Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

NGÀY TÔI SINH RA ĐỜI





       Lời nhận xét của một người bạn khá thân trên blog khiến tôi càng chạnh lòng thương Mẹ nhiều hơn. Việc tôi thương Mẹ không giống như những đứa con khác trên cuộc đời này, một tình thương vô bờ bến, bởi vì Mẹ tôi thật sự đáng được như vậy.
       Điều đó bắt nguồn từ ngày tôi sinh ra đời. Ba tôi vốn biết một phép tính cộng tuổi vợ chồng khi hoài thai con để đoán đứa bé sinh ra là trai hay gái. Trên tôi là năm anh chị, ba tôi đoán đều chính xác nên việc chọn tên không hề gặp rắc rối. Tới phiên tôi thì lại khác. Ba tôi đã chọn cho tôi một cái tên con trai nhưng khi tôi ra đời lại là một bé gái. Lúc đó, ba đi vắng nhà quá lâu, bệnh viện thì hối thúc việc đặt tên em bé để làm giấy chứng sinh, Mẹ tôi đành chọn đại một cái tên ghép đôi cùng tên anh trai tôi. 
       Tôi sinh vào cuối mùa xuân, tính theo âm lịch thì thuận số. Nhưng tính theo dương lịch thì lại là ngày 13 thứ sáu. Tây Phương rất kiêng kỵ ngày này căn cứ vào truyền thuyết Na Uy về vị thần thứ 13 đã hại chết một vị thần khác và cả những mốc ngày 13 thứ sáu đã xảy ra những chuyện tai ương, điềm xấu trên thế giới. Có lẽ do ngày sinh tốt xấu đều có nên cuộc đời tôi cũng thăng trầm, hên xui, may rủi không thiếu một thứ gì.
       Cuộc đời mỗi người ai lại không có những khúc quanh, những vận đen, lên voi xuống chó. Nhưng điều tôi tủi thân nhất vẫn là ngày tôi chào đời không có được sự mong mỏi, đón chờ trong nôn nao của ba. Không chỉ riêng tôi, hai đứa em sau này cũng vậy. Năm tôi sáu tuổi, một bữa trưa đi học về tìm không thấy Mẹ đâu,  anh chị đi học chưa về, ba vắng nhà đã gần hai tháng, tôi chạy tìm bà ngoại hỏi thì mới biết Mẹ đã đi sinh em bé rồi. Lần sinh em gái út cũng thế. Một đứa bé lên mười đứng trong cổng nhà ngoại nhìn Mẹ xách giỏ đồ đứng chờ xe thổ mộ đến để đi nhà bảo sanh mà buồn thiu buồn thỉu. Sau này lớn lên, biết được người ta ví người phụ nữ khi sinh nở khác nào đi biển mồ côi một mình, tôi càng ngậm ngùi thương cho phận đời bạc phước của Mẹ. 
       Trưa nay, lúc mua thức ăn người ta chở vào bán trong xóm, trông thấy con bé nhà hàng xóm lấy chồng xa vừa về thăm gia đình, đang có bầu bụng lùm lùm, tôi chực nhớ ngày xưa Mẹ có mang hay kêu tôi đi tìm xin lá ngải cứu về cho Mẹ uống. Tôi nói với mẹ con bé điều đó thì chị ấy bảo ngày nay không ai uống thế cả vì nếu uống khi bé sinh ra da sẽ nhăn nheo, xấu xí. Ngải cứu làm sắc đứa bé, dễ sinh nhưng không tốt cho cả mẹ và con. Khi biết được điều này, tôi bần thần suốt buổi vì thương Mẹ ngày đó mang thai con phải tự một mình tìm cách sinh cho an toàn trong khi ba tôi lại là người có kiến thức về y học với bằng cấp hẳn hoi !
       Mẹ ơi! Sao cuộc đời làm vợ, làm mẹ của Người lại khốn khổ đến thế? Ngay từ lúc mang con vào lòng cho đến lúc sinh ra, nuôi dạy trưởng thành cũng một tay của Mẹ. Công lao trời biển của Người chúng con biết báo đáp thế nào đây? Tấm lòng yêu thương, hiếu kính của chúng con đối với Mẹ nào có nghĩa lý gì so với sự vất vả, đắng cay trăm bề mà Người phải hy sinh, chịu đựng để nuôi dạy chúng con nên người...
                                                     Ngày 04/10/2013                                                                                    
     

4 nhận xét:

  1. Người phụ nữ thời trước đầy kham khổ, cực nhọc nhưng luôn toả sáng, nhất là thương yêu con cái, vun quén cho gia đình. Các mẹ hiểu và chấp nhận, biết sống tạo hạnh phúc theo hoàn cảnh.
    Có thể những gì mẹ thích mình không thể đáp ứng hết, nhưng chị gắng đáp ứng phần nào hay phần nấy. Thương mẹ thì chị hãy vui tươi nhìn về phía trước, không nhìn về đau khổ. Gương mặt tươi vui của chị chắc chắn làm lòng mẹ hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lời nhận xét của Choi rất đúng. Có những người Mẹ đã vì con mà hy sinh tất cả cuộc đời mình. Chị Lan lúc nào cũng tươi cười trước mặt Mẹ cho Mẹ vui. Thậm chí có những sự thật đắng cay, nghiệt ngã chị Lan cũng âm thầm chịu đựng một mình, không dám nói cho Mẹ biết để những ngày cuối đời Mẹ được sống trong yên bình và ra đi trong thanh thản. Chị Lan chỉ có thể chia sẻ ở đây mà thôi bằng không chắc chị Lan nổi cơn điên mất Choi ơi!

      Xóa
  2. Nói mãi, viết hoài không thỏa nỗi niềm và lòng con với mẹ. Không có gì sánh với công lao của mẹ. Nhưng chị ơi, người mẹ nào cũng mong con mình vui vẻ. Nỗi đau lớn nhất của mẹ là thấy con mình đau khổ. Chắc chị hiểu em nói gì.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hiền Mai rất hiểu những gì Vũ Nam nói ở đây nên có bao giờ Hiền Mai dám để cho Mẹ nhìn thấy những giọt nước mắt tủi buồn, đớn đau, uất hận của mình đâu.
      Trong cuộc đời mình, có một người Hiền Mai giận lắm và không bao giờ muốn gặp lại ở những kiếp mai sau Vũ Nam ạ!

      Xóa