Một mùa Trung Thu nữa lại đến. Tôi không
còn cảm thấy háo hức như ngày còn bé mà thay vào đó là những nỗi buồn man mác
khi hồi tưởng lại những ngày thơ ấu.
Khi một đứa trẻ còn mê những đêm Trung thu rước đèn cùng bè bạn đi
khắp xóm làng thì rằm tháng Tám mới có ý nghĩa. Ai lại không có những kỷ niệm
về một đêm Trung thu nào đó trong cuộc đời ? Lúc tôi khoảng sáu bảy tuổi, đèn
Trung thu của tôi là những chiếc lon sữa bò được anh tôi đục nhiều lỗ thông gió
quanh thành lon, gắn vào một trục ngang đính với hai lon sữa bò khác và nối vào
một cây tre nhỏ làm thanh cầm. Khi tôi đẩy chiếc đèn của mình trên mặt đường
nhựa trước nhà ngoại, đèn sẽ xoay tròn, phát ra những tia sáng lấp lánh như có
vô vàn con đom đóm đang bị nhốt ở bên trong kèm theo những âm thanh lóc cóc,
lách cách phát ra rất vui tai. Tôi chưa bao giờ có được chiếc lồng đèn cá chép,
tàu thủy, máy bay, bươm bướm hay con thỏ ... bằng giấy kiếng đỏ như bạn bè
trang lứa khác . Sang lắm là được bố mua cho chiếc lồng đèn xếp rẻ tiền được
làm bằng giấy có in hoa nhưng ra gió chưa được bao lâu thì đã bị cháy rụi. Lớn
lên một chút, khoảng mười, mười một tuổi, tôi tự làm đèn trung thu cho mình và
em trai. Tôi chặt những cành tre nhỏ ngoài vườn, bỏ cả ngày vuốt thành những
thanh nhỏ bằng nửa ngón tay và gò chiếc đèn ngôi sao vì chỉ có đèn ngôi sao là
dễ làm thôi. Năm đầu tiên, hai chiếc đèn ngôi sao méo mó, không cân đối của hai
chị em được dán bằng giấy báo cũ. Khi thắp đèn cầy lên, chiếc đèn mù mờ và đen
xám như màu chữ in trên mặt báo. Mùa Trung thu sau, tôi lột mấy tờ giấy bao vở
bằng giấy kiếng mờ để dán lồng đèn và dùng giấy báo bao bìa những quyển
vở đã bị lột mất áo. Mẹ tôi khi nhìn thấy chỉ tắc lưỡi không nói gì hết, móc
túi lấy một đồng cho tôi ra quán mua đèn cầy chuột về thắp chiếc đèn vừa dán
xong.
Bánh Trung thu ngày đó nhà tôi không thiếu. Dì Hai tôi có góp tiền
làm bánh vào mùa Trung thu ở nhà hàng Đồng Khánh nên năm nào cũng được chia rất
nhiều bánh. Bà ngoại và tôi thích bánh nhân hạt sen trứng, anh chị tôi thích
bánh nhân thập cẩm, em trai tôi bánh nào cũng thích, dì và Mẹ thích bánh nhân
đậu đen vì bùi béo còn bố thường vắng nhà nên Mẹ để phần cho bố một chiếc bánh
nhân đậu xanh trứng. Năm nào Mẹ tôi cũng trồng mấy luống khoai môn canh kịp
trung thu để cúng trăng. Chiều ngày rằm, Mẹ giao cho tôi việc bới gốc khoai.
Theo lời Mẹ dặn, tôi bới đất từ từ để bụi khoai khi được nhổ khỏi mặt đất còn
nguyên vẹn các củ. Sau đó là ngâm vào nước, rửa thật sạch và cũng hết sức nhẹ
nhàng, cẩn thận để không bị gãy bất cứ một củ con con nào. Mẹ tôi đặt nguyên
phần gốc của bụi khoai vào cái nồi to và đun lửa vừa cho khoai chín tới. Bụi
khoai được đặt trên đĩa, trông thật đẹp vì có rất nhiều củ con bám quanh củ cái
giống cảnh đàn con bám quanh váy Mẹ. Mẹ bảo bụi khoai phải như thế thì trong
nhà mới được đoàn tụ xum vầy, vui vẻ bên nhau quanh năm suốt tháng.
Dì Hai lấy chồng người Hoa nên năm nào cũng dặn Mẹ tôi cúng Trung
thu rất kỹ. Dì còn dặn Mẹ tôi biếu bánh Trung thu cho các nhà hàng xóm thân cận
vì biết họ không có điều kiện mua bánh mà nhà họ cũng có trẻ con. Một người
hiền lành tốt bụng như dì mà chất chồng nghiệp chướng từ tiền kiếp nên từ một
bà chủ giàu có, nhà lầu xe hơi đầy đủ mà bị con nuôi phá tan sản nghiệp. Cuối
đời dì đã lo xa, cho Mẹ tôi món tiền lớn để mua nhà với ước muốn nếu con nuôi
trở mặt thì dì sẽ theo gia đình tôi. Tiếc thay, khi dì bệnh mất đột xuất, anh
con nuôi không báo cho họ ngoại hay biết. Một người con của dì Tư tôi vô tình
đi ngang nhà dì mới biết nhà có đám tang và vội vàng thông báo cho dòng họ hay
biết để về dự tang dì. Mẹ tôi vừa nghe tin, lập tức đến mà không kịp nhìn mặt
dì vì gia đình đã tẫng liệm xong. Gia đình bên ngoại không được có ý kiến trong
đám tang dì. Anh con nuôi quyết định hỏa táng và gởi hài cốt dì ở một ngôi chùa
rất xa xôi mãi trên Trị An. Những năm đầu, anh tôi đều đặn đến thăm dì vào dịp
cuối năm theo thông lệ tảo mộ của người Nam. Sau đó, do hoàn cảnh khó khăn, nhà
neo người lại nghỉ tết muộn, anh và em trai tôi những ngày cuối năm thay nhau đạp xe giáp
vòng các nơi từ Sài Gòn, Chợ Lớn, Gò Vấp qua Bình Dương ...để tảo mộ ông
bà ngoại, bố tôi, con gái và nhà vợ nên đã không còn thời gian ghé thăm dì đâu
khoảng ba năm. Sau đó, anh tôi đến tìm thắp hương cho dì thì được nhà chùa
thông báo lâu quá không có người thân đến thăm viếng, hài cốt dì đã thất lạc
rồi. Anh tôi năn nỉ một chú tiểu trong chùa cố gắng tìm giúp và gởi tiền
cúng dường cho nhà chùa nhưng tìm suốt một ngày vẫn không ra. Không biết anh
con nuôi có mang hài cốt dì gởi ở chùa khác hay là đã thất lạc đúng như nhà
chùa thông báo? Gia đình tôi có hỏi thăm anh con nuôi của dì thì nhận được câu
trả lời là hài cốt đã mất. Mẹ tôi giận quá, đoạn giao với anh kể từ đó.
Mẹ tôi buồn vô hạn về chuyện đó, luôn thầm trách mình đã quá vô
tình với dì. Mẹ thường than nợ dì rất nhiều tiền vì có mượn mà không có trả. Mẹ
khấn với dì sẽ lo chu toàn giỗ cho ông ngoại lớn là cha đẻ của dì. Ba dì mất do
nhổ răng lòi sỉ không cầm được máu lúc dì còn là bào thai mới được ba tháng
tuổi. Hàng năm nhà tôi vẫn cúng giỗ hai ông ngoại chu đáo như nhau. Còn chiều
ba mươi Tết, Mẹ tôi đốt cho dì rất nhiều giấy áo, vàng bạc để dì tiêu xài trong
năm. Mẹ chỉ cho chúng tôi từng loại vàng mã và cách sử dụng chúng đối với người
thân đã mất. Giờ Mẹ bệnh nằm một chỗ, gần đây bắt đầu lẫn, quên rất nhiều
chuyện trước kia. Tôi thay Mẹ đốt vàng mã hàng năm. Bao giờ tôi cũng đốt cho dì
thật nhiều vãng sanh để dì sớm siêu thoát, giấy áo để dì có may y phục mới,
thiên khối để dì trả nợ nần và nhiều vàng bạc khác để dì tiêu xài ở cái thế
giới của mình.
Ai chê cười cũng đành lòng. Tôi có mê tín dị đoan cũng không sao.
Tôi muốn thay Mẹ trả bớt phần nào món nợ mà gia đình tôi đã mượn của dì. Riêng
nợ tình nợ nghĩa thì nếu có kiếp lai sinh, gia đình tôi nguyện sẽ đền đáp cho
dì cho dù có vất vả, đắng cay đến đâu cũng cam lòng.
Còn tâm nguyện tìm lại tro cốt của dì mà Mẹ tôi vẫn canh cánh bên
lòng thì mong dì có linh thiêng hãy chỉ dẫn dì đang ở đâu để gia đình tôi mang
dì về gần với ông bà ngoại và trông nom thờ phụng mãi mãi...
Mẹ ơi! Mong mẹ hãy cố gắng đợi thêm một thời gian
nữa, chờ chúng con tìm được hài cốt dì mang về nhà ta cho Mẹ có thể nở nụ cười
mãn nguyện vì chị em cuối cùng rồi cũng về gần bên nhau. Chúng con xin hứa sẽ
thực hiện tâm nguyện này của Mẹ. Xin Mẹ hãy an tâm, đừng buồn rầu nữa, Mẹ nhé!
Ngày 18/09/2013