường luôn. Trong lúc chờ đợi, nhóm bạn thân chúng tôi gồm sáu đứa : Ngọc Minh, Ngọc Thanh, Thu Lan, Kim Oanh, Quần Trinh và tôi rủ nhau đi chơi loanh quanh vì biết sau đó mỗi đứa sẽ được phân về một nơi, muốn gặp nhau là rất khó. Hai bạn nam hướng dẫn đường đi và chúng tôi vào rừng. Càng tiến sát chân núi, đường càng khó đi bởi quá nhiều sỏi đá, cỏ mọc um tùm vì đang là mùa mưa. Ngọc Thanh, lớp phó lao động, nhanh tay bẻ các cành cây dọc đường phát cho mỗi người một cành để chống khi leo dốc đồng thời khua vào các lùm cây báo động cho rắn rết bỏ đi. Leo khoảng được năm mươi mét, Quần Trinh, một cô bạn Trung Hoa tốt bụng, mệt quá bỏ cuộc nên cả bọn đành quay về. Trên đường về, chúng tôi tạt vào một khu rừng vì thấy có những nhánh phong lan mọc trên những cây cổ thụ to đang ra hoa thật đẹp. Loay hoay mãi Ngọc Minh vẫn không thể leo được lên cây để hái hoa tặng cho chúng tôi, cả bọn đành đứng dưới gốc nhìn lên chiêm ngưỡng vậy. Ngọc Minh nói có nghe kể về một khu rừng trồng toàn Phong Lan rất đẹp của Đại Tướng Dương Văn Minh ngày trước, nhưng chẳng biết ở đâu. Đang vui chơi thì trời đổ mưa bất thình lình, chúng tôi kẹt lại trong rừng đành trú mưa dưới hai chiếc áo mưa được hai bạn nam quây lại. Mưa rừng có khác, bất ngờ, chớp nhoáng và gió thốc dữ dội. Tội cho hai bạn nam đứng ngoài che chắn cho chúng tôi bị ướt đẫm nước mưa.


Núi Bà Rá và thủy điện Thác Mơ_ Ảnh tải trên mạng

         Ngày đó, mỗi lần về Phòng Giáo dục hội họp hay ra Trường cấp 2 -3 Phước Long dự chuyên đề, thao giảng tôi lại lội bộ nửa vòng núi Bà Rá. Có con đường mòn đi tắt từ trường tôi ra thị trấn Phước Bình và huyện lỵ Phước Long, nhưng phải đi vòng theo chân núi, cảnh vật vắng vẻ vì ít người qua lại. Lần đầu chị bạn dạy chung là thủ quỹ đi lĩnh lương cho trường rủ tôi đi cùng cho đỡ sợ, tôi mới biết con đường tắt này và về sau hay đi theo lối đó vì ngắn chỉ bằng nửa đường chính. Có một lần tôi bắt gặp một tù nhân trốn trại cải tạo tệ nạn xã hội trên núi Bà Rá đang nấp trong lùm cây rậm rịt ven đường, tôi sợ mặt không còn một chút máu, chân run rẩy vì sợ bị làm hại như lời người dân vẫn thường đồn đại. May mà không sao cả, thật hú vía.
       Quanh trường tôi là rừng tre và cỏ tranh bao phủ. Thầy trò đốt rẫy trồng khoai mì, khoai lang. Món ăn sáng của thầy cô giáo chúng tôi ngày ấy là một nồi khoai mì to tướng bốc khói thơm ngào ngạt dù chẳng có lá dứa. Khoai mì nóng hổi chấm muối hột giã nhuyễn với ớt hiểm còn xanh mà sao ngon lạ lùng? Ăn quanh năm suốt tháng chẳng thấy ngán. Nếu ngán thì biết ăn món gì bây giờ? Kể cũng hay !
       Trước mặt trường tôi là con đường độc nhất đi từ huyện lỵ Phước Long đến thị trấn Phước Bình, qua các xã Phước Tín, Bù Đăng, Nghĩa Trung, đi ngang cầu Nha Bích, huyện Bình Long, huyện Bến Cát rồi về Thị xã Thủ Dầu Một. Các xã xa xôi, hẻo lánh của Phước Long gồm có Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Đồng Nai- Thống nhất, Thọ Sơn, Đakia, Đăk- ơ, Đăk nhau ...  là những xã được đánh dấu đỏ về sốt rét rừng. Ở Phước Long có một sóc nổi tiếng là sóc Bom Bo, chắc các bạn cũng biết bài hát " Tiếng chày trên sóc Bom Bo " phải không ? Phía Tây và Tây Bắc của huyện Phước Long giáp với Cam- pu -chia nên một dạo có việc quân Khờ Me đỏ tràn qua biên giới giết hại người Việt, trong đó có một cô giáo dạy cấp một tên Yến. Vì địa bàn của chúng tôi sát xã Lộc Ninh, quá gần biên giới nên du kích địa phương có phối hợp với giáo viên khi có kẻng báo động là phải tập trung để chống trả kẻ địch. Chúng tôi mỗi người tự trang bị vũ khí cho mình là một thanh tre lồ ô già, dài hai mét được vót nhọn một đầu. Một đêm đang ngủ ngon bỗng nghe hồi kẻng báo động vang lên từ xã, tôi tốc mền ngồi dậy, nhảy phóc xuống giường , khoác vội áo ấm, chụp thanh tre vũ khí và chạy ào ra nơi tập trung. Đến nơi đã thấy mọi người có mặt khá đầy đủ, khi kiểm tra quân số mới hay trường tôi chỉ có thầy Bí thư Chi đoàn và tôi - đại diện thanh niên - đến "nghinh chiến". Cũng may chỉ là tập trận giả và càng may hơn là sau đó quân Khờ Me đỏ không có tràn sang biên giới một lần nào nữa cả.
         Năm 2000, tôi theo gia đình người bạn lên Ban Mê Thuột, khi tới ngã tư Chơn Thành rồi theo Quốc lộ 14 đi lên Đăk Nông, tôi không còn nhận ra chốn cũ nữa dù ngày xưa tôi vẫn hay đi ngang đây mỗi lúc về thăm nhà. Đồng Xoài ngày trước còn là một vùng đất  hoang vắng, nay đã trở thành thị xã trù phú, dân cư đông đúc đến không ngờ. Cầu Nha Bích và đập thủy điện trở nên  lạ lẫm trong mắt tôi, mọi cái không phải như hình ảnh tôi còn lưu giữ trong đầu... thậm chí tôi không còn định ra hướng nào là hướng đi về Phước Long, nơi tôi từng dạy học trước đây.
         Nhớ lúc đó, đứng từ dãy phòng học nhìn qua bên kia đường là xóm nhà dân thưa thớt, xa hơn nữa là rừng. Có một lần tôi đã vào khu rừng này khi dẫn học sinh đến lán trại khai thác gỗ nơi đó lấy ván mà xã đã liên hệ xin cho trường để đóng vách thay cho những tấm vách ngăn bằng tre lồ ô trước đây. Sau đó, tôi có đến đó thêm mấy lần để xin mạt cưa về đun bếp vào mùa mưa vì mùa này khó tìm được củi khô trong rừng tre quanh trường. Tôi thích khu rừng này vì vào mùa mưa nó rất đẹp khi ẩn hiện sau màn mưa trắng xóa. Nhớ nhà, tôi hay tựa  cột trước dãy phòng học nhìn về hướng rừng xa xôi kia khóc thầm. Nhà học trò ngoài việc làm rẫy theo kế hoạch của hợp tác xã nông nghiệp còn tự phát rẫy làm thêm ở rừng tre gần khu rừng đó; một thôn của người thiểu số  S'tiêng cũng ở trong khu rừng đó, tôi thường thấy họ ra ngoài chợ trao đổi hàng hóa. Năm đầu tiên tôi mới ra trường, khoảng 21 giờ, có một một bà lão người S'tiêng lên trường tôi xin cơm ăn. Tôi không hiểu bà nói gì thì may có thầy Hiệu trưởng đoán được ý bảo tôi vào bếp xem còn cơm không thì lấy cho bà. Tôi bới một tô cơm độn bo bo đầy vun và một chén muối hột giã ớt xanh mang ra, bà cụ ngồi xẹp xuống nền đất, ăn ngon lành, khi hết còn có ý muốn xin thêm. Tôi định đi bới thêm nhưng thầy Hiệu trưởng ngăn lại vì sợ bà ăn nhiều sẽ bị bội thực thì nguy hiểm cho tính mệnh. Tôi xua tay, lắc đầu, thế là bà lão đi về hướng khu rừng đó. Giờ nghĩ lại tôi cảm thấy xót xa, biết đâu bà muốn xin thêm mang về nhà cho con cháu mà chúng tôi không hiểu được tiếng nên đã từ chối...
      Có một lần tôi vì thẹn khi phải xuống suối công cộng tắm chung với mọi người nên một mình lẳng lặng đi tìm mọi nước mới. Tôi đi men theo con đường uốn quanh đồi trọc vào tới một khu rừng lạ. Loay hoay một hồi, tôi cũng tìm ra một mọi nước trong vắt đang tuôn ra gần một hốc cây to. Mừng quá, tôi liền xuống gội đầu và tắm giặt. Đang thoải mái đắm mình giữa làn nước trong xanh chợt tôi nghe có nhiều tiếng la ó vẻ giận dữ của một nhóm người.  Hoảng quá, tôi choàng vội khăn, leo lên bờ thì một phụ nữ lớn tuổi từ trong nhóm người vừa xuất hiện bước tới trước mặt tôi khoa tay múa chân nói một tràng tiếng S'tiêng mà tôi không hiểu gì cả. Thấy tôi nghệch ra, bà nhảy chồm chồm vừa chỉ tay xuống mọi nước vừa chỉ vào cục xà bông tôi còn để trên vệ cỏ. Tôi loáng thoáng hiểu ra là không được sử dụng xà bông làm bẩn nguồn nước nên vội thu dọn và trở sang suối công cộng để giặt quần áo. Khi về trường, tôi kể lại chuyện cho mọi người nghe, ai cũng xuýt xoa bảo may là những người S'tiêng  đó không làm gì tôi vì tôi đã vô tình tắm giặt tại nguồn nước chỉ dành cho việc nấu ăn của họ.
        Trường tôi ở trên đồi cao nên việc lấy nước về để sử dụng rất vất vả. Ngoài việc phải xuống suối gánh về mỗi ngày hai gánh theo ca trực của mình, chúng tôi còn tranh thủ lúc đi suối tắm giặt xách về thêm một can năm lít để sáng ra có nước đánh răng rửa mặt. Cạnh trường tôi là Trạm y tế của xã, bên đó có một anh y tá người Việt gốc Miên hay sao mà có họ là Chuông. Anh Chuông nghe đâu có vợ rất đẹp nhưng đã ly dị và thằng con trai ba tuổi sống với mẹ. Trạm y tế gồm có bốn cha con bác Trưởng trạm và anh Chuông. Không hiểu vì sao anh Chuông nói với thầy Hiệu trưởng xin được đăng ký ăn cơm ở bếp ăn trường tôi. Thế là từ đó, chúng tôi có thêm đồng minh mỗi chiều khi đi suối về gánh theo một đôi nước để cho chị nuôi nấu ăn. Khi chưa có anh Chuông, bữa cơm nào tôi cũng ngồi sát vách, cạnh nồi cơm và bới cho cả nhà. Từ khi có anh Chuông, anh ngồi vị trí đối diện tôi và trong suốt bữa ăn, ai đưa chén nhờ tôi bới cơm là anh giành bới hết. Anh bảo: " Cô ăn chậm để tôi bới cho, cô lo ăn đi ! " Một thời gian sau, do công việc của anh bị động về giờ giấc, bệnh nhân cấp cứu lúc nào là phải có mặt lúc đó nên anh cứ phải ăn sau một mình. Có lẽ buồn hay vì lý do gì đó, anh thôi không đăng ký ăn ở bếp ăn trường tôi nữa. Về sau, anh tái hôn với một giáo viên mẫu giáo nhà đối diện trường chúng tôi. Khi tôi mua nhà gần dưới suối cho tiện sinh hoạt, anh biết được đã ngăn tôi lại, bảo nên sống ở nhà tập thể là tốt nhất vì tôi chỉ có một thân một mình.
         Học trò lớp Chín đầu tiên của trường chuẩn bị đi thi tốt nghiệp cấp hai. Do có dạo tôi dạy toán cho chúng khi thầy giáo bộ môn bỏ nhiệm sở nửa chừng năm học trong khi chờ Phòng Giáo dục bố trí nhân sự mới nên sau này dù đã có giáo viên dạy chính thức, buổi tối chúng còn kéo nhau khoảng trên chục đứa xuống nhà tôi nhờ kèm thêm môn toán, vì quá bất thình lình tôi cũng giật cả mình. Chẳng biết chúng xin cha mẹ thế nào mà ở cả lại nhà tôi ngủ qua đêm. Thấy nhà tôi bé quá, mượn tấm cót phơi lúa của nhà đứa học trò sát bên trải ra đất cho chúng ngủ tạm là không còn lối đi lại ; chúng liền bảo: " Cô ở lại đây luôn đi, đừng về thành phố nữa, thi xong tụi em lên rừng đẵn cây về cất cho cô một ngôi nhà sàn bằng gỗ tuyệt đẹp". Tôi phì cười hỏi lại: " Rồi lúc cô già thì lấy ai lo cho cô? " Tất cả nhao nhao la to: " Tụi em, con tụi em thiếu gì, cô không phải lo".
        Phước Long bây giờ đã thay da đổi thịt, kinh tế, văn hóa, đời sống đều phát triển vượt bậc. Không còn có những nhóm người S'tiêng sống du canh du cư, vào rừng phát rẫy trồng lúa, tỉa khoai như ngày xưa. Họ đã cất nhà ra mặt lộ, ở gần với người kinh, ăn mặc như người kinh, thanh niên không còn đóng khố nữa, cũng biết chạy xe honda, vào quán mua bia về uống và nói Tiếng Việt khá sỏi. Tôi rất vui vì nhìn thấy mọi cái đều tốt đẹp nhưng không khỏi cảm thấy có chút gì xao xuyến trong lòng vì không sao tìm lại được " ngày ấy  trong tôi ".
        Mới đó đã ba mươi năm trôi qua, mọi cái đều thay đổi. Năm 2006, tôi có dịp về thăm chốn cũ, thầy trò gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi. Một phân hiệu cấp một của trường tôi ở Bình Tín giờ đây đã nằm dưới lòng hồ khi người ta ngăn  dòng chảy của con suối để làm đập thủy điện Thác Mơ. Hàng tràm trong sân trường giờ đã cao to như cổ thụ, không còn cục tán bằng đá xanh dính tòn teng ở cây cột ngay đầu hồi lớp Sáu do bị dòng nước chảy xiết mỗi mùa mưa lôi hết lớp đất bên dưới dù năm nào chúng tôi cũng đắp thêm đất. Rất mừng vì trường cũ đã được xây dựng chắc chắn chứ không còn tạm bợ như xưa, còn khu rừng trước kia càng lùi xa hơn  và thay thế bằng những dãy nhà san sát. Tôi đứng trước ngôi trường cũ mà lòng bùi ngùi khi không tìm lại được hình ảnh thân yêu của ngày xưa...  Tôi đã trở nên lạc hậu. Tôi đã già mất rồi. Tôi nghe lòng buồn man mác, tự hỏi tuổi trẻ của mình bây giờ ở nơi đâu ? Tiếc là ngày đó mình không có điều kiện để chụp vài tấm ảnh lưu niệm để bây giờ có mà mang ra xem lại mỗi lúc nhớ về ngày đầu tiên đứng trên bục giảng.... Khi trở lại nhà, tôi có làm bài thơ nói lên tâm trạng của mình lúc bấy giờ, sẵn đây tôi chép lại cho các bạn cùng xem:
                                                
                VỀ  THĂM  TRƯỜNG  CŨ
               Hai mươi năm đã qua rồi,
          Về thăm chốn cũ bồi hồi trong tim
              Trường xưa vắng lặng im lìm,
           Hàng cây thương nhớ lim dim mơ màng.
              Giờ đây cảnh vật khang trang,
           Khác xa ký ức ta mang trong lòng.
               Trường xưa nay đã hóa sông,
           Mênh mông biển nước sóng lòng miên man.
               Niềm thương, nỗi nhớ vô vàn...
          Gặp người năm cũ ngỡ ngàng lạ quen.!..
               Vui sao mắt lại lệ hoen?
          Buồn sao miệng lại nở nhoen nụ cười?
               Cầm tay lòng những bồi hồi,
          Nhớ ngày xưa ấy, rối bời ruột gan ...
               Chợt nghe mưa rớt qua ngàn,
          Buồn dâng khóe mắt, hai hàng lệ rơi...
               Phương nào có biết ai ơi!   
          Lòng này khắc khoải nhớ người năm xưa ...
                                                      Ngày 22/5/2006
  (Cảm tác khi về thăm trường cũ sau hai mươi bốn năm xa cách...)
                                                                Ngày 10/10/2009
       
                                                                                                                                                      


ngpvinhba@yahoo.com 12:19 12-10-2009

Mình đã từng ăn bánh bèo dưới chân núi Bà Rá. Dạo ấy có một nhà nuôi trẻ mồ côi của các xơ gần đấy. Hồi DQV lên không biết có còn không?
Không khéo DQV dạy tại ngôi trường ngày xưa mình đã day. "Ngã kim nhật tại toạ chi địa/ Cổ chi nhân tằng tiên ngã toạ chi" là rứa đó.
Dã Quỳ Vàng12:40 12-10-2009
                    Chắc không phải đâu. DQ là GV cấp 2 nên chắc là không dạy chung với anh Ba rồi vì theo cách anh nói, DQ nghĩ là ngày đó anh dạy tại trường Nhất Linh, ngay dưới chân núi Bà Rá. Khi DQ lên Phước Long dạy học thì nó là cơ sở của Trường Bổ túc Công Nông , Phòng Giáo dục cũng đặt tại đó luôn. Trường nuôi dạy trẻ mồ côi không còn anh à, quán bánh bèo cũng không thấy luôn. Chúc anh vui, khỏe.

TRỊNH XUÂN ẤN 21:12 11-10-2009

Chào  người bạn có sức sống mãnh liệt, đầy tự tin. Ít gặp, ít thấy.
                             Ví dẫu đường đời bằng phẳng cả,
                             Anh hùng hào kiệt có hơn ai? (hay ai hơn, quên rồi)
Dã Quỳ Vàng22:05 11-10-2009
                   Chào anh Ấn. Lần đầu tiên DQ nghe câu này nên cũng nghĩ như anh. "Hơn ai" hay "ai hơn" rồi cũng thế thôi. Đôi khi cần phải biết quên thì cuộc sống mới thi vị, anh ạ !

hhung085 11:18 11-10-2009

DQ đã có những kỷ niệm thật đẹp tuy vô vàn khốn khó...đã làm cho Tôi nhớ lại gần 30 năm trước cũng được điều đi dạy nơi miền núi Ninh Sơn - Ninh Thuận, cũng sốt rét, cũng hái măng rừng và suýt chết vì say khoai mì cao sản...Tất cả đã gợi lại trong ta niềm hãnh diện những gì ta đã sống với chính mình để đi về tương lai cùng với mái râm luôn ngã bóng xuống đời ta...Chúc an vui, hạnh phúc

Dã Quỳ Vàng16:20 11-10-2009
                   DQ xin nhận lời chúc của anh, cảm ơn anh nhiều. Bây giờ chắc anh càng hiểu hơn vì sao DQ yêu thích BMT khi lần đẩu đặt chân đến đó.
thanh cù lần 01:15 11-10-2009

Trường xưa nay đã hóa sông,
Mênh mông biển nước sóng lòng miên man.
Thường thì hồi ức luôn đẹp, dù thực tế có tốt hơn. Rứa mới có thơ... có văn. Chúc vui vẻ.
Dã Quỳ Vàng16:17 11-10-2009
                   Dạ, anh nói rất đúng. Hồi ức bao giờ cũng đẹp. Núi rừng của DQ chắc chắn không đẹp bằng BMT và những nơi khác nhưng trong đáy lòng của DQ, nó là tuổi trẻ, là nhiệt huyết là tình cảm thầy trò đẹp tuyệt vời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét