Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

DÌ TÔI



         Câu chuyện này tôi kể về cuộc đời của dì Hai tôi, chỉ một phần nhỏ thôi mà tôi biết được qua lời kể lại của Mẹ và những gì sau này tôi chứng kiến.
        Dì là con riêng của bà ngoại tôi. Lúc dì là cái bào thai ba tháng tuổi thì ông ngoại lớn mất vì nhổ răng lòi sỉ không cầm được máu. Ông ngoại tôi là trai tân, tha phương cầu thực gặp và cảm thương người đàn bà góa bụa khi còn quá trẻ, một nách con thơ lại đẹp người đẹp nết nên gá nghĩa vợ chồng. Ông ngoại tôi thương dì như con ruột, khi dì được mười lăm tuổi thì cho đi học thêu để có một cái nghề tự nuôi thân. Dì sáng dạ, học đâu biết đó, thêu rất giỏi so với bạn bè. Năm dì mười sáu tuổi, dượng tôi ngày nào cũng nhìn thấy ông ngoại và dì đi ngang cửa hiệu thêu dù của gia đình nên chú ý hai người, đặc biệt là dì tôi, một cô gái xinh đẹp, phúc hậu.
        Dì lấy chồng năm mười sáu tuổi, cái tuổi còn rất ngây thơ vụng dại. Dì kể ngày mới về nhà chồng, đêm nào dì cũng ngủ với mẹ chồng mặc cho dượng tôi năn nỉ ngủ chung thế nào cũng không được. Sau đó, biết dì thích ăn xoài cát, dượng mua một quả xoài chín thật to và ngon, theo dụ mãi dì mới chịu ngủ chung nhưng nằm cách dượng một khoảng xa, nhất định không cho dượng đụng vào người. Dượng nghĩ mãi để tìm mưu kế, sau đó giả tiếng mèo kêu ban đêm khiến dì sợ quá mới lăn sát vào nằm cạnh dượng...
       Dì chỉ có với dượng một người con gái độc nhất là chị Diệc Lành. Có lẽ do hạp tuổi cộng thêm dì thêu khéo mà từ một cửa hiệu thêu dù nhỏ, gia đình chồng làm ăn phát đạt, trở nên giàu có nổi tiếng một vùng. Về sau, dượng thôi không theo nghề thêu dù nữa, ra mở hiệu kiếng ở Chợ Lớn, làm ăn ngày càng phát đạt. Cửa hiệu của dượng có hàng chục thợ làm công, chuyên cắt kiếng gắn các biệt thự, cửa hàng, khách sạn... Ba tôi có một dạo về làm ở cửa hiệu này của dượng, đó là lúc bà ngoại và Mẹ tôi ở phụ việc nhà cho chị Diệc Lành.
      Dượng tôi do không có con trai nối dõi nên cưới thêm ba người vợ nữa sau dì tôi. Người thứ hai cưới từ bên Tàu qua, ở cùng nhà với dì dượng tôi tại cửa hiệu kiếng. Dì hai nhỏ không có con nên xin một cô con gái nuôi đặt tên là Ngò. Ngày theo dượng tôi qua Việt Nam, gia đình bên đó sợ dì tôi là vợ lớn sẽ hiếp đáp dì nên có xin cho dì một lá bùa hộ thân. Sau này sống chung nhiều năm với nhau, nhận thấy dì tôi hiền lành, đức độ dì ấy mới đốt bỏ lá bùa kia đi và kể lại chuyện đó cho dì tôi nghe. Dượng tôi còn có hai người vợ sau nữa nhưng đều không có con. Vợ lẻ thứ ba của dượng không nghe nhắc đến, chỉ có người thứ tư do ngoại tình với một bác sĩ, dượng tôi bắt gặp quả tang, bỏ hẳn và lấy lại hết cơ ngơi đã tạo lập cho dì ấy.
      Về sau, ba tôi có giới thiệu cho dì Hai một đứa bé người miền Bắc, khoảng chừng hai ba tuổi để nhận làm con nuôi. Ban đầu người cha nói do bệnh lao phổi, không nuôi nổi nên tìm người cho con không lấy một khoản tiền nào cả. Khi biết dì tôi giàu có thì ông thay đổi ý định, đòi một khoản tiến lớn chữa bệnh và tìm một chỗ cố định để bán hàng kiếm sống thay vì đi bán phở dạo như trước kia. Nuôi anh Mừng được một tuần, dì tôi đã mến tay mến chân nên chấp thuận theo yêu cầu của người đàn ông đó.
       Anh Mừng càng lớn càng có điệu bộ và tính khí giống ba tôi, họ ngoại ai cũng nghi ngờ đó là con riêng của ba. Anh được dì cho theo học ở trường Tabert, một trường Tây nổi tiếng chỉ có con nhà giàu mới đủ tiền theo học. Anh không chịu chuyên tâm học hành, lại ăn cắp tiền trong cửa hiệu của dượng  bao bạn bè ăn chơi, hút xách, nhảy đầm... Anh bị đuổi học nửa chừng, bắt đầu ăn chơi trác táng kể từ đó.
       Vào những năm 1960, anh đã có xe Vespa để đi tán gái. Một lần cùng chúng bạn đi Vũng Tàu chơi, anh đụng ai ngoài đó đã lấy xe bắt đền cho khỏi phải ra cò bót giải quyết thêm rắc rối. Anh còn cả gan đi đến các chỗ mà  cửa hiệu của dượng đang gắn kiếng xưng là con ông chủ để lấy tiền trước. Dượng tôi giận lắm, không công nhận anh là con nuôi chung của dì dượng mà chỉ của riêng dì tôi mà thôi. Sau đó, dượng phân chia tài sản cho dì tôi và má chị Ngò, còn lại bao nhiêu lập di chúc giao cho đứa cháu gọi bằng bác ruột thừa hưởng. Tất cả tài sản dượng chia cho, dì tôi lần lượt bán đi để trả nợ cho việc anh ăn chơi hoang đàng mà ra. Có lẽ vì vậy mà vợ chồng chị Diệc Lành không ưa gia đình tôi, vô cùng ghét ba tôi.
       Mấy năm sau, dượng tôi bệnh qua đời. Không quản lý được thái độ ngang tàng, tùy tiện lấy tiền trong cửa hiệu xài riêng, má chị Ngò buộc lòng đề nghị dì Hai tôi chia đôi cửa tiệm. Không đủ tiền để thối lại cho má chị Ngò ra đi, cũng không thể giao cho anh Mừng làm ăn, quản lý cửa hiệu, tài sản cả một đời của dượng để lại, dì đành lấy nửa phần tài sản của mình rồi mua nhà khác ở. Lúc này, anh tôi ra trường đi dạy quá xa nhà, mẹ tôi xin dì một chiếc xe honda cho anh tôi làm chân đi lại. Dì đồng ý nhưng phải nhắn anh Mừng mang số tiền ba mươi ngàn đồng lên đưa cho anh trai tôi vì tiền chia cửa hiệu dì đưa hết cho anh quản lý. Nhìn thái độ kẻ cả, xấc xược của anh khi cho tiền, dì Hai sợ Mẹ tôi tủi thân đã nói riêng chắc chị phải rút kinh nghiệm, lần sau không giao hết tiền bạc cho nó giữ nữa. Dì đã làm đúng như vậy nên khi bán nhà đất ở Lái Thiêu, dì Hai mới có tiền cho mẹ tôi đến hai lần để mua nhà. Chắc anh Mừng bực chuyện đó nên sau này thay đổi thái độ khiến dì tôi phòng xa mới có ý định sẽ theo gia đình tôi sống lúc tuổi già.
       Dượng mất, bà ngoại mất rồi ba tôi mất chỉ trong vòng có hai ba năm. Chị Diệc Lành chắc là buồn giận dì tôi nên đã theo chồng sang Pháp định cư vào năm 1970, sau ngày ba tôi mất mấy tháng. Trước khi đi, chồng chị Diệc Lành lái xe Jeep tới nhà chở Mẹ và mấy anh chị em tôi xuống nhà anh, soạn cho rất nhiều đồ đạc trong nhà, toàn là đồ tốt mà gia đình tôi còn xài đến tận bây giờ. Bởi vậy các con của cậu dì tôi mỗi lần ghé thăm Mẹ tôi đều bảo nhà dì Bảy (cô Bảy) là cái bảo tàng viện chứa đồ cổ của đại gia đình bên ngoại. Lần đó, trên đường đi, anh Bảy ghé vào một tiệm mì hoành thánh của người Hoa bên đường chiêu đãi cho gia đình tôi một bữa ăn cuối cùng, cũng những tô hoành thánh thơm ngon giống như  ngày trước khi lên thăm nhà ngoại, anh vẫn thường hay chở cả nhà lên chợ Lái Thiêu ăn uống. Sang đó mấy năm, vợ chồng anh có gởi về cho mẹ tôi một số tiền kha khá, gởi qua địa chỉ nhà cậu tôi mà không thấy gởi cho Dì Hai. Từ ngày rời Việt Nam, tính đến nay đã sáu mươi ba năm mà anh chị chưa một lần về thăm quê hương. Ngày dì Hai tôi mất không biết gia đình bên đó có nhận được tin tức hay không? Có ai báo tin cho biết hay không mà không thấy anh chị và các cháu về để tang cho dì? Bây giờ, có lẽ dì tôi đã gặp lại vợ chồng con gái mình sau bao nhiêu năm trời xa cách. Họ có trách hờn gì nhau không hay chỉ cùng nhau nghiền ngẫm cái duyên, cái mệnh của một kiếp người ?    
      Tôi biết Mẹ trong lòng vẫn còn trĩu nặng vì nhớ thương dì Hai. Nỗi ray rức lớn nhất trong lòng Mẹ là để thất lạc hài cốt của dì. Lúc đó nhà tôi khó khăn quá, phương tiện đi lại chỉ là chiếc xe đạp cà tàng, vỏ ruột hư mòn phải chằng rịt thêm bằng dây thun ra bên ngoài. Anh Mừng lại gởi cốt dì ở một ngôi chùa hẻo lánh mãi tuốt trên đập thủy điện Trị An. Anh tôi nghỉ tết muộn, đạp xe lòng vòng cùng với em trai tôi đi tảo mộ khắp nơi không xiết, lại chủ quan nghĩ chắc anh Mừng sẽ đi thăm dì, nào ngờ đã để mất dì mãi mãi...
       Tôi thương dì số khổ. Một lần đi cùng Mẹ xuống thăm dì, tôi vào bếp phụ dì nhặt rau, chuẩn bị bữa cơm trưa. Nhìn thấy vợ anh Mừng cùng mẹ ruột, em trai ngồi coi phim ngoài phòng khách, tôi hỏi sao dì không kêu chị Mừng phụ giúp? Dì cười hiền lành bảo họ người xứ Quảng không biết nấu ăn theo khẩu vị của mình, vào đây không phụ được gì còn làm vướng chân thêm bực. Dì tôi nói cũng phải bởi vì dì nấu các món ăn rất ngon, kể cả món Việt và món Tàu. Cơm trưa xong, tôi giúp dì rửa chén. Dì vui lắm, lúc Mẹ và tôi chào ra về còn nói sẽ thu xếp để về ở với gia đình chúng tôi một ngày gần đây.
       Chưa kịp thực hiện được ước nguyện cuối đời thì dì đột ngột ra đi, đám tang tổ chức gấp rút, hỏa táng chứ không chôn cất như ba tôi dù thời đó chôn cất vẫn là phổ biến nhất. Giỗ dì vào ngày mùng một tháng sáu âm lịch. Chắc cũng chỉ còn mỗi gia đình tôi làm đám giỗ dì mà thôi! Ngày đó, gia đình tôi làm mâm cơm chay đơn sơ để tưởng nhớ dì, tri ân dì đã cưu mang chúng tôi suốt bao năm trời.
       Bây giờ, mỗi lần nhớ dì, Mẹ tôi buồn bã nhắc lại một lần ghé thăm nghe dì nói thèm bánh bao quá! Mẹ tôi ra về trong nước mắt vì không có tiền đủ để mua cho dì một cái bánh bao... Lần sau, Mẹ tôi mua xuống cho dì một cái và cũng chỉ dám đưa lén vì không có tiền bao cả nhà. Và đó cũng là lần sau cuối mẹ tôi được gặp mặt dì vì ngày dì chết, anh Mừng cố tình không thông báo cho bên nhà ngoại biết nên khi mẹ tôi nghe được thông tin, xuống đến nơi thì người ta đã tẫn liệm dì xong xuôi rồi...
       Tôi biết dì là một người hiền lành, tốt bụng, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Số mệnh dì khổ có lẽ do nghiệp báo từ tiền kiếp. Tôi chỉ mong dì linh thiêng mách bảo cho gia đình tôi biết bây giờ dì đang ở đâu để đón dì về thờ chung với ông bà ngoại và ba tôi cho Mẹ tôi cuối đời được thanh thản, không phải nhớ thương và ân hận trong lòng...
                                                Ngày 19/10/2013

                                  
                                                                                    

     

4 nhận xét:

  1. Kỷ niệm cộng tình thương trộn lẫn đang quyện vào nhau ,đọc bài viết của Hiền Mai thật đầy cảm xúc . Sao mà cứ thấy thương thương lắm vậy à . Chúc Hiền Mai luôn vui khỏe và ngập tràn Hạnh phúc .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hiền Mai rất mừng khi nhìn thấy Kim Ty bắt đầu vào blog giao lưu với bạn bè. Sức khỏe bạn có tiến triển tốt rồi. Cảm ơn Ông Trời đã phò hộ cho Kim Ty được tai qua nạn khỏi.
      Hầu hết bài viết của Hiền Mai đều là những câu chuyện có thật, người trong cuộc từng trải qua với những cung bậc tình cảm khác nhau Kim Ty à! Đọc mà xót xa, cay đắng cho một kiếp người. Chỉ khi nào người ta có nếm trải mới hiểu thấu những ê chề, đớn đau của nó.
      Chúc Kim Ty và gia đình luôn vui khỏe.

      Xóa
  2. Những câu chuyện đời, số phận con người ngang trái éo le, khốn khổ. Viết về những con người thân yêu bằng trái tim mẫn cảm... Cầu mong cho hương linh dì của HM sớm về đoàn tụ với ông bà tổ tiên.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ vâng. Gia đình Hiền Mai cũng chỉ mong có thế thôi, nhất là Mẹ. Tội Mẹ không biết có đợi được đến lúc nhìn thấy hài cốt dì hay không?

      Xóa