Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

NHỮNG CÂU CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ (2)



       Không biết cùng đi dạy như nhau mà có ai giống tôi hay không khi gặp phải những tình huống dở khóc dở cười, nói ra thật khó ai ngờ đến?
      Năm đầu tiên tôi vừa chuyển về một trường thuộc loại lớn nằm trong xứ đạo gần ba mươi lớp thì đã phải giải quyết một việc hết sức tế nhị. Học sinh đa phần con em người Bắc di cư năm 1954, sống theo từng xứ đạo từ quê vào. Nhiều học sinh gia đình chuyên ngành dệt thun. Một số khác buôn bán nhỏ hay làm nghề tự do. Bên cạnh cũng có những gia đình trí thức, cán bộ nhân viên nhà nước hoặc phục vụ trong quân đội…
      Do gia đình học sinh đủ loại thành phần nên đời sống kinh tế cũng khác nhau. Một lần vào giờ chơi, khi sắp sửa vào học hai tiết cuối thì một nhóm nữ sinh kéo lên văn phòng Ban Giám Hiệu gặp tôi trình bày vừa bị mất cây bút máy hiệu Hero, còn cho biết đích danh bạn lấy trộm. Vào thời điểm đó, bút máy hiệu này rất có giá trị, không phải học sinh nào cũng có được. Các em đều là cán bộ lớp, những học sinh khá giỏi, ngoan hiền thì lời nói có thể tin cậy được. Oái oăm thay điều các em nói ra thật khó ngờ đến, cách xử lý cũng không hề đơn giản! Khi tôi hỏi em đã tìm kỹ trong cặp, xung quanh chỗ ngồi chưa, có thể cây bút bị rơi xuống đất hay để lẫn đâu đó chứ lẽ nào bạn lấy trộm của em thì học sinh mất viết cương quyết mình bị mất thật vì khi các em về nhà uống nước, lấy thêm tập vở bỏ quên của tiết tiếp theo thì chỉ có bạn đó ở lại trong lớp dù không phải tổ trực nhật. Việc đến đây thì phải phân xử rồi. Tôi cho các em về lớp sau khi dặn không được làm ầm ĩ việc này khi chưa xác minh đúng sự thật bạn đã lấy cắp đồ của mình. Mọi việc sẽ có thầy cô xử lý nghiêm minh, chính xác, của bị mất sẽ tìm ra trả về cho chủ. Sau đó, tôi nhờ một nhân viên văn phòng lên lớp gọi học sinh đang bị nghi vấn là thủ phạm lấy trộm cây bút xuống gặp Ban Giám Hiệu. Khi tôi yêu cầu em trình bày mình có nhìn thấy cây bút của bạn và có lấy không thì em nhất định bảo mình không có liên quan. Tôi biết gia đình em thuộc diện nghèo, học lực trung bình, chưa vi phạm nội quy trường lớp một lần nào, cảm thấy xót xa nếu như em quả đã phạm tội. Nhưng không thể làm thinh trước một vi phạm về nhân cách được, vật mất cũng phải trả về chủ cũ nên tôi đã nhỏ nhẹ phân tích cho em biết các bạn đã có cơ sở xác định em là thủ phạm của việc mất viết. Nếu thật sự như vậy, em hãy nhận tội trước cô, trả lại viết cho bạn. Cô sẽ có cách giúp em không phải mặc cảm về hành động dại dột, sai trái của mình và từ bây giờ trở đi cho đến hết cuộc đời không bao giờ được tái phạm việc này nữa vì đó là một hành vi xấu xa, vi phạm đạo đức, đáng bị lên án. Tôi dặn em về nhà viết kiểm điểm, ngày mai nộp cho tôi cùng với cây bút đó. Không được cãi nhau với bạn, không phân bua gì hết, cứ coi như mình không có liên quan đến việc này. Em im lặng không nói gì thêm, tôi cho em về lớp học tiếp, tự hỏi không biết việc mình làm liệu có kết quả hay không? Đêm đó, tôi cứ băn khoăn trằn trọc mãi vì cũng không tin em học sinh kia chịu nhận lỗi và trả viết cho bạn. Lỡ em không phải là thủ phạm thì sự việc càng tệ hại hơn vì như thế khác nào em đã bị xúc phạm lòng tự trọng mà người gây cho em sự tổn thương đó lại chính là tôi. 
      Qua ngày hôm sau, em học sinh bị tình nghi lấy trộm viết của bạn đã đến văn phòng nộp cho tôi bản tự kiểm về hành động sai trái của mình cùng với tang vật. Em rơm rớm nước mắt nói với tôi cô giúp em, đừng để các bạn cười nhạo em trên lớp. Nhìn thấy em lúc đó thật không biết phải nói sao, tôi hứa sẽ làm việc đó, khuyên em vài câu phải trái rồi cho em về lớp vì không muốn nhiều người biết thêm câu chuyện này.
      Cuối buổi học ngày hôm đó, tôi cho gọi nhóm học sinh chơi thân với nhau mà trong đó có một em bị mất viết lên văn phòng. Tôi khẳng định cho em biết bạn mà em nghi ngờ không hề lấy bút máy của em. Cô đã gọi bạn lên làm việc và tin là như vậy. Nhưng cô đã tìm ra viết cho em rồi, ai đó đã ném nó vào chậu hoa trước cửa phòng của Ban Giám Hiệu. Có lẽ một bạn nào khác lấy trộm khi thấy các em lên trình báo với cô đã sợ hãi mà ném vào đó để ngầm trả lại cho em chăng? Tôi dặn dò các em mọi việc đã được giải quyết xong, không bàn tán nữa hay đối xử nghi kỵ làm bạn buồn vì có thể em đã hiểu lầm về bạn. Học sinh mất viết nay tìm lại được rất vui mừng, hứa sẽ thực hiện điều tôi khuyên răn.
      Có thể cách giải quyết của tôi chưa hoàn toàn đúng vì chưa làm rõ vấn đề đúng người đúng tội. Nhưng các em còn nhỏ dại quá, vết thương đó có thể khắc sâu trong lòng, khiến em khó vươn lên trong cuộc đời. Tôi muốn giúp học sinh lỗi lầm một hướng đi, mở cho em một lối thoát để sửa chữa lỗi lầm, sống tốt đẹp hơn. Qua việc này, tôi nhớ lại câu chuyện năm xưa khi tôi còn ngồi ghế nhà trường Sư Phạm. Một bạn gái cùng lớp quê Tiền Giang, người xinh xắn, hiền lành và rất thảo ăn. Mỗi lần có dịp về thăm nhà, khi lên bao giờ bạn cũng chia quà cho khắp phòng khi là kẹo dừa, khi là cốm dẹp là những món đặc sản của quê mình. Vậy mà có ai ngờ một lần bạn bị nhân viên căn tin bắt gặp đang ăn trộm bịch kẹo dừa. Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi biết thế nào là họp nội bộ. Trong suốt buổi họp, chỉ có thầy chủ nhiệm và lớp trưởng phân tích, góp ý sai phạm của bạn còn mọi người thảy đều im lặng, xót xa... Mức đề nghị kỷ luật bạn là cảnh cáo toàn trường, lưu lại một năm không cho ra trường nhận công tác để tự rèn luyện tác phong, đạo đức vì đó là những ngày cuối cùng chúng tôi chờ kết quả kỳ thi Tốt nghiệp ra trường đi dạy. Năm sau, tôi quay về trường thi lại chứng chỉ Triết học Mác_ Lênin còn nợ nhà trường, gặp lại bạn vừa mừng vừa tủi cho bạn khi nhìn thấy bạn được phân công phụ các dì, các chị trong bếp ăn tập thể, lo cơm nước hàng ngày cho thầy cô và sinh viên. Về sau nghe nói anh người yêu học cùng lớp sau khi ra trường cũng xa lánh bạn và bạn đã bỏ về quê luôn, không chờ nhận quyết định hết hạn kỷ luật, từ bỏ mãi mãi ước mơ đứng trên bục giảng chỉ vì không vượt qua được bản năng trong một phút nhất thời nông nổi… Và có lẽ cũng chính vì sự việc này nên tôi đã xử lý hành vi sai trái cùng tội của học sinh mình như thế hay không? Đúng sai thế nào xin để cho mọi người phán xét.
      Cũng tại ngôi trường này, hai năm sau đó, tôi lại phải đối diện với một tình huống khác còn nghiêm trọng hơn nhiều. Cũng đang giờ chơi, bỗng một nhóm học sinh hớt hải chạy lên văn phòng thông báo cho tôi biết có người mang dao vào trường chém học sinh.
      Tá hỏa, tôi chạy vội ra xem sự thể thế nào thì nhìn thấy cảnh hỗn loạn trong sân trường. Một nhóm đông học sinh quây kín để bảo vệ cho một học sinh khác được cho là có người muốn chém chết. Nhiều nhóm khác chạy đuổi bắt kẻ cầm dao vào trường định giết người. Khổ thân tôi! Tôi chưa biết xử lý ra sao trong lúc quá hốt hoảng thì có một nhóm công an xã xuất hiện vì ai đó đã báo với chính quyền tình hình hỗn loạn trong nhà trường. Nhanh chóng, một công an viên với sự trợ giúp của học sinh đã quật kẻ gây rối an ninh trật tự xuống nền đất. Rồi nhiều tiếng la ó phản đối của học sinh vang lên: “ Công an đánh dân” khiến người công an khu vực chùng tay lại. Lúc đó, tôi mới kịp định tỉnh nhìn ra kẻ dám ngang ngược, lộng hành mang dao vào trường uy hiếp học sinh của mình là ai. Trời ơi! VK, một học sinh đang theo học lớp Tám tại trường, cũng là học sinh tôi từng giảng dạy ở năm lớp Sáu. Ngay lúc đó, VK lồm cồm ngồi dậy, la to: “ Không ai được bắt tôi, đánh tôi ngoại trừ cô giáo của tôi”. Anh công an đành bảo tôi đưa giúp học sinh của mình ra trụ sở Ủy ban xã cho họ làm việc.
      Lại cũng lần đầu tiên trong cuộc đời của một cô giáo, tôi phải giong học sinh của mình ra trụ sở công an. VK ngoan ngoan để tôi dẫn rời khỏi khuôn viên nhà trường với những bước chân nặng nề, đau đớn… Giao em cho mấy anh công an rồi, tôi nhìn thấy em bị trói hai tay ngồi trên ghế, nghe tra hỏi nguyên nhân cầm dao vào trường chém bạn mà tâm trạng buồn đau, chua xót vô cùng… Trao đổi mấy ý với người có thẩm quyền nơi đó hãy từ từ giáo dục, đừng dùng vũ lực với em xong, tôi phải quay về trường vì còn nhiều việc phải giải quyết trong ca trực.
      Sự việc dẫn đến mâu thuẫn giữa hai học sinh VK và CT chỉ là từ sự nghịch ngợm mà ra. CT là một học sinh tính điềm đạm, ít nói trong lớp. Còn VK là đứa trẻ hiếu động, hay chòng ghẹo các bạn. Cách đó khoảng một tuần trong giờ chơi, VK giựt cây bút máy của CT ném chuyền cho các bạn để ghẹo chơi. CT sau một hồi đuổi theo mệt nhoài vẫn không lấy được viết nên nổi giận, tìm cô giáo chủ nhiệm để kiện. Sau đó, VK có trả lại viết cho CT nhưng em không chịu nhận còn dùng lời nặng nề  nói với VK. Hai bên suýt đánh nhau trong lớp nhưng nhờ có các bạn can gián nên sự việc không xảy ra. Khi giáo viên chủ nhiệm biết chuyện có tạm thời giữ cây bút đó chờ tới tiết sinh hoạt chủ nhiệm thì làm việc luôn. Trong thời gian đó, CT và VK vẫn lời qua tiếng lại nặng lời với nhau không chỉ trong trường mà còn cả ở nhà nữa. Hậu quả là VK mang dao vào hỏi tội CT mới xảy ra cớ sự. Khi chị Hiệu Trưởng biết sự việc này đã góp ý giáo viên chủ nhiệm không xử lý mâu thuẫn học sinh kịp thời, rốt ráo để nó trở nên nghiêm trọng hơn. Cũng may chưa xảy ra đổ máu, bị thương hay chết người.
      Buổi trưa, tôi lại qua Ủy ban xã xem tình hình ra sao thì thấy VK bị trói chân vào chiếc bàn trong một phòng trống do các anh công an sợ trong lúc họ loay hoay làm việc, em bỏ trốn về nhà. Tôi hỏi em có đói hay không để đi mua cơm cho em thì em bảo mấy chú công an có đưa phần cơm cho em ăn rồi. Mấy chú bảo tạm giữ em đến chiều, chờ cha mẹ đến bão lãnh em ra về và cam kết quản lý, giáo dục em tốt hơn.
      Tan trường, trên đường về, tôi ghé vào Ủy ban xã lần nữa vẫn thấy em còn bị trói như ban trưa. Cha mẹ em vẫn chưa đến bảo lãnh em về dù công an đã có thông báo về nhà cho phụ huynh biết. Nghĩ cũng tội cho hoàn cảnh của em. Nghe đâu cha mẹ VK đều là bộ đội. Ba em mất ở chiến trường khá lâu rồi. Mẹ em tái giá, mang theo hai anh em về nhà chồng mới. Không hiểu sao tối đến nơi rồi mà chưa thấy họ đến bảo lãnh đón em về nhà? Thấy tôi cứ chần chừ chưa chịu ra về, một công an viên bảo cô giáo an tâm đi, chúng tôi vừa cho nhắn tin về nhà cho phụ huynh xong, họ sẽ ra ngay thôi. VK thì vẫn hồn nhiên cười toe toét : “ Nhà xa, cô về đi kẻo trời tối. Em không có sao đâu. Mẹ em ra ngay bây giờ.”
      Tôi dặn em mấy câu rồi lên xe đạp về nhà vì sợ Mẹ trông khi đã lên đèn mà chưa thấy tôi về. Năm học tiếp theo, tôi xin chuyển sang trường khác. Một buổi chiều đi làm về muộn, đang đạp xe trên đường, tôi có cảm giác có ai đang đuổi theo mình, nghe lòng có chút bất an. Khu vực này vắng vẻ, bên đường có một nghĩa địa lớn từng có mấy vụ giết người treo xác lên cây hay thiêu cháy để phi tang. Cũng là đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng nữa. Tôi càng cố đạp cho nhanh thì dường như cái kẻ đuổi phía sau cũng tăng tốc. Khi mệt muốn bức hơi thì nghe có tiếng kêu cũng đứt quãng: “ Tr..ời … ơ.i! Cô đạp xe gì nhanh dữ vậy? Làm em đạp theo muốn rụng cặp giò luôn”. Hóa ra người nãy giờ đuổi theo tôi là VK. Tôi hỏi em sao lại đuổi theo thì em cười hồn nhiên: “ Cô chuyển trường đi xa quá! Mấy tụi nó nói là tại em quậy phá quá nên cô buồn, cô mới chuyển trường khác. Tụi nó bắt em phải đi tìm cô để xin lỗi đó. Có thật thế không cô? “
      Tôi nhìn gương mặt trẻ con trong cái xác lớn tướng của VK mà thấy tội cho em quá! Bản chất thuần lương, chất phác, ngây thơ của em làm tôi thương cảm vô cùng... Nhẹ nhàng tôi giải thích với em tôi chuyển trường là để phù hợp với công tác hơn chứ không phải vì buồn giận em. VK cười hớn hở, cảm ơn tôi và nói em an tâm rồi. Nghe tụi nó nói thế, em lo quá vội chạy sang đây chờ cô đi dạy về để gặp xin lỗi. Sau này, còn một lần nữa. VK cũng đuổi theo tôi để khoe bạn gái. Tôi vẫn còn nhớ giọng nói reo vui lúc bấy giờ của em : “ Em chào cô. Cô khỏe không? Bạn gái của em nè cô! “ và “ Em chào cô đi! Cô giáo của anh đó!”
      Cuộc đời của một người thầy còn mong gì hơn ngày nhìn thấy học trò của mình trưởng thành. Điều quan trọng là chúng nên người, hiểu biết, sống tốt và có ích cho xã hội chứ không phải chúng thành đạt, giàu sang, phú quý mà đôi khi sống lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau của người khác...
                                                                                Ngày 11/11/2013


                                                         

4 nhận xét:

  1. HM sắp xếp các mẩu chuyện viết lại có khi lại được tập truyện ngắn hay, các bài rất nhân văn HM à. Chúc vui nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ. Em chỉ viết lại những kỷ niệm đã qua, chưa có ý định cũng như không biết tập hợp thành tập truyện ngắn đâu Thầy ạ!

      Xóa
  2. Có những chuyện phải đợi vài chục năm sau nhớ lại mới đủ độ chín để kể. Ký ức thời gian bao giờ cũng làm ta bùi ngùi xúc động..Cám ơn HM với những chuyện rất 'nhân văn" như thầy LV đã nhận xét..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ. Hiền Mai nhớ lại được gì thì ghi ra thế thôi anh Ksor ạ! Có thể nói đó là quãng đời sôi động, vất vả, nhiều vui buồn nhất của HM.

      Xóa