Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

CHÁU GÁI TÍ TI



       Tí Ti là tên gọi ở nhà của con gái thứ ba anh trai tôi. Cháu sinh năm 1975, mất năm 1979, một đời người quá là ngắn ngủi... Đó là đứa bé sáng láng, thông minh, lanh lợi và hiểu biết vô cùng dù mới có tí tuổi đầu.
       Mẹ cháu là con gái út nhà khá giả nên không quen sương gió. Gia đình có nhiều ruộng đất nhưng đưa vào hợp tác xã nông nghiệp hết vì không ai làm nổi. Mẹ cháu xin một chân tuyên truyền viên của phong trào vận động người dân vào hợp tác xã nông nghiệp và đi công tác xa nhà mãi đâu tận Trị An. Tất cả ba cháu đều được gởi về nhà nội chăm sóc, cuối tuần ba lại chở về Lái Thiêu thăm bà ngoại và mẹ.
       Tí Ti tối ngày theo chân bà nội, nói bí bô những câu thật đáng yêu của con trẻ. Khi anh tôi đi dạy về, mệt nhoài nằm nghỉ ở võng, cháu biết mang dép ra cho ba thay và mang giày da đi cất. Sau đó vừa quạt vừa hát những bài hát thiếu nhi mà cháu thuộc lòng cho cha nghe để hết mệt nhọc. Mẹ tôi rất thương yêu cháu nội. Buổi trưa rảnh việc, Mẹ hay lôi quần áo cũ ra sửa lại cho các cháu mặc, may những chiếc nón kết xinh xinh, nhỏ nhắn cho từng cháu một. Sáng nào, Mẹ cũng ẵm Tí Ti trên tay, dắt hai cháu lớn hơn đến trường Mẫu Giáo rồi trên đường về mới đi chợ luôn. Trẻ con nhà nghèo ngày ba bữa cơm độn còn chưa đủ no, lấy đâu ra bánh trái... Một lần, Mẹ ghé tiệm tạp hóa mua xị nước tương về chấm rau luộc, Tí Ti nhìn thấy lọ kẹo để trên giá cứ níu tay bà nội chỉ đòi mua. Mẹ tôi không có tiền đành ẵm cháu chạy nhanh ra khỏi tiệm, hai bà cháu đều khóc rấm rức như nhau...
        Thương cháu mình thèm lạt, thỉnh thoảng Mẹ tôi trong lúc đi kiếm cỏ về nuôi thỏ đã xin mận rụng của chủ nhà mang về gọt bỏ những chỗ dập hư, ngâm muối, rửa thật cẩn thận rồi cho các cháu ăn. Lũ trẻ mừng rỡ còn lòng bà thì cũng vui theo... Một lần anh tôi chở các con từ nhà ngoại trở về sau hai ngày ở chơi thăm bà ngoại và mẹ thì tai nạn xảy ra. Lúc đó đã hơn tám giờ tối, đường sá tối thui, bốn cha con đèo nhau trên chiếc xe đạp cà tàng. Còn khoảng hơn cây số nữa là về đến nhà thì Tí Ti làm rơi mất nón, la lên kêu ba lượm lại cho cháu. Quay xe lại tìm ra nón cho con rồi, vừa mới đạp xe đi tiếp thì cháu Tí Ti lại đưa chân vô bánh xe, bị căm nghiến đứt gót chân máu tuôn xối xả. Bà con bên đường thấy vậy cho vải băng tạm vết thương vì giữa đường nên rất xa trạm xá. Khi anh chở các cháu về đến nhà, Mẹ tôi nhìn thấy hỡi ôi, vội nấu nước nóng rửa sát trùng vết thương rồi băng bó lại cho cháu nội. Nhà nghèo quá, không có tiền đưa cháu đi bệnh viện khâu vết thương, Mẹ tôi dùng nước cốt trái tắc và nước nóng để lau rửa và tự băng bó ở nhà cho Tí Ti. khoảng một tháng  sau thì vết thương cháu liền miệng. Trong những ngày bị băng chân, Tí Ti không đi được toàn bò mà thôi. Mỗi lần đi tìm bà nội và gặp được, cháu nói như reo lên: " Bà nội thấy con có giỏi không? Con không đi được thì con lết "....
         Sau khi cháu lành vết thương, mẹ cháu xuống đón mấy chị em về gởi nhà ngoại. Lúc sắp sửa ra về, tìm không thấy Tí Ti đâu cả, mọi người hoảng hốt đổ xô đi tìm. Hóa ra cháu chun xuống gầm giường của bà nội để trốn, còn xua tay bảo anh chị của mình đừng  mách cho mẹ biết. Khi mẹ Tí Ti lôi cháu từ gầm giường ra, cháu khóc nức nở không chịu về nhà bà ngoại, cháu nói trong tiếng khóc tấm tức : " Con không về nhà bà ngoại ở đâu. Về đó chị Khánh ( chị em bạn dì với Tí Ti ) tối ngày đánh con, mắng con là đồ ăn chực và đuổi con về nhà bà nội mày ở đi!"
        Mẹ tôi nghe cháu nói như vậy mà trong lòng vô cùng đau đớn, ôm Tí Ti dỗ dành: " Thôi con về nhà ngoại với mẹ đi. Nhà ngoại làm ruộng có nhiều gạo cho con ăn no". Tí Ti lắc đầu nguầy nguậy, chụp tay mẹ nói: " Vậy mẹ về nhà bà ngoại xúc gạo gởi xuống đây để bà nội nấu cho con ăn. Con không về nhà bà ngoại đâu". Chị dâu tức quá phát vào mông cháu một cái rồi lôi thẳng tuột ra khỏi nhà, mặc tình cho Tí Ti la khóc, ngoái đầu lại cầu cứu với bà nội. Mẹ tôi đứng lặng nhìn theo cháu mà nước mắt tủi cực, xót xa tuôn trào...
        Về nhà ngoại không được bao lâu thì Tí Ti bị sốt cao mấy ngày không khỏi. Anh tôi ra nhà thuốc tây mua cho cháu mấy liều thuốc cảm sốt, cháu uống vẫn không thuyên giảm. Khi anh đưa cháu nhập viện thì bệnh viện huyện theo dõi một ngày rồi chuyển tiếp lên tuyến trên. Tại đây, bác sĩ bảo cháu bị sốt xuất huyết giai đoạn cuối không chữa được nữa. Anh tôi quỳ lạy bác sĩ cứu lấy con gái của mình nhưng bác sĩ bảo họ đã hết cách, khoảng độ nửa giờ nữa là cháu sẽ xuất huyết ngoại, gia đình chuẩn bị tinh thần để lo hậu sự cho cháu. Anh tôi quá tuyệt vọng và hối hận đã vì bận công việc trường mà không theo dõi bệnh tình của con chu đáo, anh đập đầu vào cây cột trước hành lang bệnh viện khóc nức nở... Nửa giờ sau, Tí Ti hộc máu tươi ướt đẫm ngực áo của ba rồi lịm dần, từ giã cõi đời , mãi mãi không còn được nhìn thấy bà nội mà cháu rất mực yêu thương nữa, bỏ lại sau lưng tiếng gào thét điên loạn của người cha và cả tiếng nấc nghẹn ngào của người mẹ đang từ từ đổ sụp xuống đất...
        Ti Ti mất đúng ngày Thiếu Nhi 01/6/1979. Lúc đó, trường tôi kết hợp với Xã Đoàn đang tổ chức cắm trại cho học sinh. Cháu mất lúc gần 11 giờ trưa. Thần giao cách cảm hay máu mủ chạm lòng mà  nơi cách xa hàng mấy trăm cây số, tôi nghe trong lòng bồn chồn, khó chịu suốt buổi sáng hôm đó, cắt đứt cả ngón tay trỏ khi phụ chị nuôi thái bầu nấu canh. Ngày tôi nghỉ hè, về đến nhà nghe Mẹ kể chuyện về cháu chưa hết bàng hoàng thì anh tôi đi trực về, mắt ráo hoảnh, anh nói với tôi:" Anh bỏ cháu Tí Ti rồi!"...
           Cháu mất lâu rồi mà bà nội vẫn còn thương nhớ đứa cháu ngoan hiền, hiếu thảo. Thỉnh thoảng, Mẹ tôi vẫn nhắc lại có một lần ăn cơm, Mẹ chia cho cho mỗi người lưng tô cơm, chỉ anh tôi là được đầy hơn vì anh cần có sức để đi làm. Tí Ti ăn ngoan, nhanh gọn một mình không cần ai đút. Ăn xong, cháu chìa tô xin bà nội cho thêm. Anh tôi thấy vậy vội sớt bớt tô cơm mình đang ăn dở cho con gái một nửa. Dường như Tí Ti hiểu hay sao bỗng nhiên nói con no rồi, không ăn nữa đâu rồi bỏ lên nhà trên, mắc võng nằm. Bà nội và ba đi theo lên, bảo cách mấy cháu cũng nhất định không chịu ăn thêm, giả vờ nhắm mắt nói :" Bà nội và ba đi chỗ khác cho con ngủ. Con buồn ngủ lắm rồi!"...
         " Ôi! Cháu gái Tí Ti tội nghiệp!". Ba mươi bốn năm trước cô đã thầm thốt lên câu này khi ba cháu báo tin cháu đã mất. Bây giờ, cô lại viết ra dòng chữ này với nỗi đau chưa bao giờ phai nhạt trong lòng...
                                                            Ngày 26/10/2013
                                                                                                          
        


     

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

LAN TRÚC




Khóm Lan Trúc vừa nở hoa vào sáng nay_ 25/10/2013

      Lan Trúc là tên tôi tự đặt cho loài hoa này vì thấy thân nó giống như cành trúc. Đây là một loại Lan dễ trồng, không tốn nhiều công sức chăm sóc như các giống Lan khác. Ta chỉ cần trồng một lần trong cái chậu khá to để nó nảy con sau này, không cần phải trồng lại hàng năm như các loài khác. Lan Vũ nữ cũng có đặc tính giống như vậy.
      Lan Trúc thích nắng, không nên để trong chỗ râm vì càng mát, lá càng xanh tốt mà chậm ra hoa. Chu kỳ nở hoa của Lan Trúc khoảng hai tháng. Khi hoa bắt đầu nở rồi là cứ thế nở đúng chu kỳ dù ta có chăm sóc cho nó hay không? Về mùa mưa, Lan Trúc đầy đủ nước, nhất là nước mưa có nhiều khoáng chất, hoa sẽ nhiều và cũng to hơn bình thường. Hoa nở vào buổi sáng sớm, tỏa ra một hương thơm ngào ngạt không thua kém gì Dạ lý hương, hơn cả hoa Nguyệt quế rất nhiều. Hoa Lan nhà tôi duy nhất Lan Trúc là có hương thơm. Nó nở hoa một ngày rồi tàn và mùi thơm cũng chỉ lan tỏa trong không gian trong sạch, tinh khiết vào buổi sáng tinh mơ mà thôi. Kiếp hoa và kiếp hồng nhan nào có khác chi nhau?

Một chậu Lan Trúc nở ngày 25/10/2013

       Mùa nắng nên tưới cho Lan Trúc vì nó chủ yếu sống nhờ nước. Không cần tưới mỗi ngày cũng không sao vì sức sống của loài hoa này rất mãnh liệt. Lâu lâu cho nó một ít nước vo gạo để có thêm vitamin B1, một chất mà hoa Lan rất ưa. Hai tháng một lần cho chừng năm sáu hạt Vimax 333 vào gốc thì Lan Trúc càng nở đẹp hơn. Tương tự các giống hoa Lan khác cũng chăm bón giống như vậy. Khi cho phân xong nhớ tưới thường hơn để không nóng gốc cây. Đừng cho phân nhiều quá sẽ làm cho cây cháy lá, có khi lụn luôn đó. Muốn cho lá được xanh mướt, ta có thể mua thêm loại phân chuyên cho việc làm xanh lá, pha với nước rồi dùng bình xịt vào thân và lá cây, sau nửa tiếng sẽ thấy tác dụng ngay.
        Trồng Lan ngoài việc chăm sóc bình thường như tất cả các loại cây khác, Lan còn cần ở chủ nhân sự nâng niu, trìu mến. Giữa người và Lan gắn bó với nhau bằng một tình bạn tri âm không khác gì giữa con người với nhau.

Lan Trúc nở sáng ngày 25/10/2013



        Nếu bạn thật sự yêu thích loài hoa này, hãy trồng thử đi! Bạn sẽ cảm thấy như thế nào là thú vui tao nhã, niềm hạnh phúc giản dị, sự thanh thản kỳ lạ và cảm xúc sảng khoái nhẹ nhàng khi nhìn thấy mọc ra từ kẽ lá một chồi hoa be bé, xanh mướt vào một buổi bình minh nào đó... 
                                                                        Ngày 25/10/2013
                                                                 




            

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

CON HEO MỌI CỦA MẸ



        Tháng giêng năm 1975, khi một số tỉnh nằm ở cửa ngõ vào Sài Gòn được giải phóng, những người dân vùng lân cận sợ chiến tranh xảy ra đã rủ nhau đổ về Sài Gòn để tránh bom đạn vô tình. Họ mang theo một số tài sản có giá trị, bao gồm cả gà vịt, heo chó. Nơi sinh sống không ổn định, những con vật đó nhanh chóng được bán đi với giá rẻ. Nhờ vậy Mẹ tôi mua được một con heo mọi bằng bắp chân người lớn về nuôi. Đó là con heo đầu tiên của gia đình tôi.
        Heo mọi thật tinh khôn và dễ nuôi vô cùng. Không cần phải làm chuồng vì nó luôn quấn quýt bên chân người như con chó nhỏ. Đặc biệt nó đeo bám Mẹ tôi, tối ngày lúc thúc đi theo chân Mẹ. Nó ngủ trưa ngay dưới võng Mẹ nằm còn ban đêm thì ngủ trong nhà bếp. Sáng sớm, Mẹ trở dậy nấu nước, Mọi đã thức theo và kêu in ỉn đòi ăn. Mẹ tập cho Mọi ăn đủ mọi thứ, ngoài thân chuối băm nát trộn cơm với cám nó còn ăn cả mận rụng, rau cải dạt ra của các bà hàng bông ngoài chợ... Mọi lớn nhanh, bụng bắt đầu xệ, đi núc na núc ních trông rất buồn cười. Tôi khoái ghẹo Mọi, khi thì nhéo tai, khi thì xoa cái bụng chang bang của nó.
       Nhà tôi nghèo, người còn không có cái ăn nên Mọi cũng khổ lây. Mẹ tôi coi Mọi như con nên mỗi bữa ăn luôn chừa cho nó ít nước rau muống luộc, chỉ có vậy mà Mọi cũng húp rồn rột, cạn không còn lấy một giọt trong cái thố sành đựng thức ăn của nó.
       Nếu cuộc đời mọi cái đều suôn sẻ thì Mọi không gặp bất hạnh. Trong suốt ba tháng anh chị tôi không có lương, đồ đạc trong nhà đội nón ra đi đã đành mà ngay cả Mọi cũng bị nhắm đến. Mẹ tôi không có ý định bán Mọi vì nó hãy còn nhỏ, phần Mẹ nuôi cũng đã mến tay mến chân nên chưa nỡ xa nó. Nhưng dì Sáu, một người khá giả trong ấp, mối mua đồ cũ nhà tôi lúc bấy giờ thì khoái Mọi lắm. Bà cứ kèo nài Mẹ bán Mọi cho mình, còn nói cỡ này quay ăn mới ngon. Lần nào Mẹ tôi cũng làm thinh, không chú ý đến lời của cái người mua đồ trả giá rẻ mạt, giàu mà bủn xỉn, o ép người đang trong hoàn cảnh ngặt nghèo.
       Trong một lần ghé nhà mua mấy tấm nệm gòn của bà ngoại nằm khi xưa, dì Sáu lại thúc giục Mẹ bán Mọi. Qua hôm sau, tự nhiên Mọi biếng ăn, nằm buồn so một góc nhà. Mẹ tôi cho Mọi uống thuốc cảm vẫn không khỏi đành bảo tôi đến nhà dì Sáu kêu bán Mọi. Tôi còn nhớ thái độ khinh khỉnh của bà khi hỏi tôi :" Sao? Má mày chịu bán rồi hả?". Một cách cư xử đáng ghét của người giàu của cải mà lại nghèo lòng nhân ái.
       Đủng đỉnh qua hôm sau, dì Sáu trong lúc đi chợ về mới chịu ghé vào nhà tôi để ngã giá mua Mọi. Khi biết Mọi bỏ ăn, dì Sáu nói không mua nữa, Mẹ tôi bấm bụng năn nỉ bà mua giùm và đương nhiên số tiền Mẹ tôi nhận được không có là bao nhiêu. Sau đó, Mọi được mang đi trong sự buồn bã, ngoài ý muốn của nhà tôi. Mọi cũng vậy, nó mệt quá nên không rên la nổi mà chỉ nhìn chúng tôi với đôi mắt vừa buồn vừa tuyệt vọng...
       Mẹ tôi buồn lắm mà không dám nói ra. Sau này chỉ dặn chúng tôi đừng bao giờ hỏi mua những con vật người khác đang nuôi nếu như chủ nó không có ý định bán vì như vậy vô tình làm hại người ta, đó là điềm xui, điều tối kỵ trong chăn nuôi. Vài năm sau, người bạn dạy chung trường với anh tôi có bầy heo phá bầy, thương nên để cho anh tôi bắt một cặp về nuôi đến chừng nào bán thịt mới trả tiền mua heo con. Mẹ tôi nuôi mãi mà heo vẫn bị đẹt, con nhỏ con lớn không đều nhau, cuối cùng bán lỗ tiền cám cho xong. Khi nghe Mẹ tôi kể về Mọi, bà mua heo bảo có khi nào nài mua heo hoài mà nhà tôi không chịu bán nên họ chơi ác, búng vào lỗ tai Mọi mấy hạt đậu xanh khiến nó khó chịu mà bị như thế không? 
       Lẽ nào là như vậy? Cầu mong đừng phải như vậy? Ôi! Mọi ơi! Khổ thân mày quá!
       Bà mua heo mấy ngày sau ghé nhà cho Mẹ tôi một chai mỡ heo quay khoảng một lít. Chắc là bà mua heo nhà tôi về quay bán rồi nên mới có thứ mỡ đó. Lúc đó, cả nhà tôi ai cũng mừng rỡ vì bữa nào cũng rưới chút mỡ heo quay lên tô cơm nóng, rắc thêm chút muối trắng vào nữa là có được một bữa ăn ngon lành, không cần phải có thức ăn.
                                                               Ngày 24/10/2013
                                                                                                             
     
   

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

NỤ CƯỜI MỘT THỜI CỦA MẸ




Hoa Lan trong vườn nhà

       Mẹ tôi có nụ cười rất đẹp, rất duyên. Ai tiếp xúc với Mẹ cũng bảo thế. Vậy mà có một thời tôi đã khóc thầm vì nụ cười của Mẹ...
       Năm 1978, tôi ra trường đi dạy học ở một huyện miền núi cách nhà hơn 200 cây số. Mỗi năm tôi chỉ có thể về thăm nhà hai lần vào dịp nghỉ hè và Tết. Một phần vì đi lại phải xin nghỉ mất cả tuần lễ, không có ai dạy thay và quan trọng hơn là không có tiền lộ phí. Một năm, tôi dành dụm giỏi lắm cũng chỉ đủ mua quà Tết về nhà và vài thùng gạo, tiền góp ăn chung với gia đình trong hai tháng rưỡi nghỉ hè. Anh tôi là kinh tế chính trong gia đình, vừa nuôi vợ con vừa nuôi mẹ già và hai đứa em đang còn ăn học. Thấy anh vất vả kiếm việc làm thêm, lúc bán bánh tráng khoai ở cổng trường cách nhà gần hai chục cây số, lúc bán tập vở bút viết cho học sinh trong trường đang dạy, ra nhà phụ bạn đồng nghiệp dạy chung trường làm ruộng để được chia gạo về ăn... nên Mẹ cũng kiếm việc làm thêm.
        Cạnh nhà có anh Bảy kéo vỏ xe, một cơ sở tạo không ít công việc làm cho bà con nghèo trong xóm. Anh tìm mua vỏ xe máy cày, xe tải về cắt bỏ lớp nhựa bên ngoài, rút những sợi cước bên trong mang tuốt sạch nhựa, tái chế ra vỏ ruột xe đạp, xe honda mới xài rất bền. Bà con trong xóm đến nhà anh xin nhận những cọng mủ vỏ xe còn dính chỉ cước trong đó về xé với giá hai mươi lăm xu một kí lô. Mỗi nhà chia nhau mỗi ngày năm, bảy kí lô để kiếm thêm mấy đồng tiền còi cọc. Mẹ tôi không phải bà con thân thuộc, không quen thân với gia đình anh Bảy nên anh cho nhận những cọng nhựa nằm sát cạnh vành bánh xe nên chỉ đã ngắn, nhựa bọc bên ngoài lại dày và cứng vô cùng. Tướt một cọng nhựa được có chừng năm, bảy sợi chỉ mất cả mười phút mà làm không khéo là kim đâm chảy máu tay. Nghỉ hè, tôi từng làm phụ Mẹ nên biết sự vất vả, nguy hiểm như thế nào khi làm công việc này. Một lần thằng cháu trai nhà tôi về thăm bà nội, không quen làm, cố sức kéo mạnh cọng chỉ, quá đà kim đâm trúng mắt phải đi bệnh viện cấp cứu.
       Hè năm 1979, trong lúc hai mẹ con ngồi ngoài hàng ba tước chỉ, Mẹ mới kể cho tôi nghe một chuyện đau lòng. Mẹ kể với gương mặt bình thản vì chuyện xảy ra cách đó vài tháng, lúc tôi đi dạy xa nhà. Mẹ nói chiều đó em gái tôi mang số chỉ sợi và những mụn cao su vụn ra khi xé chỉ qua nhà anh Bảy giao lại cho chủ. Sau khi cân xong, trừ hao hụt bụi bặm rơi ra khi xé chỉ, anh Bảy không nhập số lượng làm được trong ngày vào sổ để cuối tuần cộng lại trả công luôn một thể như mọi ngày mà nói em gái về nhà kêu Mẹ tôi qua anh nói chuyện. Nghe em về báo, Mẹ lật đật chạy sang, trong lòng thắc mắc không biết có chuyện gì? Anh Bảy nhìn Mẹ tôi với ánh mắt dò xét, hỏi có để lộn ở đâu hay không mà số lượng chỉ mủ nhà tôi giao lại mất đi khoảng nửa kí lô. Mẹ tôi tái mặt trả lời không có giữ lại, lãnh bao nhiêu làm xong nhà tôi mang giao hết. Anh Bảy tỏ ý giận dữ, bảo Mẹ tôi tiếp tục về kiếm cho ra số thất thoát đó, không cho nhận hàng về làm tiếp nữa...
        Mẹ tôi thất thểu ra về, lòng tủi cực vô cùng vì ám ảnh bởi ánh mắt nghi ngờ, khó chịu của anh Bảy, sự xói mói của đám công thợ làm việc tại nhà anh. Về nhà, Mẹ và em gái tìm khắp nơi mà không ra, buồn bực Mẹ bỏ cả cơm chiều. Đêm đó, Mẹ tôi gần như thức trắng vì nỗi hàm oan, đau đớn. Gia đình tôi tuy nghèo nhưng tự hào chưa từng tham lam lấy của ai một cây kim, cọng chỉ nào. Mẹ khóc đỏ cả mắt vì số phận trêu ngươi đến thế là cùng... Sáng sớm hôm sau, thằng em trai tôi đi cạy củi xe be về, xách tòn teng một túi chỉ nhựa đã xé xong về nhà. Mẹ tôi hỏi cái này đâu ra, em trai nói con thấy Mẹ nhận mủ sợi về xé có nhiều cọng cứng quá, sợ Mẹ sức yếu xé không nổi nên con lấy giấu đi rồi mang ra bãi đổ xe be, trong lúc chờ xe về con tranh thủ tướt giùm cho Mẹ. 
        Mẹ tôi không biết nói gì, nước mắt ứa ra trong nỗi tủi mừng khôn xiết. Em trai sau khi nghe Mẹ kể lại chuyện, vội mang số mủ nhựa đó qua nhà anh Bảy giao thêm, nhận lỗi vì đã để xảy ra việc hiểu lầm đáng tiếc trên. Anh Bảy cân lại cũng vừa với số đã thất thoát, ghi sổ rồi cho em trai tôi nhận hàng mới về làm. Về sau, chị Bảy mỗi lúc giao hàng cho nhà tôi đều chọn những cọng chỉ tương đối dễ làm hơn và cũng bắt đầu đối xử tốt hơn với Mẹ tôi. Sau này, các con của anh chị Bảy đều là học sinh của anh trai tôi và cả tôi nữa. Chính tôi đã kèm lại môn Toán lớp Năm cho con gái út và một đứa cháu gái nhà anh chị Bảy khi hai cháu thi rớt đợt đầu tuyển sinh lên lớp Sáu và các cháu đã đỗ vào đợt tuyển sinh lần thứ hai với điểm Toán rất cao. Từ đó, gia đình họ mới tỏ ra quý trọng chúng tôi hơn.
         Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ mãi nụ cười của Mẹ khi kể lại câu chuyện trên. Một nụ cười cam chịu, chua xót, bẽn lẽn, tủi hổ vì cái thân phận nghèo khó của mình... Có một người bạn khá thân trên blogspot không đồng ý tôi nghĩ về nụ cười của Mẹ như vậy, muốn được bổ sung  đó là nụ cười VỊ THA của một người " NGHÈO mà không HÈN " đối với cuộc đời và con người. Mong mọi người vui lòng cho tôi được bổ sung điều đó vào bài viết này nhé!
        Đáng buồn thay người nghèo luôn bị những kẻ giàu sang coi thường, hiểu nhầm, nghi kỵ, mặc dù họ không hề phạm tội mà có khi còn sống tốt đẹp, lương thiện hơn nhiều người khác gấp bao nhiêu lần!
                                                                                Ngày 22/10/2013
     
Ghi chú: Đoạn văn khác màu là vừa mới bổ sung vào ngày 23/10/2013, theo đề nghị của blogger huongphan.



Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

MẸ CON TA





              Con yêu Mẹ, bởi Mẹ là duy nhất,
          trên đời này hy sinh hết cho con.
          Nhà dột, mưa dầm để trẻ ngủ ngon,
          Mẹ thao thức lấy thân mình che chở.

          Mẹ đẹp nhất bởi mẹ là muôn thuở,

          rất dịu dàng, nhẫn nhục để nuôi con.
          Trẻ lớn khôn, ngược lại Mẹ hao mòn
          Như trái chín, lá vàng treo trước gió.

          Mẹ dạy con rất thầm thì, nho nhỏ,

          Sợ xóm giềng nghe thấy hổ ngươi con,
          Lời Mẹ dạy thấm sâu vào tận ngọn,
          rồi lan ra cội rễ những suy tư.

          Con của Mẹ chẳng tốt cũng không hư,

          Vì có Mẹ làm vầng dương dẫn lối.
          Con thương mẹ chưa bao giờ dối tội,
          để được Mẹ hiền nhỏ nhẹ khuyên răn.

           Con làm chòm sao, Mẹ hãy làm trăng!

           Bên nhau mãi giữa thiên hà bất tận...
           Đêm đêm giữa bầu trời bao số phận,
           Mẹ con mình chia sẻ với nhân gian.

           Mẹ và con không sợ những gian nan,
           Bao nghịch cảnh, đắng cay và tủi cực.
           Dù vinh, nhục vẫn bền gan một mực,
           Mẹ ở nơi nào, chốn ấy nhà con!
                                                    Ngày 21/10/2013


          

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

" BÔNG HOA BÌNH YÊN "



"Bông hoa bình yên" _Ảnh tải trên Net


          Mẹ ơi! Xem nè, đẹp không hở Mẹ?

          Con tặng người bông cỏ dại ngoài kia!
          Nụ trắng tinh, vươn nở dẫu bên rìa
          lối đi nhỏ, hoa khoe mình e ấp...

          Trong cuộc sống có những điều bé thấp

          Lại tiềm tàng nét đẹp rất đơn sơ
          Hàm chứa biết bao suối nhạc, vườn thơ
          Vẻ hoa lệ làm sao ai sánh được?

          Con tặng Mẹ với một niềm mong ước,

          "Bông bình yên" giúp Mẹ sống thật vui
          Không buồn lo, cũng chẳng phải bùi ngùi
          Chặng đường cuối thật bình tâm, thanh thản.

           Mẹ ơi, Mẹ hãy cười lên đừng nản !

           Có một ngày sẽ lại được như xưa.
           Quanh ngọn đèn dầu vào một chiều mưa,
           Con kể chuyện cả nhà nghe mê tít.

           "Bông bình yên", con vô cùng yêu thích,

           Ngắm mỗi lần lối nhỏ vẫn thường qua.
           Con tặng Mẹ, đâu chỉ một loài hoa,
           Mà có cả ý tình con trong đó!
                                                      Ngày 20/10/2013
       
       

       

       
       
       
   
       
       

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

DÌ TÔI



         Câu chuyện này tôi kể về cuộc đời của dì Hai tôi, chỉ một phần nhỏ thôi mà tôi biết được qua lời kể lại của Mẹ và những gì sau này tôi chứng kiến.
        Dì là con riêng của bà ngoại tôi. Lúc dì là cái bào thai ba tháng tuổi thì ông ngoại lớn mất vì nhổ răng lòi sỉ không cầm được máu. Ông ngoại tôi là trai tân, tha phương cầu thực gặp và cảm thương người đàn bà góa bụa khi còn quá trẻ, một nách con thơ lại đẹp người đẹp nết nên gá nghĩa vợ chồng. Ông ngoại tôi thương dì như con ruột, khi dì được mười lăm tuổi thì cho đi học thêu để có một cái nghề tự nuôi thân. Dì sáng dạ, học đâu biết đó, thêu rất giỏi so với bạn bè. Năm dì mười sáu tuổi, dượng tôi ngày nào cũng nhìn thấy ông ngoại và dì đi ngang cửa hiệu thêu dù của gia đình nên chú ý hai người, đặc biệt là dì tôi, một cô gái xinh đẹp, phúc hậu.
        Dì lấy chồng năm mười sáu tuổi, cái tuổi còn rất ngây thơ vụng dại. Dì kể ngày mới về nhà chồng, đêm nào dì cũng ngủ với mẹ chồng mặc cho dượng tôi năn nỉ ngủ chung thế nào cũng không được. Sau đó, biết dì thích ăn xoài cát, dượng mua một quả xoài chín thật to và ngon, theo dụ mãi dì mới chịu ngủ chung nhưng nằm cách dượng một khoảng xa, nhất định không cho dượng đụng vào người. Dượng nghĩ mãi để tìm mưu kế, sau đó giả tiếng mèo kêu ban đêm khiến dì sợ quá mới lăn sát vào nằm cạnh dượng...
       Dì chỉ có với dượng một người con gái độc nhất là chị Diệc Lành. Có lẽ do hạp tuổi cộng thêm dì thêu khéo mà từ một cửa hiệu thêu dù nhỏ, gia đình chồng làm ăn phát đạt, trở nên giàu có nổi tiếng một vùng. Về sau, dượng thôi không theo nghề thêu dù nữa, ra mở hiệu kiếng ở Chợ Lớn, làm ăn ngày càng phát đạt. Cửa hiệu của dượng có hàng chục thợ làm công, chuyên cắt kiếng gắn các biệt thự, cửa hàng, khách sạn... Ba tôi có một dạo về làm ở cửa hiệu này của dượng, đó là lúc bà ngoại và Mẹ tôi ở phụ việc nhà cho chị Diệc Lành.
      Dượng tôi do không có con trai nối dõi nên cưới thêm ba người vợ nữa sau dì tôi. Người thứ hai cưới từ bên Tàu qua, ở cùng nhà với dì dượng tôi tại cửa hiệu kiếng. Dì hai nhỏ không có con nên xin một cô con gái nuôi đặt tên là Ngò. Ngày theo dượng tôi qua Việt Nam, gia đình bên đó sợ dì tôi là vợ lớn sẽ hiếp đáp dì nên có xin cho dì một lá bùa hộ thân. Sau này sống chung nhiều năm với nhau, nhận thấy dì tôi hiền lành, đức độ dì ấy mới đốt bỏ lá bùa kia đi và kể lại chuyện đó cho dì tôi nghe. Dượng tôi còn có hai người vợ sau nữa nhưng đều không có con. Vợ lẻ thứ ba của dượng không nghe nhắc đến, chỉ có người thứ tư do ngoại tình với một bác sĩ, dượng tôi bắt gặp quả tang, bỏ hẳn và lấy lại hết cơ ngơi đã tạo lập cho dì ấy.
      Về sau, ba tôi có giới thiệu cho dì Hai một đứa bé người miền Bắc, khoảng chừng hai ba tuổi để nhận làm con nuôi. Ban đầu người cha nói do bệnh lao phổi, không nuôi nổi nên tìm người cho con không lấy một khoản tiền nào cả. Khi biết dì tôi giàu có thì ông thay đổi ý định, đòi một khoản tiến lớn chữa bệnh và tìm một chỗ cố định để bán hàng kiếm sống thay vì đi bán phở dạo như trước kia. Nuôi anh Mừng được một tuần, dì tôi đã mến tay mến chân nên chấp thuận theo yêu cầu của người đàn ông đó.
       Anh Mừng càng lớn càng có điệu bộ và tính khí giống ba tôi, họ ngoại ai cũng nghi ngờ đó là con riêng của ba. Anh được dì cho theo học ở trường Tabert, một trường Tây nổi tiếng chỉ có con nhà giàu mới đủ tiền theo học. Anh không chịu chuyên tâm học hành, lại ăn cắp tiền trong cửa hiệu của dượng  bao bạn bè ăn chơi, hút xách, nhảy đầm... Anh bị đuổi học nửa chừng, bắt đầu ăn chơi trác táng kể từ đó.
       Vào những năm 1960, anh đã có xe Vespa để đi tán gái. Một lần cùng chúng bạn đi Vũng Tàu chơi, anh đụng ai ngoài đó đã lấy xe bắt đền cho khỏi phải ra cò bót giải quyết thêm rắc rối. Anh còn cả gan đi đến các chỗ mà  cửa hiệu của dượng đang gắn kiếng xưng là con ông chủ để lấy tiền trước. Dượng tôi giận lắm, không công nhận anh là con nuôi chung của dì dượng mà chỉ của riêng dì tôi mà thôi. Sau đó, dượng phân chia tài sản cho dì tôi và má chị Ngò, còn lại bao nhiêu lập di chúc giao cho đứa cháu gọi bằng bác ruột thừa hưởng. Tất cả tài sản dượng chia cho, dì tôi lần lượt bán đi để trả nợ cho việc anh ăn chơi hoang đàng mà ra. Có lẽ vì vậy mà vợ chồng chị Diệc Lành không ưa gia đình tôi, vô cùng ghét ba tôi.
       Mấy năm sau, dượng tôi bệnh qua đời. Không quản lý được thái độ ngang tàng, tùy tiện lấy tiền trong cửa hiệu xài riêng, má chị Ngò buộc lòng đề nghị dì Hai tôi chia đôi cửa tiệm. Không đủ tiền để thối lại cho má chị Ngò ra đi, cũng không thể giao cho anh Mừng làm ăn, quản lý cửa hiệu, tài sản cả một đời của dượng để lại, dì đành lấy nửa phần tài sản của mình rồi mua nhà khác ở. Lúc này, anh tôi ra trường đi dạy quá xa nhà, mẹ tôi xin dì một chiếc xe honda cho anh tôi làm chân đi lại. Dì đồng ý nhưng phải nhắn anh Mừng mang số tiền ba mươi ngàn đồng lên đưa cho anh trai tôi vì tiền chia cửa hiệu dì đưa hết cho anh quản lý. Nhìn thái độ kẻ cả, xấc xược của anh khi cho tiền, dì Hai sợ Mẹ tôi tủi thân đã nói riêng chắc chị phải rút kinh nghiệm, lần sau không giao hết tiền bạc cho nó giữ nữa. Dì đã làm đúng như vậy nên khi bán nhà đất ở Lái Thiêu, dì Hai mới có tiền cho mẹ tôi đến hai lần để mua nhà. Chắc anh Mừng bực chuyện đó nên sau này thay đổi thái độ khiến dì tôi phòng xa mới có ý định sẽ theo gia đình tôi sống lúc tuổi già.
       Dượng mất, bà ngoại mất rồi ba tôi mất chỉ trong vòng có hai ba năm. Chị Diệc Lành chắc là buồn giận dì tôi nên đã theo chồng sang Pháp định cư vào năm 1970, sau ngày ba tôi mất mấy tháng. Trước khi đi, chồng chị Diệc Lành lái xe Jeep tới nhà chở Mẹ và mấy anh chị em tôi xuống nhà anh, soạn cho rất nhiều đồ đạc trong nhà, toàn là đồ tốt mà gia đình tôi còn xài đến tận bây giờ. Bởi vậy các con của cậu dì tôi mỗi lần ghé thăm Mẹ tôi đều bảo nhà dì Bảy (cô Bảy) là cái bảo tàng viện chứa đồ cổ của đại gia đình bên ngoại. Lần đó, trên đường đi, anh Bảy ghé vào một tiệm mì hoành thánh của người Hoa bên đường chiêu đãi cho gia đình tôi một bữa ăn cuối cùng, cũng những tô hoành thánh thơm ngon giống như  ngày trước khi lên thăm nhà ngoại, anh vẫn thường hay chở cả nhà lên chợ Lái Thiêu ăn uống. Sang đó mấy năm, vợ chồng anh có gởi về cho mẹ tôi một số tiền kha khá, gởi qua địa chỉ nhà cậu tôi mà không thấy gởi cho Dì Hai. Từ ngày rời Việt Nam, tính đến nay đã sáu mươi ba năm mà anh chị chưa một lần về thăm quê hương. Ngày dì Hai tôi mất không biết gia đình bên đó có nhận được tin tức hay không? Có ai báo tin cho biết hay không mà không thấy anh chị và các cháu về để tang cho dì? Bây giờ, có lẽ dì tôi đã gặp lại vợ chồng con gái mình sau bao nhiêu năm trời xa cách. Họ có trách hờn gì nhau không hay chỉ cùng nhau nghiền ngẫm cái duyên, cái mệnh của một kiếp người ?    
      Tôi biết Mẹ trong lòng vẫn còn trĩu nặng vì nhớ thương dì Hai. Nỗi ray rức lớn nhất trong lòng Mẹ là để thất lạc hài cốt của dì. Lúc đó nhà tôi khó khăn quá, phương tiện đi lại chỉ là chiếc xe đạp cà tàng, vỏ ruột hư mòn phải chằng rịt thêm bằng dây thun ra bên ngoài. Anh Mừng lại gởi cốt dì ở một ngôi chùa hẻo lánh mãi tuốt trên đập thủy điện Trị An. Anh tôi nghỉ tết muộn, đạp xe lòng vòng cùng với em trai tôi đi tảo mộ khắp nơi không xiết, lại chủ quan nghĩ chắc anh Mừng sẽ đi thăm dì, nào ngờ đã để mất dì mãi mãi...
       Tôi thương dì số khổ. Một lần đi cùng Mẹ xuống thăm dì, tôi vào bếp phụ dì nhặt rau, chuẩn bị bữa cơm trưa. Nhìn thấy vợ anh Mừng cùng mẹ ruột, em trai ngồi coi phim ngoài phòng khách, tôi hỏi sao dì không kêu chị Mừng phụ giúp? Dì cười hiền lành bảo họ người xứ Quảng không biết nấu ăn theo khẩu vị của mình, vào đây không phụ được gì còn làm vướng chân thêm bực. Dì tôi nói cũng phải bởi vì dì nấu các món ăn rất ngon, kể cả món Việt và món Tàu. Cơm trưa xong, tôi giúp dì rửa chén. Dì vui lắm, lúc Mẹ và tôi chào ra về còn nói sẽ thu xếp để về ở với gia đình chúng tôi một ngày gần đây.
       Chưa kịp thực hiện được ước nguyện cuối đời thì dì đột ngột ra đi, đám tang tổ chức gấp rút, hỏa táng chứ không chôn cất như ba tôi dù thời đó chôn cất vẫn là phổ biến nhất. Giỗ dì vào ngày mùng một tháng sáu âm lịch. Chắc cũng chỉ còn mỗi gia đình tôi làm đám giỗ dì mà thôi! Ngày đó, gia đình tôi làm mâm cơm chay đơn sơ để tưởng nhớ dì, tri ân dì đã cưu mang chúng tôi suốt bao năm trời.
       Bây giờ, mỗi lần nhớ dì, Mẹ tôi buồn bã nhắc lại một lần ghé thăm nghe dì nói thèm bánh bao quá! Mẹ tôi ra về trong nước mắt vì không có tiền đủ để mua cho dì một cái bánh bao... Lần sau, Mẹ tôi mua xuống cho dì một cái và cũng chỉ dám đưa lén vì không có tiền bao cả nhà. Và đó cũng là lần sau cuối mẹ tôi được gặp mặt dì vì ngày dì chết, anh Mừng cố tình không thông báo cho bên nhà ngoại biết nên khi mẹ tôi nghe được thông tin, xuống đến nơi thì người ta đã tẫn liệm dì xong xuôi rồi...
       Tôi biết dì là một người hiền lành, tốt bụng, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Số mệnh dì khổ có lẽ do nghiệp báo từ tiền kiếp. Tôi chỉ mong dì linh thiêng mách bảo cho gia đình tôi biết bây giờ dì đang ở đâu để đón dì về thờ chung với ông bà ngoại và ba tôi cho Mẹ tôi cuối đời được thanh thản, không phải nhớ thương và ân hận trong lòng...
                                                Ngày 19/10/2013

                                  
                                                                                    

     

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

HOA LAN TRONG VƯỜN


















                                                                                                   Ngày 17/10/2013


Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

TÔI ĐI HỌC (3)




       Những ngày cuối cùng năm tôi học lớp 12, tình hình chiến sự trong nước rất căng thẳng. Tôi thì vẫn ngu ngơ không biết gì hết mà anh tôi cũng vậy. Anh tôi vừa có con đầu lòng, anh mở một trương mục tiết kiệm cho con mỗi tháng là một ngàn đồng, dự định sau này lo cho cháu học lên đại học và sau đại học. Thương em, anh cũng cho tôi một ngàn đồng bảo tự ra Ngân hàng Việt Nam Thương Tín có chi nhánh ở Bà Chiểu mở một trương mục " Gà ấp trứng vàng ", số tiền đó sẽ để lo hôn nhân sau này của tôi vì anh sợ đến lúc đó nặng gánh gia đình khó bề lo nổi cho em. Khi tôi mang tiền ra gởi tháng thứ hai, anh giao dịch viên ngần ngừ chỉ cho tôi thấy nhiều người tất bật lên xuống cầu thang rồi nói : " Người ta đang ùn ùn rút tiền ra. Em gởi vào làm gì, mang về nhà tiêu xài đi !" Tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao người ta lại rút tiền nhiều như vậy? Nghĩ anh cho tiền mà không gởi vào ngân hàng sẽ bị la nên cương quyết nói với anh giao dịch viên điều mình nghĩ và nộp tiền cho anh. Trước vẻ bướng bỉnh, cương quyết của tôi, anh lắc đầu rồi lập thủ tục gởi tiền cho tôi tháng thứ hai. Sau này, vào ngày Nhà nước đổi tiền vào năm 1975, tôi mang sổ tiết kiệm của mình ra để đổi thì không ai nhận, bảo đó thuộc về chế độ cũ, họ không thể giải quyết. Tôi tiếc hai ngàn đồng của mình đứt ruột, giữ quyển số làm kỷ niệm mãi đến nhiều năm sau mới đốt đi.
      Cùng thời điểm đó, anh tôi chậm lương nên Mẹ cũng không cho tôi tiền xe để đi học. Tôi chỉ còn vỏn vẹn bốn mươi đồng, vừa đủ cho một ngày xe với hai lượt đi về. Tôi cân nhắc rồi quyết định nghỉ học ngày thứ bảy, để dành số tiền đó đi học vào ngày thứ hai đầu tuần vì ngày đó có nhiều môn học quan trọng hơn. Đó là một quyết định sai lầm vì sau đó Sài Gòn được giải phóng, tôi mất đi buổi học cuối cùng của cuộc đời học sinh tươi đẹp, đáng nhớ nhất. Sau đó khoảng một tháng, khi mọi việc tiếp quản đô thành Sài Gòn ổn định, trường học hoạt động lại bình thường, chúng tôi có quay về trường cũ để được ôn tập trước lúc thi tốt nghiệp Tú tài toàn phần cũng như lập thủ tục dự thi Đại học. Nhưng số học sinh về dự ôn tập không đầy đủ, một số bạn bỏ thi, một số bạn khác đã theo gia đình ra nước ngoài thì phải? Tôi tiếc hoài việc mình đã để lỡ buổi học cuối cùng. Coi như một vết xước khiến cho vuông lụa đẹp mất đi một phần giá trị; quãng đời học sinh tươi đẹp, đáng nhớ nhất của tôi đã thiếu mất một ngày, không được trọn vẹn vuông tròn.
       Sau hai lần thi rớt Đại học, tôi nộp đơn xin xét tuyển vào Trường Cao Đẳng Sư Phạm Sông Bé. Việc này phải cảm ơn anh Kiên, con trai bác Mười là một cán sự phụ nữ của ấp tôi. Tôi và anh không hề học chung, không quen biết, chưa từng nói chuyện bao giờ. Lần đó tôi có việc đi vào nhà chị bạn bán gạo chung tổ thì gặp anh đang ngồi ở hàng hiên nhà. Do không quen nên tôi không chào mà cúi đầu đi thẳng. Bỗng anh gọi tôi và hỏi có biết thông tin tuyển sinh của trường Sư Phạm Sông Bé chưa? Tôi hỏi thăm, biết ít thông tin nên vội vàng liên hệ với trường để nộp đơn xin theo học. Mãi đến khi nhận lớp, tôi mới biết anh cũng vào học trường này, ở khối Toán Lý.
       Ngày tôi nghe nhà trường xướng tên mình được xếp vào lớp Sử Địa A, tôi đã gặp ngay thầy giáo sinh hoạt việc đó để xin chuyển qua lớp Văn. Ban đầu thầy không đồng ý, nói giải quyết cho tôi thì phải giải quyết cho những  sinh viên khác. Tôi buộc lòng trình bày với thầy tôi học khá môn Văn và Toán ở phổ thông, từng đoạt giải nhất cuộc thi Văn chương toàn trường nhân Lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng. Nếu tôi theo học lớp Sử Địa sau này sẽ không thể dạy tốt cho học sinh. Thầy không nói thêm gì, chỉ bảo tôi chấp hành theo sự xếp lớp của nhà trường, tôi buồn hiu khi ra về. Đến ngày nhập học, xem danh sách lớp chính thức của từng khoa, tôi suýt reo lên giữa sân trường vì tên tôi đã được chuyển sang lớp Văn C. Vào học rồi, tôi mới biết thầy giáo đó là Bí thư Đoàn của trường, giảng dạy và chủ nhiệm luôn lớp Sử Địa A. Không biết tôi có làm thầy buồn lòng vì đã từ chối làm học sinh của thầy hay không? Chắc là không đâu vì ngay ngày hôm đó, tôi đến gặp để cảm ơn thầy đã chuyển lớp cho tôi, thầy tươi cười bảo sau này nhớ dạy tốt bộ môn của mình.
       Quãng đời đi học của tôi bước qua một bước ngoặt mới. Việc đầu tiên là tôi bắt đầu sống xa gia đình, vào ở nội trú tại trường luôn. Do trường mới thành lập, chưa kịp xây dựng khu tập thể cho sinh viên nên chúng tôi được gởi ra nhà dân thời gian đầu khoảng nửa năm học. Ba chúng tôi được đón về nhà chị Tư Bí thư Xã Đoàn. Gia đình này làm nông, bác trai là lao động chính chuyên việc trồng trọt hoa màu còn bác gái chạy chợ mỗi ngày. Những ngày sống tại đây, chúng tôi học thêm được nhiều điều mới lạ; biết quay nước giếng, đập vỏ đậu phộng, ngào kẹo đậu phộng, muối dưa gang... Ngày chủ nhật không về nhà thì cùng bác trai lên rẫy đập đọt đậu xanh, đậu đen cho nó nảy nhiều tược sau này sẽ có nhiều trái. Gia đình chị Tư thương ba chúng tôi lắm, ngày nào có món ăn ngon cũng để dành phần vì biết suất cơm sinh viên thời bao cấp không đủ chất dinh dưỡng cho sức thanh niên. Đêm nào cả nhà thức khuya đập vỏ đậu phộng cho bác gái mang ra chợ bán cũng được ăn khuya thật ngon. Bữa thì kẹo đậu phộng, bữa chè đậu đen, bữa khoai môn luộc ăn với dưa mắm khèo mỡ. Ngay cả khi chúng tôi vào ở trong nhà tập thể của trường rồi, nhà có đám giỗ chị Tư cũng nhắn với người quen làm trong bếp ăn sinh viên gọi chúng tôi ra nhà ăn tiệc. Những ngày được ăn ngon, tôi càng nhớ nhà và thương người thân hơn vì biết họ đang sống trong thiếu thốn. Nhiều đêm tôi không ngủ được, nhớ lại ngày xưa bà ngoại và Mẹ từng đi phụ việc nhà cho chị Diệc Lành là con gái của dì Hai tôi. Bà và Mẹ không được ăn cơm nhà trên mà chờ các cháu ăn xong, bưng mâm cơm xuống còn gì ăn nấy. Một lần hai mẹ con thèm hột vịt luộc quá, chờ tối đến luộc hai quả trứng vịt rồi chui vào mùng ăn lén với nhau. Còn tình cảnh nào đáng buồn hơn những gì Bà và Mẹ đã trải qua? Tôi không tập trung học tập được vì đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến gia đình, mong mau chóng ra trường, đi dạy để có thể phụ giúp, đỡ đần cho Mẹ nhiều hơn.
        Những ngày còn học trong trường Sư Phạm, tôi đã biết tiện tặn để giúp đỡ gia đình. Khẩu phần lương thực ngày đó của sinh viên cao hơn dân thường. Duy nhất chỉ có năm đầu tiên là phải độn khoai mì khô, từ năm thứ hai là chúng tôi được ăn cơm trong hai bữa ăn chính, còn bữa sáng là ổ bánh mì không. Hai ngày cuối tuần sinh viên nào về thăm nhà thì báo cắt suất ăn, cuối tháng tính sổ sẽ được nhận lại số gạo và tiền ăn của những suất đó. Các bạn thường hay mang ra quán dì Hai Ú trước cổng trường để bán lấy tiền ăn chè, ăn bánh. Nhu yếu phẩm của sinh viên các bạn cũng mang ra đây bán luôn. Riêng tôi không bao giờ bán mà mang về cho gia đình. Dù không có bao nhiêu nhưng nhìn thấy Mẹ mừng rỡ là lòng tôi vui sướng vô hạn vì lương thực, nhu yếu phẩm rất cần thiết cho mọi nhà trong giai đoạn đó. Gia đình chị Tư hồi đó cũng hay gởi biếu gia đình chúng tôi những thứ nhà trồng được như khoai môn, đậu phộng, đậu xanh, dưa gang, đậu bún... Còn Mẹ tôi thì gởi biếu lại dầu hỏa, đó là thứ rất cần ở vùng nông thôn khi chưa có nguồn điện kéo tới.
        Những ngày học trong trường Sư Phạm vui nhất là trực ban. Lớp nào trực ban sẽ đảm nhận việc nấu ăn cho thầy cô và các bạn ở lại trường trong hai ngày cuối tuần. Bạn nữ lo khâu nấu nướng, còn bạn nam lo việc cung cấp nước. Bạn nào giỏi thì phụ trách chảo cơm, nấu không khéo cơm sẽ sống hoặc khê thì xấu hổ lắm. Bạn nào nấu ăn ngon thì lo món kho, món canh, nêm nếm phải cho vừa miệng và chia khẩu phần không bị thiếu hụt. Còn như tôi lúc bấy giờ chỉ được giao việc gọt rau củ. Ngày nào trực ban là được bữa no vì chắc chắn phần cơm cháy sẽ thuộc về nhà bếp. Cơm cháy nóng hổi, giòn rụm chấm muối sả thì ngon không thể nào diễn tả, ít ra là với chúng tôi thời bấy giờ.
        Ngày ra trường, tôi đăng ký đi một trong bốn huyện vùng cao của tỉnh Sông Bé. Biết là ở đó sẽ phải đối diện với rừng sâu nước độc, với căn bệnh sốt rét nhưng sẽ có chế độ ưu tiên chuyển vùng với một số tiền khá lớn, được phân phối giá chính thức một chiếc màn đôi, nhiều nhu yếu phẩm khác nữa. Tất cả những thứ trên tôi mang hết về cho Mẹ, coi như là những đóng góp đầu tiên có giá trị vật chất khi tôi bắt đầu đi làm.
        Sau này, vào những năm từ 1992_ 1996, tôi còn tiếp tục theo học lớp bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho giáo viên. Một lần trong kỳ thi lấy chứng chỉ, đề bài là phân tích hình ảnh con cá chép vượt vũ môn để hóa rồng, tôi vừa làm bài vừa khóc vì nghĩ thương Mẹ, cảm thấy mình bất hiếu vì không gặp hội phong vân, không mang lại niềm hãnh diện cho Mẹ khi nhìn thấy con mình thành đạt trên đường công danh sự nghiệp, bõ công Mẹ đã vất vả nuôi con biết bao năm trời.
        Giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy như vậy mà hay. Điều Mẹ cần ở chúng tôi là sự bình an, thanh thản và hạnh phúc chứ không phải là những thứ hào nhoáng, phù phiếm mà đôi khi có thể đánh mất nhân cách của mình.
         Mẹ ơi! Con học qua bao trường lớp nhưng Mẹ mới chính là người thầy đã dạy cho con biết sống đúng đạo lý làm người, biết yêu quý gia đình và sẵn sàng chịu đựng, hy sinh bản thân cho những gì tốt đẹp, cao quý nhất của cuộc sống.
                                                                Ngày 16/10/2013
                                                                                                
        

TÔI ĐI HỌC (2)



       Giữa học kỳ một năm lớp Tám, tôi chuyển về một trường Trung học tư thục ở gần Chợ Bà Chiểu. Sau khi ba mất, thầy Giám học thấy hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn khi đi viếng đám tang, muốn giúp đỡ nhưng Mẹ tôi từ chối vì lòng tự trọng, mới đề xuất chủ trường một hình thức khuyến học bằng việc giảm học phí cho bốn học sinh xếp đầu lớp về kết quả học tập trong tháng. Cũng nhờ việc này, Mẹ tôi bớt đi một phần gánh nặng lo cho tôi ăn học. Tuy vậy, nhà tôi cũng còn khó khăn lắm. Thỉnh thoảng, Mẹ tôi vẫn chạy xuống nhà dì mượn tiền những lúc túng hụt. Tôi còn nhớ, mỗi lần Mẹ xuống, dì gởi thức ăn về cho mấy chị em tôi. Tuy là thức ăn còn thừa của ngày hôm trước nhưng có nhiều thịt quay, xá xíu, gà rán trộn lẫn hầm bà lằng, ăn vẫn thơm ngon vô cùng. Sau lần đau bao tử nặng trước lúc ba tôi qua đời, sức khỏe của Mẹ xuống hẳn. Mẹ không thể bươn chải như ngày còn ở đất nhà dì trên Lái Thiêu được. May sao, cô bạn học cùng lớp giới thiệu và bảo lãnh cho tôi nhận dán bao đường cho một cơ sở gần nhà bạn. Cả nhà mừng rỡ vì có việc làm tại nhà, thu nhập cũng đủ trả tiền điện nước, mua rau mua cỏ. Dù nhà nghèo nhưng Mẹ tôi được an ủi vì các con đều học giỏi và hiếu thảo. Có lẽ ông Trời cũng có chút công bằng khi bù đắp cho Mẹ tôi niềm vui lớn lao này mà không phải ai cũng có được.
       Ngày ba tôi mất, dì Hai đến thăm nhà chúng tôi lần đầu tiên, đã khóc nức nở vì cám cảnh cho em mình số phần quá gian nan, lận đận. Dì không ngờ với số tiền dì cho lúc bán nhà đất ở Lái Thiêu, mẹ tôi chỉ mua được căn nhà bé xíu, tồi tàn đến như vậy. Mẹ tôi thú thật có giữ lại một ít phòng bất trắc và lo cho chúng tôi ăn học. Đám tang ba tôi xong, dì đến nhà giúi cho Mẹ tôi một khoảng tiền khá lớn, bảo tìm mua căn nhà khác rộng rãi hơn, có thể sau này dì sẽ ở với gia đình tôi lúc tuổi già vì thấy anh con nuôi bắt đầu trở tính. Mẹ tôi gom số tiền hiện có cộng thêm số tiền dì mới cho thêm đưa cho anh tôi mua căn nhà gần nơi anh đang dạy học. Dì có lên thăm ngôi nhà đó, mừng vô hạn nói sau này có gì chị em mình đùm bọc nhau mà sống. Em đừng quá lo lắng, chị thương em lắm dù chúng ta khác cha. Còn những món tiền ngày trước em mượn cho thằng Bảy ( ba tôi) làm ăn chị hứa xóa nợ cho em, đừng canh cánh bên lòng nữa. Sau đó gia đình tôi dọn đi, ngôi nhà ở Đồng Ông Cộ cho thuê lấy tiền cho tôi ăn học. Cho thuê không được bao lâu thì con gái người thuê nhà thấy ma mà tôi đã kể trong bài viết " Những linh hồn chưa siêu thoát ". Người thuê sợ quá định trả nhà nhưng sau đó tiếp tục thuê nhờ Mẹ tôi chỉ cho cách hóa giải. Hai năm sau thì miền Nam giải phóng, dân tị nạn chiến tranh ở xóm Đồng Ông Cộ đều dỡ nhà dọn về quê sinh sống. Mẹ tôi đành dỡ xác nhà ở đó mang về bán cho một người quen với giá rẻ mạt vì thật ra cũng chỉ có mấy cây cột cái là còn tốt chứ tôn và đòn tay, ván đóng vách đã cũ mèm, mục nát.
       Gia đình tôi lâm vào cảnh đói khát, khốn cùng hơn bao giờ hết. Năm đó tôi vừa thi Tốt nghiệp Tú Tài bốn môn xong. Lẽ ra tôi thi Tú Tài toàn phần IBM ( trắc nghiệm) theo chương trình đang học, cũng là khóa thi lần thứ hai thể nghiệm theo cách thức mới này. Nhưng do chuyển qua nguồn máy quản lý mới nên tôi thi Tú tài bốn môn gồm : Văn, Toán, Lý Hóa và Ngoại ngữ chính. Tôi rớt Đại học sau đó vì không làm được bài toán Vật lý con lắc nhúng trong nước. Tôi nhớ tôi chưa từng làm dạng toán này trong lớp bao giờ cả.
       Anh chị tôi lúc đó đã đi dạy, ba tháng liền tạm ngưng lương chờ làm lại các thủ tục lưu dung. Ba tháng không có lương đối với một gia đình sống bằng lương thì quả là thảm họa. Nhiều kỷ vật trong ngôi nhà của bà ngoại khi xưa mà lúc bán nhà, dì Hai cho Mẹ tôi mang theo lần lượt đội nón ra đi: bộ lư đồng, nệm gòn, bàn tủ, chén bát kiểu... Tuần nào em trai cũng đạp xe chở Mẹ tôi ra khu chợ trời chợ Bà Chiểu để bán quần áo cũ. Nói tiếng quần áo cũ nhưng toàn vải đắc tiền, may tiệm lớn, còn mới tinh mà vợ chồng anh con nuôi của dì tôi dạt ra mỗi khi may đồ mới. Dì tôi tiếc, gom cất chờ mỗi dịp Mẹ tôi xuống thăm là cho mang về để anh chị em tôi chia nhau mặc. Mẹ tôi cất cẩn thận, nay có dịp mang ra cứu nguy cho gia đình.
      Tôi còn nhớ vừa thi Tú Tài ngày hôm trước xong, hôm sau cả nước đã có lệnh giới nghiêm 24/24 để đổi tiền lần thứ nhất vào năm 1975. Mẹ tôi chỉ có trong người hai ngàn đồng tiền chế độ cũ. Trong lúc ngồi chờ tới phiên mình, Mẹ nhìn quanh thấy ai cũng cầm trên tay một bọc tiền to, người khá hơn là cả giỏ đệm. Riêng ông chủ lò đường mặt lộ vẻ căng thẳng, lo lắng với mấy bao bố tiền để bên cạnh chỗ ngồi. Mọi người ai cũng ngạc nhiên vì thấy Mẹ tôi đi tay không mà không tiện hỏi giữa chốn đông người. Đổi tiền xong, bác Tư hàng xóm là công nhân lò đường gần nhà trách mẹ tôi không có tiền sao không nói ra. Ông chủ lò đường nơi bác làm rất cần người đổi bớt giùm tiền sẽ cho một ít tiền công có phải đỡ cho gia đình lúc nguy khốn hay không? Mẹ tôi cười nói ai cũng có số cả, làm thế lỡ chính quyền biết được thì chết. Hai ngàn tiền cũ đổi ra tiền mới được không bao nhiêu, về tới nhà Mẹ còn phải cho chị tôi tiền đi xe đò xuống Long An dạy học, coi như không còn đồng xu nào dính túi nữa. Cũng nhờ việc đổi tiền đó, gia đình tôi được hội phụ nữ xã lập danh sách cấp cho 10 kilô gạo vì thuộc diện gia đình nghèo nhất vào thời điểm đó. Tôi lên ấp nhận gạo cứu đói nửa mừng nửa tủi, pha chút nghẹn ngào, xấu hổ.
       Để vượt qua khó khăn, Mẹ sinh phương kiếm sống bằng việc gói bánh tét cho tôi và em trai đi bán. Lần đầu tiên hai chị em ra ngồi cửa chợ, lớp lạ lớp ngại nên không dám mời khách qua lại mua bánh. Thời đó ai cũng nghèo đói cả, cơm sáng ở nhà là chính, có ai ăn quà bánh gì đâu. Mãi tới xế trưa, một dì ngồi bán mướp khía bên cạnh thấy tội hai chị em, hỏi mua ba cái và trả bằng số mướp còn lại chưa bán hết của mình. Tan chợ, hai chị em ra về vừa đói vừa nắng. Thấy gần chợ có một tiệm bánh ngọt lớn, tôi vào hỏi thăm xem họ có lấy mối bánh phục linh không để về nói Mẹ làm bán. Loại bánh này tôi biết làm vì Tết nào nhà tôi cũng làm bánh đó để đãi khách. Cô chủ mỉm cười bảo bánh của tiệm cô bán còn không được, sắp đóng cửa, mua bánh của tôi để làm gì... Hai chị em tiu nghỉu ra về, đói lã mà không dám lấy bánh ra ăn.
       Mấy ngày sau, Mẹ tôi mua khoai mì về nấu chín, bóp nhuyễn trộn với dừa nạo ăn kèm muối đậu, lội bộ bảy tám cây số bán dạo từng nhà trong xóm. Lần đó, Mẹ tôi bán được nửa thau. Cả nhà lại ăn khoai mì trừ cơm như lần bánh tét trước. Thấy nhà tôi khó khăn quá, nhỏ bạn học cùng lớp 12 ở gần nhà nói với người chị kêu tôi làm cỏ mướn. Tôi chưa quen làm cỏ bao giờ nhưng có việc làm nên mừng rỡ và hăng hái lắm. Bạn thương tôi, ra làm phụ để đỡ đần cho tôi và lúc ra về còn gởi cho nhiều cây trái trong vườn nhà. Làm một ngày, tôi lại thất nghiệp. Bạn thương tình rủ tôi qua nhà xúc tép năng trong ruộng lúa nhà bạn, bao nhiêu tép bạn xúc được đều đổ hết vào rọ của tôi. Gia đình bạn còn giữ tôi lại ăn cơm trưa xong mới cho ra về với một số chiến lợi phẩm như rọ tép, tắc, mía, bưởi..
      Nghỉ vài ngày, tôi lại có việc làm khác. Lần này chị Ba hàng xóm gọi tôi làm cỏ mía. Thửa đất trồng mía của chị vừa thu hoạch xong, đang chuẩn bị mùa sau, thợ đã phấp gốc và vun lại từng luống, tôi chỉ nhổ cho sạch cỏ xung quanh mà thôi. Buổi chiều vừa mới ra làm thì trời đổ mưa. Tôi không dám vào trú mưa vì nghĩ mình làm ăn công, vào trú mưa khác nào ăn gian tiền của chủ. Khi mưa bớt hạt, chị Ba đội nón, mặc áo mưa ra nhìn thấy tôi dầm mưa làm cỏ, người ướt như chuột lột mà đứng chết trân, rơm rớm nước mắt trách tôi sao khờ quá rồi vội cho ra về và trả tôi đủ một ngày công dù mới có khoảng hai giờ chiều.
       Từ đó, tôi không đi làm công cho ai nữa mà ngày nào cũng mang đơn lên Ban nhân dân ấp chứng lý lịch để xin việc làm. Bác Ba trưởng ban ấp thấy vậy nói tôi ra phụ bán gạo với tổ lương thực trong ấp, do ban cán sự phụ nữ ấp quản lý. Sau đó, Bác Ba còn nhờ tôi hỗ trợ bác vẽ bản đồ nông nghiệp cho cả ấp, tham gia công tác phổ biến đổi hộ khẩu mới ... Nhiều bà con  trong ấp kéo đến tụ điểm tôi triển khai vì theo họ, tôi giải thích rõ ràng, cặn kẽ, dễ hiểu hơn khu vực tổ họ vừa được sinh hoạt xong.
       Trong thời gian này, tôi vừa tham gia công tác địa phương, vừa ôn thi lại Đại học. Chính quyền địa phương thấy tôi hiền lành, làm việc tốt nên ưu tiên duyệt cho tôi tiêu chuẩn nhu yếu phẩm giống như những người tham gia công tác đoàn thể, an ninh trật tự của địa phương. Năm sau, tôi vẫn thi rớt Đại học nhưng sau đó nộp đơn và được xét tuyển vào Trường cao Đẳng Sông Bé thông qua bảng điểm thi Đại học. Ngày tôi xin nghỉ tổ phục vụ gạo để nhập học, tôi đến chào cảm ơn bác Ba đã tận tình giúp đỡ tôi suốt thời gian qua. Bác có vẻ không vui, khuyên tôi đừng theo học Sư Phạm, cứ tiếp tục tham gia công tác địa phương. Bác nói với trình độ và năng lực của tôi sẽ từ từ được đề bạt vào những vị trí xứng đáng. Tôi nhớ lời Ba tôi căn dặn các chị em theo ngành giáo để nối nghiệp ông nội là thầy đồ khi xưa nên từ chối. Bác Ba nói gia đình tôi khó khăn, bác sẽ nói với Tổ trưởng tổ gạo chi cho tôi 10 kg gạo để nộp cho trường Sư Phạm khi nhập học cho đỡ tốn tiền nhà, coi như phần thưởng cho công sức bấy lâu nay tôi đóng góp cho địa phương. Tôi cảm ơn bác Ba nhưng từ chối nhận vì tôi không muốn gây khó xử cho mọi người nếu việc này đồn đại ra ngoài.
       Để nộp cho nhà trường 10 kí lô gạo và mười hai đồng tạm ứng tiền ăn trong tháng trong khi chờ nhập tiêu chuẩn lương thực cho sinh viên, Mẹ tôi đã bán đôi bông mù u kỷ vật của bà ngoại để lại cho Mẹ. Mẹ trấn an tôi sau này có tiền mẹ sẽ mua lại. Hai tháng sau, trường hoàn lại cho sinh viên số tiền tương đương với khẩu phần ăn tạm ứng khi nhập học. Tôi mang tiền về đưa cho Mẹ, tiếc là Mẹ không thể nào mua lại được đôi bông kỷ vật của bà ngoại vì đã có người mua mất, hơn nữa gia đình lúc đó quá khó khăn nên Mẹ lấy đó mà chi dụng cho cuộc sống.
      Tôi là đứa con báo hại Mẹ nhiều nhất trong việc học hành của mình. Cả cuộc đời này, tôi luôn ray rức vì cảm thấy mình nợ Mẹ nhiều quá! Nếu không phải vì tôi thì tuổi già của Mẹ đã được đeo đôi bông kỷ niệm của ngoại như lời bà căn dặn lúc sinh tiền ... Ngày còn ở Đồng Ông Cộ, Mẹ tôi đã cầm rồi chuộc không biết bao nhiêu lần đôi bông mù u nhưng vẫn cố giữ lại kỷ vật của bà ngoại mà giờ đây đành phải mất đi vĩnh viễn... Mẹ tôi rất trân trọng giữ gìn hai kỷ vật của ngoại là đôi bông tai và chiếc túi đựng những chiếc răng lúc già ngoại rụng dần đi. Túi răng thì đã chôn theo khi cải táng bà ngoại, còn đôi bông thì ... Tôi thật đúng là đứa con bất hiếu nhất trên đời này! 
        Cuối cùng tôi đã bỏ dạy, vất hết tất cả những công lao học tập của bản thân và cả sự khó nhọc, vất vả, hy sinh của Mẹ để nuôi tôi ăn học... Tôi đáng chê trách quá phải không? Tôi quả không đáng làm con của Mẹ. Thế mà Mẹ đã không một lời trách cứ, lúc nào cũng khuyên tôi đừng lo buồn, hãy tin tưởng vào những gì ông Trời đã xếp đặt.
          Mẹ tôi đúng là hiếm có trên đời. Mẹ ơi! Con xin lỗi Mẹ. Con thương Mẹ nhiều lắm và nguyện sẽ tiếp tục làm con để báo hiếu cho Mẹ ở một kiếp mai sau.
                                                                   Ngày 16/10/2013