Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

TÔI ĐI HỌC (3)




       Những ngày cuối cùng năm tôi học lớp 12, tình hình chiến sự trong nước rất căng thẳng. Tôi thì vẫn ngu ngơ không biết gì hết mà anh tôi cũng vậy. Anh tôi vừa có con đầu lòng, anh mở một trương mục tiết kiệm cho con mỗi tháng là một ngàn đồng, dự định sau này lo cho cháu học lên đại học và sau đại học. Thương em, anh cũng cho tôi một ngàn đồng bảo tự ra Ngân hàng Việt Nam Thương Tín có chi nhánh ở Bà Chiểu mở một trương mục " Gà ấp trứng vàng ", số tiền đó sẽ để lo hôn nhân sau này của tôi vì anh sợ đến lúc đó nặng gánh gia đình khó bề lo nổi cho em. Khi tôi mang tiền ra gởi tháng thứ hai, anh giao dịch viên ngần ngừ chỉ cho tôi thấy nhiều người tất bật lên xuống cầu thang rồi nói : " Người ta đang ùn ùn rút tiền ra. Em gởi vào làm gì, mang về nhà tiêu xài đi !" Tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao người ta lại rút tiền nhiều như vậy? Nghĩ anh cho tiền mà không gởi vào ngân hàng sẽ bị la nên cương quyết nói với anh giao dịch viên điều mình nghĩ và nộp tiền cho anh. Trước vẻ bướng bỉnh, cương quyết của tôi, anh lắc đầu rồi lập thủ tục gởi tiền cho tôi tháng thứ hai. Sau này, vào ngày Nhà nước đổi tiền vào năm 1975, tôi mang sổ tiết kiệm của mình ra để đổi thì không ai nhận, bảo đó thuộc về chế độ cũ, họ không thể giải quyết. Tôi tiếc hai ngàn đồng của mình đứt ruột, giữ quyển số làm kỷ niệm mãi đến nhiều năm sau mới đốt đi.
      Cùng thời điểm đó, anh tôi chậm lương nên Mẹ cũng không cho tôi tiền xe để đi học. Tôi chỉ còn vỏn vẹn bốn mươi đồng, vừa đủ cho một ngày xe với hai lượt đi về. Tôi cân nhắc rồi quyết định nghỉ học ngày thứ bảy, để dành số tiền đó đi học vào ngày thứ hai đầu tuần vì ngày đó có nhiều môn học quan trọng hơn. Đó là một quyết định sai lầm vì sau đó Sài Gòn được giải phóng, tôi mất đi buổi học cuối cùng của cuộc đời học sinh tươi đẹp, đáng nhớ nhất. Sau đó khoảng một tháng, khi mọi việc tiếp quản đô thành Sài Gòn ổn định, trường học hoạt động lại bình thường, chúng tôi có quay về trường cũ để được ôn tập trước lúc thi tốt nghiệp Tú tài toàn phần cũng như lập thủ tục dự thi Đại học. Nhưng số học sinh về dự ôn tập không đầy đủ, một số bạn bỏ thi, một số bạn khác đã theo gia đình ra nước ngoài thì phải? Tôi tiếc hoài việc mình đã để lỡ buổi học cuối cùng. Coi như một vết xước khiến cho vuông lụa đẹp mất đi một phần giá trị; quãng đời học sinh tươi đẹp, đáng nhớ nhất của tôi đã thiếu mất một ngày, không được trọn vẹn vuông tròn.
       Sau hai lần thi rớt Đại học, tôi nộp đơn xin xét tuyển vào Trường Cao Đẳng Sư Phạm Sông Bé. Việc này phải cảm ơn anh Kiên, con trai bác Mười là một cán sự phụ nữ của ấp tôi. Tôi và anh không hề học chung, không quen biết, chưa từng nói chuyện bao giờ. Lần đó tôi có việc đi vào nhà chị bạn bán gạo chung tổ thì gặp anh đang ngồi ở hàng hiên nhà. Do không quen nên tôi không chào mà cúi đầu đi thẳng. Bỗng anh gọi tôi và hỏi có biết thông tin tuyển sinh của trường Sư Phạm Sông Bé chưa? Tôi hỏi thăm, biết ít thông tin nên vội vàng liên hệ với trường để nộp đơn xin theo học. Mãi đến khi nhận lớp, tôi mới biết anh cũng vào học trường này, ở khối Toán Lý.
       Ngày tôi nghe nhà trường xướng tên mình được xếp vào lớp Sử Địa A, tôi đã gặp ngay thầy giáo sinh hoạt việc đó để xin chuyển qua lớp Văn. Ban đầu thầy không đồng ý, nói giải quyết cho tôi thì phải giải quyết cho những  sinh viên khác. Tôi buộc lòng trình bày với thầy tôi học khá môn Văn và Toán ở phổ thông, từng đoạt giải nhất cuộc thi Văn chương toàn trường nhân Lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng. Nếu tôi theo học lớp Sử Địa sau này sẽ không thể dạy tốt cho học sinh. Thầy không nói thêm gì, chỉ bảo tôi chấp hành theo sự xếp lớp của nhà trường, tôi buồn hiu khi ra về. Đến ngày nhập học, xem danh sách lớp chính thức của từng khoa, tôi suýt reo lên giữa sân trường vì tên tôi đã được chuyển sang lớp Văn C. Vào học rồi, tôi mới biết thầy giáo đó là Bí thư Đoàn của trường, giảng dạy và chủ nhiệm luôn lớp Sử Địa A. Không biết tôi có làm thầy buồn lòng vì đã từ chối làm học sinh của thầy hay không? Chắc là không đâu vì ngay ngày hôm đó, tôi đến gặp để cảm ơn thầy đã chuyển lớp cho tôi, thầy tươi cười bảo sau này nhớ dạy tốt bộ môn của mình.
       Quãng đời đi học của tôi bước qua một bước ngoặt mới. Việc đầu tiên là tôi bắt đầu sống xa gia đình, vào ở nội trú tại trường luôn. Do trường mới thành lập, chưa kịp xây dựng khu tập thể cho sinh viên nên chúng tôi được gởi ra nhà dân thời gian đầu khoảng nửa năm học. Ba chúng tôi được đón về nhà chị Tư Bí thư Xã Đoàn. Gia đình này làm nông, bác trai là lao động chính chuyên việc trồng trọt hoa màu còn bác gái chạy chợ mỗi ngày. Những ngày sống tại đây, chúng tôi học thêm được nhiều điều mới lạ; biết quay nước giếng, đập vỏ đậu phộng, ngào kẹo đậu phộng, muối dưa gang... Ngày chủ nhật không về nhà thì cùng bác trai lên rẫy đập đọt đậu xanh, đậu đen cho nó nảy nhiều tược sau này sẽ có nhiều trái. Gia đình chị Tư thương ba chúng tôi lắm, ngày nào có món ăn ngon cũng để dành phần vì biết suất cơm sinh viên thời bao cấp không đủ chất dinh dưỡng cho sức thanh niên. Đêm nào cả nhà thức khuya đập vỏ đậu phộng cho bác gái mang ra chợ bán cũng được ăn khuya thật ngon. Bữa thì kẹo đậu phộng, bữa chè đậu đen, bữa khoai môn luộc ăn với dưa mắm khèo mỡ. Ngay cả khi chúng tôi vào ở trong nhà tập thể của trường rồi, nhà có đám giỗ chị Tư cũng nhắn với người quen làm trong bếp ăn sinh viên gọi chúng tôi ra nhà ăn tiệc. Những ngày được ăn ngon, tôi càng nhớ nhà và thương người thân hơn vì biết họ đang sống trong thiếu thốn. Nhiều đêm tôi không ngủ được, nhớ lại ngày xưa bà ngoại và Mẹ từng đi phụ việc nhà cho chị Diệc Lành là con gái của dì Hai tôi. Bà và Mẹ không được ăn cơm nhà trên mà chờ các cháu ăn xong, bưng mâm cơm xuống còn gì ăn nấy. Một lần hai mẹ con thèm hột vịt luộc quá, chờ tối đến luộc hai quả trứng vịt rồi chui vào mùng ăn lén với nhau. Còn tình cảnh nào đáng buồn hơn những gì Bà và Mẹ đã trải qua? Tôi không tập trung học tập được vì đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến gia đình, mong mau chóng ra trường, đi dạy để có thể phụ giúp, đỡ đần cho Mẹ nhiều hơn.
        Những ngày còn học trong trường Sư Phạm, tôi đã biết tiện tặn để giúp đỡ gia đình. Khẩu phần lương thực ngày đó của sinh viên cao hơn dân thường. Duy nhất chỉ có năm đầu tiên là phải độn khoai mì khô, từ năm thứ hai là chúng tôi được ăn cơm trong hai bữa ăn chính, còn bữa sáng là ổ bánh mì không. Hai ngày cuối tuần sinh viên nào về thăm nhà thì báo cắt suất ăn, cuối tháng tính sổ sẽ được nhận lại số gạo và tiền ăn của những suất đó. Các bạn thường hay mang ra quán dì Hai Ú trước cổng trường để bán lấy tiền ăn chè, ăn bánh. Nhu yếu phẩm của sinh viên các bạn cũng mang ra đây bán luôn. Riêng tôi không bao giờ bán mà mang về cho gia đình. Dù không có bao nhiêu nhưng nhìn thấy Mẹ mừng rỡ là lòng tôi vui sướng vô hạn vì lương thực, nhu yếu phẩm rất cần thiết cho mọi nhà trong giai đoạn đó. Gia đình chị Tư hồi đó cũng hay gởi biếu gia đình chúng tôi những thứ nhà trồng được như khoai môn, đậu phộng, đậu xanh, dưa gang, đậu bún... Còn Mẹ tôi thì gởi biếu lại dầu hỏa, đó là thứ rất cần ở vùng nông thôn khi chưa có nguồn điện kéo tới.
        Những ngày học trong trường Sư Phạm vui nhất là trực ban. Lớp nào trực ban sẽ đảm nhận việc nấu ăn cho thầy cô và các bạn ở lại trường trong hai ngày cuối tuần. Bạn nữ lo khâu nấu nướng, còn bạn nam lo việc cung cấp nước. Bạn nào giỏi thì phụ trách chảo cơm, nấu không khéo cơm sẽ sống hoặc khê thì xấu hổ lắm. Bạn nào nấu ăn ngon thì lo món kho, món canh, nêm nếm phải cho vừa miệng và chia khẩu phần không bị thiếu hụt. Còn như tôi lúc bấy giờ chỉ được giao việc gọt rau củ. Ngày nào trực ban là được bữa no vì chắc chắn phần cơm cháy sẽ thuộc về nhà bếp. Cơm cháy nóng hổi, giòn rụm chấm muối sả thì ngon không thể nào diễn tả, ít ra là với chúng tôi thời bấy giờ.
        Ngày ra trường, tôi đăng ký đi một trong bốn huyện vùng cao của tỉnh Sông Bé. Biết là ở đó sẽ phải đối diện với rừng sâu nước độc, với căn bệnh sốt rét nhưng sẽ có chế độ ưu tiên chuyển vùng với một số tiền khá lớn, được phân phối giá chính thức một chiếc màn đôi, nhiều nhu yếu phẩm khác nữa. Tất cả những thứ trên tôi mang hết về cho Mẹ, coi như là những đóng góp đầu tiên có giá trị vật chất khi tôi bắt đầu đi làm.
        Sau này, vào những năm từ 1992_ 1996, tôi còn tiếp tục theo học lớp bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho giáo viên. Một lần trong kỳ thi lấy chứng chỉ, đề bài là phân tích hình ảnh con cá chép vượt vũ môn để hóa rồng, tôi vừa làm bài vừa khóc vì nghĩ thương Mẹ, cảm thấy mình bất hiếu vì không gặp hội phong vân, không mang lại niềm hãnh diện cho Mẹ khi nhìn thấy con mình thành đạt trên đường công danh sự nghiệp, bõ công Mẹ đã vất vả nuôi con biết bao năm trời.
        Giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy như vậy mà hay. Điều Mẹ cần ở chúng tôi là sự bình an, thanh thản và hạnh phúc chứ không phải là những thứ hào nhoáng, phù phiếm mà đôi khi có thể đánh mất nhân cách của mình.
         Mẹ ơi! Con học qua bao trường lớp nhưng Mẹ mới chính là người thầy đã dạy cho con biết sống đúng đạo lý làm người, biết yêu quý gia đình và sẵn sàng chịu đựng, hy sinh bản thân cho những gì tốt đẹp, cao quý nhất của cuộc sống.
                                                                Ngày 16/10/2013
                                                                                                
        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét