Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

NỖI BUỒN TRONG ĐÊM




          Ở cái tuổi trên năm mươi, người ta có thể cho phép mình "nửa đời nhìn lại" để nghiền ngẫm quãng đời đã qua của mình, tự đối diện chính mình hằng đêm bằng nỗi buồn riêng tư không thể giải bày... 
         Tôi, một cô giáo với ngôi trường đầu tiên của mình ở một vùng cao, học trò quá lứa vì bị thất học trong thời gian chiến tranh. Ngày đất nước hòa bình, chúng mới bắt đầu đi học trở lại, nhìn chúng còn già dặn hơn cả tôi và việc gì cũng làm được. Dẫn học trò đi lao động, tôi chỉ đứng xem cho có hình thức, thỉnh thoảng nhắc nhở các em chú ý an toàn lao động và chấm điểm cho học sinh chứ mọi sắp xếp để hoàn thành công việc đã có em lớp phó lao động đảm đương. Một lần dẫn học sinh đi thu hoạch khoai mì trong rẫy của trường, thầy trò đi từ lúc 5 giờ sáng, khi đến nơi mặt trời đã ở trên ngọn cây khơ nia rồi. Giờ giải lao, học trò ùa hết xuống suối rửa mặt mũi, tay chân, uống nước... Tôi lo nên định xuống với chúng nhưng suối nằm sâu dưới dốc cách mặt đất khoảng chục mét, tôi loay hoay nắm cành cây mọc bên sườn đồi tụt dần xuống, chẳng may trợt chân lao đi vùn vụt, học trò nhìn thấy, hoảng quá cùng xúm lại dàn hàng ngang đón đỡ tôi bên dưới giống như cả đội bóng dàn đội hình để đỡ quả bóng phạt đền cách khung thành 16,5 mét. Tôi lọt thỏm vào những cánh tay đón đỡ của học trò, bị một phen hú vía...
         Những ngày dạy học ở miền núi có rất nhiều kỷ niệm với tôi. Cuộc sống tuy thiếu thốn trăm bề, bữa cơm toàn độn sắn khô, thức ăn năm thì mười họa mới có thịt cá nhưng phần lớn đều bị ôi vì phải qua hợp tác xã phân phối và vận chuyển xa xôi, nhưng tôi vẫn cảm nhận đó là những tháng ngày đẹp đẽ nhất vì người ta thương nhau thật lòng, chia sẻ mọi khó khăn với nhau như người một nhà, chẳng có mấy ai tính toán hơn thiệt cho bản thân. Ngày quay về thành phố, tôi có một lời nguyện ước sau mười năm sẽ trở lại thăm chốn cũ, vậy mà mãi đến hai mươi bốn năm sau tôi mới có dịp quay về khi đi dự đám cưới con của một người bạn. Tất cả không còn như xưa, cảnh vật, ngôi trường, con người đều thay đổi. Khi ghé nhà thăm một cô giáo người địa phương dạy chung trước đây, nhìn cảnh nhà đơn chiếc mà tôi ngậm ngùi, chua xót. Cha mẹ của cô đã già yếu, cô vẫn sống độc thân, thằng em trai phát bệnh tâm thần do bị khủng hoảng trong những năm gia cảnh quá khó khăn, nợ nần chồng chất... Cô giữ tôi ở lại chơi nhưng tôi từ chối vì phải đi thăm một cô giáo khác cũng người địa phương, còn dự đám cưới rồi quay về nhà nữa. Lúc qua sông quay về nhà bạn, gặp hai vợ chồng đứa học trò cũ chèo đò ngang, cuộc sống có vẻ khó khăn, tôi cảm thương, chua xót nhưng chẳng giúp gì được. Tôi hỏi thăm Luận vì sao Trang mất một cánh tay thì em nói do anh ấy làm rẫy bị nổ trái M 79, may không chết. Giờ mình em làm rẫy không kham nên vợ chồng chèo đò ngang kiếm sống.
         Tôi đi chiếc đò máy khác của đứa học trò là chủ các đò ngang mà vợ chồng Trang là một trong những người chạy thuê để về cho nhanh vì chuyến đò của Trang chưa tới phiên tách bến. Lúc đò quay mũi, vợ chồng Trang đứng trên bến nhìn theo vẫy tay chào tạm biệt tôi, tôi cũng vẫy tay chào lại mà nghe lòng như có ngọn sóng dâng tràn...  Dòng sông mênh mông, bến bờ xa tít, đứa học trò đưa tôi đi thăm chốn cũ, người xưa chỉ cho tôi vị trí phân hiệu cấp một của trường tôi dạy trước đây nay đã nằm sâu dưới lòng hồ khi người ta ngăn dòng chảy, mở rộng lòng sông để xây đập thủy điện Thác Mơ. Tôi nghe mắt cay cay, nhìn dòng sông chẳng biết người xưa đã từng có ai quay lại chốn này, đứng lặng nhìn lòng hồ mà nhớ chuyện năm nào ...
          Sau ngày về thăm trường xưa chốn cũ, ký ức một thời tưởng đã qua đi dường như trổi dậy mãnh liệt trong tôi. Nhiều đêm không sao ngủ được, tôi lăn qua trở lại, xoay tới xoay lui vẫn không dỗ được giấc ngủ, nằm bất động, nhìn lên trần nhà, tôi nhớ chuyện xa xưa... 
         Trở mình, tôi gối đầu lên cánh tay, miên man nhớ lại những ngày còn đi dạy. Tôi nhớ ngôi trường đầu tiên với các phòng học trống huơ trống hoác, vách ngăn bằng phên tre đan thưa đến độ ở lớp bên này vẫn thấy mồn một, nghe lồng lộng thầy trò lớp bên cạnh đang làm gì. Có lần, tôi đang giảng bài say sưa thì nghe trong lớp có tiếng cười rúc rích và tiếng gà cục tác rất gần. Chưa bao giờ tôi gặp tình cảnh này vì học sinh rất thích nghe tôi bình văn, vậy thì vì lý do gì mà chúng mất trật tự ? Tôi bước khỏi  bàn giáo viên (lúc đó bàn ghế cho học sinh ngồi học còn tạm bợ bằng tre nứa thì làm gì có bục giảng), quan sát lớp học và dõi theo ánh mắt học sinh mới bật ngửa vì có một trứng gà vừa lăn ra từ thư viện và nằm cách bảng đen hơn một thước... Hóa ra con gà mái của nhà tập thể giáo viên nuôi để cải thiện đời sống lần đầu nhảy ổ đã vào trong thư viện đẻ, rồi do nền nhà lồi lõm, chỗ cao chỗ thấp nên trứng mới lăn sang lớp học. Bấy giờ cả lớp nhao nhao: " Lượm về luộc ăn cô !", tôi không khỏi phì cười vì cách nói không đầu không đuôi của học trò, lừ mắt gắt:" Làm sao ăn cô được ?", đám học trò ngây thơ trố mắt nhìn tôi rồi khi hiểu ra, chúng phá ra cười.
         Tôi nhớ ngày dạy học ở xứ đạo, chiều thứ bảy nào tan trường về lòng tôi cũng buồn man mác khi nhìn thấy những cặp vợ chồng dắt con đi lễ nhà thờ. Những đứa bé trông thật xinh xắn lon ton chạy trước cha mẹ, nói cười ríu rít, trông họ sao mà hạnh phúc quá, tôi cảm thấy có chút tủi thân và đạp vội xe về nhà... Tôi không hiểu sao mình hay nằm mơ thấy trẻ con, lúc thì chúng lạc mẹ nhờ tôi cứu giúp, lúc chúng khóc đòi bế lên, lúc cả bầy trẻ con đuổi tôi chạy trối chết. Tôi nghe nói nằm mơ thấy trẻ con là không tốt nên cũng lo sợ lắm.
         Không gì đáng sợ hơn là nỗi buồn gặm nhắm con tim, cảm giác đau đớn và ngạt thở, sự quạnh vắng đến rã rời, mệt mỏi. Tôi cần có ai đó hiểu mình, cho tôi mượn đôi bờ vai để tựa vào và òa khóc... Tôi vốn là người giỏi chịu đựng, tôi phải sống ép lòng cho mọi người cùng vui, tôi chưa bao giờ có một niềm vui trọn vẹn. Tôi hay khóc trong mơ, có lúc thấy mình đi lạc, lúc khác lại nằm mơ thấy mình chèo thuyền trên dòng sông chảy xiết, chẳng thấy bến bờ đâu cả.
       Tuổi càng lớn, con người càng cảm thấy mình bé nhỏ trước thiên nhiên hơn. Đôi khi còn là một sự bất lực vì có những ước mơ êm đềm, những khao khát mãnh liệt không thể nào thực hiện được vì hoàn cảnh, điều kiện tuổi tác không cho phép đành chỉ còn biết ngậm ngùi nhìn thời gian chậm rãi trôi qua...
                                                                        Ngày 01/06/2009
                                                                             


              

2 nhận xét:

  1. Nhớ nhưng không buồn nữa nghen chị. Dũng cảm lên và vui sống!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài này viết lâu rồi, nay tải lại, chị sẽ không buồn nữa đâu, Cỏ Tranh an tâm. Chúc em buổi tối thật bình yên và ngon giấc.

      Xóa