Hẹn với em trai qua nhà chúc Tết Mẹ sớm nên tôi ra khỏi nhà vào lúc 6 giờ sáng. Mùng Một có khác, nhà nào cũng còn đóng cửa im ỉm vì đêm qua đã thức quá khuya để đón giao thừa. Trên đường vắng hoe, không có xe cộ hay bóng người qua lại. Xe buýt phải sau 8 giờ sáng mới xuất bến tài một. Tôi đi bộ lên nhà chị, vừa đi vừa ngắm cảnh một cách thích thú. Mấy khi có được một không gian yên ắng, riêng tư và trong lành như thế này.
Thật may mắn cho tôi được nhìn thấy cụm sương dày đặc bốc lên từ con lạch nhỏ phân biệt ranh giới giữa hai địa phận khác nhau trong cùng một xã. Nhanh tay, tôi chụp được mấy tấm ảnh thật tuyệt... Không khác gì cảnh sương mù trên Đà Lạt.
Bức ảnh được chụp vào lúc 6 giờ 30 phút
Mùng Một Tết Giáp Ngọ 2014
Chỉ khoảng 5 phút sau,
sương mù đã nhanh chóng tan vào không khí
Năm nào, gia đình tôi cũng có lệ tụ họp về nhà thờ để thắp hương mừng tuổi ông bà, mừng tuổi Mẹ và các thành viên trong gia đình chúc Tết lẫn nhau. Năm nay, Mẹ quên nhiều hơn so với năm rồi, lời chúc Tết mỗi năm cũng mỗi ngắn đi và không hay đẹp như ngày trước. Tôi chạnh lòng, bùi ngùi mà không dám để lộ vẻ buồn ra bên ngoài vì sợ làm mất vui trong ngày họp mặt đầu Xuân. Tôi càng hiểu vì sao Mẹ vẫn thường nói câu: " Bao giờ trở lại ngày xưa ?". Ngày xưa đó sẽ không bao giờ quay lại, Mẹ ơi! Nhưng ngày nào Mẹ con mình cũng vui vẻ, hạnh phúc là đủ rồi. Con chỉ mong có thế thôi.
Năm nay, tôi sợ lật bật rồi thiếu sót nên sau giao thừa đã chuẩn bị phong bao lì xì và máy ảnh để chụp hình giây phút đoàn viên, hạnh phúc của gia đình mình vào ngày đầu năm mới. Khi tôi và em trai đến nơi, mâm cơm cúng ông bà đã được anh chị tôi chuẩn bị xong. Hai chị em vào thắp hương mừng tuổi gia tiên. Sau đó theo thứ bậc trong gia đình, chúng tôi mừng tuổi Mẹ. Em gái trực ngày Mùng Một Tết nên vắng mặt trong phút giây thiêng liêng này. Hai ông con trai từ chối chụp ảnh. Chị tôi và tôi đại diện gia đình chụp hình với Mẹ. Những bức ảnh như thế này sau này sẽ trở thành vô giá. Tôi đã có một tài sản vô giá như vậy. Lâu lâu tôi lại một mình mở ra xem...
Mẹ và mùa xuân thứ chín mươi
Ảnh chụp ngày Mùng Một Tết Giáp Ngọ 2014
Chị Hai mừng tuổi Mẹ.
Sáng Mùng Một Tết Giáp Ngọ 2014
Tôi chúc Tết, mừng tuổi Mẹ một phong bao bé tẹo.
Năm nay, Mẹ lẫn nhiều nên chị sắp xếp cho Mẹ chỉ lì xì thằng cháu nội bé nhất nhà thôi. Ganh tỵ quá! Ước gì tôi cũng bé nhất nhà, nhỏng nhẽo nhất nhà như cách đây năm mươi lăm năm để cũng được mẹ lì xì thì vui biết bao nhiêu...
Cháu nội út mừng tuổi bà nội được bà lì xì
kèm lời chúc tốt đẹp học giỏi và ngoan nhất nhà
Cái Tết năm nay với tôi thật ý nghĩa vì tôi đã làm được điều mình yêu thích. Tôi đã gói và nấu bánh tét vào đêm 28 Tết để kịp mang cho Mẹ cúng ông bà vào ngày cuối của năm. Trong cái rét mùa đông, giữa đêm khuya, lọ mọ một mình bên bếp lửa, cảm giác ấm áp và cô đơn không còn là sự đối lập nữa. Ấm áp vì ngọn lửa bập bùng reo vui còn cô đơn thì rõ ràng không phải nói khi tôi chỉ có một mình. Đôi khi hai ngữ nghĩa chưa chắc chỉ có đối lập vì hoàn cảnh tồn tại của nó buộc phải như vậy. Làm sao còn có thể lạnh lẽo khi ngồi cạnh hai bếp lò đang cháy hừng hực ? Nóng là khác và tôi đã phải bỏ mũ len, khăn choàng cổ và áo ấm ra mới có thể ngồi chụm bếp được.
Nồi bánh tét mặn
Nồi bánh tét chay
Thời điểm này là 3 giờ khuya ngày 29 Tết
Suốt ba ngày cuối năm, từ 28 đến 30 Tết hầu như tôi thức trắng. Sáng 28 đi chợ lần cuối, mua những thứ cần thiết còn thiếu. Về đến nhà là bắt tay chuẩn bị rửa lá đã phơi từ ngày hôm trước cho sạch, ngâm và tải vỏ đậu, ngâm nếp, kiểm tra lại thịt đã ướp có được chưa, tra thêm hành tỏi phi cho nhân bánh thêm thơm, ngâm hạt điều để làm nhân bánh chay... Đâu chỉ có bằng đó công việc. Tôi còn bị người quen ép mua mấy kí lô cải cùi phải rửa phơi để ngâm chua và cả mấy kí lô củ cải trắng để ngâm nước tương nữa. Không kịp nấu cơm ăn, tôi uống toàn nước năm thứ đậu xay nhuyễn. Cũng may là có đủ sức khỏe để làm việc. Có lẽ tôi sử dụng ý chí nhiều hơn là sức lực. Nhà không có chuối hột, tôi dùng lá chuối sứ để gói bánh nên màu không được xanh đẹp. Đã thế, những ngày cận Tết còn có nhiều cơn gió lớn khiến lá bị tơi tả. Tôi phải sử dụng cả những mẫu lá con con bằng hai bàn tay, chèn vào giữa những mảnh lá nguyên mới gói được bốn đòn bánh tét mặn, ba đòn bánh tét chay và một bánh chưng để cúng lúc giao thừa. Nhìn sản phẩm tôi làm ra xấu xí thấy mà tội nghiệp! Nhưng hy vọng chất lượng bên trong sẽ không đến nỗi nào. Hi hi...
Bốn đòn bánh tét mặn
Toàn bộ sản phẩm của tôi đó!
Do không kịp thời gian, tôi không xào nếp mà chỉ ướp chút muối, bột ngọt, đường cho vỏ bánh đậm đà. Đậu xanh cũng không nấu và đánh nhuyễn được, tôi cũng chỉ ướp như đã làm với nếp. Để bánh chín nhừ, tôi phải nấu mười hai tiếng. Đậu xanh nấu sống sẽ giúp cho nhân bánh béo ngậy hơn và màu cũng tươi đẹp hơn nhiều so với nấu chín. Chỉ tiếc là tôi gói bằng lá chuối sứ nên màu bánh mất đi màu sắc tươi đẹp. Năm nào cái bánh bao chót phần đậu, nếp, thịt còn lại cũng là bánh chưng và đó cũng chính là cái bánh nằm ngoài dự định vì tôi vốn không phải là một người nội trợ tài giỏi gì cho cam, tôi không dự trù được nguyên vật liệu khi làm bánh nên lúc nào cũng thừa ra một ít. Hi hi... Nhờ vậy năm nào tôi cũng có bánh chưng cúng giao thừa, đãi con cháu về chúc Tết Mẹ tôi vì chúng không ăn chay được như Mẹ, chị và tôi.
Bánh chưng bao chót của tôi đó!
Để nấu bao nhiêu đó bánh, tôi hao mất một nửa mớ củi dăm. Không sao cả, qua Tết tôi sẽ tiếp tục đi mót củi vì thức ăn ninh bằng củi sẽ mềm nhừ, giữ được mùi thơm ngon hơn bếp ga rất nhiều.
Năm nay, tôi tiêu Tết tiết kiệm tối đa. Nhờ tôi chịu khó chăm sóc nên Tết này hoa chưng tôi không phải mua vì nhà đã có hoa lan. Nếu là Mẹ, chắc người không ưng vì với người già chỉ có bông vạn thọ, sống đời mới là bông chưng bàn thờ ngày Tết mà thôi. Trái cây chưng mâm ngũ quả cũng đơn giản hơn so với những năm trước vì không có mãng cầu, đu đủ và xoài. Tôi mua duy nhất có một quả bưởi để lấy ý nghĩa sung túc, may mắn, tốt đẹp. Bưởi nhà năm nay cũng cho được một quả duy nhất vừa chín tới, tôi sẽ chưng ở bàn thờ Phật Quan Thế Âm. Quả bưởi mua vừa được hái từ vườn ra. Dì bán nói giá ba mươi lăm ngàn đồng. Tôi xin dì bớt, dì bảo không được vì quả cân nặng hơn hai kí lô. Tôi cũng không cò kè vì tôi ít khi làm như vậy với những người mang sản phẩm từ nhà ra chợ bán, nhất là lại với một người già nữa. Tôi nghĩ đến công sức, sự cực khổ của họ khi chăm sóc cây còn đáng giá nhiều lần hơn thế nữa. Khi tôi đang mua cau trầu, thuốc xỉa cho mẹ ở hàng kế bên, dì bán bưởi còn nói thêm " Sang năm gia đình con làm ăn khá giả lắm vì con đã lấy được cái lộc lớn nhất ". Tôi vui vẻ cảm ơn dì và thầm cầu mong sẽ được như vậy. Tôi sang gian hàng cuối cùng mua hai bộ đồ thế để cúng giao thừa, Cô chủ hàng hỏi tôi mua bưởi giá bao nhiêu, cô cầm quả bưởi lên tay ngắm nghía, bảo quả bưởi chín ngon và tôi mua rẻ quá vì giá bưởi lúc đó là ba mươi lăm ngàn đồng một cân. Cô hỏi tôi mua ở hàng nào? Tôi chỉ chỗ bán cho cô và nói thêm chỉ còn những quả vừa vừa vì quả to nhất tôi đã chọn mua rồi. Trái cây năm nay giá cao, tôi mua một ít trái thanh long và quít ta về chưng, để đĩa ngũ quả đỡ thấy thưa thớt, tôi hái một số trái tắc ở nhà trồng chêm vào những chỗ còn trống cho nó tròn đầy, có duyên hơn. Cây tắc nhà tôi trái to, chín mọng, vàng tươi. Ai đi ngang qua nhà cũng trầm trồ khen cây tắc đẹp, người không nhìn ra thì ngỡ tôi trồng được giống quít Thái, người đến chơi nhà thì hỏi tôi có chích thuốc không mà trái to vậy? Tôi cũng cho em gái một ít trái tắc để chưng như tôi. Nhưng khi em trai ghé nhà biếu quà Tết, tôi lại quên bẵng, không hái cho em một ít tắc về chưng. Trái tắc mang ý nghĩa sự chấp nhận, thuận lợi trong công việc, mối quan hệ tốt... Giờ nghĩ lại lòng cứ buồn buồn, tự trách sự vô tâm, vô ý của mình.
Cây tắc mua vào Tết Canh Dần 2010, trồng đến tận giờ
Đĩa ngũ quả chỉ có bưởi, quít ta, tắc và thanh long
Tết này là cái Tết tôi vất vả nhất. Gần cuối năm mà tôi còn bày thêm việc đi kiếm củi cao su về chụm và cất chái bếp để nấu ăn. Từ việc đi mua vật tư đến việc làm bác thợ hồ, trước sau gì cũng chỉ có một mình tôi tự biên, tự diễn. Bà con trong xóm thấy tôi xách giỏ, cầm bao đi ra ngoài là hỏi tôi đi đâu, nếu ra cửa hàng vật liệu xây dựng thì họ lại gọi cho gạch làm nhà xong còn dư. Tôi ngại nên thường canh lúc họ bận lui cui trong nhà mới dám đi mua. Thậm chí có hôm họ đi từ Củ Chi về, trông thấy tôi chờ xe buýt để mang củi mót được về nhà, họ cũng dừng xe chở cả ba cùng về ( tôi, bao củi và giỏ củi).
Do lao động nặng, lại gặp năm khí hậu thay đổi, thời tiết ngày nóng bức còn đêm lạnh cóng nên gót chân và một số đầu móng tay của tôi bị nức nẻ, đau rát mỗi khi tiếp xúc với nước, xà bông hoặc làm việc nặng. Huhu... Tết này xấu xí rồi! Có khi còn xấu hơn cả Thị Nở cũng nên... Người thương ơi! Khi cầm bàn tay chai sần, cháy nắng của em xin anh đừng đau lòng nhé! Nhất là đừng trách cứ em là phụ nữ mà không biết giữ gìn nhan sắc! Em vốn sinh ra đã thế rồi, em thích sống như vậy và sẽ không bao giờ thay đổi đâu.
Ngày 01/02/2014
Chị thấy vui là tốt rồi. Năm mới thật nhiều sức khỏe và nghị lực chị nhé!
Trả lờiXóaCảm ơn em. Chị vẫn đang sống bằng ý chí và nghị lực đây.
XóaTôi thú vị và cảm động đọc chầm chậm thầm cám ơn HM rất mộc mạc, giản dị nói hộ lòng tôi với mẹ và anh chị em trong gia đình mình. Có lẽ tình cảnh tôi với mẹ mình cũng gần giống như vậy. Mẹ tôi đã nghỉ làm, nấu bánh tét hơn 20 năm nay từ khi bà lên tuổi 80. Chị em tôi đã làm thay mẹ suốt hơn 15 năm nay... Trưa mồng 1 tết nào chúng tôi cũng tổ chức cho con cháu chắt...về mừng tuổi mẹ. Mẹ đã trên trăm tuổi nhưng vẫn rất vui sướng lì xì cho cháu chắt... Xin cám ơn HM lần nữa đã viết giúp tôi. Chúc mẹ HM sống lâu như mẹ tôi để được phụng dưỡng mẹ già...
Trả lờiXóaNếu như bài viết này của Hiền Mai làm anh động lòng thì anh hãy viết về không khí đón Tết của gia đình mình đi! Chắc chắn sẽ còn sinh động và hay hơn bài của Hiền Mai nữa đó!
XóaHiền Mai sẽ là đọc giả đầu tiên của bài viết đó. Bây giờ, Hiền Mai chờ để được đọc đây.
Qua chúc Tết đây bạn nhé . Chúc luôn vui như Tết.
Trả lờiXóaDạ. Em cảm ơn anh TUUYEN nha!
XóaEm cũng chúc anh một năm mới tốt đẹp, bình an, như ý.