Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

TIÊN HỌC LỄ HẬU HỌC VĂN



         Ngày 20/11 vừa qua, một đồng nghiệp cũ đến thăm tôi. Hai chị em ngồi ôn lại kỷ niệm ngày còn dạy chung, câu chuyện lan man đến tình hình đạo đức học sinh trong nhà trường phổ thông hiện nay. Cậu bạn tâm sự: "Những người dày dạn kinh nghiệm như chị em mình, đi dạy mà còn cảm thấy mệt mỏi trước thái độ học tập và đạo đức xuống dốc của học sinh hiện nay. Nghĩ tội cho lớp trẻ mới ra trường, không biết chúng dạy dỗ làm sao đây ?"


       Nghỉ dạy lâu rồi, tôi hoang mang khi nghe đồng nghiệp cũ phát biểu như vậy. Cậu còn bảo đi dạy bây giờ chỉ cốt sao làm tròn việc truyền thụ cho hết kiến thức trong sách giáo khoa, luôn phải kiềm chế để đừng nổi nóng trước thái độ chây lười học tập, hỗn hào hay quậy phá của học sinh để không gặp rắc rối. Tôi bất ngờ vì đây là một thầy giáo nổi tiếng nghiêm khắc và tận tâm với việc dạy học ngày nào, sao bây giờ lại có thể buông xuôi như vậy ? Ngày xưa, cậu là người siêng năng đến thăm nhà học sinh, nắm gia cảnh để có biện pháp phối hợp giáo dục. Không tuần nào là không một vài lần cậu mời phụ huynh học sinh vi phạm đến trường trao đổi. Có lần một phụ huynh bực mình vì bị mời hoài đã phát biểu : " Bộ thầy giáo tưởng chúng tôi rảnh lắm hay sao mà mời đến trường hoài ?". Và cậu tức quá đã trả lời phụ huynh đó như sau : " Bộ anh tưởng chúng tôi cũng rỗi rảnh lắm hay sao mà mời anh đến trường hoài. Chẳng qua con anh vi phạm việc học tập nên tôi mới mời để giữa gia đình và nhà trường phối hợp cùng uốn nắn em. Anh đã nói thế thì từ nay tôi sẽ không mời anh trao đổi nữa ". Sau đó, phụ huynh biết mình đã sai, xin lỗi thầy giáo và hứa về nhà sẽ rèn cặp con mình tốt hơn.

         Tôi bỗng nhớ đến câu chuyện cách đây khá lâu, ở trường của một người bạn. Thầy Hiệu trưởng họp Hội đồng giáo viên lần nào cũng nhắc nhở thầy cô giáo không được đánh hay xúc phạm nhân cách học sinh vì trong ngành đã có chỉ thị như vậy. Trong một lần chào cờ, một nam sinh gây mất trật tự và tỏ ra không tôn trọng lời nhắc nhở của thầy cô, thầy Hiệu trưởng nổi nóng và dằn không được, tát tai học sinh làm thằng bé sợ quá, tè cả ra quần. Kết quả là phụ huynh kéo vào trường làm dữ, đòi đánh cả thầy Hiệu trưởng, các thầy cô xúm lại can ngăn, cuối cùng thầy Hiệu trưởng phải xin lỗi phụ huynh học sinh, chuyện mới tạm yên. Thầy cô về sau cứ ghẹo thầy Hiệu trưởng mãi về chuyện này, thầy cười bảo : " Không hiểu sao lúc đó tôi kiềm chế không được sự nóng giận, để xảy ra chuyện như vậy, may phụ huynh không kiện về Phòng Giáo Dục thì lớn chuyện rồi... " Ôi! Khổ thân cho ông thầy biết là ngần nào!

         Người bạn đồng nghiệp than: " Học trò bây giờ nhờn mặt lắm. Chúng bảo ổng bả hù dọa dữ tợn vậy thôi chứ mai mốt lên lớp hết cho mà xem !? " Học sinh mà nhận ra khe hở của việc thầy cô phải đảm bảo chỉ tiêu lên lớp thì tai họa cho ngành Giáo dục mất rồi! Chúng cần gì phải cố gắng học tập làm chi cho khổ sở, cuối cùng cũng được lên lớp tất. Chất lượng Giáo Dục đi xuống là không tránh khỏi. Ngành Giáo Dục khác nào con gà mắc tóc.

         Thầy cô vô tình làm trò hề trong mắt học sinh. Lời nói của người thầy không còn có giá trị nữa mà chỉ là một trò hù dọa. Mà nghĩ cũng phải, thầy cô còn biết phải làm sao bây giờ? Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, cha mẹ thảy con vào trường với suy nghĩ trăm sự nhờ thầy cô. Con cái ham chơi, lêu lỏng và hư hỏng vì cha mẹ không có thời gian quan tâm, kềm cặp. Thầy cô thì trăm công nghìn việc, lại không dám đánh hay nói năng xúc phạm học sinh vì cái luật Giáo Dục treo lơ lửng trên đầu. Vậy chỉ có cách là dỗ dành mà thôi. Dỗ ngọt không xong thì hù dọa. Hù dọa không xong thì nhắm mắt, ai làm sao tôi làm vậy để an thân chờ ngày xuống ngựa một cách an toàn.

        Trong đời học sinh của mình, tôi từng bị đòn oan hai lần mà vẫn chưa bao giờ dám có ý nghĩ oán trách thầy cô. Lần đầu vào năm học lớp Năm ( tức lớp Một bây giờ). Trong một lần đang giờ tập viết, cô bạn ngồi gần đòi đổi mực viết với tôi nhưng tôi không chịu vì các bạn đều dùng mực tím, chỉ mình tôi duy nhất trong lớp dùng mực xanh. Tôi sợ đổi mực về nhà bố soát vở sẽ đánh đòn vì bố bắt tất cả anh chị em tôi phải dùng mực xanh chứ cấm tiệt không cho dùng mực tím. Cô bạn không làm được như ý thích, ngang ngạnh tự chấm bút vào bình mực của tôi rồi viết ngoáy vào vở, rách cả giấy rồi khóc òa, mách với cô giáo là tôi viết vào vở của mình. Tôi phân trần mà cô giáo không tin, vì rõ ràng màu mực của tôi còn hiển hiện trên vở. Cô giáo khẽ tôi ba roi vào bàn tay phải tội làm hư vở của bạn. Tôi đã khóc tức tưởi vì oan ức... Lần thứ hai vào năm học lớp Ba ( cũng là lớp Ba bây giờ ). Trong lần trực nhật của lớp, tôi đã đi sớm để quét sân nhưng do chỉ có một mình, tôi không quét nổi hết sân trường vì quá rộng lớn. Giờ vào học, cô giáo nhìn thấy sân trường quét có hơn một nửa, bèn phạt cả tổ trực nhật ngày hôm đó, Mười thước bảng giơ cao đánh mạnh vào tay, roi thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư còn nghe đau. Những cái còn lại, chỉ còn là cảm giác tê điếng và nỗi tức tưởi vì bị đòn oan. Tôi khóc sưng cả mắt và vào lớp rồi mà cứ còn nấc từng tiếng nghẹn ngào suốt cả buổi học hôm đó. Hai bàn tay măng sữa đỏ lựng đến lúc tan học vẫn còn hằn vết roi. Cả hai lần, gia đình biết chuyện, mẹ tôi chỉ bảo anh chị tôi vào trường thưa với thầy cô là tôi bị oan. Nếu là bây giờ, chắc thầy cô đã bị làm kiểm điểm mất rồi.
      Tôi nghiệm ra một điều, thầy cô cũng có khi chưa chính xác trong khi xử phạt học sinh nhưng chỉ là do vô tình, không biết rõ sự việc mà thôi. Nhưng chắc chắn một điều là không có thầy cô nào lại đánh đòn thù với học trò của mình cả. Ở nhà, cha mẹ cưng chiều, không dạy dỗ, đòn roi thì con cái sẽ khó dạy và hư hỏng. Ở trường cũng vậy, thầy không nghiêm khắc, dữ đòn làm sao học trò sợ mà chịu học hành cho nghiêm túc. Lúc nhỏ, nghe anh chị bảo có thầy dữ đòn phạt học trò quỳ sơ mít. Thực hư không rõ nhưng chỉ nghe thôi mà tôi sợ xanh cả mặt, có bao giờ dám không nghe lời thầy cô dạy bảo đâu.
        Trẻ con ngày nay hư hỏng nhiều, đạo đức đi xuống phải chăng là do cha mẹ quá cưng chiều, không nghiêm khắc dạy bảo, muốn ngang nào được ngang nấy. Thậm chí có nhiều bậc cha mẹ tự tôn con cái mình qua các danh xưng dành riêng cho hoàng tộc hay con cái tầng lớp danh gia vọng tộc như công chúa, hoàng tử, thiếu gia nhà tôi... thì làm sao đầu óc non nớt của một đứa trẻ không cho mình là quyền uy tối thượng cho được và cũng từ đó chúng tự cho mình có cái quyền muốn gì được nấy và mọi người xung quanh phải chiều theo ý thích của chúng, bất kể là đúng hay sai. Còn khi vào trường thì thầy cô không dám răn đe bằng roi vọt. Thầy cô nào vi phạm sẽ bị kiểm điểm trước ngành. Học sinh ngày nay hư nhiều là có phần lỗi của người lớn. Chính chúng ta đã tôn trọng chúng không đúng cách khiến chúng nhờn mặt, không biết phân biệt ranh giới giữa người lớn và trẻ con, đi quá giới hạn cho phép nên mọi việc trở nên rối beng, ngày càng tệ hại. Ngoài ra, các mặt tiêu cực khác ngoài xã hội cũng ảnh hưởng đến hành vi đạo đức của học sinh rất nhiều, nhất là khi cha mẹ không có sự theo dõi sát sao để kịp thời uốn nắn, sửa chữa. Nhân đây, tôi kể một câu chuyện để chứng minh trẻ con chỉ nhận thức vấn đề theo cảm tính mà thôi. Trong trường tôi dạy học năm đó có một học sinh cá biệt, vào lớp em không bao giờ thuộc bài, không làm bài tập và thường xuyên chọc phá các bạn, gây mất trật tự trong lớp. Các cô thì làm ngơ, nhưng nhiều thầy giáo không chịu được nên cho em ra khỏi lớp để các em khác tập trung học tập. Tôi thường xuyên phải mời phụ huynh của em đến trường trao đổi việc học tập của em. Em không bao giờ giấu thư mời và gia đình luôn đến gặp nhà trường và hứa sẽ giáo dục em tốt hơn. Thầy cô biết rõ hoàn cảnh của em cho biết ba em làm phó giám đốc một chi nhánh xăng dầu, những người đến gặp nhà trường chỉ là nhân viên của ba em mà thôi. Tôi bất ngờ và càng chưng hửng hơn khi có một lần em nhận thư mời phụ huynh và nói với tôi : " Mọi người trong chỗ làm của ba em đều rất sợ ba em, chỉ có cô là không thấy sợ ". Biết em là đứa trẻ không bình thường nên tôi chỉ nhẹ nhàng giải thích : " Cô đâu có làm gì sai mà phải sợ ba em. Chỉ khi nào làm việc gì đó sai trái, người ta mới sợ. Cũng như em, em học hành không nghiêm túc là sai, phải biết sợ thầy cô, cha mẹ mà sửa sai đi! ". 
         Một đứa trẻ chưa nhận thức đầy đủ vấn đề là như vậy đó. Thầy cô tôn trọng học sinh là đúng. Thật ra thì mọi người đều phải tôn trọng lẫn nhau thì mối quan hệ mới tốt đẹp. Nhưng học sinh cứ ngỡ người lớn sợ chúng, không dám làm gì chúng thế  rồi càn quấy, coi thường phép tắc, vô lễ với thầy cô mà không biết chính điều đó làm hại cho chúng rất nhiều, biến chúng trở thành đứa trẻ hư hỏng mà cả cha mẹ và thầy cô cũng đành bất lực vì không thể nào giáo dục được. Và một điều quan trọng là thầy cô đều biết cách tốt nhất để giáo dục học sinh, hiểu tâm sinh lý lứa tuổi và sẽ có từng cách thích hợp cho từng em chứ đâu phải lúc nào cũng dùng roi vọt. Ngay cha mẹ cũng vậy, dạy con cũng tùy tâm ý, cá tính của từng đứa một mà nặng nhẹ khác nhau trong biện pháp răn dạy để con cái nên người. Ngành Giáo Dục nên thoáng hơn và giao cho thầy cô toàn quyền giáo dục học sinh, cụ thể là được xử phạt  cho phù hợp với từng đối tượng, giúp chúng nhận thức đâu là đúng sai để rèn luyện bản thân nên người. Xã hội cần xác định lại vị trí người thầy trong nhà trường và ngay cả bản thân người thầy cũng phải thể hiện tác phong mẫu mực để phụ huynh và học sinh kính nể, quý trọng. Chứ như tình hình hiện nay, học sinh ngoan hiền cũng có nhiều đó nhưng những đối tượng quậy phá, đạo đức yếu kém thì khá là phổ biến và đặc biệt lòng tôn kính người thầy đúng nghĩa là không thể nào bằng được thế hệ của chúng tôi ngày trước.
       Nghe đâu Ngành Giáo Dục đang có hướng chú trọng giáo dục đạo đức học sinh qua môn Giáo Dục Công Dân. Đó cũng là một biện pháp, chúng ta hãy chờ xem hiệu quả. Tuy nhiên, muốn điều chỉnh lại đạo đức của một thế hệ trẻ đang đà suy yếu cần phải có nhiều yếu tố đồng bộ. Trước tiên là tấm gương đạo đức của người lớn, đồng nghĩa là phải phục hồi những phẩm chất đạo đức bấy lâu bị xã hội lãng quên. Gia đình giữ vai trò chính trong việc giáo dục và hình thành nhân cách một đứa trẻ. Nhà trường bên cạnh việc truyền thụ kiến thức còn phải là một xã hội thu nhỏ mà qua đó học sinh được đánh giá khả năng một cách công bình và chính xác, mọi hành vi của các em phải được thưởng phạt nghiêm minh để hình thành một thói quen sống đứng đắn, chuẩn mực trước khi vào đời.
        Một đứa trẻ lần đầu tiên bước chân tới trường, tâm hồn trong trắng của các em cần phải được uốn nắn và giáo dục để có thể hiểu hết ý nghĩa vô cùng sâu xa của câu " Tiên học lễ, hậu học văn " và xem đây là phương châm phải luôn luôn tuân thủ. Chỉ có thế các em mới có thể nên người.
        Một bông hồng tươi thắm dành tặng cho tất cả thầy cô còn đứng trên bục giảng. Kính chúc thầy cô sức khỏe và nghị lực để hoàn thành nhiệm vụ cao cả.


                                                            Ngày 16/12/2011
                                                                                                      
             
Nguồn trích dẫn (0)

4 Bình luận

ĐỒNG QUÊ

13:05 23-12-2011
Bài viết rất hay ! Cần lắm những giáo viên không những chỉ  nắm vững kiến thức mà còn phải quan tâm nhiều đến lĩnh vực ''Tâm Lý Học Sư Phạm '' mới mong điều gì đó  đổi mới và sự chuyển hướng trong tương lai .Cảm ơn bài viết và chúc ĐGD đón Giáng Sinh an lành Hạnh Phúc !

14:18 23-12-2011
Điều Giản Dị cảm ơn sự đồng cảm qua lời chia sẻ của bạn ĐỒNG QUÊ. Chúc Giáng Sinh an lành.

21:17 20-12-2011
Những trăn trở của Cô giáo ĐGD hôm nay về giáo dục cũng là mối ưu tư đang trĩu nặng của hết thảy mọi thầy cô giáo có tâm huyết...Nhớ lại thời chúng ta còn bé, hình ảnh mọi người ngả nón khi đám tang đi qua, việc nhường chỗ cho cụ già, phụ nữ trên xe bus, ô tô v.v...hình như bây giờ là chuyện cổ tích! Do vậy, chúng ta cũng không thể oán trách một bộ phận thầy cô giáo trở nên vô cảm...
Hãy yên lòng cô giáo ạ, ngành GD sẽ sớm có những điều chỉnh...

Điều Giản Dị

10:25 21-12-2011
Được anh HHung chia sẻ những cảm nghĩ chân thành, ĐGD rất vui. Vui nhất là biết Ngành Giáo Dục sẽ có những chuyển biến đúng hướng để người thầy an tâm và không tủi thẹn nữa. Chúc sức khỏe anh và gia đình.

mr. chuồn chuồn

23:25 17-12-2011
Ở đâu cũng như thế cả thôi! Ngán ngẫm.
Lỗi do đâu?
Thầy cô chỉ là nạn nhân.

Điều Giản Dị

10:49 18-12-2011
Lỗi do đâu?
Một câu hỏi còn chờ lời giải đáp. Còn chúng ta chỉ biết làm theo chỉ thị của cấp trên mà thôi. Vì lệnh của lãnh đạo là pháp lệnh mà. Cầu sao Ngành Giáo Dục sớm tìm được hướng đi đúng đắn và học trò của chúng ta biết thương bản thân để tự học tập và rèn luyện mình cho tốt hơn. Là người thầy cũng chỉ mong có vậy.

ugno.vn

11:46 17-12-2011
Còn nặng đời học trò và đời cô giáo! Ngày nhà giáo qua rồi, ngày Chúa Giáng sinh sắp đến. Chúc an lành.

Điều Giản Dị

20:56 17-12-2011
Ngồi buồn nhớ chuyện xa xưa
Nửa mơ nửa tỉnh vẫn chưa hết buồn
Giáng Sinh trên Dalat chắc là vui lắm anh Ugno nhỉ? Chúc vui khỏe.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét