Tí Ti là tên gọi ở nhà của con gái thứ ba anh trai tôi. Cháu sinh năm 1975, mất năm 1979, một đời người quá là ngắn ngủi... Đó là đứa bé sáng láng, thông minh, lanh lợi và hiểu biết vô cùng dù mới có tí tuổi đầu.
Mẹ cháu là con gái út nhà khá giả nên không quen sương gió. Gia đình có nhiều ruộng đất nhưng đưa vào hợp tác xã nông nghiệp hết vì không ai làm nổi. Mẹ cháu xin một chân tuyên truyền viên của phong trào vận động người dân vào hợp tác xã nông nghiệp và đi công tác xa nhà mãi đâu tận Trị An. Tất cả ba cháu đều được gởi về nhà nội chăm sóc, cuối tuần ba lại chở về Lái Thiêu thăm bà ngoại và mẹ.
Tí Ti tối ngày theo chân bà nội, nói bí bô những câu thật đáng yêu của con trẻ. Khi anh tôi đi dạy về, mệt nhoài nằm nghỉ ở võng, cháu biết mang dép ra cho ba thay và mang giày da đi cất. Sau đó vừa quạt vừa hát những bài hát thiếu nhi mà cháu thuộc lòng cho cha nghe để hết mệt nhọc. Mẹ tôi rất thương yêu cháu nội. Buổi trưa rảnh việc, Mẹ hay lôi quần áo cũ ra sửa lại cho các cháu mặc, may những chiếc nón kết xinh xinh, nhỏ nhắn cho từng cháu một. Sáng nào, Mẹ cũng ẵm Tí Ti trên tay, dắt hai cháu lớn hơn đến trường Mẫu Giáo rồi trên đường về mới đi chợ luôn. Trẻ con nhà nghèo ngày ba bữa cơm độn còn chưa đủ no, lấy đâu ra bánh trái... Một lần, Mẹ ghé tiệm tạp hóa mua xị nước tương về chấm rau luộc, Tí Ti nhìn thấy lọ kẹo để trên giá cứ níu tay bà nội chỉ đòi mua. Mẹ tôi không có tiền đành ẵm cháu chạy nhanh ra khỏi tiệm, hai bà cháu đều khóc rấm rức như nhau...
Thương cháu mình thèm lạt, thỉnh thoảng Mẹ tôi trong lúc đi kiếm cỏ về nuôi thỏ đã xin mận rụng của chủ nhà mang về gọt bỏ những chỗ dập hư, ngâm muối, rửa thật cẩn thận rồi cho các cháu ăn. Lũ trẻ mừng rỡ còn lòng bà thì cũng vui theo... Một lần anh tôi chở các con từ nhà ngoại trở về sau hai ngày ở chơi thăm bà ngoại và mẹ thì tai nạn xảy ra. Lúc đó đã hơn tám giờ tối, đường sá tối thui, bốn cha con đèo nhau trên chiếc xe đạp cà tàng. Còn khoảng hơn cây số nữa là về đến nhà thì Tí Ti làm rơi mất nón, la lên kêu ba lượm lại cho cháu. Quay xe lại tìm ra nón cho con rồi, vừa mới đạp xe đi tiếp thì cháu Tí Ti lại đưa chân vô bánh xe, bị căm nghiến đứt gót chân máu tuôn xối xả. Bà con bên đường thấy vậy cho vải băng tạm vết thương vì giữa đường nên rất xa trạm xá. Khi anh chở các cháu về đến nhà, Mẹ tôi nhìn thấy hỡi ôi, vội nấu nước nóng rửa sát trùng vết thương rồi băng bó lại cho cháu nội. Nhà nghèo quá, không có tiền đưa cháu đi bệnh viện khâu vết thương, Mẹ tôi dùng nước cốt trái tắc và nước nóng để lau rửa và tự băng bó ở nhà cho Tí Ti. khoảng một tháng sau thì vết thương cháu liền miệng. Trong những ngày bị băng chân, Tí Ti không đi được toàn bò mà thôi. Mỗi lần đi tìm bà nội và gặp được, cháu nói như reo lên: " Bà nội thấy con có giỏi không? Con không đi được thì con lết "....
Sau khi cháu lành vết thương, mẹ cháu xuống đón mấy chị em về gởi nhà ngoại. Lúc sắp sửa ra về, tìm không thấy Tí Ti đâu cả, mọi người hoảng hốt đổ xô đi tìm. Hóa ra cháu chun xuống gầm giường của bà nội để trốn, còn xua tay bảo anh chị của mình đừng mách cho mẹ biết. Khi mẹ Tí Ti lôi cháu từ gầm giường ra, cháu khóc nức nở không chịu về nhà bà ngoại, cháu nói trong tiếng khóc tấm tức : " Con không về nhà bà ngoại ở đâu. Về đó chị Khánh ( chị em bạn dì với Tí Ti ) tối ngày đánh con, mắng con là đồ ăn chực và đuổi con về nhà bà nội mày ở đi!"
Mẹ tôi nghe cháu nói như vậy mà trong lòng vô cùng đau đớn, ôm Tí Ti dỗ dành: " Thôi con về nhà ngoại với mẹ đi. Nhà ngoại làm ruộng có nhiều gạo cho con ăn no". Tí Ti lắc đầu nguầy nguậy, chụp tay mẹ nói: " Vậy mẹ về nhà bà ngoại xúc gạo gởi xuống đây để bà nội nấu cho con ăn. Con không về nhà bà ngoại đâu". Chị dâu tức quá phát vào mông cháu một cái rồi lôi thẳng tuột ra khỏi nhà, mặc tình cho Tí Ti la khóc, ngoái đầu lại cầu cứu với bà nội. Mẹ tôi đứng lặng nhìn theo cháu mà nước mắt tủi cực, xót xa tuôn trào...
Về nhà ngoại không được bao lâu thì Tí Ti bị sốt cao mấy ngày không khỏi. Anh tôi ra nhà thuốc tây mua cho cháu mấy liều thuốc cảm sốt, cháu uống vẫn không thuyên giảm. Khi anh đưa cháu nhập viện thì bệnh viện huyện theo dõi một ngày rồi chuyển tiếp lên tuyến trên. Tại đây, bác sĩ bảo cháu bị sốt xuất huyết giai đoạn cuối không chữa được nữa. Anh tôi quỳ lạy bác sĩ cứu lấy con gái của mình nhưng bác sĩ bảo họ đã hết cách, khoảng độ nửa giờ nữa là cháu sẽ xuất huyết ngoại, gia đình chuẩn bị tinh thần để lo hậu sự cho cháu. Anh tôi quá tuyệt vọng và hối hận đã vì bận công việc trường mà không theo dõi bệnh tình của con chu đáo, anh đập đầu vào cây cột trước hành lang bệnh viện khóc nức nở... Nửa giờ sau, Tí Ti hộc máu tươi ướt đẫm ngực áo của ba rồi lịm dần, từ giã cõi đời , mãi mãi không còn được nhìn thấy bà nội mà cháu rất mực yêu thương nữa, bỏ lại sau lưng tiếng gào thét điên loạn của người cha và cả tiếng nấc nghẹn ngào của người mẹ đang từ từ đổ sụp xuống đất...
Ti Ti mất đúng ngày Thiếu Nhi 01/6/1979. Lúc đó, trường tôi kết hợp với Xã Đoàn đang tổ chức cắm trại cho học sinh. Cháu mất lúc gần 11 giờ trưa. Thần giao cách cảm hay máu mủ chạm lòng mà nơi cách xa hàng mấy trăm cây số, tôi nghe trong lòng bồn chồn, khó chịu suốt buổi sáng hôm đó, cắt đứt cả ngón tay trỏ khi phụ chị nuôi thái bầu nấu canh. Ngày tôi nghỉ hè, về đến nhà nghe Mẹ kể chuyện về cháu chưa hết bàng hoàng thì anh tôi đi trực về, mắt ráo hoảnh, anh nói với tôi:" Anh bỏ cháu Tí Ti rồi!"...
Cháu mất lâu rồi mà bà nội vẫn còn thương nhớ đứa cháu ngoan hiền, hiếu thảo. Thỉnh thoảng, Mẹ tôi vẫn nhắc lại có một lần ăn cơm, Mẹ chia cho cho mỗi người lưng tô cơm, chỉ anh tôi là được đầy hơn vì anh cần có sức để đi làm. Tí Ti ăn ngoan, nhanh gọn một mình không cần ai đút. Ăn xong, cháu chìa tô xin bà nội cho thêm. Anh tôi thấy vậy vội sớt bớt tô cơm mình đang ăn dở cho con gái một nửa. Dường như Tí Ti hiểu hay sao bỗng nhiên nói con no rồi, không ăn nữa đâu rồi bỏ lên nhà trên, mắc võng nằm. Bà nội và ba đi theo lên, bảo cách mấy cháu cũng nhất định không chịu ăn thêm, giả vờ nhắm mắt nói :" Bà nội và ba đi chỗ khác cho con ngủ. Con buồn ngủ lắm rồi!"...
Cháu mất lâu rồi mà bà nội vẫn còn thương nhớ đứa cháu ngoan hiền, hiếu thảo. Thỉnh thoảng, Mẹ tôi vẫn nhắc lại có một lần ăn cơm, Mẹ chia cho cho mỗi người lưng tô cơm, chỉ anh tôi là được đầy hơn vì anh cần có sức để đi làm. Tí Ti ăn ngoan, nhanh gọn một mình không cần ai đút. Ăn xong, cháu chìa tô xin bà nội cho thêm. Anh tôi thấy vậy vội sớt bớt tô cơm mình đang ăn dở cho con gái một nửa. Dường như Tí Ti hiểu hay sao bỗng nhiên nói con no rồi, không ăn nữa đâu rồi bỏ lên nhà trên, mắc võng nằm. Bà nội và ba đi theo lên, bảo cách mấy cháu cũng nhất định không chịu ăn thêm, giả vờ nhắm mắt nói :" Bà nội và ba đi chỗ khác cho con ngủ. Con buồn ngủ lắm rồi!"...
" Ôi! Cháu gái Tí Ti tội nghiệp!". Ba mươi bốn năm trước cô đã thầm thốt lên câu này khi ba cháu báo tin cháu đã mất. Bây giờ, cô lại viết ra dòng chữ này với nỗi đau chưa bao giờ phai nhạt trong lòng...
Ngày 26/10/2013