Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

NỤ CƯỜI MỘT THỜI CỦA MẸ




Hoa Lan trong vườn nhà

       Mẹ tôi có nụ cười rất đẹp, rất duyên. Ai tiếp xúc với Mẹ cũng bảo thế. Vậy mà có một thời tôi đã khóc thầm vì nụ cười của Mẹ...
       Năm 1978, tôi ra trường đi dạy học ở một huyện miền núi cách nhà hơn 200 cây số. Mỗi năm tôi chỉ có thể về thăm nhà hai lần vào dịp nghỉ hè và Tết. Một phần vì đi lại phải xin nghỉ mất cả tuần lễ, không có ai dạy thay và quan trọng hơn là không có tiền lộ phí. Một năm, tôi dành dụm giỏi lắm cũng chỉ đủ mua quà Tết về nhà và vài thùng gạo, tiền góp ăn chung với gia đình trong hai tháng rưỡi nghỉ hè. Anh tôi là kinh tế chính trong gia đình, vừa nuôi vợ con vừa nuôi mẹ già và hai đứa em đang còn ăn học. Thấy anh vất vả kiếm việc làm thêm, lúc bán bánh tráng khoai ở cổng trường cách nhà gần hai chục cây số, lúc bán tập vở bút viết cho học sinh trong trường đang dạy, ra nhà phụ bạn đồng nghiệp dạy chung trường làm ruộng để được chia gạo về ăn... nên Mẹ cũng kiếm việc làm thêm.
        Cạnh nhà có anh Bảy kéo vỏ xe, một cơ sở tạo không ít công việc làm cho bà con nghèo trong xóm. Anh tìm mua vỏ xe máy cày, xe tải về cắt bỏ lớp nhựa bên ngoài, rút những sợi cước bên trong mang tuốt sạch nhựa, tái chế ra vỏ ruột xe đạp, xe honda mới xài rất bền. Bà con trong xóm đến nhà anh xin nhận những cọng mủ vỏ xe còn dính chỉ cước trong đó về xé với giá hai mươi lăm xu một kí lô. Mỗi nhà chia nhau mỗi ngày năm, bảy kí lô để kiếm thêm mấy đồng tiền còi cọc. Mẹ tôi không phải bà con thân thuộc, không quen thân với gia đình anh Bảy nên anh cho nhận những cọng nhựa nằm sát cạnh vành bánh xe nên chỉ đã ngắn, nhựa bọc bên ngoài lại dày và cứng vô cùng. Tướt một cọng nhựa được có chừng năm, bảy sợi chỉ mất cả mười phút mà làm không khéo là kim đâm chảy máu tay. Nghỉ hè, tôi từng làm phụ Mẹ nên biết sự vất vả, nguy hiểm như thế nào khi làm công việc này. Một lần thằng cháu trai nhà tôi về thăm bà nội, không quen làm, cố sức kéo mạnh cọng chỉ, quá đà kim đâm trúng mắt phải đi bệnh viện cấp cứu.
       Hè năm 1979, trong lúc hai mẹ con ngồi ngoài hàng ba tước chỉ, Mẹ mới kể cho tôi nghe một chuyện đau lòng. Mẹ kể với gương mặt bình thản vì chuyện xảy ra cách đó vài tháng, lúc tôi đi dạy xa nhà. Mẹ nói chiều đó em gái tôi mang số chỉ sợi và những mụn cao su vụn ra khi xé chỉ qua nhà anh Bảy giao lại cho chủ. Sau khi cân xong, trừ hao hụt bụi bặm rơi ra khi xé chỉ, anh Bảy không nhập số lượng làm được trong ngày vào sổ để cuối tuần cộng lại trả công luôn một thể như mọi ngày mà nói em gái về nhà kêu Mẹ tôi qua anh nói chuyện. Nghe em về báo, Mẹ lật đật chạy sang, trong lòng thắc mắc không biết có chuyện gì? Anh Bảy nhìn Mẹ tôi với ánh mắt dò xét, hỏi có để lộn ở đâu hay không mà số lượng chỉ mủ nhà tôi giao lại mất đi khoảng nửa kí lô. Mẹ tôi tái mặt trả lời không có giữ lại, lãnh bao nhiêu làm xong nhà tôi mang giao hết. Anh Bảy tỏ ý giận dữ, bảo Mẹ tôi tiếp tục về kiếm cho ra số thất thoát đó, không cho nhận hàng về làm tiếp nữa...
        Mẹ tôi thất thểu ra về, lòng tủi cực vô cùng vì ám ảnh bởi ánh mắt nghi ngờ, khó chịu của anh Bảy, sự xói mói của đám công thợ làm việc tại nhà anh. Về nhà, Mẹ và em gái tìm khắp nơi mà không ra, buồn bực Mẹ bỏ cả cơm chiều. Đêm đó, Mẹ tôi gần như thức trắng vì nỗi hàm oan, đau đớn. Gia đình tôi tuy nghèo nhưng tự hào chưa từng tham lam lấy của ai một cây kim, cọng chỉ nào. Mẹ khóc đỏ cả mắt vì số phận trêu ngươi đến thế là cùng... Sáng sớm hôm sau, thằng em trai tôi đi cạy củi xe be về, xách tòn teng một túi chỉ nhựa đã xé xong về nhà. Mẹ tôi hỏi cái này đâu ra, em trai nói con thấy Mẹ nhận mủ sợi về xé có nhiều cọng cứng quá, sợ Mẹ sức yếu xé không nổi nên con lấy giấu đi rồi mang ra bãi đổ xe be, trong lúc chờ xe về con tranh thủ tướt giùm cho Mẹ. 
        Mẹ tôi không biết nói gì, nước mắt ứa ra trong nỗi tủi mừng khôn xiết. Em trai sau khi nghe Mẹ kể lại chuyện, vội mang số mủ nhựa đó qua nhà anh Bảy giao thêm, nhận lỗi vì đã để xảy ra việc hiểu lầm đáng tiếc trên. Anh Bảy cân lại cũng vừa với số đã thất thoát, ghi sổ rồi cho em trai tôi nhận hàng mới về làm. Về sau, chị Bảy mỗi lúc giao hàng cho nhà tôi đều chọn những cọng chỉ tương đối dễ làm hơn và cũng bắt đầu đối xử tốt hơn với Mẹ tôi. Sau này, các con của anh chị Bảy đều là học sinh của anh trai tôi và cả tôi nữa. Chính tôi đã kèm lại môn Toán lớp Năm cho con gái út và một đứa cháu gái nhà anh chị Bảy khi hai cháu thi rớt đợt đầu tuyển sinh lên lớp Sáu và các cháu đã đỗ vào đợt tuyển sinh lần thứ hai với điểm Toán rất cao. Từ đó, gia đình họ mới tỏ ra quý trọng chúng tôi hơn.
         Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ mãi nụ cười của Mẹ khi kể lại câu chuyện trên. Một nụ cười cam chịu, chua xót, bẽn lẽn, tủi hổ vì cái thân phận nghèo khó của mình... Có một người bạn khá thân trên blogspot không đồng ý tôi nghĩ về nụ cười của Mẹ như vậy, muốn được bổ sung  đó là nụ cười VỊ THA của một người " NGHÈO mà không HÈN " đối với cuộc đời và con người. Mong mọi người vui lòng cho tôi được bổ sung điều đó vào bài viết này nhé!
        Đáng buồn thay người nghèo luôn bị những kẻ giàu sang coi thường, hiểu nhầm, nghi kỵ, mặc dù họ không hề phạm tội mà có khi còn sống tốt đẹp, lương thiện hơn nhiều người khác gấp bao nhiêu lần!
                                                                                Ngày 22/10/2013
     
Ghi chú: Đoạn văn khác màu là vừa mới bổ sung vào ngày 23/10/2013, theo đề nghị của blogger huongphan.



8 nhận xét:

  1. Tem nhé!
    Đời vậy mà HM ạ. Những ai nghèo mới hiểu được việc này! Ta nghèo, nhưng không hèn em ạ! Chúc vui, khỏe nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui! Em chào Thầy sang thăm nhà ạ! Thầy khỏe không? Thầy ghé chơi, em rất vui.
      Thầy nói rất đúng, chỉ có ai cùng cảnh ngộ mới thấu hiểu được Thầy ạ! Em rất cảm ơn Thầy về câu nói "Ta nghèo, nhưng không hèn em ạ!"
      Em kính chúc Thầy Cô an lành, mạnh khỏe.

      Xóa
  2. Khi nào vào thăm bạn Hiền đều đọc được những bài viết rơi nước mắt . HM ơi, hãy tự hào vì bạn có một người Mẹ thật tuyệt vời . Mình không nghĩ nụ cười của Mẹ như HM viết đâu mà mình nghĩ đó là nụ cười VỊ THA của một người "Nghèo mà không Hèn" cao trên tất cả ... Chúc HM và Mẹ luôn an lành , vui khỏe . HP

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn huongphan đã nghĩ như vậy. Hiền Mai cũng rất tự hào về mẹ của mình.

      Xóa
  3. Sorry HM , bổ sung giúp mình nhé! "Mình không nghĩ nụ cười của Mẹ như HM viết đâu mà mình nghĩ đó là nụ cười VỊ THA của một người "Nghèo mà không Hèn" đối với cuộc đời , với con người ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng. Để Hiền Mai tìm cách bổ sung ý kiến của huongphan vào chỗ phù hợp nhất. Chúc bạn vui khỏe.

      Xóa
  4. Ta nghèo tiền nhưng giàu tình nên có nhân cách. Bác Lê Vân nói chí lý, nghèo mà không hèn, luôn chung thủy HM ạ. Chúc mẹ con HM đầm ấm, hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ vâng. Mẹ đã nuôi dạy mấy anh chị em Hiền Mai lớn lên trong khó nhọc nhưng rất tự trọng và có nhân cách anh ạ! Đó chính là gia tài lớn nhất mà các con nhận được từ Mẹ, một bà Mẹ quê đúng nghĩa nhất.

      Xóa