Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

NGÀY ẤY QUA RỒI




        Gần 21 giờ, tôi nhận được cuộc điện thoại di động với số máy lạ hoắc mà giọng của người nam bên kia máy cũng vô cùng xa lạ. " Cô không nhớ em sao ? Em là Trương Quang Đông nè cô ". Quả tình tôi không làm sao nhớ nổi tên người và giọng nói, đành buộc lòng xin lỗi vì đã quá lâu không gặp, không hình dung được mình đang nói chuyện với ai.
         " Trời ơi ! Cô làm em buồn quá! Cô thật sự không nhớ ra em sao ? Em là thằng Đông, chơi chung nhóm với thằng Ghi mà hồi đó chính cô lập hồ sơ cho em vào Sư Phạm đó ! " Tôi hỏi: " Có phải là Đông em của anh Mai không ?" Bên kia máy có tiếng cười và giọng nói văng vẳng : " Vậy là mày dở rồi. Cô không nhận ra mày chỉ nhận ra thằng Ghi thôi ". Trong máy vang lên câu trả lời : " Dạ không, em là Đông , cùng nhóm với Ghi, Thái đó cô ". Càng cố khơi lại trí nhớ càng không thể nhớ, tôi đành cười gượng bảo: " Trí nhớ cô gần đây giảm sút nhiều. Nhưng nếu gặp chắc cô có thể nhớ ra em ". Đông nói tiếp : " Em và thằng Ghi đang nhậu. Em vừa từ Bù Nho về, ghé Ghi, hai đứa ngồi nhắc chuyện ngày xưa và nhớ cô quá nên gọi điện hỏi thăm xem cô có khỏe không ạ ? " Tôi cười, trả lời qua điện thoại : " Cô cũng khỏe, cảm ơn hai đứa còn nhớ đến cô. Em còn đi dạy chứ ? " Giọng Đông vui vẻ : " Dạ còn chứ cô. Em đâu dám bỏ dạy vì chính cô ngày xưa đã làm đơn vào Sư Phạm cho em mà. Tụi em lúc nào cũng nhớ đến cô, có dịp gặp nhau là nhắc cô thôi. Cô ơi! Thằng Ghi đòi nói chuyện với cô nè ."
        "A lô ! Em chào cô. Cô có khỏe không cô ? Em là Ghi đây." " Chào em, cô khỏe. Em khỏe không ? Ba em bớt bệnh chưa ?"   Ghi đáp : " Dạ, cảm ơn cô, Em khỏe lắm cô ơi ! Tụi em chỉ lo cho cô thôi. Ba em thì bệnh nằm một chỗ lâu rồi, cô cũng biết rồi đó, giờ vẫn vậy thôi. Cô cho em kính lời thăm bà và các thầy cô trong gia đình cô.  À cô ơi!  Em có tin vui báo cho cô đây." " Tin gì vậy em ?"  " Em đã tìm được hết họ hàng bên mẹ em rồi đó cô.  Mẹ em mất đã lâu rồi, lúc em mới có tám tuổi thôi. Mấy năm nay em cất công đi tìm họ hàng bên ngoại tận miền Tây, rồi sang cả Tây Ninh. Giờ tìm đủ cả rồi, có tới trăm người. Em định đám giỗ bốn mươi năm của mẹ em vào năm nay, em sẽ mời đủ hết bà con về dự. Cô, nhất định là cô phải có mặt trong ngày hôm đó mới được. Em luôn coi cô như một người mẹ, bấy lâu nay mỗi lần nghĩ đến cô là lòng em lại ray rức, cảm thấy như mình có lỗi. Trước ngày đó, em nhất định sẽ xuống đón cô về lại Phước Long chơi, dự đám giỗ của mẹ em luôn. Em muốn giới thiệu cô với họ hàng nhà em ". Tôi thật bất ngờ và nói : " Ừ, để chừng đó cô thu xếp việc nhà và sẽ lên dự đám giỗ của mẹ em sẵn tiện thăm lại Phước Long."  " Nhớ đó nha cô. Cô hứa rồi đó. Không có cô trong ngày trọng đại ấy, em buồn lắm đó ".
         Ghi, cậu học trò lầm lì, ít nói nhưng lại sống rất tình cảm. Ngày tôi mới ra trường, năm học 1978 - 1979, trường chỉ có duy nhất ba lớp: Sáu, Bảy và Tám. Tôi chủ nhiệm lớp Tám, dạy Toán Tám và Văn hai lớp Sáu, Bảy. Năm đó, Ghi mới học lớp Bảy mà đã  mười sáu tuổi. Trong thời gian chiến tranh, các em học gián đoạn vì phải di tản liên tục, sau năm 1975, trường lớp được dựng lại và các em mới bắt đầu học tập ổn định.  Tôi rời nhà tập thể và xuống suối mua nhà ở được vài tháng thì gia đình Ghi cũng bán nhà trên mặt lộ và dọn xuống thung lũng ở thế là hai nhà trở thành hàng xóm của nhau. Chú Sáu Cốc, ba Ghi, làm nghề đánh bắt cá ở con sông Bé. Mỗi chuyến đi đánh bắt cá của chú là cả nửa tháng và cứ vài ngày là dì của Ghi lại mang tiếp tế trà, thuốc, gạo, mắm muối, dầu thắp đèn cho chồng và mang bớt cá lưới được về bán ở chợ. Mỗi lần thím trở về mà có con cá lăng nào còn sống, ngon nhất thím đều mang sang biếu tôi với nụ cười rạng rỡ: " Tui ra sông lấy cá về, có con cá lăng biếu cô nấu canh chua ăn". Có những hôm chú đi quá lâu mà không có cá, nhà hết gạo ăn, thím qua nhà tôi xúc gạo trong lu về nấu tạm cho cả nhà. Khi nghe tiếng chân tôi bước lạo xạo trên lá mít khô về nhà, thím vội chạy sang cười bẽn lẽn nói: " Cô ơi! Cô đừng buồn nha. Hồi nãy nhà hết gạo mà tui cũng không còn tiền, bí quá qua nhà cô xúc đỡ mấy lon gạo về nấu cơm cho tụi nhỏ ăn kịp giờ đi học buổi chiều. Hôm nào ông Cốc lưới có cá, bán có tiền tôi gửi trả gạo lại cho cô. Đừng buồn tui nha cô ". Tôi phì cười bảo : " Dạ không sao. Cháu cũng vừa mới nhận phần gạo tiêu chuẩn tháng này, thím cần cứ lấy tạm về nấu cho các em ăn ". Sau đó, thím Sáu trả lại cho tôi gạo ba se, một giống gạo mới rất ngon so với loại gạo tem phiếu thầy cô được cung cấp.

         Có một lần chú Sáu Cốc lưới dính một con ba ba nặng gần một tạ, phải hai người đàn ông lực lưỡng mới gánh nổi từ sông về nhà. Chú giết thịt, nấu cháo, xé phay mời cả xóm và các thầy trên trường xuống nhậu. Thím Sáu mang sang cho riêng tôi đĩa thịt luộc thật to và tô cháo cũng to luôn. Lần đầu tiên tôi được nếm thử thịt ba ba, nó giống như thịt gà và ngon cũng không kém thịt gà. Có lần chú lưới được con cá tai tượng ước chừng 2kg, thím cắt khúc đuôi mang biếu tôi. Nhằm ngày nhà hết gạo, tôi mang khúc cá ra chiên ăn kèm đọt lang luộc thay cơm, tôi nghĩ thầm giá mà có bát cơm trắng thì ngon phải biết.
         Thỉnh thoảng vào buổi chiều, Ghi tưới cà phê và tiêu xong mà còn sớm là lại sang nhà tôi ngồi chơi. Năm đó, em mới học lớp chín mà đã ra vẻ người lớn, những việc nặng nhọc trong nhà là em đảm đương hết thảy. Dưới Ghi là Nhớ, là em trai ruột, còn lại hai cô em gái là Hòa và Thuận thì là em cùng cha khác mẹ với Ghi. Ngoài ra, còn có Xin, là thằng bé Mỹ đen mà dì Ghi nhận nuôi vì thấy bị người thân vứt bỏ ngoài đường. Tội cho Xin, ngày nào cũng vào rừng kiếm hai bó củi tre mang về đun bếp. Có hôm về trễ, vừa đi học vừa khóc vì sợ thầy mắng vừa tức mình vì về trễ không còn thức ăn. Ghi vẫn thường la rầy hai cô em gái không chịu để dành thức ăn cho Xin. Ghi nói với tôi: " Ba em định đặt tên cho tụi em là Ghi Nhớ Những Ngày Hạnh Phúc. Nhưng mới tới Ngày thì mẹ và hai em nhỏ bị trúng đạn pháo kích chết tại chỗ, chỉ còn lại em và thằng Nhớ ".
         Có một lần thím Sáu vui miệng kể với tôi : " Cô biết không, ngày tui gặp cha con ông Cốc thấy thảm lắm. Ổng bị lạc đạn gãy mất một chân, phải dùng chân giả, không có việc làm, còn hai đứa con người thì ốm nhom mà bụng thì ỏng. Nhìn hai đứa mặc cái quần đùi rộng thùng thình dài quá gối, tui thương hai thằng nhỏ mới đưa mấy cha con về nhà chăm sóc rồi sau thương ổng hồi nào hổng hay ".
         Thím Sáu cũng giỏi xoay xở, buông cái này bắt cái kia kiếm chút tiền quà cho hai cô con gái và đồng mắm đồng cà. Xế chiều, thím xúc thóc bỏ vào cối gỗ giã một chập là có gạo nấu cơm cho người, có cám và bả trấu cho lũ gà đói đang quanh quẩn gần đó chờ ăn. Còn ban ngày thím cuốc đất tỉa bắp, trồng rau lang hay khoai mì quanh nhà. Quanh năm suốt tháng thím chỉ có một bộ đồ bà ba màu đen duy nhất mặc ban ngày. Chờ trời nhá nhem tối, thím xuống suối tắm giặt, phơi qua đêm cho khô để mai mặc tiếp, còn buổi tối thím mặc tạm cái quần đùi của chú và cái áo bà ba cũ bị cắt mất hai tay để may cái quần cụt cho cô con gái út. Tôi còn nhớ có lần chú đi lưới cá sát trại cải tạo tệ nạn xã hội, gặp trại viên đi lao động bên ngoài túng tiền nài chú mua giúp cái quần được phân phát. Chú mang về định may quần cho con gái út vì cái quần của Thuận giặt xong mang hong ở sào cạnh bếp cho mau khô bị lửa của nồi cháo heo cháy táp mất nửa ống quần. Thuận không chịu đi học vì cái quần bị mẹ cắt ngắn thành quần cục, vào lớp bị bạn bè trêu chọc. Nhà không có kéo, thím sang tôi hỏi mượn nhưng tôi cũng chỉ có cái kéo con dùng để cắt giấy, dùng cắt chỉ tạm thì được chứ cắt vải thì chịu. Cuối cùng tôi lấy cho thím mượn cái lưỡi lam mới mua bén ngót và hai thím cháu dùng nó cắt chiếc quần chú mang về thành một cái quần dài cho Thuận và một cái quần ngắn cho Hòa.
         Thím Sáu có bầy gà con  vừa xuống ổ,  thím cho tôi một cặp nuôi gây giống. Cặp gà lớn nhanh như thổi và sinh sôi nảy nở thành một đàn gà khoảng chục con. Chiều tới, chúng kéo nhau vào ngủ trong bếp, trên cây tre tôi cột tạm vào hai cây cột. Bầy gà chỉ có hai con gà mái, còn lại toàn là gà trống. Chúng giống cha, lai giống gà Úc nên to con, nhìn rất thích mắt. Trong đàn có con gà trống cánh tiên trùi trụi không lông, Ghi thích con gà này lắm, mỗi lần sang nhà tôi mà thấy đàn gà về chuồng là đều tấm tắc khen và căn dặn : " Cô đừng bao giờ làm thịt con gà này nha cô. Em xí rồi đó, cô để dành đó cho em ". Một ngày nọ, tôi sang nhà Ghi dặn thím Sáu chiều hôm sau đừng nấu cơm, tôi sẽ làm gà nấu cháo chia cho hai nhà cùng ăn ( mỗi lần nhà Ghi làm gà nấu cháo đều mang cho tôi cái đùi gà và tô cháo nóng hổi). Ghi cũng có mặt ở đó và dặn vói theo khi tôi quay về nhà : " Nhớ nghe cô, đừng làm con gà của em! ". Chiều đó, trời đổ cơn mưa tầm tã, tôi ngồi chờ cả tiếng mà đàn gà trốn mưa ở đâu không chịu về. Lúc đã lên đèn thì chú gà trống của Ghi về đầu tiên, mà nó vốn ngoan, ngày nào cũng về chuồng sớm nhất. Trời tối rồi, tôi không thể chờ thêm được nữa vì ấm nước sôi trên bếp đun tới đun lui đã mấy lượt, đành chộp con gà cánh tiên mang làm thịt. Chừng Ghi mang mâm sang bưng cháo về, có linh tính hay sao đã hỏi tôi ngay khi vừa bước chân vào nhà : " Cô làm thịt con nào vậy? Không phải là con của em đấy chứ ? " Tôi cười và nói nhỏ : " Xin lỗi em, nhưng nó lại về chuồng trước tiên. Trời tối rồi, biết làm sao hơn ". Ghi xụ mặt, giọng hờn dỗi : " Em biết ngay mà, chỉ tiếc con gà đẹp mà lại ngoan nữa chứ ! "
         Mấy ngày mưa dầm, anh em nhà Ghi bắt trên cây mãng cầu  được một mớ con rầy đen, mang về rang dầu cho thêm tí muối. Không biết được bao nhiêu mà mang sang biếu tôi một chén nhỏ. Nhìn mớ rầy đen thui, bóng mướt nằm gọn trong cái chén Ghi đưa bảo ăn, tôi sợ phát rùng mình. Tôi chỉ biết người ta bắt dế cơm, rút ruột rồi nhét hột đậu phọng vào, mang nhúng bột và chiên giòn ăn thơm ngon béo ngậy chứ chưa nghe thấy có ai ăn rầy rang bao giờ. Tôi xua tay từ chối : " Cô không ăn đâu, mấy anh em mang về ăn đi ". Tôi vừa nói dứt câu, hai cô em gái Hòa, Thuận đã nhảy cẫng lên vỗ tay mừng rỡ : " Đó thấy chưa, em biết cô không ăn đâu mà ". Ghi đưa mắt lừ hai em rồi cố nài tôi : " Ngon lắm, cô ăn thử đi ". Sau cùng, thấy tôi cương quyết không ăn, Ghi mới đưa chén cho hai em mang về nhà ăn, còn Ghi ngồi lại nói dăm ba câu chuyện với tôi rồi mới ra về.
          Ngày đó, không biết Hiệu trưởng nghĩ thế nào mà giao cho tôi giữ tiền trường. Hoảng quá, tôi từ chối thì Hiệu trưởng bảo: " Không ai giữ tốt hơn cô nên tôi mới giao. Hiệu trưởng phân công, cô không được từ chối ". Nhà tôi trống trước trống sau, cửa sổ không cánh, cửa cái chỉ cài bằng cây song hồng lòn qua hai cọng kẽm chứ nào có khóa. Mỗi lúc ra khỏi nhà, tôi chỉ cần lòn tay qua cửa sổ cài song là xong; khi về nhà cũng thế mà mở cửa ra. Lúc đó, ai cũng nghèo cả, có gì đáng giá để lấy đâu. Viết đến đây, bất chợt tôi nhớ đến bài " Hàn nho phong vị phú " của cụ Nguyễn Công Trứ có câu : " Thời thái bình cửa thường bỏ ngõ ". Nhưng bây giờ tôi đang giữ bạc trăm tiền trường nên vô cùng lo lắng, lỡ chẳng may bị mất đi thì dù cho có bán cả nhà cũng không đủ tiền để đền.  Thêm nữa lán trại khai thác gỗ đóng gần nhà tôi ngày càng có đông thanh niên lạ mặt. Họ hay xuống mọi nước  nhà tôi hay nhà chú Sáu để tắm giặt, có lần tôi phát hiện hai vết dép to đùng cạnh bậc lên xuống gần cửa cái mà lo sợ vì biết có người đêm qua nhìn trộm vào nhà. Tôi nghĩ ra được một cách để giữ gìn " kho báu " mà bây giờ nghĩ lại mới thấy thật là ngớ ngẩn. Mỗi sáng trước lúc đi dạy, tôi đứng trên giường vói tay lên mái rạ moi một chỗ để cất gói tiền đã được bọc kỹ trong bao ni lông, sau đó kéo lớp lá trở lại bình thường rồi mới an tâm rời nhà. Trưa về, tôi vạch he hé lớp lá ra xem còn gói tiền không? Tối đến lại mang xuống kiểm lại số tiền khi thấy còn đủ mới an tâm cất vào trong bọc gối nằm rồi đi ngủ. Khổ nỗi trên mái rạ có con rắn thật to vào trú ngụ đã lâu. Lúc đầu, tôi sợ lắm kêu Ghi sang đuổi giúp thì em bảo: " Không sao đâu cô, bên nhà em cũng có. Người ta nói : vào nhà rắn rồng, ra đồng rắn hổ. Nó rình bắt chuột ấy mà. Cô đừng sợ, nó lành lắm. " Thế là ngày nào, tôi cũng tránh xa xa chỗ rắn nằm mà giấu tiền. Hết một năm học, tôi cương quyết không giữ tiền trường nữa và trình bày lý do với Hiệu trưởng thì mái nhà tôi đã bị tưa ra xơ xác. Hè năm đó, khi tôi về nhà ở thành phố thì chỗ tôi dạy học có cơn mưa giông quá lớn, nhà của tôi bị nghiêng một bên. Chú Sáu Cốc sợ nó không tồn tại nổi hết mùa mưa năm đó nên huy động cả nhà vào rừng cắt tranh về đan thành tấm lợp cất cho tôi ngôi nhà mới nho nhỏ xinh xinh. Tôi vô cùng xúc động và chỉ còn biết cảm ơn tấm lòng và tình cảm của gia đình chú Sáu dành cho tôi. Ngôi nhà này tôi ở được hai tháng thì có quyết định thuyên chuyển về thành phố và tôi đã tặng nó lại cho gia đình chú Sáu làm kỷ niệm.
          Sau này, tôi được tin thím Sáu đã mất vì bệnh phổi. Xin thì trong những năm cùng túng, thím Sáu đành cho em làm con nuôi một gia đình giàu có trên thành phố để họ làm hồ sơ xuất cảnh theo diện con lai để có ít tiền thuốc thang chữa bệnh. Trước lúc theo gia đình cha mẹ nuôi đi Mỹ, Xin có ghé thăm tôi, kể chuyện thím sáu bị ho ra máu, em sang Mỹ cố làm việc kiếm tiền gởi về chữa bệnh cho mẹ. Một lần Ghi nói với tôi Xin đã có gia đình, làm nghề lái xe tải, có về thăm quê vài lần.
         Chuyện ngày ấy bây giờ kể lại cứ như chuyện cổ tích. Hôm nay, Ghi gọi điện cho tôi quá bất ngờ làm bao nhiêu ký ức bỗng nhiên dâng tràn trong tôi. Bây giờ, anh em nhà Ghi đều đã có gia đình và cuộc sống đều khá giả, chẳng biết có còn ai nhớ lại chuyện ngày xa xưa ấy hay không ?
                                                                Ngày 15/10/2009
                                                                                               


haovanphong 19:01 26-10-2009
Đời nhà giáo còn lại kỷ niệm những học sinh như thế, mà không nhièu. Bài thơ của Trung Quân thì "thầy giáo dấu mặt", đứa học trò đó chẳng có tội gì, thầy vì mặc cảm tủi thân mà không nhận trò chăng? Người làm sai thì chường mặt huênh hoang, người tốt thì dấu mặt

Dã Quỳ Vàng21:39 26-10-2009
           Đã là xã hội thì phải có người tốt kẻ xấu. Quan trọng là mình hãy nhìn vào điều tốt đẹp mà tin tưởng vào tương lai sẽ tươi sáng hơn.                                                                                                                                                                                                                                           
ngpvinhba@yahoo.com 06:13 19-10-2009
Một truyện ngắn hay. DQV trí nhớ tốt đấy. Gia đình chú Sáu bây giờ chắc khá giả lên rồi vì nông ngư dân dạo này nghe nói được ưu đãi và quan tâm nhiều lắm. Bù Na, Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập ... bây giờ phố xá thênh thang..

Dã Quỳ Vàng09:51 21-10-2009
                   Dạ, anh nói đúng. Phước Long bây giờ phát triển vưột trội anh ạ. Người dân giàu lên nhờ cao su, cà phê, điều và hồ tiêu. Đánh bắt cá chỉ là nghề tạm thời lúc khó khăn thôi. Có dịp, anh về lại Phước Long để nhớ một thời đã qua với bao kỷ niệm êm đềm.                                                                                                                                                                                                                                                
hoasen 21:05 16-10-2009
Kỉ niệm lúc nào cũng đầy ắp, chỉ một khơi nguồn nho nhỏ là nó tuôn tràn ra trên giấy. Biết làm sao được ? Hạnh phúc thay những ai còn sống được với những hoài niệm đẹp trong đời.

Dã Quỳ Vàng18:41 18-10-2009
                    Kỷ niệm luôn là những gì cần trân trọng và giữ gìn cho dù là hạnh phúc hay khổ đau.                                                                                                                                                                                                                                              


hhung085 20:07 16-10-2009
Ngày ấy qua rồi...Thời gian đã qua rồi, nước các dòng sông vẫn chảy, cuộc đời đổi thay nhưng DQ vẫn còn đó, một Cô giáo rất thánh thiện trong lòng của bao học trò ngày xưa, và, chuyện gặp lại chưa hẳn là số không. Câu chuyện rất hay, bình dị. Cám ơn DQ đã làm sống lại trong Tôi những buồn vui của một thời...

Dã Quỳ Vàng18:39 18-10-2009
                   Ngày ấy qua rồi nhưng kỷ niệm thì vẫn còn đọng lại trong ta mãi mãi. Cảm ơn anh đã ghé thăm, chúc an lành. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét