Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

TÔI ĐI HỌC (1)




        " Tôi đi học " là một áng văn nổi tiếng của nhà văn Thanh Tịnh nói về tâm trạng, tình cảm của tác giả lần đầu tiên được mẹ dắt tay tới trường. Trong chúng ta, chắc hẳn có nhiều người biết áng văn này vì nó từng được đưa vào chương trình học ở bộ môn Kim Văn trước năm 1975. Sau này, tôi không biết được áng văn trên có nằm trong chương trình của sách giáo khoa mới hay không chứ thời tôi còn đi dạy là không thấy.
         Còn " Tôi đi học " ở đây là những câu chuyện về thời niên thiếu của tôi. Những mẫu chuyện đời vui buồn lẫn lộn mà trong đó hình ảnh của Mẹ luôn là niềm tin yêu để tôi vượt qua gian khổ, tự tạo cho mình một chỗ đứng nhỏ nhoi trong cuộc sống đầy chông gai, phức tạp sau này.
         Ngày tôi vào lớp Năm, lớp Một bây giờ, Mẹ cũng cầm tay dắt tôi tới trường. Nhà ngoại cách trường Tiểu học Long Hưng chỉ khoảng bảy tám trăm mét và hai mẹ con đi bộ trên quốc lộ 13 để đến đó nên cảnh không thơ mộng như nhà văn Thanh Tịnh từng miêu tả qua bài " Tôi đi học ". Tôi còn nhớ hai bên đường là những ngôi nhà nằm rải rác, qua một cánh đồng lúa lớn là đến trường tôi theo học. Biết tôi vốn nhút nhát, lúc nào cũng bám đuôi Mẹ nên sau khi ghi danh, xếp lớp xong rồi Mẹ vẫn đứng bên ngoài hành lang lớp học, nhìn qua ô mắt cáo theo dõi tôi từng chút một. Thỉnh thoảng , tôi quay ra tìm Mẹ lại thấy ngay nụ cười trấn an và ánh mắt ngời sáng của Mẹ. Cả lớp chúng tôi ngồi chờ cô giáo làm các thủ tục nhận lớp, xếp chỗ ngồi, bầu chọn lớp trưởng, sinh hoạt nội quy, thông báo việc mua sách giáo khoa, những dụng cụ học tập bắt buộc phải có... trong một khoảng thời gian khá lâu. Sợ Mẹ chờ lâu, trễ giờ nấu cơm và còn em trai mới hai tuổi gởi bà ngoại giữ ở nhà không biết có sao không, tôi nói với Mẹ về nhà đi, tôi không sao đâu. Ban đầu, Mẹ lộ vẻ vui mừng vì thấy tôi tỏ ra khôn lớn, nói Mẹ về rồi sẽ quay lại đón tôi lúc tan học nhưng cuối cùng Mẹ đã không ra về, có lẽ Mẹ vẫn chưa thật sự an tâm về cô con gái khờ khạo của mình. Trên đường về nhà, tôi có vẻ dạn dĩ hơn, tung tăng chạy phía trước, Mẹ đi sau, thỉnh thoảng lại nhắc tôi coi chừng vấp té.
         Hai năm lớp Năm và Tư, Mẹ khổ sở vì việc đi học của tôi. Do nhát quá lại hay bị chúng bạn trêu chọc, bắt nạt nên tôi không dám đi học một mình. Ngày nào anh chị tôi đi học về trễ, không có ai đưa tới trường, tôi khóc lóc không chịu đi học. Mẹ phải đứng trước cổng nhà giữa trưa nắng chang chang nhìn theo cho tôi an tâm đi đến trường. Tôi vừa đi vừa khóc thút thít, được chừng mươi bước lại ngoái nhìn xem Mẹ có còn đứng đó hay không? Khi bóng Mẹ chỉ còn bé xíu, nhập nhoạng ở phía xa xa thì cũng là lúc tôi đã đi đến  trường. Tôi chỉ có mỗi tội nhút nhát chứ học giỏi lắm, năm nào cũng lãnh phần thưởng Danh dự gồm một cặp táp, một lock tập 20 quyển, một hộp phấn, bút mực, bút chì, tẩy, thước và một lọ mực bằng nhựa có hai màu xinh xắn. Phần thưởng ôm cao khỏi mặt, được các bạn cùng xóm học cùng lớp tranh nhau bê dùm và bao giờ Mẹ cũng đứng sẵn ở cổng nhà chờ tôi về với một niềm sung sướng, hãnh diện vô cùng...
        Từ năm lớp Ba đến lớp Nhất, tôi được học duy nhất một cô giáo. Cô giáo lạ lắm, ngày nào vào lớp cũng ngồi yên trên bục giảng xem tài liệu, bắt cả lớp giữ im lặng chép bài, làm bài. Cô chỉ giảng cho học sinh duy nhất một bài toán trong ngày, chấm bài toán đó tại lớp rồi thôi. Ở lớp và về nhà, ngày nào chúng tôi cũng chép hàng mấy chục bài toán có sẵn trong quyển " 660 bài toán mẫu ". Tôi cắm cúi chép từ đầu bài, lời giải đến đáp số y chang trong quyển sách mẫu, còn các phép tính đi kèm lời giải chừa trống cho học sinh điền vào nếu không giải được thì đành ghi tầm bậy, tầm bạ vào đó mà không cần biết đúng hay sai. Kể cũng lạ, mỗi ngày phải chép gầnba mươi bài toán như thế, mất mấy đôi giấy, cô thu về mà không thấy chấm trả bài, phát hiện ra việc tôi ghi chép bậy bạ vì không biết cách làm? Trong lần toàn trường tổ chức cắm trại và địa điểm là vườn cây ăn trái của nhà cô ở Bình Nhâm, một bạn xin cô giấy đi vệ sịnh, nhờ vậy chúng tôi mới phát hiện những bài làm toán của cả lớp trong mấy năm liền được cất giữ ở đây và không có một bài nào cô chấm điểm cả. Có lẽ vì vậy những bài làm về nhà tôi chép thuê cho cô bạn học cùng lớp cô cũng không phát hiện ra. Nhỏ bạn tôi mồ côi cha mẹ được cô ruột mang về nhà nuôi dưỡng. Ngày nào Nga cũng giúp cô đi rảo trong xóm tìm mua lá chuối, rọc và xếp thành xấp cho cô bỏ mối ở chợ nên về đến nhà đã tới giờ đi học. Buổi tối không biết vì sao bạn không thức chép bài, có thể do ban ngày làm nhiều việc nên mệt chăng? Sợ không có bài nộp đủ sẽ bị cô phạt nên Nga nhờ tôi chép thuê với thù lao bằng với số tờ giấy mà tôi chép cho Nga mỗi ngày. Cũng từ đó, tôi không còn phải xin Mẹ mua cho mỗi tuần một quyển vở 100 trang để chép bài cho cô giáo nữa vì tôi đã có giấy được trả thù lao công viết thuê cho Nga để viết bài cho mình. Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh Mẹ đi chợ về, từ trên xe thổ mộ bước xuống, tay phải xách giỏ thức ăn, tay trái cầm quyển vở đưa cao lên khỏi đầu cho không bị lấm hay quăn góc vì chen lấn khi lên xuống xe.
         Tôi học hành như thế mà cuối năm vẫn lĩnh thưởng hạng nhất hay hạng nhì nên gia đình tôi đâu có ngờ. Mãi đến năm lên lớp Nhất, chuẩn bị thi vào lớp Đệ Thất, anh chị tôi mới phát hiện tôi mất căn bản toán trầm trọng, ra sức kèm cặp nhưng tôi vẫn nốc ao trong kỳ thi năm đó. Mà không chỉ riêng tôi, lớp tôi chỉ có vài bạn thi đậu vào trường Trịnh Hoài Đức, một trường công lập duy nhất của tỉnh Bình Dương. Tôi phải học thêm một năm lớp Nhất nữa, cũng nhờ thầy Hiệu trưởng ghé ngang nhà nói với Mẹ cho tôi về học lại. Lần này đích thân thầy Hiệu trưởng dạy lớp, mới có hai tháng vợ thầy mất vì sinh con khó, Thầy xin chuyển về gần nhà cho thuận tiện trong công tác, thầy Hiệu trưởng mới được điều về và kiêm dạy lớp tôi luôn. Năm đó tôi cũng thi rớt nốt do đề bài Luận Văn yêu cầu kể lại một chương trình trên ti vi mà em yêu thích nhất. Tôi ở nhà quê, hai năm liền đều nộp đơn thi tuyển vào Trường Nữ Trung học Gia Long, bây giờ là Nguyễn Thị Minh Khai, một trường nổi tiếng ở Sài Gòn. Lần đầu rớt vì môn Toán, lần này thì cái ti vi tôi còn chưa biết có hình thù ra sao thì làm sao biết nó có những chương trình gì nên đành ghi có mấy dòng em không biết ti vi ra sao nên không làm được bài, mong thầy cô tha lỗi. Lần đầu tiên trong phòng thi, tôi bật khóc vì biết mình đã phụ công lao khó nhọc của Mẹ.
         Trong khoảng thời gian học Tiểu học, tôi làm khổ mẹ nhiều nên bây giờ nghĩ lại càng thương Mẹ và hối hận vô cùng. Hai năm đầu thì sợ sệt không dám tự đi học, năm thứ ba đi cùng chúng bạn trong xóm thì cứ bị các bạn lén bỏ đi trước, tôi không có ai đi chung lại khóc không chịu đi học. Mẹ phải dỗ dành, khuyên nhủ mãi tôi mới chịu tự đi một mình và cũng từ đó tôi thích sống âm thầm hơn, dù vẫn chơi với các bạn trong xóm nhưng không còn thân thiện như trước nữa. Sau này, lên bậc Trung học tôi đã tự xin vào trường, sức học cũng vượt trội, luôn được xếp vào tốp học sinh  giỏi của lớp, đặc biệt trong môn Toán năm lớp Tám không ai qua nổi tôi khi thầy Xưởng cho làm toán chạy vì bao giờ tôi cũng là người nộp bài đầu tiên và chiếm số điểm tối đa 20/20. Thậm chí trước ngày chuyển trường về Sài Gòn, tôi lo lắng, sợ mình không theo kịp các bạn trong việc học tập đã gặp riêng thầy dạy toán hỏi xem học lực tôi nếu về đó sẽ ra sao? Thầy cười trìu mến bảo hãy an tâm, em sẽ không thua sút các bạn đâu. Quả đúng vậy, nơi trường mới tháng nào tôi cũng được giảm học phí vì có xếp hạng cao trong lớp mà tôi từng kể qua bài viết " Thầy ơi! "
           Mỗi người trong chúng ta chắc ai cũng có những kỷ niệm khó quên thời đi học. Riêng với tôi, không những đã khó quên mà còn buồn cười, đáng xấu hổ nữa...
                                                                 Ngày 14/10/2013
                                                      

4 nhận xét:

  1. Sao bài " Ngày đầu tiên đi học" của HM có những kỉ niệm giống mình đến thế, đó là năm vào lớp đệ thất (lớp 6) mẹ dắt đến văn phòng thầy Hiệu trưởng xin nhập học đó. HM có nhiều kỉ niệm ấu thơ và mẹ sâu sắc quá.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi... Vậy là anh em mình hồi nhỏ giống nhau rồi anh Tú ha? Dường như đứa bé nào ngày đầu tiên đi học cũng thế cả anh ạ! Hồi nhỏ, em là đứa bám đuôi Mẹ, lại có trí nhớ tốt nên lúc già, ngồi buồn ghi lại cho sau này con cháu đọc để biết ngày trước ông bà từng sống ra sao. Chúng sẽ đọc như đọc truyện cổ tích vậy đó.

      Xóa
  2. Thăm Hiền Mai bài viết thật dẻ thương .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào Kim Ty! Hồi nhỏ Kim Ty đi học có nhiều kỷ niệm vui và đáng nhớ không? Chắc chắn là không tệ hại như Hiền Mai phải không?

      Xóa