Cuộc sống vốn vô thường. Biết là như vậy nhưng làm sao có thể không đau buồn khi "tre già khóc măng non"? Nhất là giữa con người với nhau luôn có những gắn bó vô hình, những tình cảm không có ngôn từ đủ để diễn đạt...
Những năm tháng công tác ở huyện miền núi, nghỉ Tết hay nghỉ hè, thầy cô giáo đều được học sinh của mình đưa đón tận tình. Làm sao quên được tầm ba bốn giờ sáng, trò đốt đuốc soi đường, gồng gánh hành lý của thầy cô, thầy trò cùng lội bộ nửa vòng núi Bà Rá để ra bến xe thị xã cho kịp giờ xe khởi hành... Quên sao được giây phút bịn rịn chia tay, trò cứ nắm tay thầy cô, luôn miệng dặn dò: " Nhớ lên với chúng em! Tụi em sẽ đợi thầy cô ở bến xe để rước về trường đó!"...
Vui sao ngày gặp lại! Xe vừa dừng ở trạm cuối trước khi về bến đã thấy học trò đứng ngồi lố nhố. Chúng hét to mừng rỡ khi nhìn thấy từng thầy cô xuất hiện ở cửa xe. Chúng tranh nhau mang vác hành lý. Thầy trò lại cùng nhau lội bộ về trường. Trên đường, thầy trò nói chuyện huyên thuyên, những cảm xúc dồn nén sau bao ngày tạm xa cách... Không phải tất cả đều là chuyện vui bởi vì cũng có khi là một tin báo thắt lòng về đứa học trò nào đó nghỉ hè phụ gia đình phát rẫy đã bị nổ trái M.79 tan xác... Có những nỗi đau không chỉ có thể chảy nước mắt là đủ. Nó ngấm sâu vào lòng và còn mãi mãi ở lại đó...
Sau mỗi dịp nghỉ Tết, nghỉ hè là cuộc sống có nhiều thay đổi cả về thầy lẫn trò. Ai đó không chịu nổi cuộc sống cơ cực, thiếu thốn trăm bề hoặc nặng gánh gia đình đã từ bỏ ngành nghề một thời mình theo đuổi. Học trò vì cuộc sống cũng đành bỏ dở dang việc học để phụ giúp gia đình, ngày ngày tập trung ở bãi đất trống trước trường chờ hiệu lệnh kẻng của hợp tác xã nông nghiệp để lên nương rẫy. Biết đâu lại không có những ánh mắt nuối tiếc nhìn vào trường, hồi tưởng những tháng ngày ngồi trong lớp, vừa nghe thầy cô giảng bài vừa thả hồn theo mây ngàn, gió núi?!
Ngày trở về với gia đình rồi, tôi vẫn còn ngậm ngùi tiễn biệt những đứa học trò của mình ra đi vì sự an bày của số phận.
Trong phiên trực của mình, nhìn thấy một giáo viên dạy nhạc cho học sinh đi học bù, trước lúc ra về tôi có dặn thầy là nhớ nói với học sinh sau khi học xong phải về nhà ngay, đừng rủ nhau đi chơi loanh quanh lỡ có chuyện không hay xảy ra, thầy cô không ứng phó kịp. Vậy mà ngay chiều đó, đám học sinh đã rủ nhau ra sông tắm, một em bị chết đuối vì bị chuột rút. Đi đám tang em, nhìn cha mẹ em đau đớn vì cái chết đột ngột của đứa con trai độc nhất, lòng tôi chua xót vô hạn... Em là học sinh ngoan hiền, sức học ở mức khá, rất nhiệt tình tham gia các phong trào của nhà trường lại đối xử rất tốt với mọi người, đều được thầy cô và bạn bè thương mến. Nguyện cầu cho hương hồn của em sớm về miền cực lạc. Sự nuối tiếc, yêu thương nào cũng đành bất lực trước định số của mỗi người.
Có một giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn. Ngành dệt thun ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Nhiều gia đình học sinh phải ngưng sản xuất vì không tìm được đầu ra. Một học sinh lớp Tám nhịn đói đi học đã ngất trên lớp. Khi các bạn khiêng em xuống văn phòng Ban Giám Hiệu, chị Hiệu trưởng đã nhờ một học sinh ra ngoài mua cho em ly sữa nóng. Sau khi uống xong, em tỉnh lại và lên lớp học tiếp tục. Việc này làm tôi nhớ lại ngày dạy học miền núi. Cũng từng có học sinh ngất xỉu trên lớp, được thầy cô đưa về nhà tập thể giáo viên nằm nghỉ, bới cho tô cơm độn cao lương và thương cảm vô cùng khi nhìn thấy em nhai nuốt trợn trạo...
Năm học sau, một em học sinh lớp Bảy tôi đang giảng dạy, giờ chơi trốn về nhà lục cơm vì cha mẹ đi làm về trễ, chưa kịp nấu cơm trưa, em đã đi học với cái bụng đói meo. Không biết em đã no bụng chưa mà bị tai nạn té ngã trong nhà tắm và mãi mãi không quay trở lại với thầy cô, bạn bè nữa... Sự ra đi nào của học sinh cũng để lại trong lòng thầy cô nỗi xót xa, ngậm ngùi. Nhiều tháng ngày sau đó, chỗ ngồi bỏ trống của em vẫn như còn tạc lại hình ảnh đứa học trò nhỏ nhắn, mắt to tròn, miệng hé ra nuốt từng lời thầy cô giảng dạy. Cánh tay giơ cao xin được phát biểu của em chưa bao giờ phai nhạt trong lòng người thầy...
Hội trưởng hội phụ huynh học sinh trường tôi từng công tác cũng có một đứa con mất thật đáng thương. Chú là bộ đội phục viên, có cô con gái duy nhất mắc hội chứng Down. Mỗi năm ra nhà chú chúc Tết, con gái chú cứ đeo dính tôi bắt chuyện. Chú ngại con làm phiền nhưng tôi nói không sao vì em thui thủi một mình nên nhà có khách đương nhiên sẽ rất vui mừng, tạo được cho em những giây phút vui vẻ, hạnh phúc cũng là việc nên làm. Chú còn có hai con trai khác đều ngoan hiền, học giỏi. Đặc biệt cậu em có cái tâm đáng quý vô cùng. Ngày nào đi học, em cũng ghé nhà cõng một người bạn cùng lớp bị liệt hai chân từ bé đến trường, hai lượt đi về đều như thế cả. Sau này tôi chuyển trường khác, nghe thầy cô ở trường cũ kể chuyện em trên đường trở về nhà sau khi cõng bạn đi học về thì bị một thanh niên say rượu tông xe chết ngay tại chỗ. Thật đáng tiếc cho một người tốt lại yểu mệnh! Nhớ ngày đó, chú rất cố gắng thể hiện vai trò Hội trưởng Hội phụ huynh học sinh của mình. Chú liên hệ với nhà máy sản xuất nước giải khát để xin duyệt mua với giá ưu đãi cho thầy cô và học sinh rồi tìm mối bán lại kiếm chút chênh lệch để có thêm khoản tiền kha khá góp vào quỹ hội lo quà Tết hay tổ chức kỷ niệm ngày 20/11 hàng năm. Nhìn chú chạy đôn chạy đáo lo tổ chức ngày Lễ, thầy cô giáo ai cũng vừa thương chú vừa thương bản thân mình, không tránh khỏi có chút chạnh lòng, hổ thẹn, băn khoăn...
Chứng kiến sự ra đi của nhiều học sinh, tôi chỉ biết ngậm ngùi chua xót. Trong đó có một em đến giờ tôi vẫn còn tiếc lắm... Ngày đó, chuyển trường nhiều, quan hệ rộng, không tháng nào tôi không dính vài cái đám cưới; còn giỗ chạp, thôi nôi, đầy tháng là không kể đến. Những tháng cuối năm có khi nhận cả chục thiệp hồng chỉ trong một tuần. Để có tiền chi cho việc giao tiếp đó, tôi có dạy thêm một lớp ở nhà, khoảng chục em đổ lại. Để tránh tai tiếng, tôi dạy môn Toán lớp Năm, không phải là môn chính của mình đang giảng dạy tại trường và học sinh tôi dạy cũng là học sinh trường khác hay các xã lân cận thuộc tỉnh khác. Trong lớp học, có một nam sinh đặc biệt gây cho tôi sự chú ý. Em có gương mặt sáng sủa, thông mình, nam tính. Ngoài tác phong lễ phép, ngoan hiền, ăn nói chững chạc, em còn rất thông minh, viết chữ cũng rất đẹp. Khi tôi ra đề toán, chỉ cần giảng sơ qua là em hiểu ngay và còn tự giải thêm bằng nhiều cách khác khiến tôi phải ngạc nhiên vì sự thông minh xuất chúng của em... Tôi nuôi quyết tâm rèn cặp em thành trò giỏi và hy vọng em sẽ có một tương lai xán lạn, một công dân hữu ích cho nước nhà trong tương lai. Hè năm đó, em nhờ em gái tôi làm cho cái bánh sinh nhật bốn tầng. Em chắt chiu nuôi gà và mang xuống hơn bốn chục trứng gà ta mới đẻ còn tươi trong gởi em tôi làm bánh. Chiếc bánh sinh nhật của em thật to đẹp, cũng là chiếc bánh đầu tiên và cuối cùng trong cuộc đời em. Một tuần sau đó, không thấy em đi học, tôi vô cùng lo lắng và sau đó nhận được hung tin em bị kẻ ác dụ ra bờ sông giết chết để cướp đi chiếc cà rá bé xíu là quà mừng sinh nhật của cả nhà ngoại tặng cho em. Tôi bị hẫng vì cái chết của em, đau xót, tiếc thương một mầm non tài năng ra đi quá sớm! Tiếc vô cùng khi đất nước đã mất đi một nhân tài trong tương lai do xã hội quá phức tạp và lòng người tham lam, hiểm ác...
Sau này, tôi mới nghe nói về gia thế của em. Ba mẹ em đều là người trí thức, làm phóng viên và thường xuyên đi công tác xa. Em được gởi về nhà bà ngoại để đi học và có người chăm sóc những lúc cha mẹ vắng nhà. Mất đi đứa con duy nhất như em hẳn cha mẹ em phải đau đớn đến mức độ nào!? Biết đến bao giờ con người khi hành xử bất cứ việc gì còn bị lương tâm đánh động để những việc thương tâm không bao giờ xảy ra nữa?
Mọi chuyện đã qua lâu rồi. Bây giờ nhớ đến cứ như một cơn ác mộng để nghe lòng chùng xuống với những cảm xúc bi ai, uất nghẹn ... Một nén tâm hương thắp lên cho tất cả và nguyện cầu hương hồn các em sớm được siêu thoát, mãi mãi an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng!
Ngày 17/11/2013
Đọc chuyện đêm khuya của HM mà thấy thê thiết trong lòng. Một nhà giáo tâm huyết mà phải bỏ dở sự nghiệp nửa chừng.. Bao kỷ niệm vui ít, buồn nhiều - những chuyện đẫm nước mắt của cô trò cứ hiện về theo nỗi nhớ.. Chao ơi, nhân ngày vinh danh NGVN mà HM lại kể nhiều kỷ niệm chua xót quá. Thương cô giáo, thương những học trò bất hạnh của một thời xa vắng quá...
Trả lờiXóaCảm ơn anh Ksor Ke đã phần nào cảm thụ được những gì Hiền Mai đã viết ra. Trong loạt bài viết về chủ đề ngày 20/11, HM muốn kể lại những vui buồn trong cuộc sống của người thầy, những băn khoăn, trăn trở, những tâm tư, tình cảm của họ và quan trọng nhất vẫn là cuộc sống thực sự mà họ đã trải qua. Nếu ngày NGVN để vinh danh người thầy thì ít ra mọi người cần hiểu thấu đáo hơn về người thầy: họ sống ra sao, nghĩ gì và đâu mới là điều họ thật sự mong muốn?
XóaChúc anh Ksor ngày 20/11 sức khỏe và niềm vui.
Học trò vùng xa, nói chung là miền quê,nghèo khó rất tội nghiệp nhưng rất tình cảm; trong mắt các em, thấy cô đúng là những thần tượng!
Trả lờiXóaNgày đó, vùng cao, vùng sâu và vùng xa thảy đều rất cần đội ngũ giáo viên. Học trò được đi học là điều chúng ao ước nhất. Vì vậy chúng chỉ sợ thầy cô không chịu nổi cực khổ, vất vả, thiếu thốn rồi bỏ rơi chúng. Tình cảm chân thành, lòng tôn kính thật sự của học sinh chính là động lực để thầy cô bám trường, bám lớp dù phải đối đầu với căn bệnh sốt rét rừng và muôn vàn khó khăn, gian khổ khác.
XóaNhân ngày 20/11, Hiền Mai chúc anh ngu ho sức khỏe và niềm vui.
Nguyện cầu Thượng Đếcho tất cả mọi người ,mọi nhà không còn thấy nghèo khổ và khó khăn nữa .thương quá người già và trẻ em Bài viết của HM rất sát với đồi thường .
Trả lờiXóaKim Ty khỏe rồi nên qua thăm Hiền Mai phải không? Hiền Mai vui lắm.
XóaBài này Hiền Mai ghi lại một quãng đời đã qua của mình, những kỷ niệm khó phai của một thời bảng đen phấn trắng, KimTy ạ!
Không biết Kim Ty làm nghề gì? Nhưng Hiền Mai xin được chia sẻ với bạn chút tình cảm ấm áp nhân ngày 20/11 nha!