Chái bếp lúc mới dựng xong, công trình sau bốn ngày vất vả
Từ lúc mót được củi cao su, tôi quyết định làm một chái bếp để chứa củi và nấu nướng. Mỗi ngày, tôi đi mót củi vào buổi sáng, chiều ra bàu đẵn tre về chuẩn bị dựng bếp. Không có rựa, tôi đốn tre bằng dao chặt xương. Chặt tre phải biết thế, lưỡi dao chặt xéo khi tiếp xúc với thân tre một góc 45 độ thì tre mới đứt ngọt, không bầy nhầy khi phần cật tre còn lại một lớp mỏng cứ bám chặt vào gốc. Nếu không cẩn thận và thiếu kinh nghiệm rất dễ bị cật tre cứa đứt da thịt và thường là đứt rất sâu. Chặt tre đã vất vả. Chặt xong rút thân cây ra khỏi bụi cũng cả một vấn đề vì ngọn và cành lá cứ móc ngoéo vào những cây khác. Ì ạch mãi, tôi cũng chặt được gần chục cây tre tầm vông và dựng thành một chái bếp như trên.
Trước đó một tháng, tôi đã đốn bỏ cây khế chua nằm ở góc vườn. Nay cất chòi nấu củi ngay vị trí đó, gốc khế trở thành khúc kê để chặt củi thật tiện lợi và chắc chắn. Tôi chọn vị trí cuối vườn xa khu nhà chính, việc đi lại nấu nướng bất tiện hơn nhưng bù lại nhà không bị khói ám lại sử dụng được hai bờ tường có sẵn, đỡ phải dựng thêm cột, sườn nhà có điểm tựa chắc chắn, không tốn nhiều công sức vì tôi không còn đủ sức khỏe để làm việc nặng như trước kia và cũng không có ai phụ trợ. Ngày xưa, Mẹ tôi từng cất một gian bếp rộng khoảng mười lăm mét vuông, cột bằng gỗ, mái tôn, vách ván hẳn hoi. Lúc đó, tôi làm " phụ tá " cho Mẹ, làm những việc lặt vặt Mẹ nhờ, dùng búa vỗ những cây đinh cong cho ngay thẳng lại để Mẹ sử dụng, vịn cột cho Mẹ đóng đinh vào ngàm hoặc khi Mẹ đóng vách thì chọi vào phía đối diện cho cây đinh có điểm tựa xuyên qua xớ gỗ ngọt hơn...
Những lần phụ Mẹ làm thợ bất đắc dĩ như vậy, tôi học được cách làm ngàm, làm mộc, cách đóng đinh sao cho đi thẳng không cong vẹo nửa chừng, cách lợp tôn cho nước không chảy ngược vào nhà... Nhờ chút kinh nghiệm đó, chái bếp bé tẹo của tôi coi vậy chứ chắc chắn lắm. Mấy ngày qua có nhiều đợt gió to, lá cao su rụng phủ kín mặt đất, cành khô rơi vãi khắp nơi mà "căn bếp tí hon" của tôi vẫn" bình chân như vại ". Trong vài ngày tới, tôi sẽ đóng vách, lấy bạt che để vào mùa mưa nước không hắt vào làm ướt bếp lò và củi tôi gom về tích trữ trong thời gian qua.
Chái bếp ngày thứ sáu
Chái bếp ngày thứ tám
Chái bếp ngày thứ tám, từ trong nhà nhìn ra
Mấy ngày rồi tôi đi mót củi lại mà không thấy dì đâu cả. Chắc dì bận thu xếp về quê. Hiện tại, cũng chỉ còn mỗi mình tôi mót củi mà thôi. Giữa một khoảng đất mênh mông, sự trống vắng dường như tăng lên gấp bội. Cảnh cũ còn đây mà người thì đã đi xa rồi... Không biết bãi đất trống trải này có cảm thấy buồn bã, hiu quạnh hay không?
Chủ lô cao su đã đốt rác, dọn đất chuẩn bị ra giêng xuống cây con cho mùa sau. Đây là nơi hai dì cháu từng mót củi với nhau.
Nhiều người hỏi tôi sao đi kiếm củi xa vậy? Đi mót củi mà mang củi về bằng việc đi xe buýt thì thà là xài ga cho khỏe. Tôi mỉm cười trả lời vì ngày nào tôi cũng đi thăm Mẹ, mang thức ăn hoặc thức uống cho Người nên sẵn tiện mót củi luôn. Lượt đi, tôi mót cho anh chị, lượt về mới mót cho mình. Một công đôi ba chuyện luôn. Các bác tài xế, nhân viên soát vé thương tôi xách nặng nên bao giờ cũng đổ xe ngay ngõ vào nhà. Đây là lượng củi tôi tha từ từ về nhà mỗi ngày;
Mỗi ngày tôi mót được hai bao và hai giỏ củi như thế này
(một cho nhà anh chị và một cho nhà tôi)
Trong lúc kiếm củi lượt sau, tôi thường cảm thấy buồn man mác vì lát nữa tôi sẽ về lại nhà mình luôn, không như lượt đầu mang củi qua cho anh chị rồi thăm Mẹ. Nhìn ngôi nhà Mẹ đang sống với anh chị sau lùm cây gần chỗ tôi mót củi mà lòng bỗng rưng rưng...
Mẹ đang sống ở ngôi nhà thấp thoáng sau lùm cây đó,
cách nơi tôi đang mót củi khoảng hai trăm mét đường vòng
Trên đường về, tôi đi qua lô cao su rộng mênh mông. Mùa này cao su thay lá, trải thảm vàng khắp một vùng rộng lớn. Hôm qua, tôi nhìn thấy công nhân dùng máy thổi cho lá cao su gom lại một chỗ, cách xa gốc cao su khoảng nửa mét. Có lẽ trong vài ngày tới, họ sẽ đốt lá để làm phân bón cho cây như mọi năm chăng?
Còn đây, chái bếp đã hoàn thiện của tôi. Tôi vui lắm vì từ giờ đã tìm lại được những gì xa xưa, những thói quen, lối sống của một thời quê mùa, giản dị mà yên bình, hạnh phúc nhất trong cuộc đời.
Chái bếp đã cơ bản hoàn thiện, sẽ còn bổ sung thêm cho tiện dụng
Bữa trưa ngon lành, duy nhất của tôi nằm trong cái nồi đang nấu này.
Củi tôi mót được trong mười ngày, còn một ít đang phơi chưa mang vào.
Bạn có nhìn thấy khúc gỗ nhô lên giữa nền nhà không? Gốc khế mà cũng là khúc kê để chặt củi của tôi đó. Tiện lợi vô cùng, trong lúc đang nấu bếp tôi vẫn có thể chẻ củi được, nhất là mấy miếng củi dăm to quá, không sao cho vào bếp lò được.
Hôm qua, tôi nấu thử bếp củi. Lửa cháy rất đượm, có lúc còn bùng to táp sém hàng gạch ngăn vách bếp. Sợ có ngày gặp gió to gây ra hỏa hoạn, chiều qua tôi xây cao lên hai hàng gạch nữa. Sẵn dư hồ, tôi tô bức tường vách ngăn phía bên ngoài. Nói cho oai chứ tôi chỉ vuốt sơ một lớp hồ lên mặt gạch chứ tô thế nào được khi mà từ cách trộn hồ đến kỹ thuật tô xi măng tôi đều không biết gì hết. Cơ bản đã xong việc dựng chái bếp. Sau Tết, tôi làm thêm vách ngăn cho kín đáo và an toàn hơn cho mùa mưa năm sau. Còn bây giờ đang là mùa nắng, cứ như thế để phơi củi luôn cho tiện.
Tết này tôi sẽ nấu bánh tét vì đã có củi. Mấy năm rồi toàn mua ngoài chợ, vừa mắc vừa không ngon như mình tự nấu lấy. Lại phải làm dưa món để ăn với bánh tét rồi. Đơn giản thì làm củ cải ngâm nước tương, ăn với bánh tét cũng rất ngon mà còn có thể ăn chay được.
Với tôi, Tết bây giờ không còn náo nức, vui tươi như ngày xưa nữa vì bà ngoại và ba tôi không còn. Mỗi độ Xuân về, tôi lại bùi ngùi nhớ ngày còn bé, nhớ phong bao lì xì đặc biệt bà ngoại dành riêng cho tôi, nhớ khuya mùng Một ba tôi thức dậy làm gà để cúng Tổ tiên khi trời vừa hửng sáng, nhất định phải là con gà trống to nhất đàn mà Mẹ tôi đã chuẩn bị nuôi từ trong năm...
Vẫn biết điều gì đã trôi theo dòng thời gian thì khó tìm lại, nhưng sao tôi vẫn muốn được sống những tháng ngày êm đềm xa xưa nên đôi khi phải sống trong mơ để rồi càng ngậm ngùi hơn khi trở về với thực tại...
Liệu tôi có tìm lại được ngày xưa hay không? Bất giác tôi cảm giác hai mắt cay sè khi chợt nhớ đến câu nói của Mẹ những ngày gần đây: " Bao giờ trở lại ngày xưa?"
Ngày 22/01/2014