Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

NHỮNG CÂU CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ (4)




         Trong quãng đời đi dạy của mình, có ba ngôi trường để lại trong lòng tôi nhiều dấu ấn nhất. Ngoài tình cảm gắn bó với bạn đồng nghiệp, ở đó còn có tình cảm thầy trò tinh khôi, đẹp đẽ. Ngôi trường đầu tiên ở miền núi tôi đã kể nhiều nên trong bài viết này không nhắc đến nữa, chỉ kể về hai ngôi trường còn lại: một trong xứ đạo và một nằm giáp ranh tỉnh Bình Dương.
        Năm học 1989_1990, tôi chuyển sang trường khác, bỏ lại sau lưng rất nhiều kỷ niệm với ngôi trường nằm trong xứ đạo. Dù tôi không còn dạy ở đây nữa, nhưng Tết nào vào ngày mùng ba, nguyên một lớp ngày xưa tôi dạy liên tục hai năm lớp Sáu và Bảy vẫn ghé nhà chúc Tết. Đây là lớp có sĩ số đông nhất trường, vẫn duy trì khá đầy đủ ba năm học liên tục và đến năm lớp Chín mới chia theo học lực để trộn lẫn vào các lớp khác. Thông lệ này kéo dài mười mấy năm sau đó và về sau còn có thêm ngày 20/11, kéo đến tận bây giờ. Nhà tôi ngày đó còn nghèo và nhỏ lắm, không đủ chỗ để tiếp học sinh, các em ngồi cả lên bệ cửa sổ hoặc những chiếc ghế gỗ thấp lè tè giống ở quán cóc ven đường. Còn bánh mứt đều do tôi tự làm lấy như mứt dừa, bánh phục linh, kẹo me, kẹo thơm, kẹo chuối với số lượng khá nhiều cùng ít hạt dưa mua ngoài chợ vì năm nào cũng có đông khách khứa là bạn bè, học trò của mấy anh chị em tôi đến chúc Tết. Các em tự nhiên và cũng trẻ con vô cùng nên sau khi các em ra về, phòng khách nhà tôi đầy rác của kẹo bánh còn các loại bánh mứt coi như hết nhẵn.
       Hai năm xa trường cũ, sắp đến ngày 20/11, một giáo viên dạy chung ngày trước ghé nhà thăm, đưa cho tôi mấy bài báo tường của học sinh lớp Chín cô đang chủ nhiệm và nói em nghĩ đây là những bài các em viết về chị nên mang cho chị giữ làm kỷ niệm. Khi tôi đọc bài viết của các em, lòng bồi hồi cảm động vì không ngờ trong những ngày dạy lớp đã ảnh hưởng sâu đậm đến tâm tư, tình cảm các em nhiều đến vậy. Hai học sinh này ở một lớp khác, không phải lớp tôi vừa kể ở trên, là lớp có em học sinh về nhà lục cơm ăn rồi té ngã chấn thương sọ não mà tôi kể ở bài trước. Sau này có một em đã sang Mỹ du học vì gia đình em có điều kiện, cha là bác sĩ ở bệnh viện huyện. Em học rất giỏi, có gọi điện về Việt Nam nói với các bạn học cũ sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ thành công sẽ về nước thăm tôi, thăm bạn bè. Tiếc thay em chưa thực hiện được dự định thì bị bọn tội phạm hút chích bắn chết vì hiểu nhầm tưởng em gọi điện báo cảnh sát về tung tích chúng trong lúc em gọi điện thoại công cộng cho bạn gái của mình!.. Sau đây là bài báo tường của em viết về tôi với nét chữ học trò non nớt, sai nhiều lỗi văn phạm nhưng nội dung thì rất chân thật, tình cảm.




                 

         Và một bài viết khác kể lại câu chuyện một lần trong tiết dạy của tôi, vừa bước vào lớp đã nhìn thấy một học sinh gục xuống bàn ngủ ngon lành. Bạn bên cạnh thấy vậy, lay em tỉnh dậy nhưng tôi can, bảo cứ để em ngủ tiếp vì tôi biết em phải thức khuya dậy sớm phụ mẹ buôn bán ngoài chợ, em thiếu ngủ trầm trọng mới ngủ trên lớp. Cứ để em ngủ, bài vở tôi sẽ giảng lại sau vì tiết đó cũng không có kiến thức nào quá khó khiến em không tiếp thu được. Chừng mười lăm  phút sau, em tự tỉnh dậy, bẽn lẻn xin lỗi cô và tôi đã cho em ra ngoài rửa mặt cho tỉnh táo rồi vào học tiếp. Hai năm trôi qua, câu chuyện đã đi vào tâm hồn thơ ngây của mình và em học sinh đánh thức bạn đã viết lại theo một hướng khác, biến tôi thành giáo viên chủ nhiệm của lớp..



        Ở ngôi trường mới, một cô bé học sinh rất yêu thương tôi. Em làm tặng tôi nguyên một tập thơ tuổi học trò rất dễ thương, trong đó có những bài viết về tôi theo những gì em cảm nhận được...





        Cuộc đời tôi sau hơn hai mươi năm đi dạy, hoàn toàn không có chút tài sản nào có giá trị cả. Nhưng tôi lại có được những kỷ niệm êm đềm, đáng ghi khắc trong tim, những báu vật không thể mua được bằng tiền bạc. Với tôi, như thế đã đủ vì không có niềm hạnh phúc nào lớn hơn để người thầy có thể mơ ước.
                                                              Ngày 18/11/2013
                                                                                                           

5 nhận xét:

  1. Có lẻ đây là lần đầu tiên mình biết có một "người thầy"(cô giáo) như thế. hiểu và thương học trò như Khổng, Mạnh ngày xưa, chả trách học trò không thương mến suốt đời sao được. mong sao quê hương mình có nhiều nhiều những "người thầy"(cô giáo) như thế.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào Mẫn! Chắc chắn đây là lần đầu tiên bạn ghé nhà HM và lưu lại dấu hài.
      Mình cũng chỉ là một người thầy bình thường như bao người thầy khác mà thôi Mẫn ạ! Nhưng có lẽ thế hệ mình nay đã lui vào dĩ vãng, nhường lại cho lớp trẻ năng động, tài năng hơn. Tình cảm yêu nghề mến trẻ thầy cô nào cũng có, tùy vào cách họ biểu hiện. Bên cạnh, cũng có những nhà giáo không tốt, nhưng đó chỉ là con sâu bỏ rầu nồi canh và cũng chỉ là thiểu số mà thôi, bạn ạ!
      HM chúc bạn luôn vui khỏe và cảm ơn bạn đã ghé thăm.

      Xóa
  2. Ui! Cỏ Tranh ơi! Chị xóa vĩnh viễn một com em đã xóa trước để blog sạch đẹp. Com thứ hai của em chị vẫn giữ lại mà không biết vì sao bây giờ nó biến đâu mất rồi. huhu... Chị xin lỗi, em đừng giận và com lại cái khác nha!
    Vì sao em lại đốt hết giáo án tâm huyết 20 năm của mình vậy? Giáo án của chị sau khi nghỉ dạy, bạn bè hỏi xin nên chị cho hết, giờ cũng chẳng còn. Nhưng kỷ niệm thời đi dạy thì đầy ắp trong lòng em ạ!
    Mấy bài báo tưởng này chị giữ từ năm 1991, trên hai mươi năm rồi đó em. Chị chụp lại bằng ĐTDĐ nên chữ không rõ nét. Là báu vật, làm sao bỏ đi cho đành. Nhiều khi buồn, đọc lại cũng có đôi phần an ủi em ạ! Mỗi lần đọc lại bài viết của em Trương Đăng Vinh, chị cứ khóc vì thương em chết oan ức nơi đất khách quê người. Chị tiếc những học trò ưu tú của mình sao lại vắn số, không mang tài năng phụng sự đất nước, non sông được. Số phận quả là nghiệt ngã, phải vậy không em?

    Trả lờiXóa
  3. Bây giờ ai thèm giáo án viết tay, giấy thì đã vàng qua thời gian càng vàng thêm. Giữ làm chi khư khư kỉ niệm vừa buồn vừa khổ. Đôi khi cũng cần phải xếp lại một trang, mở ra một trang mới. Nếu hiểu được cái vô thường của thế gian, thì tiếc nhớ cũng không để làm gì...Một khi chị đã ghi trong tâm, dù không có kỉ vật, chị vẫn nhớ hoài. Nhớ để sống có ý nghĩa, vậy thôi. Chị đừng để nó trĩu nặng...sức mình nhỏ bé, không chịu đựơc đâu. Hãy sống cho những ngày tiếp theo chị nhé. Sống vui, khỏe, bình an! Một thời gian dài em đã sống như chị, chưa bao giờ em thoát ra được. Bây giờ em khuyên chị cũng là tự khuyên mình. Khi em chuyển trường, khi em chuyển công tác, tất cả đều như mất đi, không cái gì là của mình...Em thức tỉnh...Bây giờ em không lý tưởng bất cứ điều gì, em sẽ sống cho những ngày tiếp theo có ý nghĩa. Vậy thôi! Tất cả...em xếp vào một góc hết rồi! Nó bình an, em cũng bình an!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mỗi người có một quan điểm sống khác nhau em ạ! Chị không nghĩ là giữ gìn kỷ niệm là để sống trong đau buồn vì với chị những ký ức thời đi dạy là đẹp nhất, cần trân trọng giữ gìn. Còn những việc làm mình không hài lòng, kể cả con người thì chị không nghĩ đến nữa. Cỏ Tranh hãy an tâm nha!

      Xóa