Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

TÔI ĐI HỌC (2)



       Giữa học kỳ một năm lớp Tám, tôi chuyển về một trường Trung học tư thục ở gần Chợ Bà Chiểu. Sau khi ba mất, thầy Giám học thấy hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn khi đi viếng đám tang, muốn giúp đỡ nhưng Mẹ tôi từ chối vì lòng tự trọng, mới đề xuất chủ trường một hình thức khuyến học bằng việc giảm học phí cho bốn học sinh xếp đầu lớp về kết quả học tập trong tháng. Cũng nhờ việc này, Mẹ tôi bớt đi một phần gánh nặng lo cho tôi ăn học. Tuy vậy, nhà tôi cũng còn khó khăn lắm. Thỉnh thoảng, Mẹ tôi vẫn chạy xuống nhà dì mượn tiền những lúc túng hụt. Tôi còn nhớ, mỗi lần Mẹ xuống, dì gởi thức ăn về cho mấy chị em tôi. Tuy là thức ăn còn thừa của ngày hôm trước nhưng có nhiều thịt quay, xá xíu, gà rán trộn lẫn hầm bà lằng, ăn vẫn thơm ngon vô cùng. Sau lần đau bao tử nặng trước lúc ba tôi qua đời, sức khỏe của Mẹ xuống hẳn. Mẹ không thể bươn chải như ngày còn ở đất nhà dì trên Lái Thiêu được. May sao, cô bạn học cùng lớp giới thiệu và bảo lãnh cho tôi nhận dán bao đường cho một cơ sở gần nhà bạn. Cả nhà mừng rỡ vì có việc làm tại nhà, thu nhập cũng đủ trả tiền điện nước, mua rau mua cỏ. Dù nhà nghèo nhưng Mẹ tôi được an ủi vì các con đều học giỏi và hiếu thảo. Có lẽ ông Trời cũng có chút công bằng khi bù đắp cho Mẹ tôi niềm vui lớn lao này mà không phải ai cũng có được.
       Ngày ba tôi mất, dì Hai đến thăm nhà chúng tôi lần đầu tiên, đã khóc nức nở vì cám cảnh cho em mình số phần quá gian nan, lận đận. Dì không ngờ với số tiền dì cho lúc bán nhà đất ở Lái Thiêu, mẹ tôi chỉ mua được căn nhà bé xíu, tồi tàn đến như vậy. Mẹ tôi thú thật có giữ lại một ít phòng bất trắc và lo cho chúng tôi ăn học. Đám tang ba tôi xong, dì đến nhà giúi cho Mẹ tôi một khoảng tiền khá lớn, bảo tìm mua căn nhà khác rộng rãi hơn, có thể sau này dì sẽ ở với gia đình tôi lúc tuổi già vì thấy anh con nuôi bắt đầu trở tính. Mẹ tôi gom số tiền hiện có cộng thêm số tiền dì mới cho thêm đưa cho anh tôi mua căn nhà gần nơi anh đang dạy học. Dì có lên thăm ngôi nhà đó, mừng vô hạn nói sau này có gì chị em mình đùm bọc nhau mà sống. Em đừng quá lo lắng, chị thương em lắm dù chúng ta khác cha. Còn những món tiền ngày trước em mượn cho thằng Bảy ( ba tôi) làm ăn chị hứa xóa nợ cho em, đừng canh cánh bên lòng nữa. Sau đó gia đình tôi dọn đi, ngôi nhà ở Đồng Ông Cộ cho thuê lấy tiền cho tôi ăn học. Cho thuê không được bao lâu thì con gái người thuê nhà thấy ma mà tôi đã kể trong bài viết " Những linh hồn chưa siêu thoát ". Người thuê sợ quá định trả nhà nhưng sau đó tiếp tục thuê nhờ Mẹ tôi chỉ cho cách hóa giải. Hai năm sau thì miền Nam giải phóng, dân tị nạn chiến tranh ở xóm Đồng Ông Cộ đều dỡ nhà dọn về quê sinh sống. Mẹ tôi đành dỡ xác nhà ở đó mang về bán cho một người quen với giá rẻ mạt vì thật ra cũng chỉ có mấy cây cột cái là còn tốt chứ tôn và đòn tay, ván đóng vách đã cũ mèm, mục nát.
       Gia đình tôi lâm vào cảnh đói khát, khốn cùng hơn bao giờ hết. Năm đó tôi vừa thi Tốt nghiệp Tú Tài bốn môn xong. Lẽ ra tôi thi Tú Tài toàn phần IBM ( trắc nghiệm) theo chương trình đang học, cũng là khóa thi lần thứ hai thể nghiệm theo cách thức mới này. Nhưng do chuyển qua nguồn máy quản lý mới nên tôi thi Tú tài bốn môn gồm : Văn, Toán, Lý Hóa và Ngoại ngữ chính. Tôi rớt Đại học sau đó vì không làm được bài toán Vật lý con lắc nhúng trong nước. Tôi nhớ tôi chưa từng làm dạng toán này trong lớp bao giờ cả.
       Anh chị tôi lúc đó đã đi dạy, ba tháng liền tạm ngưng lương chờ làm lại các thủ tục lưu dung. Ba tháng không có lương đối với một gia đình sống bằng lương thì quả là thảm họa. Nhiều kỷ vật trong ngôi nhà của bà ngoại khi xưa mà lúc bán nhà, dì Hai cho Mẹ tôi mang theo lần lượt đội nón ra đi: bộ lư đồng, nệm gòn, bàn tủ, chén bát kiểu... Tuần nào em trai cũng đạp xe chở Mẹ tôi ra khu chợ trời chợ Bà Chiểu để bán quần áo cũ. Nói tiếng quần áo cũ nhưng toàn vải đắc tiền, may tiệm lớn, còn mới tinh mà vợ chồng anh con nuôi của dì tôi dạt ra mỗi khi may đồ mới. Dì tôi tiếc, gom cất chờ mỗi dịp Mẹ tôi xuống thăm là cho mang về để anh chị em tôi chia nhau mặc. Mẹ tôi cất cẩn thận, nay có dịp mang ra cứu nguy cho gia đình.
      Tôi còn nhớ vừa thi Tú Tài ngày hôm trước xong, hôm sau cả nước đã có lệnh giới nghiêm 24/24 để đổi tiền lần thứ nhất vào năm 1975. Mẹ tôi chỉ có trong người hai ngàn đồng tiền chế độ cũ. Trong lúc ngồi chờ tới phiên mình, Mẹ nhìn quanh thấy ai cũng cầm trên tay một bọc tiền to, người khá hơn là cả giỏ đệm. Riêng ông chủ lò đường mặt lộ vẻ căng thẳng, lo lắng với mấy bao bố tiền để bên cạnh chỗ ngồi. Mọi người ai cũng ngạc nhiên vì thấy Mẹ tôi đi tay không mà không tiện hỏi giữa chốn đông người. Đổi tiền xong, bác Tư hàng xóm là công nhân lò đường gần nhà trách mẹ tôi không có tiền sao không nói ra. Ông chủ lò đường nơi bác làm rất cần người đổi bớt giùm tiền sẽ cho một ít tiền công có phải đỡ cho gia đình lúc nguy khốn hay không? Mẹ tôi cười nói ai cũng có số cả, làm thế lỡ chính quyền biết được thì chết. Hai ngàn tiền cũ đổi ra tiền mới được không bao nhiêu, về tới nhà Mẹ còn phải cho chị tôi tiền đi xe đò xuống Long An dạy học, coi như không còn đồng xu nào dính túi nữa. Cũng nhờ việc đổi tiền đó, gia đình tôi được hội phụ nữ xã lập danh sách cấp cho 10 kilô gạo vì thuộc diện gia đình nghèo nhất vào thời điểm đó. Tôi lên ấp nhận gạo cứu đói nửa mừng nửa tủi, pha chút nghẹn ngào, xấu hổ.
       Để vượt qua khó khăn, Mẹ sinh phương kiếm sống bằng việc gói bánh tét cho tôi và em trai đi bán. Lần đầu tiên hai chị em ra ngồi cửa chợ, lớp lạ lớp ngại nên không dám mời khách qua lại mua bánh. Thời đó ai cũng nghèo đói cả, cơm sáng ở nhà là chính, có ai ăn quà bánh gì đâu. Mãi tới xế trưa, một dì ngồi bán mướp khía bên cạnh thấy tội hai chị em, hỏi mua ba cái và trả bằng số mướp còn lại chưa bán hết của mình. Tan chợ, hai chị em ra về vừa đói vừa nắng. Thấy gần chợ có một tiệm bánh ngọt lớn, tôi vào hỏi thăm xem họ có lấy mối bánh phục linh không để về nói Mẹ làm bán. Loại bánh này tôi biết làm vì Tết nào nhà tôi cũng làm bánh đó để đãi khách. Cô chủ mỉm cười bảo bánh của tiệm cô bán còn không được, sắp đóng cửa, mua bánh của tôi để làm gì... Hai chị em tiu nghỉu ra về, đói lã mà không dám lấy bánh ra ăn.
       Mấy ngày sau, Mẹ tôi mua khoai mì về nấu chín, bóp nhuyễn trộn với dừa nạo ăn kèm muối đậu, lội bộ bảy tám cây số bán dạo từng nhà trong xóm. Lần đó, Mẹ tôi bán được nửa thau. Cả nhà lại ăn khoai mì trừ cơm như lần bánh tét trước. Thấy nhà tôi khó khăn quá, nhỏ bạn học cùng lớp 12 ở gần nhà nói với người chị kêu tôi làm cỏ mướn. Tôi chưa quen làm cỏ bao giờ nhưng có việc làm nên mừng rỡ và hăng hái lắm. Bạn thương tôi, ra làm phụ để đỡ đần cho tôi và lúc ra về còn gởi cho nhiều cây trái trong vườn nhà. Làm một ngày, tôi lại thất nghiệp. Bạn thương tình rủ tôi qua nhà xúc tép năng trong ruộng lúa nhà bạn, bao nhiêu tép bạn xúc được đều đổ hết vào rọ của tôi. Gia đình bạn còn giữ tôi lại ăn cơm trưa xong mới cho ra về với một số chiến lợi phẩm như rọ tép, tắc, mía, bưởi..
      Nghỉ vài ngày, tôi lại có việc làm khác. Lần này chị Ba hàng xóm gọi tôi làm cỏ mía. Thửa đất trồng mía của chị vừa thu hoạch xong, đang chuẩn bị mùa sau, thợ đã phấp gốc và vun lại từng luống, tôi chỉ nhổ cho sạch cỏ xung quanh mà thôi. Buổi chiều vừa mới ra làm thì trời đổ mưa. Tôi không dám vào trú mưa vì nghĩ mình làm ăn công, vào trú mưa khác nào ăn gian tiền của chủ. Khi mưa bớt hạt, chị Ba đội nón, mặc áo mưa ra nhìn thấy tôi dầm mưa làm cỏ, người ướt như chuột lột mà đứng chết trân, rơm rớm nước mắt trách tôi sao khờ quá rồi vội cho ra về và trả tôi đủ một ngày công dù mới có khoảng hai giờ chiều.
       Từ đó, tôi không đi làm công cho ai nữa mà ngày nào cũng mang đơn lên Ban nhân dân ấp chứng lý lịch để xin việc làm. Bác Ba trưởng ban ấp thấy vậy nói tôi ra phụ bán gạo với tổ lương thực trong ấp, do ban cán sự phụ nữ ấp quản lý. Sau đó, Bác Ba còn nhờ tôi hỗ trợ bác vẽ bản đồ nông nghiệp cho cả ấp, tham gia công tác phổ biến đổi hộ khẩu mới ... Nhiều bà con  trong ấp kéo đến tụ điểm tôi triển khai vì theo họ, tôi giải thích rõ ràng, cặn kẽ, dễ hiểu hơn khu vực tổ họ vừa được sinh hoạt xong.
       Trong thời gian này, tôi vừa tham gia công tác địa phương, vừa ôn thi lại Đại học. Chính quyền địa phương thấy tôi hiền lành, làm việc tốt nên ưu tiên duyệt cho tôi tiêu chuẩn nhu yếu phẩm giống như những người tham gia công tác đoàn thể, an ninh trật tự của địa phương. Năm sau, tôi vẫn thi rớt Đại học nhưng sau đó nộp đơn và được xét tuyển vào Trường cao Đẳng Sông Bé thông qua bảng điểm thi Đại học. Ngày tôi xin nghỉ tổ phục vụ gạo để nhập học, tôi đến chào cảm ơn bác Ba đã tận tình giúp đỡ tôi suốt thời gian qua. Bác có vẻ không vui, khuyên tôi đừng theo học Sư Phạm, cứ tiếp tục tham gia công tác địa phương. Bác nói với trình độ và năng lực của tôi sẽ từ từ được đề bạt vào những vị trí xứng đáng. Tôi nhớ lời Ba tôi căn dặn các chị em theo ngành giáo để nối nghiệp ông nội là thầy đồ khi xưa nên từ chối. Bác Ba nói gia đình tôi khó khăn, bác sẽ nói với Tổ trưởng tổ gạo chi cho tôi 10 kg gạo để nộp cho trường Sư Phạm khi nhập học cho đỡ tốn tiền nhà, coi như phần thưởng cho công sức bấy lâu nay tôi đóng góp cho địa phương. Tôi cảm ơn bác Ba nhưng từ chối nhận vì tôi không muốn gây khó xử cho mọi người nếu việc này đồn đại ra ngoài.
       Để nộp cho nhà trường 10 kí lô gạo và mười hai đồng tạm ứng tiền ăn trong tháng trong khi chờ nhập tiêu chuẩn lương thực cho sinh viên, Mẹ tôi đã bán đôi bông mù u kỷ vật của bà ngoại để lại cho Mẹ. Mẹ trấn an tôi sau này có tiền mẹ sẽ mua lại. Hai tháng sau, trường hoàn lại cho sinh viên số tiền tương đương với khẩu phần ăn tạm ứng khi nhập học. Tôi mang tiền về đưa cho Mẹ, tiếc là Mẹ không thể nào mua lại được đôi bông kỷ vật của bà ngoại vì đã có người mua mất, hơn nữa gia đình lúc đó quá khó khăn nên Mẹ lấy đó mà chi dụng cho cuộc sống.
      Tôi là đứa con báo hại Mẹ nhiều nhất trong việc học hành của mình. Cả cuộc đời này, tôi luôn ray rức vì cảm thấy mình nợ Mẹ nhiều quá! Nếu không phải vì tôi thì tuổi già của Mẹ đã được đeo đôi bông kỷ niệm của ngoại như lời bà căn dặn lúc sinh tiền ... Ngày còn ở Đồng Ông Cộ, Mẹ tôi đã cầm rồi chuộc không biết bao nhiêu lần đôi bông mù u nhưng vẫn cố giữ lại kỷ vật của bà ngoại mà giờ đây đành phải mất đi vĩnh viễn... Mẹ tôi rất trân trọng giữ gìn hai kỷ vật của ngoại là đôi bông tai và chiếc túi đựng những chiếc răng lúc già ngoại rụng dần đi. Túi răng thì đã chôn theo khi cải táng bà ngoại, còn đôi bông thì ... Tôi thật đúng là đứa con bất hiếu nhất trên đời này! 
        Cuối cùng tôi đã bỏ dạy, vất hết tất cả những công lao học tập của bản thân và cả sự khó nhọc, vất vả, hy sinh của Mẹ để nuôi tôi ăn học... Tôi đáng chê trách quá phải không? Tôi quả không đáng làm con của Mẹ. Thế mà Mẹ đã không một lời trách cứ, lúc nào cũng khuyên tôi đừng lo buồn, hãy tin tưởng vào những gì ông Trời đã xếp đặt.
          Mẹ tôi đúng là hiếm có trên đời. Mẹ ơi! Con xin lỗi Mẹ. Con thương Mẹ nhiều lắm và nguyện sẽ tiếp tục làm con để báo hiếu cho Mẹ ở một kiếp mai sau.
                                                                   Ngày 16/10/2013
                                                                                                        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét