Khát
vọng là một ước ao mãnh liệt về một điều gì đó con người chưa có được. Họ
còn đang gắng sức, nỗ lực để có điều mình mong muốn. Cũng có khi họ biến khát
vọng đó thành một giả định không có thật để thỏa mãn ước mơ, để tìm sự ấm áp
trong cảnh ngộ hiện tại.
Truyện ngắn dự thi " HÀNG
XÓM " đăng trên Báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam, số 40/ 2011, tác
giả Chu Thùy Anh, điển hình cho một khát vọng sống, bất cứ ai đọc qua
cũng không cầm lòng cho được. Có thể là do tôi quá đa cảm. Nhưng rõ ràng người
viết kể một câu chuyện quá cảm động, nhân vật cô đơn và tội nghiệp đến như vậy,
làm sao tôi không chạnh lòng thương cảm cho được ?
Tác giả kể về những người hàng
xóm của một chung cư cao tầng. Họ gồm có chín nhà sống ở tầng 13, cùng quay
quần quanh thang máy và nhà nọ chếch cửa nhà kia. Ông lão sống ở một trong chín
căn hộ đó luôn thắc mắc về nhà hàng xóm đối diện. Cùng một thiết kế như nhau,
cửa sắt bên ngoài, cửa gỗ bên trong và khoảng cách giữa hai lần cửa đó vẻn vẹn
chỉ năm mươi phân." Không hiểu người ta thiết kế như thế để làm gì, năm
mươi phân thì để vừa được gì, ai cần để cái gì giữa cửa sắt và cửa gỗ "?
Đó là câu hỏi mà ông lão luôn thắc mắc. Rồi chính ngay nhà hàng xóm chếch cửa
nhà ông đã giải thích cho ông câu hỏi đó. Ngay giữa hai lần cửa đó có sáu đôi
dép được xếp thắng hàng_ bốn đôi người lớn và hai đôi trẻ con. Chỉ có hai đôi
trong giờ hành chính từ thứ hai đến thứ sáu. Lại đủ bốn đôi người lớn và hai
đôi trẻ con sau sáu giờ chiều. Rồi thì bốn đôi người lớn và hai đôi trẻ con trong
các ngày nghỉ.
Ông lão chưa bao giờ được nhìn
thấy những người hàng xóm đối diện nhà của mình một lần nào cả. Nhìn vào số dép
để ở cửa, ông đoán nhà họ có sáu người. Những nhà hàng xóm khác thi thoảng ông
còn gặp họ, cười cười chào nhau. Riêng nhà có sáu đôi dép thì chưa bao giờ thấy
mở cửa, chỉ có những đôi dép lần lượt đảo chỗ cho nhau. Thật tình, ông lão
chẳng cố tình nhìn vào nhà hàng xóm làm gì. Nhưng do một lần tình cờ ông nhìn
thấy đôi dép xỏ ngón màu hồng có nơ be bé ở nhà đối diện khiến ông nghĩ đến
cháu của mình, đoán là nhà đó cũng có cô cháu gái bảy tám tuổi, trạc tuổi cô
cháu gái nhà ông. Từ đó, ông bỗng chú ý đến nhà hàng xóm có sáu đôi dép hơn.
Ông từng chờ xem nhà hàng xóm của mình là ai nhưng ông lại có cảm giác dường
như họ chỉ chờ ông đi vắng hay bận việc trong nhà mới đi ra ngoài. Bẵng đi một
cái, ông lại thấy dép xếp lại rồi và lần nào ông cũng tiếc rẻ vì những việc
linh tinh mà không gặp hàng xóm của mình được.
Cho đến một ngày, khi ông đã
thôi ý định ngồi ngóng ra cửa để chờ gặp hàng xóm, thì bỗng dưng lại gặp bà.
Một bà lão bé nhỏ, trạc tuổi ông. Ông gặp bà trong thang máy, lên cùng một
tầng. Đôi mắt bà đỏ hoe, im lặng không nhìn ai, chờ mọi người đi hết rồi mới
bước ra khỏi thang, đi về cửa căn hộ ấy. Bà bước vào nhà, bên cạnh một đôi dép
đàn ông đã xếp sẵn ở cửa, giờ thêm đôi dép phụ nữ.
Ông quá đỗi bất ngờ về hàng xóm
của mình. Ông từng ngóng được nhìn thấy cả nhà họ líu ríu dắt nhau vào thang
máy, đâu ngờ một ngày được gặp hàng xóm, lại là một người đàn bà bé nhỏ vừa rấm
rứt khóc xong. Từ đó, ông băn khoăn mãi về người hàng xóm của mình. Theo ông, ở
từng tuổi đó, người ta mà khóc thì phải vì lý do ghê gớm lắm. Dỗi chồng dỗi con
hay bị bạc đãi? Ông không biết làm sao để giúp đỡ người hàng xóm của mình vì
không tìm ra lý do chính đáng để báo tổ dân phố hay là nhờ những người xung quanh
giúp đỡ.
Từ việc thắc mắc về sáu đôi dép
cứ lần lượt đổi chỗ, ông lão chuyển sang thắc mắc về đôi mắt đỏ hoe ướt nhẹp
của bà hàng xóm. Sự thắc mắc lớn dần và ông quyết định sang ấn chuông nhà đối
diện để xin phích nước nóng với lý do bếp hư mà ông thì đang thèm trà.
Thật bất ngờ, bà lão đã mời ông vào nhà dùng trà.
Qua câu chuyện, ông mới biết bà
lão sống có một mình với con chó mà bà đã nuôi từ lúc nó còn nhỏ, xem nó như
con và nó cũng xem bà như mẹ. Biết chung cư cấm nuôi chó nên khi dọn về đây ở,
bà phải nuôi lén và không may nó bị bệnh vừa mới mất cách đây mấy ngày. Bà đành
mang chôn đứa con của mình, chỉ có mình bà khóc cho nó và bà cũng chỉ có mình
nó để khóc. Bà thú thật bà không có con cháu để cuối tuần về thăm như ông. Sáu
đôi dép là do bà tự mua tự xếp để tự thấy mình ấm áp...
Ông lão không biết phải làm gì
với bà lão mắt lại đỏ hoe, vết đỏ lan ra tận đầu mũi. Xoay cốc nước đủ hai mươi
chín vòng thì ông nói : " Xin phép bác, chủ nhật cho ông cháu tôi sang đây
xin phích nước nóng " rồi dứt khoát đứng lên đi về trước khi vệt đỏ ấy lan
sang mắt và tràn xuống đầu mũi của ông.
Tôi đọc câu chuyện đến mấy
lượt, nước mắt không tứa ra như những lần trước đây khi xem phim hay đọc truyện
có nội dung cảm động, mà lại cảm thấy cõi lòng nghẹn đắng... Khát vọng của bà
lão thật chính đáng. Điều đó là bình thường với những người khác nhưng lại quá
khó khăn với bà ! Phải chăng con người có số phận và ai cũng phải tìm cách nào
đó để vượt qua mà sống, cho dù đôi khi phải sống dối mình, lạ lùng và khó hiểu
trong mắt người khác ?!...
Ngày 01/12/2011
Con người sinh ra và chấp nhận số phận.
Trả lờiXóaNhà đông người, ồn ào, gây gổ,...thèm một chút yên tĩnh cũng không, có khi muốn phát khùng.
Nhà không ai, thèm một giọng nói, một tiếng bước chân,...cũng không. Trong cô đơn, đến mức tuyệt vọng, cũng phát khùng.
Ta sống giữa cuộc đời, biết, để sống bình an, dù sung sướng hay đau khổ, để không...khùng!
Bài viết này chị tải lần này chắc phải lần thứ ba, thứ tư mà chỉ có mình Cỏ Tranh là người duy nhất chia sẻ với chị. Chị viết lại chắc không cảm xúc bằng khi em đọc nguyên bản của tác giả. Khi nhìn thấy có 1 nhận xét, chưa mở ra xem chị cũng đoán có thể là em vì chỉ có em mới quan tâm, đồng cảm trước những vấn đề của cuộc sống. Cảm ơn Cỏ Tranh thật nhiều. Chúc em một đêm bình yên và ngon giấc.
Xóa